Nơi neo đậu những tấm lòng

.

Dường như, Đà Nẵng có một sức hút nào đó, vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ, đối với nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài nước, nhất là trên lĩnh vực mỹ thuật, tạo hình. Có nghệ sĩ xa quê biền biệt nay mới trở về; có nghệ sĩ từ những xứ sở xa xôi, bất chợt chọn đất này để neo đậu lòng mình.

Những đứa con trở về

Giới mỹ thuật cả nước tôn vinh nhà điêu khắc, họa sĩ Lê Công Thành là “vị thần cai quản phái đẹp”, bởi trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của mình, chủ đề người phụ nữ là sợi chỉ xuyên suốt. Bức tượng mà ông tâm đắc nhất là “Mẹ Âu Cơ” được lãnh đạo Đà Nẵng chọn đặt ở vị trí chẳng thể nào tốt hơn là bãi biển Đà Nẵng, cuối tuyến đường Phạm Văn Đồng.

Hàng chục triệu du khách từng đến đây - một trong những bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, có dịp thưởng ngoạn kiệt tác này của ông. Ông là người Đà Nẵng chính hiệu, xa quê từ thuở thiếu thời, hoạt động nghệ thuật và thành danh trên đất Bắc. Quê hương luôn sống trong tâm thức ông. Những năm cuối đời, nhiều nhà sưu tập tìm đến ngỏ ý mua nhiều tranh, tượng, nhưng ông và gia đình khéo léo chối từ, để ưu tiên dành tặng quê hương.

Ông đã trở về quê trong buổi xế chiều cuộc đời bằng cách riêng của mình. Một không gian riêng trong Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng được dành để trưng bày tác phẩm của ông như một lời tri ân của quê hương dành cho nghệ sĩ. 

Nhà điêu khắc, họa sĩ Lê Công Thành
Nhà điêu khắc, họa sĩ Lê Công Thành
Tượng “Mẹ Âu Cơ” đặt cuối tuyến đường Phạm Văn Đồng hướng ra biển.
Tượng “Mẹ Âu Cơ” đặt cuối tuyến đường Phạm Văn Đồng hướng ra biển.

Một nghệ sĩ gốc Đà Nẵng khác là họa sĩ Vĩnh Khoa (Vink), sống và hoạt động nghệ thuật lâu năm ở châu Âu. Ông nổi tiếng với nghệ thuật truyện tranh. Ngôn ngữ tranh ông có chất, có hồn, cực kỳ sinh động, được giới mỹ thuật nước Bỉ và châu Âu đánh giá rất cao, được nhiều nhà xuất bản và bảo tàng nước bạn sử dụng.

Tên tuổi ông được khẳng định bằng giải thưởng truyện tranh lớn nhất nước Bỉ năm 1985. Gần đây, ông đã tổ chức triển lãm tại quê hương, rồi dành toàn bộ bản gốc bộ tranh tiêu biểu nhất của mình gồm 60 bức để tặng cho Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng.

Với việc dành tặng quê hương những đứa con tinh thần yêu quý nhất, các nghệ sĩ như Lê Công Thành và Vĩnh Khoa đã thực hiện trọn vẹn lời hứa của lòng mình. Người xưa nói, khi thành đạt mà không trở về quê thì như người mặc áo gấm mà đi ban đêm. Có lẽ bây giờ ở nơi nào đó, cả hai ông đều mãn nguyện.

Những nghệ sĩ “phải lòng”Đà Nẵng

Nhà điêu khắc Na Uy Oyvin Storbaekken (trái) cùng tác giả.
Nhà điêu khắc Na Uy Oyvin Storbaekken (trái) cùng tác giả.

Ngay từ lần đầu tiên đặt chân đến Đà Nẵng, nhà điêu khắc Na Uy Oyvin Storbaekken đã cảm mến mảnh đất và con người nơi đây. Ông thấy nghề đá mỹ nghệ Non Nước có thể là đất “dụng võ múa gươm” của mình, nên nhanh chóng phối hợp các nghệ sĩ tạo hình địa phương thành lập Dự án Điêu khắc Đà Nẵng với mục đích chủ yếu là đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực sáng tạo và chế tác đá mỹ nghệ, cải tiến chất lượng sản phẩm nhằm vươn ra thị trường thế giới.

Ông đã vận động chính phủ Na Uy và các tổ chức khác tài trợ cả triệu USD để thực hiện dự án. Những mục tiêu cơ bản của dự án đã hoàn thành sau 16 năm triển khai (2003-2019). Gần đây, ông dành toàn bộ tâm sức sáng tạo một bức tượng mang tên “Sóng biển” để tặng cho thành phố mà ông hết lòng yêu mến. Tượng đang được đặt trên đường Phạm Văn Đồng, ngày đêm nghe lời sóng ru biển hát, được du khách yêu thích và giới chuyên môn thán phục.

Nghệ sĩ Mark Cooper (giữa) trong ngày khai mạc triển lãm “Chiếc cầu”.
Nghệ sĩ Mark Cooper (thứ hai từ phải sang) trong ngày khai mạc triển lãm “Chiếc cầu”.

Mark Cooper là một nghệ sĩ tạo hình tên tuổi, đồng thời là một giảng viên mỹ thuật tại nhiều trường đại học danh tiếng nước Mỹ. Ông từng tổ chức triển lãm ở nhiều nước trên thế giới, nhưng khi đến Đà Nẵng, ông bị chinh phục hoàn toàn. Sau khi phối hợp với họa sĩ Vũ Trọng Thuấn tổ chức thành công cuộc triển lãm với chủ đề “Chiếc Cầu”, ông đã sáng tác và tặng cho Đà Nẵng một bức tượng bằng chất liệu đá cẩm thạch nặng đến 8 tấn với tên gọi là “Vô biên” (Unbounded) theo phong cách đương đại. Bức tượng giàu ý nghĩa và nặng tình nghĩa này hiện đang được trưng bày trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, trở thành một điểm nhấn quan trọng cho bảo tàng này.

Người phối hợp triển lãm với Mark Cooper là họa sĩ Vũ Trọng Thuấn, cũng là một người rất nặng lòng với Đà Nẵng. Quê ông ở Hải Phòng, là Việt kiều nhiều năm sống và hoạt động mỹ thuật ở Pháp. Gần 20 năm nay, ông chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai của mình.

Tranh sơn mài với phong cách sáng tạo riêng của ông được đồng nghiệp coi trọng, người xem yêu thích và đặc biệt được các nhà sưu tập nước ngoài tìm đến. Và thực tế, họ đã mua tranh ông với giá cả xứng tầm. Ông có nhã ý một dịp thuận lợi nào đó, sẽ tặng lại toàn bộ tác phẩm của mình cho Đà Nẵng. Đáng trân trọng biết bao!

Nghệ sĩ Mark Cooper (phải) và họa sĩ Vũ Trọng Thuấn cùng thực hiện tác phẩm “ Vô biên”.  Ảnh: NGỌC HÀ
Nghệ sĩ Mark Cooper (phải) và họa sĩ Vũ Trọng Thuấn cùng thực hiện tác phẩm “ Vô biên”. Ảnh: NGỌC HÀ

Nhà sưu tập tranh người Nhật Toyochi Itoh lại có một một ứng xử khác, vô cùng hào phóng với Đà Nẵng. Ông vốn là một doanh nhân nhưng có tâm hồn nghệ sĩ. Gần 30 năm đến với Việt Nam, ông vào Nam, ra Bắc tiếp cận các nghệ sĩ, các phòng tranh, không tiếc tiền mua nhiều tác phẩm nghệ thuật của giới họa sĩ Việt Nam qua các thời kỳ.

Bộ sưu tập của ông ngày càng dày với gần 300 tác phẩm, trong đó có nhiều tranh của các danh họa như Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Dương Bích Liên, Tú Duyên… Tuổi cao, lại có bệnh trong người, ông có một quyết định khá bất ngờ: Tặng bộ sưu tập tranh nói trên lại cho quê hương của nó, và Đà Nẵng đã được ông chọn là địa phương duy nhất. Với những người làm văn hóa, nghệ thuật thành phố, đây được xem như món quà từ trên trời rơi xuống. Nỗi mừng biết lấy chi cân!

Cần một không gian riêng

Không phải ngẫu nhiên mà Đà Nẵng luôn chiếm được thiện cảm đối với giới nghệ sĩ trong và ngoài nước. Có lẽ, lý do quan trọng nhất là nhờ văn hóa và con người Đà Nẵng. Nghệ sĩ Mark Cooper cho biết: “Khi rời Đà Nẵng về lại Mỹ, tôi vẫn còn lưu giữ mãi những cảm xúc về thành phố xinh đẹp này, về sự thân thiện và hiếu khách, đặc biệt là nụ cười của con người Đà Nẵng…”.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Mỹ thuật cũng là một thiết chế văn hóa được các nghệ sĩ trong và ngoài nước đánh giá cao. Nước ta, ngoài Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia thì hiện chỉ có hai địa phương có Bảo tàng Mỹ thuật là Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Đây thực sự là nơi tụ hội, giao lưu của các nghệ sĩ; nơi bảo quản, trưng bày, giới thiệu tác phẩm hội họa, điêu khắc có giá trị ở cả khu vực miền Trung, và là điểm đến thường xuyên cho những ai yêu thích và tôn vinh nghệ thuật của cái đẹp.

Họa sĩ Vĩnh Khoa
Họa sĩ Vĩnh Khoa

Tuy nhiên, trước tấm lòng của nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước, chiếc áo bảo tàng này đang trở nên chật chội. Nên chăng, thành phố nghĩ tới phương án có một không gian khác để chuyên trưng bày những tác phẩm mỹ thuật của bạn bè trong nước và quốc tế hiến tặng.

Được như vậy, hình ảnh Đà Nẵng càng được lan tỏa, vị thế Đà Nẵng càng được nâng cao - tiền đề quan trọng để tăng cường giao lưu quốc tế trên nhiều lĩnh vực, bảo đảm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân và bảo đảm cho ngành du lịch thành phố phát triển bền vững.

NSND HUỲNH HÙNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích