Báo Đà Nẵng Xuân 2021

Đi mua cái nhớ mang về

09:41, 09/02/2021 (GMT+7)

“Ui, lâu ni răng không thấy chú ghé? Bộ chuyển đi ở chỗ khác rồi à?”. Chị Hai Tiên vừa loay hoay với mớ bánh vừa hỏi chuyện. Tay chị thuần thục cắt bánh, múc nhưn, chan nước chấm. Vây quanh chị là các thau nhôm đựng đủ loại: bánh đúc, bánh bèo, bột lọc, bánh nậm, bánh gói, bên cạnh mấy chảo mít trộn, lòng xào nghệ tỏa hương quyến rũ. Đầu buổi chiều, chợ chưa đông nhưng quầy bánh của chị đã rộn rịp vào lúc hàng quán xung quanh đã rục rịch không khí Tết.

Mà đâu cần chờ đến dịp cuối năm, các quầy san sát hai bên đường bao quanh bốn phía chợ Bà Hoa (quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) lúc nào chẳng ngồn ngộn hàng. Từ bánh tổ, bánh tét, bánh thuẫn, bánh in, đường phèn, đường bát… Từ củ nén, củ nghệ đến hủ mắm cái, con cá chuồn… hầu như chẳng thiếu một món nào đến từ xứ Quảng hoặc xuất xứ từ miền Trung. Bánh tráng nướng dường như là mặt hàng bán chạy nhất. Đường vào chợ hừng hực hơi nóng tỏa ra từ các bếp than đỏ rực dưới bàn tay nướng trở của các cô, các chị. Trong cái se lạnh cuối năm, mùi bánh nướng quyện trong hơi ấm than hồng làm thành một góc riêng nhắc nhớ. Ai ra đi từ xứ Quảng có dịp dạo qua góc nhỏ ấm áp này cuối năm mà không thấy nhớ! 

Người phụ nữ 69 tuổi, quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam ngồi ở góc nhỏ của con hẻm Sơn Hưng này ngót nghét 30 năm rồi. Từ chỗ hai cậu con trai ngày ngày lon ton giúp mẹ ra chợ bưng bày bàn ghế, thì nay “hai đứa hắn đã lập gia đình, tôi đã có cháu nội”. Ba mươi năm với biết bao mưa nắng gian truân, vậy mà cái góc mưu sinh này chẳng thay đổi bao nhiêu. Vẫn các quầy hàng bày biện vừa khép nép vừa hồn nhiên lấn sang một phần lối đi. Vẫn những chiếc ghế nhỏ xếp gọn chỉ mở vội cho khách ngồi rồi tức thời xếp gọn dành chỗ cho kẻ ra, người vào. Không thay đổi bao nhiêu, cả tấm biển nhỏ của quầy bánh Bà Ngất kế bên dường hãy còn nguyên đó dòng chữ “Chuyên bán bánh rò, xôi ngọt, bánh tét, bánh tổ, các loại bánh đặc sản miền Trung, đặc biệt chả bò Đà Nẵng và tương ớt”. Trong đó, ba chữ “và tương ớt” được chú ý kẻ to, tô đỏ, cứ như nếu không có món này thì chưa thể là đặc sản miền Trung.

Cả giọng Quảng của người bán hàng cũng chẳng hề phai màu hay pha tạp, cứ cục cục hòn hòn, chân chất thẳng thừng đến độ cứng rắn, mới nghe tưởng chừng không thân thiện. “Đổi răng mà đổi cho được chớ, chú em! Giọng quê mình hắn ăn vô huyết quản rồi thì mắc mớ chi mà đổi hè!”, chị Hai phân trần khi tôi giả bộ trách yêu. Giọng chị giống y chang giọng của bà chị quê Túy Loan mà tôi gặp vào lúc dạo chợ này gần 20 năm trước - chị Tư bán trầu cau, chuối chát, đậu xanh, khoai lang khô xắt lát ở con hẻm Quảng Hiền. Lần ấy, bằng giọng đặc sệt chất Quảng, chị Tư ân cần hướng dẫn tôi cách nấu chè đậu đen sao cho đúng cách. Làm theo lời chị, tôi đã đãi bè bạn một bữa chè ngọt bùi nấu theo kiểu quê mình.

Chị Tư chừ trông già yếu rồi, tóc bạc trắng và thường ngồi thu mình thay vì lúi húi trước quầy như 20 năm trước. Quầy hàng của chị được giao cho cô con gái nối nghiệp. Và rồi, thật lạ, con gái chị cũng y nguyên cái giọng đặc sệt ấy mà trò chuyện với khách hàng. “Từ hai mươi Tết chú ghé lại đây thì không có chỗ chen chân mô. Khu ni thức bán cả đêm, vui lắm chú à”, cô bé ân cần dặn. Tôi rời quầy hàng của cô với nỗi ngạc nhiên: Cũng như mẹ mình, thiếu nữ linh lợi ấy dù chào đời và trưởng thành ở môi trường hiện đại của thành phố hoa lệ phương Nam, dù hằng ngày hòa mình với bạn bè cùng trang lứa, vẫn giữ vững hồn cốt quê xứ mà bố mẹ trao lại. Chắc chắn có một đường truyền sống động, đằm thắm và bền chặt nối tâm hồn, cốt cách chị Tư với con mình. Và cô con gái xinh xắn của chị cũng dễ dàng tiếp nhận tinh hoa xứ sở một cách hồn nhiên như hơi thở, như thức ăn thức uống hằng ngày.

Đúng như lời con gái chị Tư, dịp giáp Tết là thời gian chợ Bà Hoa đông đúc nhất. Người Quảng ở Sài Gòn tìm đến đây để mua sắm cho cái Tết xa quê, cố tìm lại hương vị ngày xuân trong nhiều thức món đặc trưng của xứ sở mà mình từng một thời trải qua. Dưới ngọn đèn mở sáng thâu đêm, đủ loại bánh mứt, trái cây, đủ các món ưa chuộng của người Quảng trong ba ngày Tết được bày bán trong các quầy hàng chiếm trọn lối đi. Bao nhiêu rộn rịp dồn vào đây, kéo lan sang các đoạn đường, hẻm phố kế cận, làm thành một chợ Tết đặc trưng xứ Quảng trên đất Sài Gòn, kéo dài đến tận giao thừa.

Những lần không về quê, phải ở lại đón Tết tại thành phố này, thế nào tôi cũng dạo chợ Bà Hoa trong không gian xao động ấy, rưng rưng, hăm hở lội vào từng ngõ nhỏ, nán lại ngắm nghía từng gian hàng lạ, kín đáo hít một làn hương trầm ai đó vừa đốt lên, hay mùi bánh tét mới vớt khỏi nồi rồi lưu luyến ra về với nào mứt nào bánh, nào mắm nào chả cho ba ngày Tết tha hương. Tay xách nách mang, khệ nệ rời chợ, tôi hiểu có một thứ mình không ôm trong tay, nhưng đã theo tôi về đến ngõ nhà trĩu nặng: nỗi nhớ Tết, nhớ quê.

“Không có Tết khi chẳng kịp về quê”, nhiều người xứ Quảng lập nghiệp ở phương Nam thường than thở như vậy để nhớ về cái Tết quê nhà bên cha mẹ, người thân. Chắc chắn như thế rồi, nhất là với những ai không nghĩ đồng tiền và sự giàu sang có thể mua được mọi thứ. Lời than có thể bắt nguồn từ cảnh thiếu vắng các xúc cảm tâm hồn gợi nhắc không khí Tết quê chứ hiếm khi xuất phát từ thói quen ẩm thực; vì rằng ở cái chợ nhỏ lâu đời trong khu Bảy Hiền này “có thiếu cái chi mô”. Phương tiện giao thông đa dạng, tiện ích công nghệ ngày càng được tận dụng vào việc chuyên chở, mua bán nên những gì bày bán ở chợ Hàn, chợ Cồn hay các chợ Bà Rén, Ái Nghĩa, Hội An đều cùng lúc có mặt tại chợ Bà Hoa và nhiều chợ khác ở phương Nam. Cái thiếu lớn nhất không thể bù đắp trong các mặt hàng kia là cảnh sum vầy ngày xuân bên nhau tay bắt mặt mừng, là niềm rung cảm chứa chan được hòa trong cái Tết quê nhà.

Tôi tìm đến chợ này để nguôi ngoai nỗi nhớ Tết quê, ngờ đâu lại mang về thêm cái bâng khuâng sống lại những xao xuyến xa xưa mỗi dịp xuân về. Cái nhớ nằm chờ trong hạt mè của chiếc bánh tổ, trong vị nồng lát mứt sớm xuân thức giấc bên chén trà. Cái nhớ bám theo từng bước tìm về xuân xưa qua các quầy hàng nhắc nhớ ngày thơ.

Và kìa, đâu chỉ riêng tôi, rất nhiều người Quảng xa quê cũng hăm hở chen chân trong từng góc chợ xôn xao. Cũng như tôi, họ vào chợ với nỗi háo hức tìm về, sống lại để rồi bước ra với biết bao bâng khuâng thương nhớ... 

Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 1-2021

NGUYỄN ĐÌNH XÊ

.