Công nghiệp sáng tạo: Động lực mới phát triển nền kinh tế đất nước

.

Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng – DNES đã có một chuyến đi giao lưu và nghiên cứu các không gian văn hóa sáng tạo tại hai quốc gia châu Âu đi đầu trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và công nghiệp sáng tạo là Vương quốc Anh và Vương quốc Bỉ. Chuyến đi nằm trong khuôn khổ Dự án Không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam 2018-2021 do Liên minh châu Âu và Hội đồng Anh (British Council) đồng tài trợ.

Ảnh:  X.SƠN - KHANG NINH
Ảnh: X.SƠN - KHANG NINH

Chuyến đi đã để lại những ấn tượng sâu sắc đối với đoàn Việt Nam khi được trực tiếp chứng kiến sự thành công và trao đổi kinh nghiệm với các không gian văn hóa sáng tạo. Nhân sự kiện này tôi có đôi điều suy nghĩ về khả năng xây dựng các không gian văn hóa sáng tạo nói riêng và nền công nghiệp sáng tạo của thành phố Đà Nẵng và nước ta trong công cuộc phát triển kinh tế hiện nay.

Không gian văn hóa sáng tạo là một địa điểm, có thể là địa điểm thực hoặc địa điểm trực tuyến, là nơi đem những con người sáng tạo đến với nhau. Đó là nơi tụ họp, chia sẻ không gian và hỗ trợ cho các hoạt động kết nối, phát triển kinh doanh và thu hút cộng đồng trong các lĩnh vực sáng tạo, văn hóa và công nghệ. Đây là một lĩnh vực (loại hình) trong hàng chục lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa.
Công nghiệp sáng tạo được phát triển dựa trên nền tảng công nghiệp văn hóa nhưng không bị giới hạn, bó buộc bởi văn hóa, nó có phạm vi rộng hơn công nghiệp văn hóa. Cả hai ngành đều vận dụng đến trí tuệ, tính sáng tạo của con người, nên đều thuộc “nền kinh tế sáng tạo” - đó là nền kinh tế kết hợp ba yếu tố kinh tế, văn hóa và tiến bộ công nghệ.

Ảnh:  X.SƠN - KHANG NINH
Ảnh: X.SƠN - KHANG NINH

Tuy nhiên, điểm khác biệt rõ ràng nhất của hàng hóa, dịch vụ văn hóa đó là nó mang những giá trị, đặc trưng văn hóa mà người ta không thể định lượng bằng tiền bạc, của cải được, nhất là các sản phẩm văn hóa mang tính biểu trưng cho một cộng đồng, một đất nước. Trong khi, sản phẩm sáng tạo mang lại những lợi ích hữu dụng cho cuộc sống nhiều hơn. Phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế mà còn thúc đẩy và duy trì sự đa dạng văn hóa. Để đạt được cả hai mục tiêu đó, các nhà hoạch định chính sách cần đưa ra những quyết sách đúng đắn, nhằm cân bằng giữa hiệu quả kinh tế và bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa dân tộc.

Ngày nay, sáng tạo được coi là nguồn lực chính của nền kinh tế tri thức, nói cách khác “sáng tạo” là nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế, và công nghiệp sáng tạo giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế này. Liên Hợp Quốc đã khẳng định nền kinh tế sáng tạo là lựa chọn khả thi đối với các nước đang phát triển trong bối cảnh kinh tế-xã hội đang biến đổi nhanh chóng như hiện nay. Thực tế, ngay cả khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng mang tới những cơ hội tốt cho nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển năng động có thể thử nghiệm các lựa chọn đường lối kinh tế mới và tạo ra được các bước nhảy vọt như thực tiễn đã chứng minh giai đoạn suy thoái kinh tế vừa qua (như bài học của Việt Nam). Theo số liệu của Liêp Hợp Quốc năm 2008, công nghiệp sáng tạo đóng góp vào GDP các nước từ 3,5% đến 11% (Hoa Kỳ: 11,12%, các nước Singapore, Hungary, Nga: 6 - 7%); giá trị thương mại của hàng hóa, dịch vụ sáng tạo trên thế giới năm 2010 đạt 900 tỷ USD.

Ảnh:  X.SƠN - KHANG NINH
Ảnh: X.SƠN - KHANG NINH

Riêng tại châu Âu, ngành công nghiệp sáng tạo đóng góp 3% cho GDP, 10% kim ngạch xuất nhập khẩu và tạo ra 6 triệu việc làm. Đặc biệt, tại Hồng Kông 85% thu nhập quốc dân từ nguồn thu dịch vụ giải trí, truyền hình, quảng cáo. Hoa Kỳ được coi là quốc gia có vị trí hàng đầu về công nghiệp sáng tạo trên thế giới. Năm 2014, công nghiệp sáng tạo của họ có hơn 750.500 doanh nghiệp, thu hút 3,1 triệu lao động, giá trị xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ văn hóa, nghệ thuật đạt 72 tỷ USD…

Một thực tiễn khác, công nghiệp sáng tạo là công cụ quan trọng cho việc hình thành “quyền lực mềm” của quốc gia khi tạo ra thương hiệu nổi tiếng được thế giới công nhận (ví dụ: truyền hình và phim ảnh Mỹ, phim tình cảm và mỹ phẩm Hàn quốc; các câu lạc bộ bóng đá Liverpool, Chelsea (Vương quốc Anh); thương hiệu Made in Japan...). Hiểu được vai trò và sự cần thiết của công nghiệp sáng tạo, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 như là “một phần không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế quốc gia.

Chiến lược công nghiệp văn hóa Việt Nam đã định nghĩa các ngành công nghiệp văn hóa bao gồm những ngành: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi; giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế (thời trang và trang sức, đồ họa, nội thất); điện ảnh (và video); xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật (tranh, tượng); nhiếp ảnh và triển lãm (nghệ thuật thị giác); truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa. Các ngành được định nghĩa trong công nghiệp văn hóa khá rộng, bao quát hầu hết các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trong ngành công nghiệp sáng tạo như các nước phát triển.

Ảnh:  X.SƠN - KHANG NINH
Ảnh: X.SƠN - KHANG NINH

Tuy vậy, theo tôi cần xem xét bổ sung thêm một số lĩnh vực chưa được định nghĩa trong chiến lược là: âm nhạc (nói chung, không chỉ phần biểu diễn); festival (liên hoan phim-nghệ thuật, lễ hội...); không gian sáng tạo (trung tâm đổi mới sáng tạo, không gian làm việc chung...); ẩm thực;… Nền kinh tế, doanh nghiệp nước ta và thành phố hơn lúc nào hết cần tiếp cận toàn diện nền kinh tế tri thức và đầu tư hiệu quả cho ngành công nghiệp sáng tạo phát triển trong thời kỳ mới. Với nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc đang hội nhập với nhiều nền văn hóa thế giới, chúng ta cần sớm đưa công nghiệp sáng tạo thành động lực quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước như nhiều quốc gia trên thế giới.

Sau đây có thể là những chính sách trước mắt và lâu dài để phát triển nền công nghiệp sáng tạo của thành phố Đà Nẵng và của nước ta: Hoàn thiện Chiến lược công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo với các chính sách toàn diện hơn, cần xác định công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo là một mục tiêu chiến lược quan trọng trong xây dựng đất nước, nhằm tạo ra động lực phát triển mới của nền kinh tế; phải sớm có cơ chế, chính sách tạo môi trường sáng tạo thông thoáng cho công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa, cho nghệ sĩ, nghệ nhân và tổ chức, doanh nghiệp làm nghệ thuật, làm công nghiệp văn hóa được phát triển, đặc biệt là chính sách ưu đãi về thuế, đầu tư, vay vốn, xã hội hóa và chính sách đầu tư tài nguyên, vốn công thỏa đáng cho xây dựng hạ tầng các ngành văn hóa, nghệ thuật làm nền tảng cho công nghiệp sáng tạo có cơ hội phát triển.

Ảnh:  X.SƠN - KHANG NINH
Ảnh: X.SƠN - KHANG NINH

Quan trọng nhất vẫn là chính sách đào tạo nhân tài trong văn hóa, nghệ thuật, công nghệ. Sáng tạo xuất phát từ con người, những sáng tạo độc đáo luôn đến từ những nhân tài đặc biệt. Để trở thành người tài, ngoài năng khiếu bẩm sinh họ còn phải được đào tạo công phu, bài bản, nhất là những tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Cần sớm đưa nội dung giảng dạy nghệ thuật từ chương trình phổ thông.

Đầu tư phát triển hệ thống dạy nghề, các chương trình đại học và sau đại học tại các khoa, trường văn hóa, nghệ thuật thành những chuyên ngành đi đầu, đào tạo được nhiều chuyên gia và tài năng văn hóa, nghệ thuật để cung cấp nhân lực chất lượng cao cho nền công nghiệp sáng tạo của thành phố và nước nhà trong tương lai.

TS Võ Duy Khương
(Chủ tịch Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng)

;
;
.
.
.
.
.