Thể thao Việt Nam, hướng đến những "mùa Vàng"

.

Chỉ đặt mục tiêu giành 65 - 70 HCV và nỗ lực nằm trong nhóm 3 quốc gia dẫn đầu Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games 30) 2019, song, các VĐV Việt Nam xuất sắc đạt kết quả ngoài mong đợi. Giành tổng số 287 huy chương; trong đó, có 98 HCV, 85 HCB, 104 HCĐ; đứng thứ nhì trên bảng tổng sắp, chỉ kém nước chủ nhà Philippines (149 HCV, 117 HCB, 120 HCĐ) và lần đầu tiên không phải là nước chủ nhà, đoàn Thể thao Việt Nam vượt xa đoàn thứ ba Thái Lan (92 HCV, 103 HCB, 123 HCĐ).  

Đội tuyển Cử tạ Việt Nam có một kỳ SEA Games  thành công khi giành đến 4 HCV, 5 HCB, 1 HCĐ dù chỉ tiêu chỉ giành 3 HCV.
Đội tuyển Cử tạ Việt Nam có một kỳ SEA Games thành công khi giành đến 4 HCV, 5 HCB, 1 HCĐ dù chỉ tiêu chỉ giành 3 HCV.

Thành công của thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 đã được nhật báo Thái Lan SMMSPORT ghi nhận: “Không chỉ vượt Thái Lan về tổng số HCV, đoàn VĐV Việt Nam còn giành được 70 HCV ở các môn thể thao trong hệ thống Olympic, so với 69 HCV của Thái Lan. Việc dẫn đầu SEA Games 30 của đoàn Việt Nam là hoàn toàn có thể nếu Phlippines không dựa vào những môn thể thao truyền thống của mình”.

Với thành tích tại SEA Games 30, lần thứ hai liên tiếp, Điền kinh Việt Nam tiếp tục vượt qua Thái Lan - một quốc gia rất mạnh về môn thể thao “Nữ hoàng”. Trên “đường đua xanh”, các kình ngư Việt Nam chỉ xếp sau Singapore, một cường quốc bơi lội của Đông Nam Á. Đó còn là những tấm HCV lịch sử của tay vợt Lý Hoàng Nam ở nội dung cá nhân nam Quần vợt, bộ HCĐ của đội tuyển Bóng rổ nam 5 x 5 và đội tuyển Bóng rổ nam 3 x 3 cũng như thành tích lần đầu tiên lọt vào bán kết của đội tuyển Bóng rổ nữ 3 x 3. Trên sân cỏ, các đội tuyển đã mang về những chiến thắng ấn tượng khi đội tuyển nữ Việt Nam vượt qua Thái Lan để lần thứ 6 giành HCV và lần đầu tiên, đội tuyển U22 Việt Nam đăng quang tại đấu trường SEA Games.

Tại buổi gặp mặt 2 đội tuyển Bóng đá nữ và U22 Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, bóng đá Việt Nam nói riêng, thể thao Việt Nam nói chung thành công nhờ chúng ta có những HLV xuất sắc, giàu khát vọng chiến thắng. Bên cạnh đó, thể thao Việt Nam còn có một lớp VĐV tài hoa, có bản lĩnh, vì “màu cờ, sắc áo”. Không hề ngoa ngôn khi cho rằng, những thành công ấy còn có cả mồ hôi, công sức lẫn máu của các VĐV khi dù chưa có điều kiện lý tưởng để tập luyện, thi đấu nhưng các VĐV Việt Nam đã nỗ lực hết mình để mang vinh quang về cho Tổ quốc, như đánh giá của Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn.

Có chứng kiến cảnh những tuyển thủ bóng đá nữ phải nén chặt những cơn đau bởi chấn thương, vắt đến giọt sức lực cuối cùng để giành thắng lợi cam go trước đội tuyển nữ Thái Lan mới cảm nhận được thế nào là nỗ lực, là sự tận hiến. Và không khó để hiểu vì sao một Nguyễn Thị Oanh gục ngã ngay vạch đích với thành tích vô địch nội dung chạy 3.000 mét, lập kỷ lục SEA Games, bởi trong buổi sáng cùng ngày, cô gái Bắc Giang này cũng là người giành HCV nội dung chạy 5.000 mét nữ. Hay Vương Thị Huyền nén nỗi đau bố mất để tập trung luyện tập, thi đấu và giành HCV Cử tạ hạng 45kg nữ đầy thuyết phục…

Thành công từ SEA Games 30 chính là sự khẳng định về đường hướng đầu tư chiến lược đúng đắn của ngành thể dục-thể thao (TDTT) với việc tập trung cao cho những môn Olympic. Trong đó, việc đầu tư trọng điểm cho một số HLV, VĐV được xem là một trong những nguyên nhân cơ bản để giúp thể thao Việt Nam gặt hái được thành công vang dội tại đấu trường SEA Games lần này. Thành tích HCV của các đô cử Vương Thị Huyền, Lại Gia Thành; kiếm thủ Vũ Thành An; VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh hay “kình ngư” trẻ Trần Hưng Nguyên là những minh chứng rõ nét.

Những thành quả hôm nay, sẽ là động lực, song cũng là áp lực khi SEA Games 31 (2021), Việt Nam sẽ là quốc gia chủ nhà. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhắn nhủ: “Thắng không kiêu, bại không nản”. Tạo điều kiện cho thể thao Việt Nam vươn xa, Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung kinh phí hơn 100 tỷ đồng cho Tổng cục TDTT trong việc thực hiện nhiệm vụ năm 2019 cũng như phê duyệt đề án đào tạo VĐV tài năng để Tổng cục TDTT phối hợp thực hiện với các địa phương trong thời gian tới.

Mục tiêu hướng đến đấu trường châu lục và thế giới của thể thao Việt Nam không viển vông khi chúng ta từng có những thành công với HCV của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh cùng những tấm HCB của Karateka Trần Hiếu Ngân hay Đô cử Hoàng Anh Tuấn tại đấu trường Olympic. Chắc hẳn, những chặng đường phía trước còn lắm gian nan nhưng với sự quan tâm hết mực từ Chính phủ, sự nỗ lực của đội ngũ HLV và các VĐV cùng “bản lĩnh Việt Nam”, hoàn toàn có cơ sở để tin vào những “mùa Vàng” của Thể thao Việt Nam.

BẢO AN

 



 

;
;
.
.
.
.
.