Báo Đà Nẵng Xuân 2021
Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chưa bao giờ là dễ dàng, kể cả tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển. Tại Đà Nẵng, hoạt động khởi nghiệp sáng tạo đã có nhiều thành tựu, tuy nhiên cần nâng tầm để đi vào giai đoạn chiến lược để có thể phát triển bền vững và bắt kịp các trung tâm khởi nghiệp khác trong khu vực Đông Nam Á.
Trước năm 2015, tại Đà Nẵng gần như không tồn tại bất kỳ một hệ sinh thái khởi nghiệp nào, có chăng chỉ là một số câu lạc bộ khởi nghiệp nhỏ lẻ ít được biết đến và vài cuộc thi về ý tưởng khởi sự kinh doanh trong nội bộ trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là của thanh niên, của người trẻ về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chưa đầy đủ, thậm chí còn lệch lạc. Tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên cũng thấp.
Tiến sĩ Võ Duy Khương (phải) thăm không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Hàn (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: K.NINH |
DNES - Vườn ươm chuyên nghiệp đầu tiên của Đà Nẵng
Chỉ 5 năm lại đây, với quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ của chính quyền thành phố thông qua Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp, cộng với sự thay đổi tích cực trong quan điểm của cộng đồng trẻ và xã hội, tình hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng khởi sắc. Đầu tiên là sự ra đời của Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố (DSC) vào tháng 10-2015 tập hợp hầu hết các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp: các chương trình ươm tạo, vườn ươm, trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư, các sở, ngành, cơ quan truyền thông...
Tiếp theo là sự xuất hiện của các tổ chức ươm tạo, tiêu biểu là sự ra đời của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) - vườn ươm chuyên nghiệp đầu tiên của thành phố. Một thời gian sau, một số chương trình ươm tạo khác như: Trung tâm ươm tạo Sông Hàn, IoT Space, Ylinkee, các câu lạc bộ, trung tâm khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng của thành phố lần lượt được hình thành... Các dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp của thành phố cũng bắt đầu gặt hái những thành quả nhất định. Một số dự án đã đoạt các giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp ĐMST của cả nước (AntBuddy, Minh Hong, Noitob, Homecare, VR360...). Một số khác cũng đã thành công trong việc gọi vốn đầu tư (Zody, Hekate, GonJoy).
Nhiều sự kiện với quy mô khác nhau được tổ chức đã giúp thông tin, truyền thông và quảng bá hiệu quả hình ảnh tươi đẹp và đầy tiềm năng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng. Lớn nhất phải kể đến sự kiện hội nghị Triển lãm khởi nghiệp (SURF) được tổ chức hằng năm thu hút hơn 2.000 đối tác khởi nghiệp quan trọng cả trong và ngoài nước, các dự án khởi nghiệp tiềm năng và nhiều đơn vị truyền thông. Đà Nẵng cũng có nhiều không gian làm việc chung như DNC, Surfspace, Hexagon, Enouvo Space, IoT Space... mang đến nhiều không gian gặp gỡ, kết nối các thành viên của cộng đồng khởi nghiệp để cùng nhau sáng tạo, phát triển ý tưởng mới.
Chương trình chia sẻ về kinh nghiệm gọi vốn do Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng tổ chức dành cho cộng đồng khởi nghiệp thành phố. Ảnh: KHANG NINH |
Những yếu tố được xây dựng từ nguồn lực nội tại
Có nhiều tác nhân khác nhau dẫn đến sự phát triển và khởi sắc của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Đà Nẵng. Nhưng điều mang tính quyết định nhất chính là những yếu tố được xây dựng từ các nguồn lực nội tại của thành phố.
Điều phối: Đà Nẵng là địa phương duy nhất thành lập và duy trì Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố. Hội đồng quy tụ được một mạng lưới thành viên đa dạng và rộng khắp đại diện cho nhiều thành tố quan trọng của hệ sinh thái. Với sự bao quát như vậy, Hội đồng điều phối đóng vai trò quan trọng như một la bàn định hướng, mang trong mình tầm nhìn chiến lược và là chất keo dính kết nối toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp tại thành phố.
Tiên phong: Đà Nẵng là địa phương đầu tiên xây dựng được Vườn ươm khởi nghiệp với mô hình hợp tác công tư. Chính nhờ sự kết hợp linh hoạt giữa hỗ trợ Nhà nước và tư nhân, Vườn ươm đã triển khai được nhiều bước đi tiên phong như đi tiên phong trong ươm tạo, cho ra đời chương trình ươm tạo doanh nghiệp công nghệ FINC; tiên phong trong xây dựng không gian làm việc chung quy mô lớn (Danang Coworking Space), tiên phong trong phát triển cộng đồng khởi nghiệp, tiên phong trong hợp tác quốc tế và từ đó tạo động lực cho nhiều các vườn ươm khác ra đời tại địa phương.
Thu hút: Đà Nẵng với lợi thế vốn có được tự nhiên ưu đãi, môi trường sống chất lượng và hình ảnh một chính quyền địa phương cởi mở đã nhanh chóng tạo được sức hấp dẫn đối với cộng động khởi nghiệp trong nước và quốc tế. Với cầu nối là Vườn ươm doanh nghiệp DNES (mô hình hợp tác công tư) thu hút được sự quan tâm, hỗ trợ và kết nối quan trọng đến từ các tổ chức uy tín ví dụ như Chương trình đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần lan (IPP); Sáng kiến kinh doanh Mekong MBI (Ngân hàng Phát triển Châu Á và Chính phủ Úc); Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp Thụy Sĩ (Swiss EP); Cơ quan phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP); Chương trình 844 của Bộ Khoa học - Công nghệ; các chương trình ĐMST của các Đại sứ quán Israel, Ireland; Phần Lan, Úc
Ưu tiên: Chính quyền Đà Nẵng rất quan tâm phát triển khởi nghiệp trong giai đoạn đầu với những hỗ trợ hết sức thiết thực như giao trụ sở làm việc, cho phép và tạo điều kiện để một loạt các nhân sự được đào tạo từ Đề án nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố (hầu hết là đào tạo tại nước ngoài) về làm việc tại Vườn ươm doanh nghiệp và hỗ trợ kinh phí cho sự kiện khởi nghiệp SURF hằng năm.
Về chính sách vĩ mô, hoạt động khởi nghiệp của Đà Nẵng đang có thuận lợi là thành phố vừa ban hành các chính sách mới về “Xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030”. Ảnh: T.THU |
Nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương
Sau thời gian đầu phát triển thuận lợi, khởi nghiệp Đà Nẵng bắt đầu đi vào giai đoạn chiến lược với nhiều khó khăn cần vượt qua để có thể phát triển bền vững, nâng tầm hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo địa phương và bắt kịp các trung tâm khởi nghiệp khác trong khu vực Đông Nam Á. Theo đó, con người được trang bị đầy đủ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo và các kiến thức, kỹ năng kinh doanh là yếu tố tối quan trọng để tạo ra các câu chuyện khởi nghiệp thành công. Tuy vậy, đội ngũ sáng lập viên mới đang bị hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng, hệ quả là các chương trình ươm tạo cũng gặp khó khăn trong tuyển chọn đầu vào. Để khắc phục, UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt và triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực khởi nghiệp tại thành phố tập trung xây dựng các chương trình đào tạo, huấn luyện về kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo cả trong lẫn ngoài trường đại học/cao đẳng.
Hạ tầng phục vụ ươm tạo, đào tạo và không gian làm việc chung cho startup vừa bảo đảm sự ổn định, quy mô, vừa phải có chính sách hỗ trợ rõ rệt cho doanh nghiệp khởi nghiệp là bài toán không dễ dàng, nhưng đó là điều kiện để bảo đảm sự kết nối, tương tác của cộng đồng khởi nghiệp thành phố. Các đơn vị liên quan của thành phố đã bắt tay vào nghiên cứu các phương án mới, trong đó nổi bật là ý tưởng thành lập Trung tâm Sáng tạo hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia có quy mô lớn với nhiều tính năng tích hợp để có thể thu hút và tập trung được tối đa các thành tố của hệ sinh thái, đặc biệt trở thành ngôi nhà chung thật sự của tất cả các dự án khởi nghiệp tại địa phương.
Về vốn cho khởi nghiệp, đặc biệt là vốn đầu tư ban đầu, là rất cần thiết đối với một hệ sinh thái khởi nghiệp non trẻ như Đà Nẵng vốn hiện nay gần như vắng bóng các quỹ đầu tư mạo hiểm, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Đầu tư thiên thần đang được thúc đẩy bởi các đơn vị, tổ chức riêng lẻ tại thành phố và bước đầu mang lại một số kết quả khả quan như Quỹ Đầu tư Cá chuồn (Flying Fish Investerment). Tuy vậy, vẫn cần có sự tham gia thực tế từ phía thành phố với các nguồn ngân sách có thể giải ngân được thông qua các chương trình sự nghiệp khoa học - công nghệ, các Quỹ đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp để có thể hỗ trợ hoặc đầu tư cho các dự án/công ty khởi nghiệp tiềm năng, đồng thời sẽ kích thích sự gia tăng của các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Về chính sách vĩ mô, hoạt động khởi nghiệp của Đà Nẵng đang có thuận lợi là thành phố vừa mới ban hành các chính sách mới về “Xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030”. Tuy vậy, các chính sách, cơ chế cần hết sức cụ thể, khả thi hơn từ Chính phủ và thành phố, có như vậy mới tạo được động lực mạnh mẽ thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển lên một bước mới về chất.
TS. VÕ DUY KHƯƠNG