90 năm NGÀY thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2020)

Quyền lực và kiểm soát quyền lực ở nước ta

.

Ở nước ta, việc Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền đánh dấu sự chuyển biến căn bản trong tiến trình cách mạng của Đảng và của đất nước. Nhưng, chính điều đó cũng đặt ra hàng loạt yêu cầu mới đối với Đảng - về quy mô, tầm vóc, chiều sâu, kể cả những rào cản và cách thức để vượt qua.

Dĩ nhiên, trong đó, kiểm soát quyền lực của các cấp độ chủ thể cầm quyền là chủ đề đang tạo nên những cách hiểu, cách làm khác nhau và kết quả thực tế chưa hoàn toàn như mong đợi. Góp bàn thêm về chủ đề này trong bối cảnh Đảng ta đã và đang đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chuẩn bị các điều kiện để bảo đảm thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, thiết nghĩ cũng là việc làm thể hiện lương tâm và trách nhiệm của mỗi một công dân.

Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, ngày 7-10-2019. Ảnh: TTXVN
Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, ngày 7-10-2019. Ảnh: TTXVN

Thực tiễn cách mạng Việt Nam cuối thế kỷ XIX đến nay cho thấy: Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền, một mặt là thành quả tất yếu do những gì Đảng đã cống hiến, hy sinh trong cuộc đấu tranh vì quyền lợi chung của quốc gia, dân tộc; mặt khác sau đó được luật hóa thành sức mạnh pháp quyền. Đương nhiên, quyền lực đó chỉ có thể giữ vững khi quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm vì những gì Đảng đã, đang và sẽ làm được cho dân, cho nước.

Cũng như bất cứ đảng chính trị nào, trở thành đảng cầm quyền, là dấu hiệu cho thấy từ đây Đảng nắm được bộ máy Nhà nước - công cụ quyền lực hữu hiệu, để thông qua đó Đảng tác động, định hướng toàn bộ sự phát triển của xã hội theo nhu cầu lợi ích của Đảng và lợi ích của quốc gia, dân tộc, các tầng lớp nhân dân. Có trong tay quyền lực Nhà nước, nhưng Đảng phải thực sự tôn trọng quyền lực Nhà nước; Đảng không được bao biện, làm thay chính quyền; mọi đảng viên và tổ chức Đảng phải tuân thủ pháp luật.

Pháp luật thể hiện ý chí của Đảng, song sau khi ra đời, pháp luật ràng buộc trở lại hoạt động của đảng viên và tổ chức Đảng, không cho phép bất cứ cá nhân, tổ chức nào nhân danh Đảng để đứng trên hay đứng ngoài pháp luật, chấp hành pháp luật một cách tùy tiện. Cần tránh tình trạng lạm quyền, lấn át Nhà nước, nhưng lại không hạ thấp, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.

Bằng trải nghiệm thực tế trong thời kỳ đổi mới, có thể khẳng định rằng, tiến trình đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Đảng và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã mang lại cho chính chúng ta nhiều bài học quý của sự thành công và cũng giúp chúng ta nhận ra những vướng mắc, bất cập. Trong đó, dân chủ hóa và công khai hóa những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh là xu hướng tất yếu.

Nhờ không ngừng mở rộng và phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng và trong toàn xã hội, tăng cường tính công khai, minh bạch trong sự lãnh đạo, Đảng ta đã từng bước hoàn thiện phương thức cầm quyền, lãnh đạo xã hội. Cùng với đó, kinh nghiệm trong tổ chức, hoạt động của Đảng Cộng sản và Nhà nước kiểu mới, đặc biệt việc “cải tổ Bộ dân ủy kiểm tra Nhà nước” thành “Bộ dân ủy thanh tra công cộng”(1), thời kỳ 1920-1924  mà V.I. Lênin đã thực hiện có hiệu quả là một gợi ý.

Việc Đảng đã có những quyết sách, giải pháp để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức quần chúng trong phản biện các quyết sách của Đảng, của Nhà nước, đồng thời tham gia giám sát có hiệu lực hoạt động của cấp độ chủ thể có thẩm quyền trong bộ máy Nhà nước và trong các tổ chức Đảng là minh chứng... Có thể xem đó là nguyên nhân và động lực để công cuộc đổi mới trong gần 35 năm qua đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển đất nước theo mục tiêu Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển ấy - do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, trong bộ máy quyền lực nước ta đã xuất hiện dấu hiệu của “sự tha hóa quyền lực” - như  V.I. Lênin và Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo. Trong đó, đáng lo là một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, lạm dụng quyền lực để thỏa mãn lợi ích của cá nhân... Nguyên nhân của tình trạng trên là do:“Cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; việc công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế”(2).

Lãnh đạo thành phố kiểm tra tiến độ xây dựng Khu Công nghệ cao.Ảnh: HOÀNG HIỆP
Lãnh đạo thành phố kiểm tra tiến độ xây dựng Khu Công nghệ cao.Ảnh: HOÀNG HIỆP

Nói cách khác, kiểm soát quyền lực mặc dù đã được đề cập trong các quyết sách của Đảng và Nhà nước, nhưng chưa hữu dụng, hiệu lực trên thực tế. Những lỗ hổng, những chỗ chưa hoàn thiện về mặt thể chế dẫn đến một số quy định, quy trình trong công tác cán bộ chưa đồng bộ, chặt chẽ, tạo kẽ hở cho những người có quyền trong tham mưu cũng như trong bổ nhiệm cán bộ lợi dụng để trục lợi, “chạy chức, chạy quyền”, ban phát quyền lực cho một người hay một nhóm người nào đó nhằm mưu cầu lợi riêng... Đó là nguy cơ thật sự đối với uy tín của Đảng, “sự tồn vong của chế độ”.

Trên thực tế, với thế và lực mới, từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng nói chung và phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ nói riêng đã được Đảng ta đặc biệt quan tâm cải thiện, nâng cao hiệu lực cả về nội dung các quyết sách lẫn phương thức thực hiện. Để chấn chỉnh công tác cán bộ, đặc biệt là việc điều động, luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ, Đảng ta đã ban hành nhiều quy chế, quy định nhằm siết chặt, không tạo kẽ hở cho công tác này...

Thực thi quyền lực và kiểm soát quyền lực một cách đúng đắn, không chỉ bảo đảm cho sự lãnh đạo, quản lý vận hành bộ máy có hiệu lực, hiệu quả mà còn góp phần phòng ngừa tiêu cực, lạm quyền trong công tác cán bộ - nội dung hợp thành sứ mệnh, trách nhiệm của Đảng. Vì thế, trong bối cảnh chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc khóa XIII, việc Đảng ta ban hành Quy định số 205-QĐi/TW “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” là hết sức cần thiết.

Theo đó, quy định này đã giải thích rõ: “Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ”(3).

Quy định cũng xác định rõ các nội dung liên quan: Trách nhiệm của từng cấp độ chủ thể có thẩm quyền (cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo, thành viên, người đứng đầu ở địa phương, cơ quan, đơn vị,  cán bộ tham mưu, đề xuất và nhân sự); giải thích rõ các hành vi chạy chức, chạy quyền và việc xử lý trách nhiệm. Tổ chức thực hiện hiệu lực, hiệu quả nội dung quy định này là trách nhiệm của toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên.

Tất nhiên, ngoài những yêu cầu về hoàn thiện thể chế, thực tế cũng cho thấy, cho dù thể chế có hoàn thiện bao nhiêu, chất lượng-phẩm chất đạo đức, trí tuệ và kỹ năng của những con người, đặc biệt là những người đứng đầu các tổ chức, bộ máy quyền lực, vẫn là yếu tố quyết định hiệu lực, hiệu quả sự vận hành của mọi cộng đồng. Trong điều kiện thể chế đang trong quá trình củng cố, hoàn thiện, Đảng ta đã xác định:

“Xây dựng và thực hiện có hiệu quả nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó chú trọng xây dựng hệ thống chuẩn mực các mối quan hệ của cán bộ, đảng viên với tổ chức Đảng và với nhân dân. Hằng năm, người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên có cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; các cấp ủy, tổ chức Đảng kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình”(4).  

Làm tốt các việc trên là tạo lập bệ đỡ vững chắc, bảo đảm khẳng định vị thế của Đảng, tạo sự đồng thuận giữa Dân với Đảng - động lực lớn lao để đất nước ta vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội phát triển, thỏa mãn mong ước “xây dựng đất nước to đẹp hơn mười ngày nay” của Bác Hồ kính yêu trước khi Người đi xa.

Thực thi quyền lực và kiểm soát quyền lực một cách đúng đắn, không chỉ bảo đảm cho sự lãnh đạo, quản lý vận hành bộ máy có hiệu lực, hiệu quả mà còn góp phần phòng ngừa tiêu cực, lạm quyền trong công tác cán bộ-nội dung hợp thành sứ mệnh, trách nhiệm của Đảng.

PGS.TS Hồ Tấn Sáng

(1) V.I. Lênin, Toàn tập, NXB Tiến bộ.M, 1977, tập 41, tr 39.
(2) Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
(3)  Điểm 2, Điều 2 của Quy định.
(4) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Lưu hành nội bộ). Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr 37-38.

;
;
.
.
.
.
.