Báo Đà Nẵng Xuân 2021
Còn mẹ, còn quê là còn Tết
Tháng Chạp, những tia nắng vàng vẫn không thôi rực rỡ. Về thăm quê những ngày này, từng trang ký ức xưa cũ không dưng cứ dội về. Rõ mồn một. Hóa ra trên đời này không có gì là mất đi mãi mãi, chỉ là lúc nào thì hiển hiện rõ mà thôi. Càng đi xa cái quãng ấu thơ phải chăng người ta càng thấy nhớ? Bởi lẽ lúc ấy, người ta đủ trải nghiệm để hiểu cái gì là quý giá nhất đối với đời mình.
Có những thứ ngày nào đó trong tầm tay mình sao mà bình thường đến vậy - có lẽ vì trong tầm tay nên mới bình thường? Để rồi có độ lùi của thời gian, mọi thứ trở nên thương không sao chịu nổi. Đôi lúc phải mất hàng nghìn cây số, có khi đến cả nửa vòng trái đất, hàng trăm ngày tháng với nhiều thật nhiều những mong ngóng để được chạm tay vào chút dư âm xưa cũ. Lúc ấy, nghe rất rõ, lòng mềm nhũn chẳng còn chút khả năng phòng vệ, hệt trẻ con bị bắt quả tang khi dấm dúi che giấu những lỗi lầm. Quê tôi tháng Chạp về là mùa gió chướng cũng về. Gió kéo theo con nước lớn hơn nhiều ngày thường.
Nước xăm xắp le liếm hai bên con đường đất nhỏ. Những chiều tan học, tôi vẫn còn nhớ mình ngẩn ngơ quên cả cái nắng đang tắt dần, quên luôn con đường về nhà hãy còn xa, mê mải nhìn đám chuồn chuồn ngoe ngoảy trên những chiếc lá cỏ nhỏ, chìa cái bụng màu đỏ như quả ớt hiểm xinh xắn. Có lắm khi trời chưa sáng, vai đeo cặp xách, còn kịp thấy những giọt sương méo mó nằm chênh vênh trên chiếc lá mỏng manh. Thèm muốn chạm tay vào mà sợ chúng tan ra và biến mất!
Tháng Chạp về là Tết sẽ về.
Cái Tết với chúng tôi ngày ấy nó rạo rực và quý giá vô ngần. Không khí Tết rập rình từ trong nhà ra ngõ suốt gần một tháng dài. Từ nét mặt đăm đăm chiêu chiêu của bà của mẹ, đến cái hớn hở xòe tay đếm từng ngày của thanh niên trẻ nhỏ. Từ cái bảo ban nhau quét mạng nhện, đánh bóng lư đồng đến chẻ củi phơi nếp, phơi lạt, phơi liếp tráng bánh...
Và phải chăng vì những thiếu thốn thường nhật nên Tết ngày ấy được chào đón trân quý như người khách thương quen chí tình chí nghĩa? Chỉ có Tết mới có thật nhiều thịt cá, nhiều bánh trái, nhiều dưa hấu, quần áo đẹp. Chỉ có Tết mới có những nhọc nhằn gác lại. Không ra đồng ra ruộng, không lo lắng được mất nợ nần, chỉ còn tiếng cười và những dự tính mới mẻ cùng với ăm ắp chờ mong 365 ngày phía trước là nhiều hanh thông, hơn ngày cũ tháng cũ năm cũ. Lẽ thường, người ta chỉ khát khao những thứ ngoài tầm tay với, chứ quen thuộc thừa mứa rồi, có ngon có đẹp bao nhiêu thì sự chờ đợi cũng như nỗi thiết tha có lẽ vơi đi ít nhiều!?
Tết rõ nhất bắt đầu khi nhà nhà người người nâng niu cành mai tỉ mỉ tuốt từng chiếc lá. Những chiếc lá đã vàng úa, cũ kỹ, cần một cuộc đoạn tuyệt để cây trút toàn nhựa sống nuôi cho mầm hoa nẩy nở, đâm chồi nẩy lộc tựa một cuộc thoát thai để hồi sinh! Không dưng tôi nghĩ đến những cuộc đoạn tuyệt để hồi sinh trên đời. Ai mà chẳng có lúc nhỉ? Từng chiếc lá rứt ra khỏi cành, đau là có đau, thậm chí đứt phăng luôn một vài nụ hoa, nhưng không làm thế sẽ không có cây mai vàng xum xuê đầy nhựa sống cho sáng mồng Một.
Đó là khi không ai bảo ai, từ những người già quanh quẩn nơi bậu cửa đến những người đi làm công sở hay học sinh sinh viên, một cách tự nhiên chuyển qua xài lịch âm lúc nào không hay. Duy nhất chỉ những ngày này trong năm ta nghe những tiếng “rằm, 16” vang lên nâng niu như chạm vào một hình hài sơ sinh vậy. Thương mến lạ lùng!
Rồi Tết thật sự bắt đầu khi làng trên xóm dưới, thi nhau cuốc xẻng, bánh trái gà xôi quét và cúng mộ. Những nén nhang nghi ngút được thắp lên bằng tất cả nỗi niềm thành kính trang nghiêm vọng tưởng của con cháu về nguồn cội, dường như cứ lẩn quẩn suốt trong gian thờ không chỉ những ngày Tết mà còn mãi nhiều ngày sau đó.
Tết hiện rõ khuôn mặt mình khi các bà các thím kệ nệ bưng những mâm mứt bí, mứt me, củ cải ra phơi nắng. Những cái mâm đặt chông chênh trên hàng rào, trên giàn mướp, trưa nằm đung đưa trên cánh võng ở hiên nhà nghe cả tiếng vỗ cánh xè xè của mấy con ong hảo ngọt.
Tết đến, mẹ là người vất vả nhất. Cho mãi đến giờ, khi tóc mẹ không còn sợi đen nào, khi các con đã lớn cả, thậm chí một bầy cháu cũng đã trưởng thành, cái Tết vẫn như trẻ con bám chặt lấy áo mẹ. Từng góc nhà, góc bếp, cái chén cái ly cho đến bình hoa mâm quả trên bàn thờ, nơi nào cũng có dấu tay mẹ. Không hiểu sao dẫu đã dụng tâm học và cố gắng làm nhiều lần, tôi vẫn không thể kho được món thịt kho tàu nước trong veo, từng thớ thịt lên màu cánh gián thật đẹp, thật mềm thật thơm mà vẫn nguyên hình nguyên khối như mẹ. Không hiểu sao đã lấy giấy bút cẩn thận ghi các bước: ướp thịt, ngâm đậu, xếp lá nào ngang lá nào dọc, buộc lạt thế nào, tôi vẫn không sao gói được đòn bánh tét vừa ngon vừa đẹp như mẹ. Để rồi ngoài 70 tuổi, ngày Tết mẹ vẫn tủm tỉm cười, ngồi bên bếp canh nồi thịt kho, gói bánh. Ánh than hồng như soi rõ từng sợi tóc bạc, nhìn nghiêng nghiêng, tôi có cảm giác hình như mình đã gặp đâu đó bức ảnh này trên tường của cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật..
Chị và em gái tôi nhiều năm rồi đón Tết xứ người, xung quanh tứ bề là tuyết. Những ngày tháng Chạp này, năm nào cũng thế, đếm từng bước chân mình trên con đường trắng xóa không một bóng người từ nhà ra trạm xe bus, gọi cho tôi chỉ để nói một câu tiếng được tiếng mất trong cái buốt giá của mùa đông tha hương: “Về quê ăn Tết chưa?”. Lần nào cũng thế, bên kia đã cúp máy lâu rồi, tôi vẫn như nghe tiếng “về quê” đuổi theo mình không dứt. “Về quê”! Ai mà không có mẹ, không có quê. Còn mẹ, còn quê là còn Tết. Còn yêu quê, thương mẹ là còn quý Tết - làm sao mà quên!
TRIỆU VẼ