Báo Đà Nẵng Xuân 2021

Người Quảng ăn Tết

06:00, 14/02/2021 (GMT+7)

1. Tết - chỉ mỗi một từ Tết, khi nghe đến/nói đến là tự dưng lại có một cảm giác nôn nao, rạo rực khác thường. Dù ở độ tuổi nào đi nữa, con người ta cũng đón nhận Tết với tâm thế của niềm vui chờ đợi, hồi hộp, náo nức bằng tất cả tình cảm như mạch sóng ngầm dậy men với nhiều cung bậc khác nhau nhưng âm sắc chủ đạo vẫn là sự hân hoan, tin tưởng và hy vọng. Tết - từ ngàn xưa đến nay, tâm thế đón nhận không khác. Nếu có khác chăng chỉ có thể khác ở cung cách chuẩn bị, chào đón Tết, nói nôm na là ăn Tết. Ăn theo thuở ở theo thời. Ăn Tết mỗi thời mỗi khác. Đành rằng là thế, nhưng cái sự khác ấy không đáng kể lắm đâu, vì rằng, ký ức vẫn là điều kỳ diệu vì nó không thể trôi tuột theo dòng chảy của thời gian. Nó vẫn hiện diện đâu đó trong tiềm thức, như lửa giấu dưới tro - một thứ lửa dù nhỏ nhoi nhưng ấm áp và trìu mến, có dịp lại bùng lên. Tết của người Quảng Nam có gì mà hễ ai dù đang ở quê, xa quê vẫn nhớ hoài, nhớ đến tận xương cốt?

Khó có thể có câu trả lời chung. Mỗi người có thể chọn cho mình một và nhiều lựa chọn, tùy thuộc vào ký ức của mình.

2. Với người Việt nói chung, Tết vẫn là dịp thành kính trang hoàng lại bàn thờ ông bà tổ tiên. Đoàn tụ ngày Tết còn là sự hiện diện của cả người thân thiết, cùng tộc họ đã khuất mày khuất mặt, mối liên hệ giữa Âm và Dương được thể hiện qua nén nhang tỏa khói thơm ngát, lãng đãng như xa như gần trên bàn thờ trong ba ngày Tết. Mà, nhìn qua làn khói vời vợi ấy, ta có cảm giác “Những người muôn năm cũ” như đang quay về hội ngộ trong căn nhà của mình. Ấm áp là thế. Thiêng liêng là thế. Chan hòa vui vẻ.

Với ý nghĩa này, trên bàn thờ Tổ tiên ở Quảng Nam có gì?

Không khác mọi vùng miền khác, vì rằng phong tục của “Quảng Nam hay cãi” vẫn nằm trong dòng chảy văn hóa Việt thống nhất từ Nam ra Bắc. Tuy nhiên vẫn có sự “dị biệt” đôi chút đã hằn vết trong trí nhớ. Khó quên. Và chính điều này, ít nhiều tạo ra niềm thương nỗi nhớ về Tết Quảng của đời người. Trước hết, với bàn thờ tổ tiên, tôi nhớ về bánh tổ. “Bánh tét, bánh tổ, bánh nổ, bánh in”, vâng, chính bánh tổ đã làm nên hương vị Tết Quảng.

Bánh tổ làm bằng bột nếp hương đã xay nhuyễn nhừ, có pha nước gừng, trộn chung với nước đường, phải là đường bát, tất cả nhuần nhuyễn thành một hợp chất, nói như người Quảng là dẻo queo, dẻo quẹo; rồi đổ vào cái ổ. Đó là rọ đan bằng tre, rộng chừng nửa gang tay, cao chừng ngón tay út, trông giống ổ chim nên còn có tên gọi bánh ổ; bên trong rọ có bọc, lót lá chuối xanh, đổ bột vào đó và cho vào nồi mà dưới đáy nồi có vỉ tre cao lên một chút, đặt bánh lên đó, tức là hấp chín bằng hơi nước. Khi vớt ra, rải trên mặt bánh một ít mè đã rang cho đẹp. Bánh để dành dài ngày, sau Tết đem chiên thì ăn ngon tuyệt.

Quà gì thì quà, với người Quảng xa quê, ngày Tết ngày nhất được tặng cặp bánh tổ thì cảm động lắm. Trên bàn thờ tổ tiên có thêm bánh tổ thì hài lòng, gật gù ưng ý.

Ngày Tết, tất nhiên không thể thiếu hoa. Kỳ lạ, người Quảng Nam ngày xưa vẫn chuộng nhất chính là hoa vạn thọ. Có hoa gì thì có, nhưng phải thêm cặp hoa vạn thọ nữa. Trong ký ức của tôi, nhớ về Tết ngày xa xưa đó bao giờ cũng gắn liền với một vị trí từng bật ra câu hỏi ngây thơ: “Không ven sông cỏ ướt/ Sao lại gọi chợ Cồn?”. Vâng, chính chợ Cồn nơi bà ngoại tôi bán thuốc rê Cẩm Lệ, được mẹ dẫn đi chợ Tết, tôi đã nhìn thấy: “Phong bì Tết đỏ hoe / Bánh thuốc rê Cẩm Lệ/ Hoa vạn thọ tròn xoe/ Sao lại nhiều đến thế?”.

Vài chục năm sau này, khi đã sống xa quê với con cháu, hễ Tết, nhiều ông bà Quảng Nam dù đã già nhưng vẫn mè nheo đòi con cháu phải sắm cho vài chậu hoa vạn thọ. Bông hoa tròn xoe. Màu vàng nghệ. Loại hoa này, người Quảng đặt trong cái chậu, đan bằng tre. Muốn sang trọng hơn, lấy tờ giấy rẻ tiền, sắc màu lòe loẹt in theo lối thủ công, bọc lấy cái chậu ấy. Cây hoa vạn thọ thấp. Màu hoa vàng nghệ gợi lên sự bình dị, quê kiểng. Nay, khi tôi về nghỉ Tết tại Đà Nẵng đã thấy thay bằng nhiều loại hoa khác nhưng ở vùng quê vẫn còn nhiều lắm.

Sực nhớ đến câu ca dao “Ngồi buồn nhớ cá trích ve/Nhớ bát nước chè, nhớ tộ đường non”. Nhưng ngày Tết lại khác. Phải khác ngày thường, bởi còn là dịp đãi khách đến chơi nhà nữa, không nước chè mà mời uống trà. Từ lúc còn bé xíu, tôi đã thấy hộp trà hiệu Mai Hạc đựng trong hộp bằng thiếc, ngoài có vẽ hình con hạc, luôn được ưa chuộng, ba tôi thường mua trong mấy ngày Tết. Sau này, khi lớn lớn lên, tôi mới biết chủ nhân của loại trà khét tiếng một thời ở Tam Kỳ là thân phụ của nhà thơ Huy Tưởng. Khi định cư tại Sài Gòn, anh đã mở quán Hoài Phố, chuyên về ẩm thực Quảng cũng nổi tiếng một thời.

Ngày Tết ăn gì nhỉ? Cái khác độc đáo nhất đối với nhiều người Quảng Nam ngày xưa hễ nay nhớ lại là mê tơi, thèm thuồng hương vị của nó dù có chán chê thịt thà, dù đang ăn kiêng giữ eo, giữ dáng đi nữa nhưng hễ gặp bữa có món này là cũng cầm đũa ngay chứ không e dè khách sáo. Món này, ăn nhiều chỉ no, no thì thôi ăn chứ không có cảm giác ớn như các món khác. Đó là món thịt heo ngâm nước mắm. Ăn với bánh tét, hoặc cuộn bánh tráng có nhiều rau xanh cũng “ngon lành cành đào”; nếu thích, thỉnh thoảng điểm thêm vài củ kiệu nữa thì chỉ còn có nước ăn hoài mệt nghỉ. Ngon nhức chân răng!

Tôi nhớ dăm ngày sau khi đưa ông Táo về trời, mẹ tôi mua về nhiều miếng thịt heo nạc thiệt ngon, ít mỡ. Rửa sạch, trong nước có pha muối và giã thêm gừng nữa. “Công nghệ” làm món này đơn giản, đại khái sau khi luộc đến mức độ nào đó đã ưng ý, vớt ra rỗ tre, chờ ráo nước rồi xếp từng miếng cho vào hũ - thứ hũ bằng thủy tinh cao chừng gần hai gang tay. Vậy là xong? Ai làm cũng được. Đúng là thế nhưng miếng thịt có đạt đến “đẳng cấp” hay không còn tùy thuộc vào cách nấu nước mắm, có thêm tỏi, hành, tiêu, bột ngọt… rồi đổ vào hũ thịt heo đó. Đó chính là “bí kíp” quan trọng bậc nhất do các mẹ, các chị Quảng Nam lưu giữ, không một sách vở nào ghi lại công thức đó. Xong, đậy kín nắp. Khách bất chợt đến chơi trong ngày Tết, có thức ăn đãi ngay, không phải nhiều thời giờ dụng công chế biến.

Đã ăn thì phải chơi. Ngày xưa, vui nhộn nhất ở sân đình làng vẫn là nơi diễn ra gánh hát bội. Rôm rã ngày đêm. Và, tất nhiên không thể thiếu bài chòi. Hát bội, bài chòi không là “độc quyền” của người Quảng, cả vùng Nam - Ngãi - Bình - Phú cũng đều mê tít thò lò. Nhưng chỉ Quảng Nam, người ta mới mê tới độ, hễ gần Tết: “Vợ lo nếp, lá, đậu, mè/Chồng lo mài rựa, chặt tre, dựng chòi”; “Bài chòi coi bộ có duyên/Thức khuya cũng chịu, tốn tiền cũng ưng”; “Ngủ trễ ắt việc bỏ bê/Không chừa cái tội ham mê bài chòi/Thà rằng ăn mắm mút dòi/Cũng nghe bài chòi cho sướng cái tai”...

Nghe sướng tai cũng là một yếu tố hấp dẫn bởi anh hiệu ngày xưa còn biết cách hô, cách đặt câu vần vè tinh nghịch khiến ai nấy cười rộ lên khi ra những con cực kỳ “nhạy cảm” như Bạch tuyết/ Bạch huê; Nhứt nọc/ Ngọc thược/ Yêu nọc/ Nọc đượng… Tỷ dụ, “Năng cường, năng nhược/ Năng khuất, năng sanh/ Nó thiệt cục gân/ Ngồi gần con gái trân trân chẳng xìu”; hoặc “Có bông có cuống không cành/ Ở trong có nụ, bốn vành có tua/ Nhà dân cho chí nhà vua/ Ai ai có của cũng mua để dành/ Tử tôn do thử nhi sanh/ Bạch huê mỹ hiệu xin phành ra coi”… Ai dám bảo thô tục?

Nay, ngày Tết về chơi Hội An, du khách vẫn còn được nghe bài chòi. Ngẫm nghĩ, vừa rồi, bài chòi được UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đã có nhiều công trình nghiên cứu rồi, xin không nhắc lại, chỉ dám nói rằng làm nên giá trị của bài chòi ngoài làn điệu, còn là cách đặt ra các câu vần vè sử dụng trong lúc chơi nữa, tùy theo khả năng mà cũng con bài đó nhưng người ta có nhiều cách hô khác nhau, tùy vùng miền, tùy thời gian…

3. Như đã nói, Tết Quảng Nam vẫn là dòng chảy trong cội nguồn văn hóa Việt, vì lẽ đó, khi đi tìm sự “dị biệt” là điều dễ dẫn đến tranh cãi. Xuân về, Tết đến cãi nhau làm chi, dù rằng “Quảng Nam hay cãi” nhưng cái vụ này, tôi biết tỏng chẳng có ai cãi. Bởi, Tết của mỗi người là thuộc về ký ức; Tết của hiện tại lại thuộc về hoàn cảnh, do đó, sự nhìn nhận về Tết Quảng Nam bao giờ ta cũng thấy ở đó thấp thoáng có mẫu số chung với các vùng miền khác.

Hoàn toàn chủ quan, khi tôi liệt kê ra ấn tượng về Tết xứ Quảng qua bánh tổ, hoa vạn thọ, thịt heo ngâm nước mắm, bài chòi… có thể có người bổ sung thêm, không sao cả, ai cũng có lý của riêng mình. Cái lý nào thuộc về ký ức luôn hợp lý. Nhưng chắc chắn, ngày Tết ở Quảng Nam - Đà Nẵng ngày trước, thậm chí cả hôm nay, vẫn còn đó, không mất đi cho dù thời buổi này cái sự ăn, mặc, thư giản, vui chơi, mua sắm… đã khác trước nhiều lắm.

Khác gì thì khác, tôi tin rằng, ngàn năm sau nữa, hễ Tết ở xứ Quảng cũng không thể thiếu bánh tổ, không thể thiếu bài chòi cũng như không thể thiếu sắc hoa vạn thọ quê mùa, bình dị như thời ông bà mình, cha mẹ mình đã yêu thích. Thế thì, Tết còn là dịp hướng về với nguồn cội trong mỗi nếp nhà, mà nguồn cội đó nào phải mơ hồ, xa xôi, đơn giản có khi là chỉ món ăn mà ông bà cha mẹ đã nấu ngày Tết; nay nhớ tiền nhân, mình lại làm theo như một cách tưởng nhớ đấng sinh thành.

Cội nguồn phúc đức Tổ tiên
Trời cao, Đất rộng vững bền nghìn sau…

Vì lẽ đó, lưu giữ lại nếp văn hóa xưa từ lòng thành bao giờ cũng hiệu quả nhất. Người Việt nói chung, người xứ Quảng nói riêng bao giờ cũng luân lưu trong dòng máu về đạo lý uống nước nhớ nguồn, mà Tết là dịp cần thiết nhất để thể hiện, vì thế, làm sao có thể mất đi không khí ấm áp của những ngày cuối năm cả nhà quây quần nấu bánh chưng, bánhtét - dù nay chỉ cần bước chân vào siêu thị đã có đủ đầy; làm sao mất đi những lời chúc tụng, bước đến nhà nhau mừng tuổi năm mới, khề khà chén rượu, tách trà đầu Xuân hỏi han nhau - dù nay chỉ cần cầm cái điện thoại là đã có thể nối được giọng nói, nhìn thấy mặt nhau từ chân trời cuối đất…

4.Hiện đại vẫn hiện đại. Tốt quá. Vậy mà, có những việc đã thuộc về truyền thống, đã thuộc về ông bà tổ tiên thì xưa đã thế, nay vẫn thế. Không gì khác. Lý giải ra làm sao? Trả lời câu hỏi này, lại không khéo gây tranh cãi, nhất là với người Quảng, thôi thì, cho tôi nói rằng, chỉ vì đây chính là ý nghĩa sâu xa của ngày Tết. Tết, bước tới. Đi về phía tương lai với ước mơ mọi việc hanh thông, tốt đẹp nhưng còn là dịp người ta tri ân nền tảng vững chãi phía sau mà tiền nhân đã dày công tạo dựng cho non sông gấm hoa nước Việt, cho mỗi nếp nhà, cho từng tộc họ…

Tình cảm ấy chính là bản sắc thiêng liêng làm nên ý nghĩa của Tết Việt. Mãi mãi trường tồn.

LÊ MINH QUỐC

.