Báo Đà Nẵng Xuân 2021

Hồi niệm Tết xưa

09:01, 10/02/2021 (GMT+7)

2020 là một năm lạ, rất lạ, từ Đông sang Tây. Covid-19 làm cả thế giới điêu đứng. Có người nhận định, nó làm thay đổi thế giới lẫn hành vi của nhân loại. Ở nước ta, không chỉ là các đợt Covid phải giãn cách xã hội nhiều ngày, các hoạt động kinh tế đình trệ mà sau đó là thiên tai, bão lũ khắc nghiệt…

Ảnh : NGUYỄN THỊ LIÊN
Ảnh : NGUYỄN THỊ LIÊN

Nhưng cho dù kinh tế có thế nào, việc ăn Tết của người Việt, người Quảng cũng không thể không có! Từ đầu quý 4 đã có thông tin năm nay Chính phủ cho nghỉ Tết đến 7 ngày. Các tờ báo rục rịch làm báo Tết, như một truyền thống không thể bỏ đi…

Vậy thì phải ăn Tết, lớn nhỏ cũng là Tết. Trẻ con phải có áo quần mới, người lớn phải lo sắm sửa, tân trang nhà cửa, cúng trừ tịch đón chào năm mới…

1. Trước hết là nói về cái nhà. Nhà của người Việt, người Quảng bao giờ cũng thể hiện những khía cạnh tâm linh và tín ngưỡng quan trọng, liên quan đến gia đình, tôn giáo và tâm hồn người Việt. Piere Gourou, trong nghiên cứu về ngôi nhà Việt Nam từ những năm 1930, tuy là một nhà địa lý, cũng không thể bỏ qua các ý nghĩa nêu trên. Ngôi nhà Việt từ Nam chí Bắc luôn là sự thống nhất về bình đồ. Gian giữa bao giờ cũng là nơi thờ cúng tổ tiên.

Tôi quan sát kỹ gian giữa trong những ngày Tết. Trong lúc những bà nội trợ đã phải lo mua sắm các loại nguyên liệu để làm mứt, dưa hành, tìm lá chuối đẹp, lạt mềm, đậu xanh chuẩn bị nấu nồi bánh cúng gia tiên từ nhiều ngày trước Tết, thì cánh đàn ông lại chú tâm vào gian nhà giữa. Quét dọn gian thờ, lo đánh bóng bộ lư hương, chân đèn, chưng bày các mâm ngũ quả và chai rượu cúng, các câu liễn đối hoặc tranh dân gian vui tươi để mừng Xuân.

Trong văn hóa Á Đông, ba chữ “Kính Như Tại” thường được sùng bái hơn nhiều câu khác, thể hiện trên bức hoành phi trên bàn thờ gia tiên. Ông cụ tôi ngày xưa giải thích ba chữ đó có ý nghĩa là con cháu kính trọng tổ tiên ông bà như khi họ còn sống bên chúng ta, nhưng ý nghĩa sâu xa hơn là họ luôn theo dõi chúng ta, từ hành vi đến lời ăn tiếng nói. Chính vì vậy, chúng ta cần đối xử với nhau một cách tương kính trên dưới, nói năng cũng nên lễ độ, đối xử với nhau phải chân thành, vì ông bà, tổ tiên luôn ở bên cạnh. Việc đó lại càng ý nghĩa hơn trong ba ngày Tết vì ông bà đã được con cháu “rước về”!

Như vậy, nếu người phụ nữ lo việc ẩm thực, bếp núc cho ngày Tết, thì người đàn ông giữ vai trò chính trong các lễ nghi hướng đến tổ tiên.

Tôi sống gần nhà nghiên cứu Hoàng Châu Ký trong nhiều năm. Mỗi lần Tết đến, ông đều viết vài câu đối treo ở nơi thờ tổ tiên, phòng khách và tặng những ai ông quý mến. Ông nói đó không chỉ là “thú chơi” thanh lịch của các bậc túc nho, mà còn là một nghi thức nặng tính tâm linh…

2. Nếu Tết của những nhà giàu có thường mổ heo, đón con cháu đi làm ăn xa về đoàn tụ, trang hoàng đèn hoa (lồng đèn) rực rỡ từ ngoài cổng vào; cây mai cổ thụ trước từ đường được tuốt lá từ giữa tháng 11 đến gần Tết đã trổ từng chùm nụ to tròn và có vài chùm hoa vàng đã khoe sắc, thì các nhà nghèo cũng có đôi hàng hoa vạn thọ khoe sắc trước sân. Trên các phên tre trước hàng hiên treo vài bức tranh giấy “mai lan cúc trúc” để đón năm mới.

Nhiều năm về trước, lác đác trong xóm từ hôm đưa ông Táo về trời đã nghe tiếng pháo nổ đâu đó. Bọn con nít lượm được vài viên pháo lép, cầm theo cây hương đang cháy đi chích nổ lụp bụp ở một góc ngã ba.

Trong làng tôi, từ khoảng 25 tháng Chạp trở đi, nhiều gia đình cũng bắt đầu rang nổ, chuẩn bị “tắm” bánh khô. Những hạt nếp nổ bung ra như một bông hoa trắng tinh. Nổ giã mịn phủ quanh từng lát bánh khô nhờ lớp nước đường phủ bên trong. Cái mùi thơm của bánh khô thật khó tả, đến nỗi sau này, nhiều năm ở phố, đến Tết tôi đều lùng các chợ quê mua cho được vài chục bánh khô để đặt trên bàn thờ gia tiên, bên cạnh mấy chiếc bánh tổ, bánh tét.

Cha tôi còn xác định phiên chợ chiều ba mươi Tết là phiên chợ của người nghèo. Bằng những trải nghiệm riêng tư, ông kết luận như đinh đóng cột. Chẳng là, ông vác cái ghế dựa, tấm gương soi và bộ đồ nghề hớt tóc ra ngã ba đầu xóm từ 25 tháng Chạp. Khách hàng của ông là những nông dân quen biết trong làng, mấy người ở làng trên gánh gà vịt, chuối mốc, gạo nếp xuống bán ở chợ, khi về tranh thủ “cắt cái đầu”, hay “giẫy cái mả” đặng ăn Tết. Có người đưa con ngoài phố về rước ông bà ở quê cũng ghé chỗ cha tôi.

Nhưng cái nghề “nắm đầu thiên hạ” chẳng bao giờ giàu có, mà chỉ là lo được chút tiền chợ mỗi ngày. Chiều ba mươi Tết, tôi lục hết các túi quần túi áo, cả tiền giấy và tiền kim loại, đưa hết cho mẹ đi sắm Tết ở phiên chợ nghèo. Tối đến, mẹ tôi mới đội cái thúng về nhà, nào là vài cái bánh tổ, chục bánh khô, mấy xấp giấy vàng bạc… để cúng gia tiên. Còn lại là khổ thịt heo, vài ba lon nếp, mấy trái khổ qua, mấy con cá đủ để vừa làm món cúng vừa để ăn trong ba ngày Tết. Trẻ con nghèo như bọn tôi chỉ mặc đồ cũ xin bà con ngoài phố chứ dễ gì có quần áo mới.

Đêm ba mươi Tết, nhà giàu thì nấu bánh tét, canh đến giao thừa kịp vớt ra trước giờ cúng. Có nhà cũng làm heo. Các nhà nghèo chung nhau làm một con. Mỗi nhà vài ký thịt, ít xương, lòng. “Có nghèo cũng ba ngày Tết”, họ nói vậy. Tôi thì nhớ mãi cái bong bóng heo. Cha tôi chà xát nó vào tro bếp, hong khô rồi mượn cái bơm xe đạp bơm lên như trái bóng. Bọn tôi đá bóng bằng cái bong bóng đó hết tháng Giêng.

Những sáng mồng một Tết, chúng tôi cũng tụ tập nơi ngã ba đầu xóm, khoe nhau đủ thứ, khoe vài đồng tiền mới được mừng tuổi, khoe vài viên pháo lép mới lượm được ở cuộc đốt pháo nào đó… rồi rủ nhau qua đình làng coi người lớn đánh chiêng trống, nhìn cây nêu mới trừ ma quỷ đón năm mới ở làng…
Mấy cái chòi đánh lô-tô, bài chòi trên đường đi đều bị bỏ qua, vì nghèo!

3. Có lẽ đình làng là nơi “đô hội” của Tết xưa ở làng tôi. Hồi trước chiến tranh, người  làng không có lệ viếng mộ như bây giờ. Cha tôi nói, mình đã rước ông bà về nhà rồi, ra mả làm chi? Vậy là chúng tôi rủ nhau ra sân đình. Bà con bản xứ hoặc các nơi đều sang đình thắp hương khấn tiền hiền ở đó, sau khi về viếng nhà thờ tộc họ. Đình làng trên hết là thờ thần thành hoàng, có thể là ông Nam Hải hoặc Tứ vị Thánh nương…

Ở Điện Bàn quê tôi không thấy thờ các nhân thần. Sau thành hoàng là thờ các bậc tiền hiền, các tộc họ đã được sắc phong. Bà con về đình, thăm hỏi nhau bên cơi trầu chai rượu, chuyện trò thắm thiết. Bọn nhỏ chúng tôi đứng bên thành đình hoặc chỗ miếu thờ Thần nông bên ngoài sân đình, xem người lớn xướng lễ và đánh những hồi chiêng trống. Tôi nhớ có vị chức sắc sau đó chia cho bọn tôi mỗi đứa một trái chuối cúng, đứa nào cũng cảm động…

Trước sân đình là một cây tre cao chừng chục mét, bên trên ngọn vẫn còn lá xanh tươi. Người ta chọn cây tre đẹp, thẳng nhất và đào cả trối tre, rễ tre mang về. Bên trên là một lá cờ hội ngũ sắc, một cái giỏ nhỏ đựng trầu cau, vàng bạc, một cái phong linh để khi giá đưa thì vang lên tiếng thánh thót. Cây nêu của làng dựng từ hôm 23 tháng Chạp cùng hôm đưa ông Táo về trời, sau một lễ cúng nhỏ và mấy hồi chiêng trống. Lễ hạ nêu vào mồng bảy tháng Giêng. Người lớn nói tích xưa cây nêu dựng lên để xác định chủ quyền ranh giới của làng trước sự phá phách của ma quỷ. Nhưng vài vị có học ở làng thì nói đó là tín ngưỡng cầu quốc thái dân an, mong mùa màng tươi tốt và mưa thuận gió hòa…
Hồi đó, đi chơi ở làng bên, cứ nhìn về đình làng, thấy cây nêu sừng sững bao giờ lòng tôi cũng xao xuyến.

4. Trí nhớ con người ngắn ngủi lắm, nó thường bội bạc. Tôi cũng quên ai đã nói câu đó, như đã quên nhiều kỷ niệm Tết xưa.

Nhưng có chuyện này tôi không quên. Hồi đó các nhà đã hứa hôn cho con em mà chưa cưới, đến giáp Tết nhà trai đều “đi lễ Tết”. Cha tôi đi hỏi vợ cho chú tôi cũng vậy. Chỉ một mâm trầu cau rượu như lệ làng. Tôi 12 tuổi được chỉ định bưng mâm. Mẹ tôi sang nhà hàng xóm mượn bộ quần áo mới cho tôi mặc đi lễ cho “ngó được”. Lúc đó, tôi chưa có bộ đồ mới nào cho ngày Tết, vì nhà nghèo em đông. Mẹ vừa đưa bộ đồ ấy, tôi đã vứt xuống đất và bỏ chạy khỏi nhà. Chỉ kịp nói một câu trong nước mắt: “Thà mặc đồ cũ chớ không mặc đồ mượn!”.

Sau đó, chú Út tôi, hơn tôi 5 tuổi phải thay tôi bưng mâm quả… Vết thương đầu tiên của lòng tôi là cái Tết năm ấy.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

.