Nam Ô miên man

.

Tôi lang thang sân Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh. Trường nằm lọt giữa bốn bên làng chài Nam Ô, cổng chính của trường mở ra đường làng rộng chỉ vừa chiếc xe máy chạy lọt qua, chắc xưa kia là cát nay lót bê-tông. Những gốc bàng cao lớn, đổ xuống sân trường từng chùm nắng non ấm áp hiếm hoi sau bao mưa gió tơi bời. Nhớ chuyện với ông Đặng Dùng (người con của làng Nam Ô, có hơn 40 năm nghiên cứu văn hóa làng mình) khi nãy, rằng cuộc đất này chính là nơi tọa lạc Thành cung thời xa xưa. Ông Dùng như một “sử gia” chính hiệu của làng cổ Nam Ô, đất này mà khuyết sót ông, chắc không ít câu chuyện thú vị sẽ bị che lấp rồi dễ dàng phai quên.

Ông Đặng Dùng kể chuyện Nam Ô với sinh viên báo chí Đà Nẵng tại miếu Âm linh. Ảnh: TRẦN TUẤN
Ông Đặng Dùng kể chuyện Nam Ô với sinh viên báo chí Đà Nẵng tại miếu Âm linh. Ảnh: TRẦN TUẤN

Như về câu chuyện Thành cung Nam Ô mà ông đã viết bài trên Báo Đà Nẵng hồi mấy năm trước. Rằng Thành cung là cách người dân Nam Ô gọi nhà trạm Nam Ổ xưa - một trong 7 nhà trạm đi qua địa phận Quảng Nam dưới triều Nguyễn. Trạm Nam Ổ cũng được ghi trong sách “Đại Nam Nhất thống chí”, có chức năng như là trạm bưu chính, chuyển vận sắc chỉ, thư từ, công văn từ triều đình về các địa phương và ngược lại. Trong ký ức xa xưa, trạm Nam Ổ rộng rãi thành cao, hào sâu, có vọng lũy, chuồng ngựa lớn dùng cho phu trạm đưa thư, có giếng nước, nhà để quan dân dừng chân nghỉ ngơi... Thời xưa học trò xứ Quảng ra kinh đô Huế ứng thí đường sá xa xôi vẫn dừng nghỉ chân nơi đây, nên vùng này còn được gọi là Cồn Trò. Tương truyền, vua Minh Mạng những lần ngự du Ngũ Hành Sơn cũng dừng chân nghỉ tại Thành cung. Nên mới có tên Thành cung, do bên trong bố trí hành cung chăng? 

Vốn là cuộc đất “sang”, nên kể từ giai đoạn 1945 khi Thành cung bị triệt hạ, đất ấy không ai dám dựng nhà. Ông Dùng kể, những nhà dân lân cận, khi đào móng còn gặp bên dưới những đoạn tường đá, và cả cung, kiếm. Sau rồi một ngôi trường cho trẻ con Nam Ô được dựng lên ở đây từ những năm 60 của thế kỷ trước. Và nay vẫn là trường học nơi tôi đang đứng đây. Giếng Thành cung, một trong số những giếng nước cổ, nước trong vắt nay vẫn còn, bên cạnh trường.

Học trò Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.Ảnh: TRẦN TUẤN
Học trò Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.Ảnh: TRẦN TUẤN

... Ngồi với ông Dùng bên ly cà phê đường rày nơi cổng làng Nam Ô lâu lâu còi ủ xình xịch chạy qua. Những thời khắc cuối cùng của năm, thấy thời gian trôi qua như bánh tàu vắng người mùa dịch giã. Ngó ra cái cặp căng phồng lấm lem màu vẽ, vôi tường trên chiếc xe máy ông dựng lề đường. Ông bảo đang trên đường đi vẽ. “Tay nghề tuy nghiệp dư nhưng lại là chuyên nghiệp”, ông nói về cái nghề mưu sinh chuyên vẽ bích họa, đắp phù điêu của mình mấy chục năm qua. Từ làng chài Tam Thanh (Núi Thành), các khu du lịch ở Hội An (Quảng Nam), đến các trường học, trường mẫu giáo ở Đà Nẵng. Ông vẽ những câu chuyện cổ tích, sinh hoạt dân gian. Ông nhận mình là một trong những người đầu tiên vẽ tranh ở các trường mẫu giáo. Vẽ từng mẩu chuyện cổ tích lên những khoảng tường loang lổ thời gian. Ông bảo ở Nam Ô, Tập đoàn Trung Thủy đang làm dự án Làng du lịch cộng đồng. Ông sẽ vẽ gánh gồng, cá mắm... Làng biển từ miền Trung tới Cần Giờ ông đều đặt chân, và nhận xét đường làng đều nhỏ hẹp, chật chội, mà bích họa muốn ngắm đẹp cần có không gian rộng. Nhưng với Nam Ô, ông sẽ có cách. 

Trường giữa làng. Ảnh: TRẦN TUẤN
Trường giữa làng. Ảnh: TRẦN TUẤN

Tôi chưa thấy ai yêu Nam Ô như ông Dùng. Hồi cuối tháng 11 mới đây, tôi đưa hơn 150 sinh viên báo chí của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng mà tôi đang thỉnh giảng đi thực tế ở làng Nam Ô. Ông sốt sắng nhận lời nói chuyện trao đổi với các em. Và quả thật, “lớp học” ngay tại... miếu Âm linh giữa nắng nôi ấy thật cuốn hút với những chuyện làng ông kể, không chỉ với những sinh viên báo chí năm cuối, mà ngay cả tôi cũng bất ngờ, thú vị với nhiều chi tiết. 

Ông bảo, Nam Ô và làng Nam Ô là di sản rất quý giá còn lại ở bên bờ tây vịnh Đà Nẵng. Làng cổ này biến thiên theo nhịp thời gian và nhịp thở của thiên nhiên, lại vừa có được một sinh mạng vững chãi. Cửa sông Nam Ô trước kia có khu rừng ngập mặn với bần giá, đước hoang sơ rất đẹp. Rất huyền bí với ngàn vạn cánh cò lợp trắng sông nước, bãi bờ. Du khách từ Tây tới ta mỗi lần qua Hải Vân ngang qua cửa sông này, từ cây cầu sắt xưa cũ đều bất chợt trầm trồ dừng chân chụp ảnh.

“Tôi đi nhiều nơi, hiếm thấy nơi nào sở hữu nhiều thứ quý giá như làng Nam Ô”. Bởi nơi này nằm trung độ cả nước giữa đường thiên lý Bắc Nam từ xa xưa đến nay. Từ xa xưa đến giờ, ai qua cũng đều dừng nghỉ chân. Nên đất này đã thâu góp được bao chuyện Đông Tây Nam Bắc, những nghiệp những nghề, nét văn hóa tập tính, ứng xử Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài.

Như nghề pháo Nam Ô nổi tiếng ông tổ là cụ Cửu Mai người Quảng Ngãi. Cụ Ngô Mai trên đường “hành hóa” ngang qua làng Nam Ô, thấy phong thủy địa vật nơi đây tốt tươi, vượng khí đã quyết định ở lại, làm nghề bốc thuốc cứu người. Rồi cũng chính cụ đã sử dụng các khoáng chất thiên nhiên để chế ra các loại pháo nổ, pháo hoa. Giàn pháo hoa cụ thiết kế mừng lễ đại hôn của vua Bảo Đại với Nam Phương Hoàng hậu (1934) đã khiến cả kinh đô ngỡ ngàng, thán phục. Cụ được vua ban hàm Chánh Cửu phẩm, nên từ đó dân làng gọi là cụ Cửu Mai. Hay như nghề làm guốc mộc nổi danh đất này từ trăm năm trước (nay đã mai một), “ông tổ” là một người Huế...

Nhớ bữa ấy, ông Dùng đọc gần như thuộc bài vè dân gian độc đáo mà ông sưu tầm được, kể về trận dân làng Nam Ô cùng các nghĩa binh Nghĩa hội Quảng Nam bất ngờ tập kích đồn lưu trú của Pháp ở trạm Nam Chơn vào nửa đêm 28-2-1886. Cuộc ấy, dân làng đã mang thủ cấp viên sĩ quan chỉ huy Pháp là Đại úy Besson về ngay miếu Âm linh này ngay trong đêm rằm để tế vong hồn bao nghĩa sĩ đã bỏ mình trước đó.

Đã bao phen đi, về và viết về đất Nam Ô, nhưng mãi cho đến cuộc cà phê bên vỉa hè đường rày bữa nọ với ông Dùng, tôi mới giật mình vỡ ra rằng chính mình và rất nhiều người có lẽ còn chưa hiểu đúng về hai chữ “Nam Ô”? Lâu nay, đến như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn suy đoán Nam Ô là “cửa ngõ phía Nam của châu Ô”. Nhưng ông Dùng lại bảo không phải “cửa ngõ” hay “cửa ô” gì cả. Tên xa xưa là Hoa Ổ (cồn hoa, nơi có nhiều hoa). “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn đã ghi rõ ràng tên các địa danh “Chân Sảng Tây thôn, giang niêm Hoa Ổ xã”. Sau vì kỵ húy với tên hoàng thái hậu vợ vua Minh Mạng, mẹ vua Thiệu Trị nên đổi thành Hóa Ổ. Dưới thời Minh Mạng được đổi thành Nam Ổ. Người Pháp đọc không có dấu, nên trại thành Nam Ô như ngày này.

Nghe vậy, tôi về mày mò, chợt nhận ra điều lâu nay cứ nghĩ theo thói quen. Chữ “Ổ” (塢) hiểu theo nghĩa là rẻo đất ở giữa thấp bằng, xung quanh cao, có núi bên nước. Như đôi câu thơ của Ngô Thì Nhậm: “Thương mang hoang ổ tiếp hàn sa/ Thủy tĩnh, phong vi, thạch thế tà” (Đá núi xanh thăm thẳm tiếp liền với bãi cát vàng/ Nước trong, gió nhẹ, thế đá nghiêng nghiêng - bài Tức cảnh kỳ 2). Địa thế, địa hình Nam Ô, nghĩa ấy chẳng hợp hơn sao?

Hay như đôi câu thơ nổi tiếng vốn gây nhiều tranh cãi của vua Lê Thánh Tông: “Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt/ Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền” (Canh ba đêm vắng trăng vằng vặc soi xuống vịnh Đồng Long/ Trống cầm canh văng vẳng gió đưa từ thuyền Lộ Hạc). Trong bài thơ “Hải Vân hải môn lữ thứ”, khi nhà vua thân chinh cầm quân phạt Chiêm năm 1471, dừng chân nghỉ nơi cửa biển Hải Vân và ngự tác. “Đồng Long” hẳn là tên của vịnh Vũng Thùng phía Sơn Trà. Còn “Lộ Hạc”, trong “Lộ Hạc thuyền”, nhiều nhà nghiên cứu lâu nay cho rằng đó là “thuyền của thương nhân nước Lộ Hạc”. Nhưng lại loay hoay không rõ nước đó là nước nào?! “Sử gia” làng Nam Ô Đặng Dùng thì nhận diện Lộ Hạc ấy đơn giản chính là mỏm núi Lỗ Hạc, tức ghềnh đá Nam Ô. Ông dựa vào đôi câu văn tế lăng Tiền hiền Triệu Cơ của làng từ xa xưa truyền lại: “Chấn cung hình Lỗ Hạc triều dương/ Đông phương tượng Trà Sơn tác án” (Cung Chấn có mỏm núi Lỗ Hạc chầu mặt trời/ Hướng Đông có núi Sơn Trà làm án). Mỏm Hạc ấy đêm trăng trông như con thuyền gối bãi, thi cảnh đăng đối trong tầm nhìn của ông vua thi sĩ. Còn sự khác nhau của hai chữ “Lộ” và “Lỗ”, theo ông Dùng, đó là một dạng “dị bản” trong cách đọc của người Nam Ô thời xưa.

Những cô cậu bé Nam Ô đang chơi đùa giữa sân trường vốn được dựng trên đất Thành cung ấy, thấy tôi giương ống kính lập tức xúm xít lại đòi chụp ảnh. Chợt nhớ lại cảnh trong bộ phim “Le Village de Namo” đầu tiên về Việt Nam quay chính tại Nam Ô do hai anh em nhà Lumière (Pháp) thực hiện năm 1896. Cũng chính là một trong những bộ phim đầu tiên của thế giới, khi máy quay phim vừa được anh em nhà này sáng chế ra trước đó một năm (năm 1895). Trong bộ phim dài chỉ chừng một phút ấy, cũng tíu tít cảnh những đứa trẻ Nam Ô đứa áo dài lụng thụng, đứa mặc yếm, đứa trần truồng hớn hở chạy trước máy quay. Và thấp thoáng trong bộ phim ngắn ấy, là một đoạn tường đá của Thành cung. 

Con người và những gốc cổ thụ trong cảnh phim từ hơn một thế kỷ trước ấy nay đã tan vào bụi đất. Và cả Thành cung. Không cưỡng được thời gian.

Nam Ô đang hiện đại, đổi thay. Cuộc đổi dời dẫu thế nào, nhưng tôi hiểu một Nam Ô “phúc địa” vẫn là khao khát của mỗi cư dân ngôi làng cổ xưa nơi đầu sóng này, tôi đọc được trong đôi câu đối nơi đình làng, còn gọi là “Bách tính từ đường”. Rằng “Tiền hậu nhị thôn huynh đệ thanh minh tổng lệ trấn xuân thiên/ Cổ kim thập loại cô hồn tổng đạt tương âm phò an phúc địa”.

Đình làng ấy nhỏ bé rêu phong cũ kỹ nằm chen giữa nhà và người ấy hiện còn đang ôm mang tới hàng trăm nấm mộ của những nghĩa sĩ, dân binh đã ngã xuống trong cuộc kháng Pháp giữ gìn làng mạc, quê hương từ 150 năm trước. Nam Ô hiện có tới hai nghĩa trủng như vậy, tôi đã từng viết bài. Nhưng nay quay lại, thấy thời gian cứ như cây dại, như muốn phủ lấp vào lãng quên...

Nam Ô, 31-12-2020

TRẦN TUẤN

;
;
.
.
.
.
.