Khi những tờ lịch cuối năm 2020 rời cuốn, nhiều người thở phào như trút đi một gánh nặng. Tâm trạng này cũng dễ hiểu bởi năm 2020 là năm có quá nhiều sóng gió do những thiệt hại khủng khiếp từ đại dịch Covid-19: tính đến cuối ngày 31-12-2020, toàn thế giới có 83,7 triệu ca bệnh; 1,82 triệu ca tử vong và con số này vẫn tiếp tục gia tăng từng ngày. Kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng trầm trọng, dự kiến suy giảm ít nhất 4%, được xác định là cuộc khủng hoảng lớn nhất phải đối mặt kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 và là thảm họa kinh tế lớn nhất từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930.
Nhưng với Đà Nẵng, đây lại là một năm đáng nhớ.
Ngược về tâm dịch
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, 0 giờ ngày 1-4-2020, thực hiện cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc trong vòng 15 ngày theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, cách ly thôn bản, xã, huyện, tỉnh; phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Đợt cách ly đầu tiên đi qua chưa được bao lâu, cả nước dần dần hồi phục thì xảy ra đợt dịch thứ hai mà Đà Nẵng là tâm điểm. 0 giờ ngày 28-7-2020, thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố: mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết và phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; dừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách; phát phiếu đi chợ ngày chẵn, lẻ… Thời điểm dịch bùng phát tại Đà Nẵng, ngày 30-7-2020 có 45 người dương tính với virus SARS-CoV-2. Xuất hiện ngày càng nhiều hơn những ca tử vong do Covid-19 đối với những người có bệnh nền. Mọi hoạt động ngưng trệ, có những đám tang không người thân bên cạnh, không được gặp mặt nhau lần cuối gây xúc động mạnh mẽ trên mạng xã hội và trong đời sống.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khóa XXI Nguyễn Văn Quảng (nay là Bí thư Thành ủy) kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng ngày 14-8-2020. Ảnh: PHAN CHUNG |
Khi người dân thành phố thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội, thì những người làm nhiệm vụ bất chấp hiểm nguy vững chãi sải bước chân ngược về tâm dịch. Ở tuyến đầu là các các đồng chí lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đội ngũ thầy thuốc, lực lượng quân đội, công an, nhà báo và những người thiện nguyện… lăn xả vào nơi hiểm nguy để cứu người. Đó là lúc mà thầy thuốc Đà Nẵng kiên cường bám trụ, thầy thuốc từ các tỉnh, thành khác đi ngược về tâm dịch để chung sức với quyết tâm “chưa hết dịch - chưa về”. Những cuộc họp của lãnh đạo Nhà nước, các cấp, các ngành bàn cách hỗ trợ, chi viện cho Đà Nẵng liên tục diễn ra. Trong ngày, hàng trăm thông tin được cập nhật từ cơ sở cùng sự điều hành sát sao của lãnh đạo thành phố, quận, huyện và các ban, ngành cứ hối hả, thôi thúc.
Giờ đây cuộc sống cơ bản đã trở lại bình thường, nhưng khó ai có thể quên ngày tháng in dấu chân của những người bước qua lằn ranh sinh tử với sứ mệnh cứu người. Đó chính là những tấm lòng sáng trong như ngọc.
Tác nghiệp báo chí và cảm xúc của các y, bác sĩ trong ngày dỡ bỏ phong tỏa Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: LÊ HOÀNG NAM |
Mừng vì công trình… không sử dụng!
Với nhiều người, đây là lần đầu tiên chứng kiến nghịch lý: một công trình đồ sộ, do doanh nghiệp bỏ ra nhiều tỷ đồng tài trợ để xây dựng nhưng ai cũng mong muốn công trình ấy không được sử dụng. Đó là công trình Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn với quy mô 500 giường bệnh. Không thể quên cống hiến lớn lao của những người làm ra công trình này. Ngày 1-8-2020, nhận nhiệm vụ từ lãnh đạo thành phố, Trung tâm tư vấn kỹ thuật xây dựng thành phố bắt tay ngay vào việc thiết kế, thi công bệnh viện dã chiến với yêu cầu trong 7 ngày phải hoàn thành lắp dựng khu điều trị. Nhiệm vụ giao đến 7-8-2020 phải thực hiện khối lượng công việc đồ sộ: hệ thống buồng, giường bệnh, xử lý nước thải, ánh sáng, vách ngăn… được thiết kế lắp đặt theo đúng tiêu chuẩn. Với sự quyết tâm cao độ, công trình được thi công thần tốc, vượt tiến độ.
Ngày 16-11-2020, dịch bệnh được kiểm soát, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 đã có quyết định giải thể Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn. Đây là một ngày rất đáng nhớ bởi ngay cả những người trực tiếp thi công công trình, dù đã vượt qua bao khó khăn vất vả gian khó để hoàn thành công trình, vẫn cảm thấy vui mừng khi công trình trở nên… vô dụng. Ai cũng vui mừng vì thành phố đã vượt qua cơn đại dịch, nhịp sống đã trở lại bình thường!
Mầm sống vươn lên
Ngày 1-8-2020, sản phụ 35 tuổi, trú quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng, đang mang thai 35 tuần, được xét nghiệm có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, trở thành bệnh nhân 569. Sau đó bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Do đây là ca bệnh Covid-19 nên các bác sĩ BV Phụ sản – Nhi và BV dã chiến Hòa Vang quyết định mổ chủ động để bảo đảm an toàn cho cả hai mẹ con. Ca mổ thành công tốt đẹp, bé gái nặng 3kg cất tiếng khóc chào đời trong sự vui mừng của những chiến sĩ áo trắng.
Tại Đại hội thi đua yêu nước thành phố Đà Nẵng năm 2020, mọi người được nghe BS Nguyễn Đại Vĩnh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang kể lại câu chuyện về ca mổ bắt con này. Lời lẽ giản dị, khiêm nhường, vị Giám đốc tâm sự, điều làm cho ông và đồng nghiệp hân hoan nhất là “trong đại dịch, mầm sống vẫn sinh sôi” đã làm cho cả khán phòng lặng đi vì xúc động. Ai cũng hiểu ở thời điểm đại dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng tạo ra mối hiểm họa rình rập bất cứ ai, việc quyết định tiến hành ca mổ bắt con và trực tiếp chăm sóc mẹ con sản phụ sau ca mổ, có thể nói là một kỳ tích. Lăn xả vào nơi hiểm nguy để làm tròn thiên chức thầy thuốc, những y, bác sĩ trong kíp mổ đặc biệt này thực sự là những thiên thần áo trắng. Sự hy sinh của họ khó có bút mực nào có thể tả hết.
Thu hút đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ. Ảnh: H.V |
Hướng đến tăng trưởng GRDP năm 2021: 6%
Thành phố Đà Nẵng là địa phương chịu tác động rất nặng nề của Covid-19 với hai đợt dịch bùng phát; tiếp đó là dồn dập bão lũ vào những tháng cuối năm. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, sự chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp, Đà Nẵng đã khống chế, tiến đến đẩy lùi dịch bệnh. Nhưng di chứng cũng thật nặng nề: năm 2020, lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng tăng trưởng âm 9,77%.
“Lửa thử vàng gian nan thử sức”. Từ trong khó khăn chồng chất của một năm đầy tai ương, Đà Nẵng đã tìm ra những giải pháp quan trọng, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, giải quyết việc làm, duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Theo đó, trong năm 2021 sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án vốn đầu tư công; tích cực kích cầu du lịch, khuyến khích tiêu dùng nội địa, chuẩn bị tái thiết lập các thị trường khách du lịch quốc tế phù hợp; chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng đón làn sóng chuyển hướng đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin; tháo gỡ khó khăn cho các dự án quy mô lớn; tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư tại chỗ… Theo đó, Đà Nẵng phấn đấu đạt tỷ lệ tăng trưởng GRDP 6% trong năm 2021.
Năm 2020 đã đi qua. Với Đà Nẵng, đây sẽ là mốc thời gian rất đáng nhớ. Một năm người Đà Nẵng kiên cường đối mặt vượt qua vô vàn khó khăn nguy hiểm. Một năm ăm ắp tình yêu thương của cả nước dành cho Đà Nẵng. Một năm đầy thử thách mà từ đó, Đà Nẵng có dịp nhìn lại mình để tiến về phía trước với đôi chân vững chãi và tự tin.
Có rất nhiều điều được nhận ra từ đại dịch Covid-19, nhưng việc kiểm soát được sự lây lan và giảm thiểu được thiệt hại kinh tế do Covid-19 gây ra mang ý nghĩa lớn nhất. Thành quả đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, là sự hòa quyện của “Ý Đảng - Lòng Dân”. Chúng ta biết hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để giữ lấy mạng sống đồng bào; biết gạt đi sở thích mong muốn cá nhân, biết đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết để chung tay phòng, chống dịch bệnh, khôi phục phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, xây dựng Đà Nẵng ngày càng phát triển, giàu đẹp và an toàn.
Một năm ngập tràn cảm xúc. Những câu chuyện kể lại trong bài viết này là những nét chấm phá ấn tượng trong ngồn ngộn thông tin của 365 ngày đầy biến động. Tất cả sẽ ở lại dài lâu trong quá trình phát triển đi lên của thành phố và trong sâu nặng ân tình người Đà Nẵng!
NGUYỄN ĐỨC NAM