Cung bậc của lòng tin

.

Trong chiều dài của lịch sử dân tộc nói chung, thời đại Hồ Chí Minh nói riêng, lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn là nhân tố quyết định làm nên mọi thắng lợi của cách mạng nước ta.

Từ phong trào Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội cho đến khi Đảng cộng sản Việt Nam chính thức được thành lập vào ngày 3-2-1930 là một bước ngoặt mang tính lịch sử của một chính đảng, đặt nền móng vững chắc cho cuộc đấu tranh lâu dài đầy cam go, phức tạp để giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc sau này.

Những người cộng sản Việt Nam, mà tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và các đồng chí của mình, đã thổi vào hồn của cả dân tộc - những người đã và đang bị chế độ thực dân, phong kiến áp bức, phải làm kẻ nô lệ, sống trong cảnh lầm than, cơ cực hàng trăm năm - lòng tin về một con đường để đấu tranh, để giải phóng dân tộc và giải phóng chính mình, từng bước vươn lên làm chủ vận mệnh của đất nước và làm chủ bản thân. Và chính lòng tin đó đã tạo nên sức mạnh “dời non, lấp bể”, để cho một Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời mới 15 năm, dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và chỉ 15 ngày hành động với năm ngàn đảng viên làm nòng cốt, đã tập hợp được một lực lượng quần chúng đông đảo hàng triệu triệu người từ Bắc chí Nam, đồng tâm hiệp sức đứng lên làm nên một cao trào cách mạng Tháng 8-1945 vĩ đại, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở  một chương mới của lịch sử hào hùng dân tộc.

Nhưng niềm vui của người dân về một nước Việt Nam độc lập còn non trẻ chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay lại xâm chiếm nước ta một lần nữa. Chính tinh thần quật cường được kết quyện vào nhau giữa “Ý Đảng, lòng dân” đã làm nên từ chiến thắng đến chiến thắng khác, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ gây chấn động địa cầu, buộc quân đội xâm lược Pháp phải đầu hàng, kết thúc cuộc chiến tranh.

Nhưng chiến thắng đó vẫn chưa trọn vẹn khi đất nước Việt Nam phải tạm thời chia cắt làm hai miền Bắc- Nam theo tinh thần Hiệp định Geneva năm 1954. Cả dân tộc ta lại bước vào một cuộc trường chinh mới, được  đánh giá là khốc liệt nhất trong lịch sử đương đại, vì phải đối đầu với kẻ thù mạnh nhất, hung bạo nhất, kéo dài từ năm 1955 cho đến năm 1975, khi Mỹ thay thế Pháp thống trị miền Nam Việt Nam, thông qua chính quyền tay sai Sài Gòn.

Trung thành với cương lĩnh đã đề ra và trọng trách đối với dân tộc và Tổ quốc, Đảng ta đã đề  ra hai nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn mới của cách mạng là: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc thành hậu phương vững chắc; và tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Một lần nữa, lịch sử đã chứng minh một cách hùng hồn rằng: nhân dân ta vẫn đặt lòng tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Đảng đã có một sự hậu thuẫn vững chắc về lòng tin của nhân dân, cùng với sự đồng tình, ủng hộ của bè bạn năm châu, bởi con đường mà Đảng đã chọn cho đất nước mình là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với lợi ích của dân tộc, xu thế phát triển tất yếu của thời đại. Chính tinh thần đó, lòng tin đó, mục tiêu và nhiệm vụ chiến lược đề ra đó đã tạo nên sức mạnh vô biên cho Đảng ta, dân tộc ta, quân đội ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để tiếp tục cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù hung bạo, làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975, để cho non sông đất nước thu về một mối.

Lịch sử như muốn thử thách thêm về lòng tin của người dân Việt Nam với Đảng, khi mà đất nước còn nhiều khó khăn chồng chất, nhưng phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh biên giới ở Tây Nam và phía Bắc Tổ quốc cùng một lúc. Thế là hành trang lòng tin của nhân dân ta về con đường và sự lãnh đạo mà Đảng có được trong hơn nửa thế kỷ qua đã nhanh chóng biến thành sức mạnh vô biên, chiến thắng và bảo vệ vững chắc biên giới hai đầu đất nước, từng bước thoát ra khỏi chính sách bao vây cấm vận của phương Tây, vừa tiến hành công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng, năm 1986.

Đây được xem là giai đoạn phát triển mới của cách mạng Việt Nam trong bối cảnh đất nước hòa bình. Công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã mang lại những thành tựu vô cùng to lớn, tạo nên một bức tranh sinh động về một đất nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, là bạn bè, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Nhưng cũng chính trong tiến trình đổi mới này, “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” đã thoái hoá, biến chất làm cho niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước bị sụt giảm nghiêm trọng. Quyết không để lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào tiến trình phát triển của đất nước bị sụt giảm, bị hủy hoại, Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật về “một bộ phận không nhỏ”; thể hiện sự quyết liệt trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, qua đó góp phần quan trọng làm cho Đảng ta đoàn kết thống nhất hơn; trong sạch, vững mạnh hơn và củng cố, tăng cường hơn niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Đặc biệt, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đi đôi với việc tiếp tục đề ra quyết sách và mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn mới của cách mạng, là có những quy chế, quy định để xây dựng Đảng “trong sạch, vững mạnh”…nhằm củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng vốn được hình thành, vun đắp và phát triển trong hơn 90 năm qua.

Có thể nói, trong mỗi bước ngoặt mang tính lịch sử của đất nước, lòng tin của nhân dân ta vào Đảng có những cung bậc khác nhau, nhưng đều nổi lên một tinh thần chủ đạo là “Ý Đảng, lòng dân”, đã tạo thành sức mạnh để làm nên những kỳ tích cả trong chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, lẫn trong xây dựng đất nước. Bởi vậy, lòng tin đã đang và mãi mãi là tài sản vô giá, là hành trang để Đảng và nhân dân ta tiếp tục thực hiện con đường mà Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn, là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng!

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.