Mùi Tết và hồn đất

.

1. Ơn cha nghĩa mẹ, xuân này
Bánh chưng cùng với bánh dày dâng lên

Chính cái vị, cái hương của mùi bánh này là đặc trưng làm nên cái Tết Việt. Nào riêng gì với tôi, dù ở chân trời góc biển nào, hễ đã là người Việt, một khi nghe/ thấy và được cảm nhận lấy vị và mùi ấy, từ sâu thẳm lòng mình đã thấy rõ mồn một chân dung của khái niệm mà ta gọi là Tết. Tất nhiên, không chỉ có thế, tùy vào mỗi người mà còn có thêm các mùi khác nữa. Có thể là trong không gian trong lành, lành lạnh của đêm Giao thừa, cả nhà ngồi quây quần bên nồi bánh chưng, có khói bếp tỏa bay dịu dàng lên vòm trời. Trời, mùi khói khói ấy sao mà đượm và phiêu bồng đến thế. Đã xa ngày tháng ấy, nhưng rồi lúc bắt gặp thì như một lẽ tự nhiên, cảm thấy như cay cay con mắt, xốn xang trong lòng, ấy cũng là lúc ngọn khói từ bếp lửa ngày xưa đang ùa về choáng ngợp lấy hiện tại, dù rằng cái hiện tại đó vẫn là đang ngồi trong phòng máy lạnh, đang lao nhanh trong bão tuyết đi nữa. Đó chính là mùi Tết Việt. Nó đủ sức khuấy động lấy hiện tại, buộc ta phải quay về dĩ vãng cùng biết bao kỷ niệm êm đềm đã xa lắc xa lơ…

Với ngọn khói từ bếp lửa của đêm Ba mươi đó, nhà văn Bình Nguyên Lộc đã “định danh” cho nó bằng cụm từ không thể chối bỏ: “Lửa Tết”. Và, ông viết về ngọn lửa ấy bằng giọng văn trìu mến lạ lùng: “Quanh lò lửa lớn ấy có mặt đông đủ cả nhà, ai mần ăn xa ở đâu, cũng phải về, đông đủ cả nhà mà đôi khi đông đủ cả họ nữa, vì có những bà con nghèo, không có gia đình, không nhà cửa, họ xin hưởng ké sự ấm cúng của bất cứ người nào trong họ mà có được một bếp lửa”. Dù quanh năm làm ăn nơi xa, dẫu thành công đến độ “nói ra bạc, khạc ra tiền”, dẫu thất bại “lên voi, xuống chó” thì Tết vẫn là dịp tìm về với nguồn cội, về với căn nhà dựng trên đất hương hỏa do ông bà cha mẹ để lại, là nơi chôn nhau cắt rốn, được như thế còn sung sướng nào hơn?

2. Thỉnh thoảng có những lúc nhàn rỗi, tôi thường chọn một góc phố ở Sài Gòn. Ngồi một mình. Lặng lẽ. Và nhớ về một năm đã xa. Nhiều năm đã xa. Nhớ rằng, dù xa nhà đã lâu, từ thuở mười tám tuổi đã rời khỏi vùng đất Ngũ Hành Sơn. Thế nhưng kỳ lạ thay, mùi và vị nơi ấy vẫn không rời khỏi ký ức, nếu không muốn nói là ngày càng bám chặt. Như rêu mọc. Ngày thêm xanh biếc. Không tàn úa theo năm tháng. Nhắm mắt lại, tôi có thể hình dung ra những con đường mà năm tháng hoa niên đã đi qua. Con đường nào trên trái đất này lại không là con đường? Vâng, thế nhưng chỉ một khi đi trên con đường đã đi từ thời thơ ấu, nay đi lại, người ta mới có cảm giác kỳ diệu: “Tôi già nua mà phố xá bình minh như trẻ nhỏ/ mơ hồ nghe trong gió/ ai đó/ gọi tên tôi/ dưới gót giày”. Nghe rõ nét. Nghe mơ hồ. Tự dưng cảm động. Xao xuyến. Kìa, trăm lần như một! Vậy nên, phải về quê ăn Tết là thế. Có dịp là về. Về như một cách thu nạp lại năng lượng.

Năng lượng đó là những gì?

Có phải sự tươi trẻ, sự quen thuộc đã thất lạc này có dịp ùa về vào con mắt nhìn, vào nhịp đập của trái tim? Chắc là thế. Mà cũng kỳ lạ thế! Hễ mỗi lần từ ga Hòa Hưng vừa về đến ga Đà Nẵng, giây phút trước nhất khiến tôi cảm động vẫn là mùi nước mắm, mùi cá biển, sóng biển, có gì đó mằn mặn trên môi. Bao giờ cũng thế. Vì sao thế? Chẳng rõ. Rồi sau này, khi từ sân bay Tân Sơn Nhất về Đà Nẵng, nếu không cảm nhận thế này, làm sao có thể viết: “Xộc vào mũi tôi một mùi biển mặn/ lúc bước xuống sân bay/ tôi thấy tôi nhỏ nhắn tựa con trai/ lăn xuống biển/ uống ngụm nước trong veo vào trong miệng/ thấy mình như con cá đang bơi/ dưới vòm trời/ Đà Nẵng/ mơ thấy Sơn Trà mây trắng/ dẫn tôi bay/ thấy sông Hàn run rẩy những vòm cây/ hát lời tình yêu thuở mười bảy tuổi…”.

Vậy đó, những gì đã quen thuộc từ thuở nhỏ rất khó quên. Cũng tựa như mùi và vị của món ăn ngày xưa mẹ nấu, mãi mãi nhớ mà mỗi lần nhớ là biết bao kỷ niệm êm đềm lại ùa về. Thương nhớ không nguôi.

Mà rằng, đã nói đi thì phải nói lại. Nói rằng, thời buổi này đã khác trước. Con người ta dẫu sống xa xứ, hễ muốn về cố hương là về, một chuyến bay, một chuyến xe đò là xong tất, xong ngay, có gì mà phải dằn vặt, suy nghĩ lắm thế? Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào. Mọi phương tiện giao thông, mọi tiện nghi văn minh đã trang bị tận răng, có thiếu thốn gì đâu, cần là có, chứ việc gì cứ mãi đau đáu trong lòng về nơi chôn nhau cắt rốn? Đúng lắm! Bởi thế, khi nhân vật người cha của Bình Nguyên Lộc đòi về lại quê nhà, đứa con trai bèn “phản biện”: “Nhưng mình sống bằng tiền, chớ có phải là bằng mùi phân chuồng đâu”. “Rồi mầy sẽ nghĩ khác, một khi mầy làm ăn thất bại, cần cái an ủi mầy. Cái đó là bụi tre làng, là vuông ruộng sau nhà, là tiếng ru con của một bà mẹ bên hàng xóm”. “Tía nói lạ, kỳ cục!”.

Đúng là kỳ cục thiệt. Người cha trả lời ra làm sao?

“Không có gì là kỳ cục. Rồi ngày kia mầy sẽ nghe rằng đất có hồn và hồn mầy rất gần gũi với hồn đất. Tao nhớ đất muốn chết đi lận, nhớ còn hơn là nhớ má mầy trong mấy năm đầu tang khó của bà ấy. Bởi vì vợ chồng không thân thiết với nhau hơn là mình với đất. Vợ chồng chỉ ăn ở với nhau ba bốn mươi năm là cùng. Đất thì nó thấy mình sanh ra, lớn lên già yếu, rồi nó lại ôm mình khi mình chết. Mình cũng thấy nó từ lúc lững chững bước đi cho tới lúc chống gậy mà lê bước”.

Vâng, cái sự ám ảnh sâu lắng, thầm kín nhất trong ký ức của mỗi người dù lờ lờ, dù rõ nét vẫn chính hồn đất, mùi đất. Chứ không gì khác. Không gì có thể thay thế. Và nó cũng không bao giờ mất đi, được lưu truyền từ đời này sang đời khác, nói cách khác, tình yêu quê hương chính là đó, từ đó, hun đúc cho mỗi người về lòng yêu nước. Gìn giữ lấy đất nước. Không là những lời tuyên bố ồn ào, phát biểu náo động mà nó lặng lẽ như mạch máu nuôi sống lấy mỗi phần hồn. Tôi tin là thế. Tin rằng, ai lại không ý thức một khi đang đi trên bất kỳ mảnh đất của non sông nước Việt lại không nhớ về những kiếp người trước đó đã bằng máu, mồ hôi, công sức đã nhọc nhằn khai phá, vun vén, bù đắp cho đất nước trải dài theo năm tháng?

Nói như thế có “lý sự” quá không? Nếu có, tôi xin đền bù bằng cách nói ấn tượng hơn, hình tượng hơn mà cũng “văn chương” hơn. Rằng, ngày kia, tại Sài Gòn, tôi đã tình cờ bắt gặp con chuồn chuồn kim trong cảnh ngộ trớ trêu thiệt: “Thức dậy vào lúc năm giờ sáng/ chợt sửng sốt thấy trong buồng tắm/ chú chuồn chuồn kim/ bay lững lờ trên gạch tráng men/ hai cánh mỏng như sương/ hiền lành như kỷ niệm/ mày bay đi đâu?/ gương soi loáng thoáng khéo trợt chân/ mày bay đi đâu?/ coi chừng vòi nước nóng”. Có thể bạn đã từng thấy thế. Nhưng rồi, kỳ lạ thay bao nhiêu ngày xưa, biết bao kỷ niệm của thời hoa niên lại quay về choáng ngợp tâm tưởng. “Tuổi nhỏ quay về trên đôi cánh mỏng/ ngày xưa đồng quê cỏ ngập chỗ nằm/ cánh chuồn chuồn kim bầu trời xanh thắm/ vang vọng tiếng cười từ cõi xa xăm”… Có phải vậy không?

Thì ra, nhà phê bình văn học Hoài Thanh nói đúng lắm: “Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Cái sự “nhà quê” này không phải bạn sinh ra tại nông thôn hay thành thị, mà chính là trong tâm hồn bạn ngay từ lúc cất tiếng khóc oe oe. Lọt lòng mẹ thì đã hiện hữu hình ảnh cây đa, bến nước, giếng làng, sân đình… Tức là tính cộng đồng gắn kết từ gia đình đến làng xã đã có. Và chính đây là yếu tố then chốt để dựng nên Quốc gia, Đất nước thống nhất từ Nam chí Bắc.

Nghĩ về hồn đất vào ngày Tết, nghĩ rằng, dẫu ngàn năm sau nữa, người Việt cũng vẫn bâng khuâng, xao xuyến, tự hào khi nhìn lên bàn thờ Tổ tiên, bàn thờ Tổ quốc. Ở đó có bánh dày, bánh chưng cùng nhang trầm thiêng liêng thơm ngát vọng nhớ tiền nhân, biết ơn tiền nhân... Vâng, đó chính là mùi Tết Việt rất đặc trưng. Không gì có thể thay thế. Và mãi mãi tồn tại. Không bao giờ mất đi. Không bao giờ thất lạc trong ký ức, mà, lưu giữ từ đời này qua đời khác. Chẳng khác gì đã sống thì phải thở: Ơn cha nghĩa mẹ, xuân này/Bánh chưng cùng với bánh dày dâng lên. 

LƯU LIÊN ANH

;
;
.
.
.
.
.