25 NĂM QUẢNG NAM - ĐÀ NẴNG

Trước sau tình cảm nồng nàn

.

Ngày 6-11-1996, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX ra nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Hành trình 25 năm ấy, với tinh thần “chia nhưng không tách”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Nam, Đà Nẵng đã hỗ trợ, giúp đỡ cùng nhau đạt được những kỳ tích đáng tự hào.

Lễ tiễn cán bộ vào Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam năm 1997.
Lễ tiễn cán bộ vào Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam năm 1997.

Thời khắc lịch sử

Ngày 21-2-1997, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lâm thời tổ chức lễ tiễn đưa và đón tiếp các cơ quan của tỉnh Quảng Nam di chuyển vào tỉnh lỵ Tam Kỳ. Lễ tiễn đưa diễn ra tại tiền sảnh Nhà hát Trưng Vương, thành phố Đà Nẵng. Lễ đón diễn ra ở Quảng trường 24-3, thị xã Tam Kỳ.

Trong không khí náo nhiệt của sự kiện trọng đại, dẫn đầu đoàn quân vào xây dựng quê hương Quảng Nam là hình ảnh một người lãnh đạo với hình dáng thấp gầy, ông chính là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Mai Thúc Lân. Lúc đó, ông đã ở tuổi ngoài 60, từng được Trung ương điều đến nhiều nơi để gánh vác những nhiệm vụ khó khăn.

Tháng 2-1979, đang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc, ông được cử làm Phó đoàn chuyên gia Việt Nam tại Campuchia. Hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, ông về làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Bắc. Năm 1994, khi đang là Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội, ông được Bộ Chính trị tin tưởng, lựa chọn giao trọng trách làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau khi chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, một lần nữa ông lại được Bộ Chính trị phân công đến nơi khó khăn, thiếu thốn, làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.

Trở lại sự kiện trong những ngày chuẩn bị công tác chia tách tỉnh, theo ký ức của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng Mai Thúc Lân, ngày 7-10-1996, ông nhận được công điện của Trung ương với nội dung: “Bộ Chính trị đã nhất trí chia tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và nâng cấp thành phố Đà Nẵng lên thành phố trực thuộc Trung ương. Tỉnh ủy phải chỉ đạo hoàn tất thủ tục để kịp trình Quốc hội quyết định trong cuộc họp giữa tháng 10”.

Đây là vấn đề quá gấp. Cái khó là cần phải mở rộng địa giới hành chính thành phố thế nào cho hợp lý để có điều kiện phát triển; mặt khác bảo đảm cho Quảng Nam không quá khó khăn là vấn đề không đơn giản. Bởi vì đây không chỉ là vấn đề quyền lợi đơn thuần, mà còn là vấn đề tình cảm, tâm lý của cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Trước tình hình đó, Bí thư Mai Thúc Lân tổ chức cuộc họp liên tịch giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Lúc đó, có 4 phương án về địa giới hành chính của thành phố Đà Nẵng được đặt ra: thành phố Đà Nẵng hiện tại và các huyện Hòa Vang, Điện Bàn, thị xã Hội An; thành phố Đà Nẵng hiện tại và huyện Hòa Vang; thành phố Đà Nẵng và thêm một số xã phụ cận của Hòa Vang và Điện Bàn; thành phố Đà Nẵng hiện tại và các huyện Hòa Vang, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Hội An.

Trong thảo luận, có ý kiến đề nghị chia thành Quảng Nam và Quảng Đà như trước giải phóng và địa bàn Đặc khu ủy Quảng Đà sẽ gọi là thành phố Đà Nẵng - bao gồm cả huyện đảo Hoàng Sa. Vì có nhiều phương án và ý kiến thảo luận khác nhau, nên Thường trực Tỉnh ủy kết luận chỉ chọn phương án 1 và 2 là hai phương án có tính hợp lý và khả thi hơn cả, đồng thời giao Thường trực UBND tỉnh phân tích cụ thể hai phương án trên để hội nghị liên tịch tiếp tục làm việc.

Ngày 12-10-1996, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh họp bất thường để quyết định phương án chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Cuối cùng, hội nghị thống nhất chọn phương án thành phố Đà Nẵng gồm Đà Nẵng hiện tại và huyện Hòa Vang; tỉnh Quảng Nam gồm các huyện, thị xã còn lại và lấy thị xã Tam Kỳ làm tỉnh lỵ. Trên cơ sở đó, ngày 6-11-1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX ra nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó có tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Trong ký ức của mình, ông Mai Thúc Lân không quên thời khắc lịch sử ấy: “Trong suốt chiều dài lịch sử, trong nhiều giai đoạn đấu tranh với thiên nhiên và ngoại xâm, Quảng Nam - Đà Nẵng vốn là một địa phương thống nhất. Nay được tách ra, bên cạnh những niềm vui, làm sao tránh được những băn khoăn, tâm tư… và cả những hụt hẫng trong tư tưởng, tình cảm, tâm lý của nhiều người con đất Quảng sinh sống, công tác ở trong và ngoài tỉnh. Âu đó cũng là điều tất yếu! Sau khi chia tách, Quảng Nam là một tỉnh nghèo với hơn 70% diện tích tự nhiên là rừng, hơn 10% là vùng cát. Cơ sở hạ tầng chưa được xây dựng bao nhiêu. Thị xã Tam Kỳ, nơi được quy hoạch tỉnh lỵ vẫn còn trong quy hoạch ban đầu… Tỷ lệ đói nghèo, đối tượng chính sách… đều tập trung ở các huyện của Quảng Nam”. Song, ông tin tưởng: “Với khí thế mới, niềm tin mới, với sự cố gắng tối đa trong việc huy động nguồn nội lực và sử dụng hiệu quả sự giúp đỡ của Trung ương và Chính phủ, của các bộ, ngành, sự chia sẻ cả về tinh thần lẫn vật chất của Đảng bộ, đồng chí, đồng bào Đà Nẵng, nhất định Quảng Nam sẽ vươn lên xứng đáng với truyền thống và tiềm năng của một địa danh đã đi vào lịch sử”.

Quảng Nam - Đà Nẵng “chia nhưng không tách”

Với tinh thần “chia nhưng không tách”, trong 25 năm qua, Quảng Nam, Đà Nẵng luôn chia sẻ, hỗ trợ cùng nhau, phấn đấu vì sự phát triển chung. Còn nhớ, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XVII (10-1997), đại hội vinh dự đón tiếp đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, do Bí thư Thành ủy lâm thời Trương Quang Được đến dự, phát biểu và tặng bức trướng mang dòng chữ “Quảng Nam - Đà Nẵng, Trung dũng kiên cường, đoàn kết thủy chung, quyết tâm xây dựng quê hương giàu mạnh”.

Còn tại Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XVII, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hạt, cùng đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam dự và phát biểu: “Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam luôn luôn trân trọng, giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu của quê hương, động viên tinh thần tự lực tự cường, phát huy năng lực nội sinh, vượt qua gian lao thử thách, cùng với Đà Nẵng xây dựng quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng ngày một phồn vinh, giàu mạnh; mãi mãi giữ gìn và vun đắp những tình cảm quê hương Đất Quảng nồng nàn đã gắn bó chúng ta qua bao đời nay…”. Ông Nguyễn Đức Hạt cũng trao tặng đại hội bức trướng mang dòng chữ: “Quảng Nam - Đà Nẵng - Gắn bó keo sơn - Chung sức chung lòng - Phát huy truyền thống - Vững bước tiến lên”.

Tuyến đường ven biển nối tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Ảnh: L.H.TUẤN
Tuyến đường ven biển nối tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Ảnh: L.H.TUẤN

Kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng quê hương, sau 25 năm chia tách, cả Quảng Nam và Đà Nẵng đã gặt được những thành tựu rất đỗi tự hào. Những thành công của Đà Nẵng hôm nay có sự chia sẻ, đóng góp của Quảng Nam và ngược lại, Quảng Nam thành công có sự hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng.

Xin được mượn lời phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (lúc bấy giờ là Thủ tướng Chính phủ) nói với Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng nhân kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương: “20 năm chia tách đơn vị hành chính giữa Quảng Nam và Đà Nẵng, nhưng trái tim và khối óc của người dân hai địa phương chúng ta vẫn mãi là vùng đất chưa mưa đã thấm, rượu Hồng Đào chưa nhắm đã say”.

Với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ấy đã nhấn mạnh: “Hai mươi năm mà chưa hề có cuộc chia ly. Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn trước sau như một mối tình nồng nàn, cùng kề vai nhau, nhìn ra thăm thẳm Biển Đông, tôi choàng Non Nước, anh ôm Núi Thành. Trong 20 năm đó, chúng ta giữ trọn lời hứa với Đảng, với dân, như lời thơ xưa chan chứa tinh thần lạc quan của các đồng chí lão thành cách mạng xứ Quảng: Nay đến lúc vươn tầm cao mới, góp phần xây quốc phú dân cường”.

LÊ NĂNG ĐÔNG

;
;
.
.
.
.
.