Nhà điêu khắc Lê Công Thành - Người con Đà Nẵng

.

Ngay sau ngày giải phóng, tôi đã gặp anh Lê Công Thành. Anh đưa tôi coi bức ảnh anh đứng trong lòng bàn tay tượng Mẹ Tổ Quốc được dựng ở Stalingrad, sau này người ta đổi thành Volgograd. Nguyên soái Liên Xô K.Zukov (vị tướng lĩnh vĩ đại, Tổng chỉ huy Hồng quân Liên Xô chiến thắng phát-xít trong Thế chiến thứ hai) trực tiếp chỉ huy công trường. Thời gian này, Lê Công Thành đang nghiên cứu điêu khắc ở đây nên việc anh tham gia xây dựng một công trình kiến trúc lớn bên bờ sông Volga, theo anh, là một may mắn.

Nhà anh Thành ở phường Nam Dương, trung tâm Đà Nẵng. Những ngày đó, tôi thường cà-phê sáng với anh. Nhiều người trong gia đình anh thông hiểu Phật học. Anh Thành giảng cho tôi nghe về lý trung đạo. Tôi vừa nghe anh, vừa quan sát nét mặt anh, con người này có sức hút đặc biệt với người hầu chuyện mình. Anh vẫn dùng giọng Quảng nhưng nhẹ hơn nhiều. Anh luôn có cách để người nghe phải tập trung theo dõi câu chuyện và bao giờ cũng bất ngờ để kết thúc nếu thấy không cần thiết phải nói thêm.

Một góc không gian trưng bày và một số tác phẩm của cố nghệ sĩ tạo hình Lê Công Thành tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Một góc không gian trưng bày và một số tác phẩm của cố nghệ sĩ tạo hình Lê Công Thành tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Nguyên Hải và Lê Công Thành là hai nhà điêu khắc hàng đầu trưởng thành cùng thời. Trước các anh, nền điêu khắc nước ta chưa có định hình rõ rệt, các tài năng chỉ xuất hiện riêng biệt và các tác phẩm cũng còn mang dấu ấn lẻ loi của các tác giả điển hình như Diệp Minh Châu. Nguyên Hải, Lê Công Thành xuất hiện mang lại phong cách rõ ràng, tưởng như đối lập nhau nhưng lại bổ sung cho nhau khiến không khí sáng tác một thời thật sôi nổi. Hai người lại là bạn thân của nhau.

Tôi có một kỷ niệm với nhà điêu khắc Nguyên Hải thời anh còn ở Hà Nội, trên phố Nguyễn Thái Học. Chúng tôi, hai, ba người đổ bộ vào nhà anh. Vốn là người Nam Bộ hào sảng, anh tiếp rượu chúng tôi. Vợ anh, một phụ nữ Hà Nội chuẩn mực toàn diện, làm đồ nhắm cho chúng tôi. Quá vui, chúng tôi say bét nhè, có người nôn ói rồi lăn ra ngủ. Khi tỉnh dậy khoảng năm giờ sáng, nhìn cảnh chiến trường trên sàn nhà tôi xấu hổ quá, lặng lẽ ra đường. Tôi hình dung người phụ nữ Hà Nội đoan trang ấy phải dọn dẹp những thứ chúng tôi để lại. Sẵn chuyến tàu điện sớm tôi nhảy lên, nó muốn đưa tôi đến đâu cũng được.

Tàu dừng lại và Hồ Gươm hiện ra. Trong sương sớm, tháp rùa thấp thoáng soi bóng xuống nước. Hàng liễu im lìm như chưa tỉnh giấc. Chưa bao giờ tôi thấy Hồ Gươm đẹp như vậy. Sau này, khi gặp Nguyên Hải Nguyễn - con trai anh Nguyên Hải - tôi nhắc lại chuyện này. Anh giữ ý nói không biết vì hồi ấy anh còn nhỏ.

Những năm sau giải phóng, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có chủ trương xây dựng tượng đài Núi Thành, nơi lần đầu tiên quân giải phóng diệt gọn một đại đội quân Mỹ. Lê Công Thành được mời và thường xuyên có mặt tại Đà Nẵng. Ông Hoàng Minh Thắng, Chủ tịch rồi Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng rất quan tâm đến công trình này vì ông là chính trị viên của đại đội địa phương Quảng Nam lập nên chiến công ở Núi Thành. Tôi thường vào công trường chơi, lúc với anh Thành, lúc với ông Thắng, lúc với kỹ sư Phạm Khắc Thọ, Đội trưởng đội 5 của Công ty hợp doanh xây lắp Quảng Nam - Đà Nẵng đang thi công. Tôi nhớ một lần nhà văn Nguyễn Chí Trung vốn là bạn của anh Thành nói: “Phải xây dựng tượng đài Núi Thành để quân xâm lược nhìn vào không dám đụng đến Việt Nam nữa và ngàn năm sau vẫn hiện đại”. Còn nhà thơ Thanh Thảo nói: “Nhất trí, ngàn năm sau vẫn cổ đại”.

Thời đó, nước ta nghèo, vật tư xây dựng khan hiếm, gần như phải huy động lượng sắt thép, xi-măng dự trữ của tỉnh ưu tiên cho công trình này. Tượng đài đã xong nhưng khuôn viên xung quanh và những hạng mục phụ quan trọng chưa xong. Anh Thành thoáng chút buồn. Những đoàn khách hằng ngày hằng tuần vẫn đến đó tham quan nhưng ít người nhắc đến nhà điêu khắc Lê Công Thành.
Những năm Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ nhất, anh Thành thường xuyên vào Đà Nẵng. Anh tặng thành phố quê hương pho tượng Mẹ Âu Cơ đặt tại Công viên Biển Đông, nơi như một thông điệp cho bạn bè biết thành phố này đã phát triển như thế nào.

Anh Thành trong những lần trò chuyện thường nói mình lưu lạc khắp nơi, đi đến nhiều nơi, dù xa dù gần nhưng vẫn còn mang nhiều chất Quảng Nam lắm. Anh không ngờ rằng còn có người Quảng Nam hơn anh.

Anh Thành sinh năm 1932. Anh mất ngày 29-3-2019, trùng với ngày giải phóng Đà Nẵng. Vào ngày này, Công viên Biển Đông thường rất nhộn nhịp, ở đó có tác phẩm Mẹ Âu Cơ của nhà điêu khắc Lê Công Thành. 

THÁI BÁ LỢI

;
;
.
.
.
.
.