Báo Đà Nẵng Xuân 2020
Chuyện "cũ-mới"
Chuyện “cũ-mới”, có lẽ là đề tài thiên hạ bàn thảo nhiều nhất trong đời sống hằng ngày ở mọi nơi, mọi lúc chứ chẳng đợi đến thời điểm trước thềm năm mới. Tuy vậy, ở thời đoạn bước sang “tuổi 20” của thế kỷ XXI, trước những thay đổi đến chóng mặt khắp toàn cầu với các toan tính và quan niệm đa chiều, đất nước ta cũng đang tìm mọi phương sách tăng tốc để không chậm bước với bạn bè thì chuyện “cũ-mới” thực sự trở thành vấn đề thời sự. Trong bối cảnh đó, trước thềm Xuân Canh Tý, bàn chuyện “cũ-mới” với Đà Nẵng, thành phố nổi tiếng năng động, hẳn cũng… vui và có thể khơi gợi một vài ý tưởng bổ ích.
Trên đỉnh Hải Vân. Ảnh: T.THU |
Xin mời các bạn “trở về” với Đà Nẵng từ hơn một thế kỷ trước, qua đoạn trích hồi ký “Xứ Đông Dương” (NXB Thế giới và Alphabooks - 2016) - cuốn sách dày hơn 600 trang khổ lớn của Paul Doumer, Toàn quyền Pháp tại Đông Dương từ 1897-1902 và là Tổng thống Pháp năm 1931-1932. Năm 1903, Paul Doumer đã viết:
“… Phải nói rằng hành trình vượt đèo Hải Vân thật tuyệt vời… Chúng tôi đang ở trên đèo. Những đám mây bao quanh chúng tôi bay rất nhanh, vội vàng, tan loãng, rồi gió thổi chúng đi xa… Đà Nẵng xuất hiện. Thật đắm say. Không có một cảnh thần tiên nào của Địa Trung Hải mà vừa đẹp mắt lại vừa hùng vĩ như vậy. Ta lấy vịnh đẹp nhất của Pháp là Villefranche, thuộc vùng Coote d’ Azur để làm ví dụ; phải lấy diện tích của vịnh đó mà nhân gấp 10, 20 lần; và lấy các vùng đất cùng độ cao của các dãy núi tại vịnh đó mà nhân lên cả trăm lần, ta mới có được Đà Nẵng với những vùng vịnh và đồng bằng được nhìn thấy từ đèo Hải Vân…”.
Đọc lại trang sách cũ, chúng ta càng cảm thấy Việt Nam quả là có diễm phúc đã được tạo hóa ban cho một báu vật kỳ diệu đến mức Toàn quyền Pháp cũng phải “ghen tị” và thèm muốn!
Hơn một trăm năm qua từ ngày đó. Nhắc lại trang sách cũ để thấy sự tự hào của những chủ nhân Đà Nẵng trong 45 năm qua là xứng đáng. Các thế hệ đi trước cũng đã trăn trở và đổ nhiều công sức để biến vùng vịnh “vừa đẹp mắt lại vừa hùng vĩ” dưới chân đèo Hải Vân dần trở thành một thành phố lớn nhất miền Trung. Tuy vậy, trước 1975, Đà Nẵng, trong tâm trí nhiều người là một căn cứ quân sự lớn; 45 năm qua, mặc dù phải trải qua một thời đoạn chịu những trở ngại về địa giới và tư duy “bao cấp”, những chủ nhân mới của Đà Nẵng, với cách nghĩ mới táo bạo, đã không chỉ xây dựng được cảng biển tấp nập tàu vào ra mà đã biến “thành phố buồn” hơn một thế kỷ trước, trở thành một đô thị hoành tráng, hiện đại…
Trong “Lời tựa” hồi ký của Paul Doumer, ông Jean-Noel Poirier, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam hiện nay, đã viết: “… Nói theo tâm linh của người Việt Nam, chắc hẳn ông Doumer sẽ ngậm cười nơi chín suối vì cuốn hồi ký của ông được trở lại Việt Nam vào thời điểm mà quan hệ Pháp-Việt đang có những bước phát triển mới đầy hứa hẹn…” Có lẽ cần nói thêm rằng, nếu vong linh “ông” có dịp “bay” trở lại Đà Nẵng hôm nay, nhất định ông sẽ bị lạc để rồi mãi “đắm say” với những công trình mới đã tô điểm cho khung cảnh “thần tiên” xưa đẹp ngàn lần hơn…
Thực ra, nói cho công bằng, trong thời đại mở cửa ngày nay, với vị trí có thuận lợi nhiều mặt để kêu gọi đầu tư như Đà Nẵng, việc xây dựng một đô thị hoành tráng, hiện đại không phải quá khó khăn. Và trong quá trình cải tạo, mở mang những khu phố cũ thành Đà Nẵng sôi động đầy sức hấp dẫn hiện nay, bên cạnh dàn đồng ca hân hoan tán thưởng cũng có vài nốt lặng không hài lòng. Không chỉ Đà Nẵng, hầu như tất cả các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Nha Trang, Huế… trong quá trình “thay cũ đổi mới” đều vấp phải bài toán nan giải giữa “bảo tồn” và “phát triển”.
Và như thế, không chỉ ở Việt Nam và Đà Nẵng, cả thế giới, trong xu thế hiện đại hóa cuộc sống, việc “thay cũ đổi mới” luôn phải tính đến “được và mất” - cũng có thể nói đó là “bi kịch của sự phát triển”. Việt Nam, mặc dù đang ở giai đoạn thúc đẩy tăng trưởng, nhưng trước các “vấn nạn” về môi trường sinh thái như việc ứ đọng rác thải ở các thành phố, lũ cuốn, lũ ống khốc liệt ở vùng núi, nước biển dâng… thì mỗi địa phương phải luôn nghĩ đến điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảnh báo: “Chúng ta không phát triển bằng mọi giá…”.
Ngày hội sông Hàn.Ảnh: THÁI QUÁN CHÚNG |
Trước thềm năm mới Canh Tý, đó là một trong những tư duy mới cần được thể hiện khi hoạch định các dự án mới. Với thời đại công nghệ “4.0”, tư duy mới càng có vai trò quan trọng. Trong sự nghiệp chống ngoại xâm, Đà Nẵng đã đi đầu. Hy vọng là bước sang giai đoạn tăng tốc, bứt phá, là năm bản lề của một giai đoạn phát triển, Đà Nẵng lại mạnh mẽ bước tới, mạnh dạn với những cách làm mới - đó mới là yếu tố hàng đầu tạo nên tăng trưởng và cuộc sống hạnh phúc.
Để có được như vậy, đúng là phải hành động, có khi bắt đầu từ cái có thể bị coi là nhỏ nhặt. Trong những năm qua, những chương trình hoạt động của các bạn học sinh, sinh viên, cũng như người dân có hàng chục, thậm chí cả trăm dự án tuyên truyền về hạn chế sử dụng túi ni-lông gây ô nhiễm môi trường, phân loại rác thải tại nguồn, nhặt rác làm sạch bãi biển… Có lẽ, Đà Nẵng là một trong những địa phương trên cả nước có các hoạt động mạnh mẽ này. Tôi nghĩ, nếu như năm 2020, Đà Nẵng sẽ là thành phố có thể phân loại rác thải triệt để từ mỗi hộ dân và có nhà máy xử lý rác hiện đại nhất nước, thì môi trường của thành phố trong tương lai gần bảo đảm xanh, sạch, đẹp như kỳ vọng của bao người.
Có thể lại có bạn bảo đó là chuyện nhỏ. Nhưng không bắt đầu từ chuyện nhỏ, làm sao có… gan làm chuyện lớn. Mà với “phong cách” thành phố cửa mở, không ngừng đổi mới của Đà Nẵng những năm qua, trước thềm năm mới, chúng ta tin rằng Đà Nẵng sẽ xuất hiện những ý tưởng lớn để góp phần xây dựng thành phố ngày càng khang trang, tươi đẹp hơn.
Nguyễn Khắc Phê