Đem mì Quảng qua Nhật Bản là một câu chuyện dài. Nấu mì Quảng ở quê đơn giản bao nhiêu thì sang xứ sở Hoa anh đào khó khăn bấy nhiêu vì thiếu đủ thứ nguyên liệu.
Những tô mì Quảng được nấu chiêu đãi quan khách ngay trên đất Nhật Bản. |
Bốn nghệ nhân nấu mì Quảng cùng với cái cối xay bột, gạo tráng mì và mớ gia vị dành cho món mì Quảng đã lên đường sang Nhật Bản. Họ đi theo lời đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam từ ý tưởng đưa mì Quảng sang giới thiệu ở xứ Phù Tang của Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản. Và món mì dân dã của xứ Quảng đã tạo ấn tượng ban đầu tốt đẹp với các chính khách ở Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng như các nhà báo ở đất nước mặt trời mọc.
“Sau bữa mì Quảng này, phía Nhật còn đề nghị được “chuyển giao” bộ công thức, gia vị và bộ dụng cụ để những người dân Nhật có thể tự nấu và thưởng thức mì Quảng Nam trên đất Nhật Bản”, ông Lê Văn Vĩnh, Giám đốc Công ty CP Nhà Việt (Vinahouse, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), người được giao nhiệm vụ “mang chuông đi đánh xứ người” hồ hởi kể lại.
Vậy là mì Quảng - món ăn dân dã đã bước ra khỏi ranh giới quốc gia, đem sự thơm thảo của đất đai quê nhà và tài nấu nướng của con người mộc mạc, chân chất Quảng Nam để nấu mì cho bạn bè ở xứ mặt trời mọc thưởng thức. Cũng từ đây, món mì Quảng ở lại Nhật Bản sau khi các nghệ nhân truyền lại công thức và tặng bộ dụng cụ nấu mì Quảng cho bạn.
Ông Vĩnh chia sẻ: “Khi được tỉnh Quảng Nam chọn đưa đoàn nghệ nhân cùng bộ dụng cụ nấu mì Quảng sang Nhật Bản để giới thiệu rộng rãi món ăn đặc trưng của quê hương, tôi vừa thấy tự hào, vừa lo lắng. Khi làm thủ tục, mong muốn của đoàn là muốn đem tối đa nguyên liệu, đồ nghề, đặc biệt là gia vị, ớt tươi, rau thơm... để có thể tổ chức nấu ra một tô mì ngay trên đất Nhật Bản nhưng ăn ngon không khác gì ngay tại Quảng Nam.
Trước đây, tôi nấu mì Quảng phục vụ bà con trong vùng chứ không nghĩ có ngày được mời nấu để trả lương, rồi được đi máy bay qua Nhật Bản nấu mì Quảng phục vụ khách. Nghệ nhân Lương Thị Thi |
Tuy nhiên, vì những quy định về an toàn hàng không nên rất tiếc nhiều thứ đã chuẩn bị sẵn nhưng phải bỏ lại, đó là nước, rau, ớt, nước mắm, một số đồ nghề. Chúng tôi vẫn quyết tâm đặt vấn đề và đưa bằng được bộ đồ nghề gồm cối đá, bộ đồ tráng bánh, gia vị lên máy bay bằng được. Mình không thể làm món ăn của mình với mọi thứ từ gia vị, đồ nghề, nước... ngay tại Nhật Bản được, bởi chỉ một thứ không đúng “gốc” thôi cũng khó tròn vị”.
Ông Vĩnh cho hay, nhà hàng ẩm thực Vinahouse của ông chuyên nấu các món đặc sản của Quảng Nam đặt ngay sát quốc lộ 1A - đoạn đi qua thị xã Điện Bàn, và mì Quảng được ông đầu tư tâm sức nhiều nhất. Để có đội ngũ phục vụ tại nhà hàng này, từ nhiều năm trước, tự ông Vĩnh đã tìm vào tận từng làng, tới từng gánh mì Quảng ngon nhất và mời các bà, các chị quang gánh theo ông về rồi ngồi nhóm lò nấu mì cho khách du lịch.
Từ đội ngũ này, ông Vĩnh chọn được 4 người để sang Nhật Bản nấu mì Quảng gồm: cụ Lương Thị Thi, Phạm Thị Nở, Nguyễn Thị Tuyết, ông Cao Tấn Nam. Đây là 4 trong số rất nhiều người giỏi nấu mì Quảng và đã được phong danh hiệu Nghệ nhân.
Các nghệ nhân mì Quảng đem theo cối xay bằng đá, gạo “xuyệt” của Quảng Nam, rau thơm, bộ đồ nghề đến Nhật và được bố trí không gian để tổ chức nấu nướng. Ở quê, xay bột làm mì từ nước giếng và tráng mì trên bếp đất nung, nấu mì bằng bếp củi. Khi qua Nhật phải sử dụng bếp từ nên những người nấu mì khá lóng ngóng.
Mì Quảng muốn ngon phải đúng vị, đúng chất, phải tráng bếp đất, xay bột bằng nước giếng tự nhiên, xắt ớt Gò Nổi thả vào nước mắm nhỉ nhưng trong điều kiện thiếu thốn, khác biệt đó, phải nấu cho ra món mì Quảng đúng chất Quảng Nam thật không dễ. Nghệ nhân Cao Tấn Nam bộc bạch: “Nấu mì Quảng giờ là kỹ năng thành thục của tôi rồi. Nấu mì ngon ở quê đơn giản vì có đầy đủ nguyên liệu, còn ở Nhật quả là rất khó khăn.
Các nhà báo của Nikkei (Nhật Bản) ghi hình cảnh nghệ nhân Cao Tấn Nam xay bột mì bằng cối đá để làm nguyên liệu nấu mì Quảng.Ảnh: N.H |
Chúng tôi 4 người chia ra mỗi người một công đoạn nấu mì. Tôi xay bột từ gạo mang đi từ nhà; cụ Thi tráng bánh; hai người còn lại làm rau, gia vị… Chúng tôi vừa làm vừa lo, đúng ra phải có bếp lửa thì nấu mới ra được mì Quảng nhưng không có lửa nên chúng tôi phải nấu bếp điện. Cái vất vả nhất là gạo và cối đá mang đi để xay bột, rất may chúng tôi mang qua được, chứ nếu phải sử dụng gạo Nhật, máy công nghiệp thì có thể món ăn sẽ không thành công”.
Đứng trước những tô mì Quảng bốc khói nghi ngút và thưởng thức vị ngon của món ăn này, hơn 20 quan khách ngoại giao và các nhà báo Nhật Bản không tiếc lời khen ngợi. Mì Quảng đã được giới truyền thông đất nước Phù Tang giới thiệu với “những lời có cánh”. Từ đây, mì Quảng ở lại với Nhật Bản và sánh vai với các món ăn truyền thống của đất nước này. Đó là điều mà từ bao đời nay, những con dân xứ Quảng chưa bao giờ nghĩ đến.
Nghệ nhân Lương Thị Thi hồ hởi kể chuyện: “Trước đây, tôi nấu mì Quảng phục vụ bà con trong vùng chứ không nghĩ có ngày được mời nấu để trả lương, rồi được đi máy bay qua Nhật Bản nấu mì Quảng phục vụ khách. Ở nhà, mình nấu mì theo thói quen, nấu quen tay rồi nên cứ làm bình thường mà khách ăn vẫn khen. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, do không có đầy đủ đồ nghề, đồ ăn kèm mì Quảng cũng thiếu nhiều nên cứ lo nấu xong sẽ không trọn vẹn. Nhưng quan khách đều khen ngon thì các nghệ nhân chúng tôi rất mừng. Chúng tôi còn được đề nghị tặng lại toàn bộ dụng cụ, đồ nghề, gia vị mang theo và dành thời gian hướng dẫn Đại sứ quán, quan khách phía Nhật nấu mì Quảng để khi đoàn về họ có thể tự nấu mì được”.
HOÀI GIANG