Ngày 27-1-1973 tại Paris, “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết. Đó là kết quả của cuộc đấu tranh ngoại giao cam go nhất, lâu dài nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, với 202 phiên họp chung công khai, 24 cuộc tiếp xúc riêng trong thời gian 4 năm 9 tháng (1968 - 1973). Bạn bè thế giới theo dõi quá trình đàm phán đều khâm phục ý chí kiên định, sự mềm dẻo, nhạy bén của nhà ngoại giao xuất sắc, người con của quê hương Quảng Nam Nguyễn Thị Bình.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. |
Từ quê hương Quảng Nam…
Bà Nguyễn Thị Bình, tên thật Nguyễn Thị Châu Sa, sinh ngày 26-5-1927, quê làng La Kham, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bà sinh ra trong một gia đình có truyền thống đấu tranh yêu nước. Ông nội là nghĩa binh trong phong trào Cần Vương. Cha là ông Nguyễn Đồng Hợi, làm việc trong ngành trắc địa tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Bà sinh ra và lớn lên tại xã Tân Hiệp, tỉnh Sa Đéc nên được đặt tên Châu Sa. Ông ngoại là chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, người khởi xướng phong trào Duy Tân.
Với quê hương Quảng Nam, trong cuốn hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước, phần giới thiệu về quê hương, bà Nguyễn Thị Bình tự hào nhấn mạnh: “Có thể nói trong thời kỳ cận đại và hiện đại, Quảng Nam - Đà Nẵng là nơi đứng mũi chịu sào trong mọi cuộc đấu tranh chống xâm lược của dân tộc, là một trong những chiến trường ác liệt nhất trên cả nước. Và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã can trường gánh vác nhiệm vụ của mình bằng những hy sinh vô cùng to lớn…
Không chỉ kiên cường trong chiến tranh giải phóng, đất Quảng còn tự hào đã đóng góp đáng kể vào nền văn hóa dân tộc. Quảng Nam từ lâu đã nổi tiếng là đất học, có truyền thống hiếu học và nhiều người học giỏi... Người Quảng Nam cũng thường “tham việc công”, nghĩa là có trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, sẵn sàng gánh vác và dấn thân. Con người đó cũng lại là con người rất nghĩa tình, và cởi mở, nhạy cảm với cái mới...”. Nhiều bạn bè cho rằng, bà đã thừa hưởng một số đặc tính ấy của người dân đất Quảng.
Khi bà còn nhỏ, cha là ông Nguyễn Đồng Hợi làm việc trong ngành trắc địa tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ nên mang cả gia đình đi theo và định cư ở Phnom Penh. Tại đây, Nguyễn Thị Bình theo học tại trường Lycee Sisowath - Trường Trung học bảo hộ dạy bằng tiếng Pháp. Tại đây, bà và gia đình đã tham gia hoạt động trong tổ chức của Hội Việt kiều yêu nước. Sau cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương (9-3-1945), bà và gia đình trở về nước. Từ đây, Nguyễn Thị Bình bắt đầu các hoạt động yêu nước trong các phong trào học sinh, sinh viên, phụ nữ yêu nước, vận động trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn.
Năm 1948, sau khi được kết nạp Đảng, bà được giao thêm nhiệm vụ vận động phụ nữ trí thức, tham gia các hoạt động hợp pháp tại thành phố, thành lập Hội phụ nữ cấp tiến. Sau tham gia chỉ đạo các hoạt động công khai, hợp pháp tiêu biểu như cuộc chống địch giải tỏa xóm lao động Bàn Cờ, cuộc biểu tình để tang Trần Văn Ơn (9-1-1950), cuộc biểu tình phản đối tàu chiến Mỹ đến Sài Gòn. Ở các cuộc đấu tranh này, bà đều là người luôn có mặt ở tuyến đầu nên đồng bào, đồng chí hoạt động nội thành thường gọi bà là “chuyên gia biểu tình”.
Tháng 4-1951, bà bị địch bắt giam tại Khám Lớn (Sài Gòn), với tội “cầm đầu gây rối, phản nghịch chống chính quyền”. Sau đó, bà được chuyển về khám Chí Hòa, giam gần 3 năm. Sau khi ra tù, bà tiếp tục hoạt động trong phong trào đấu tranh cho hòa bình, đòi thi hành Hiệp định Genève do luật sư Nguyễn Hữu Thọ tổ chức. Sau đó, bà tập kết ra miền Bắc, công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương.
Đến Hội nghị Paris
Năm 1962, bà Nguyễn Thị Bình được cử làm Ủy viên Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, phụ trách công tác đối ngoại. Cuối năm 1968, bà được cử làm Trưởng đoàn trù bị, rồi Phó trưởng đoàn của Mặt trận tham dự Hội nghị Paris. Ngày 4-11-1968, khi vừa đến Paris, bà đã phát biểu ngay về “Giải pháp 5 điểm” của Mặt trận, trong đó nhấn mạnh: Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút khỏi Việt Nam. Công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam do nhân dân miền Nam Việt Nam tự giải quyết…
Trong hồi ký của mình, bà kể: “Ngay từ phút đó, tôi càng thấy rõ trách nhiệm của mình hơn và có một nguồn động viên rất lớn. Tại đó tôi đã phát biểu ngay về giải pháp 5 điểm của Mặt trận và được tất cả mọi người xung quanh hoan nghênh nhiệt liệt. Bạn bè Pháp, bà con Việt kiều hô vang: Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam muôn năm! Việt Nam nhất định thắng! Lần đầu tiên giữa thủ đô tráng lệ, người dân Paris bắt gặp một đoàn xe Deesse (Nữ thần) phấp phới những lá cờ nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng, có ô-tô và mô-tô của cảnh sát Pháp dẫn đường hộ tống. Ngồi trên xe, nhìn lá cờ Mặt trận, tôi không nén được bồi hồi, xúc động...”.
Tháng 6-1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập, bà Nguyễn Thị Bình được phân công giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Trưởng đoàn Đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Paris, thay thế đoàn Đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Việc bà Nguyễn Thị Bình được cử làm Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị Paris là có chủ định. Bởi vì bà rất giỏi tiếng Pháp và có quá trình hoạt động chính trị nhiều năm. Hơn nữa, trong cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt giữa một nước nhỏ chống lại một đế quốc lớn, mà đứng đầu phái đoàn là phụ nữ vừa gây sự chú ý, vừa tranh thủ được thiện cảm của dư luận thế giới, tạo thêm thuận lợi cho hoạt động đối ngoại, như lời nhận xét của bà sau này: “Nếu mình là phụ nữ biết ứng xử khôn khéo thì người ta cũng dễ có tình cảm hơn, sẽ nghe những điều mình muốn nói về lập trường của mình”.
Những năm tháng tham gia đàm phán ở Hội nghị Paris là một thử thách khắc nghiệt: “Hội nghị Paris là một trận chiến quyết liệt, là những keo vật không dứt giữa các kỳ phùng địch thủ”. Nhưng hình ảnh “Madam Bình” - theo cách gọi của giới truyền thông - vẫn luôn gây ấn tượng mạnh với báo chí phương Tây, bởi những lời phát biểu đầy thuyết phục, thông minh, lúc rắn rỏi, khi dí dỏm. Trên bàn đàm phán, ai cũng đều nhận thấy Nguyễn Thị Bình là người phụ nữ mềm mại nhưng khéo léo và đầy bản lĩnh.
Khoảng thời gian giữa hai kỳ họp là một khối lượng công việc lớn và đầy căng thẳng. Bà vừa tổ chức họp báo, trả lời phỏng vấn, tham dự các hội nghị quốc tế, đi châu Á, châu Âu, châu Phi, nhất là chuẩn bị thông tin, nghiền ngẫm cách đối phó trước những đòn tấn công ngoại giao. Có lần, một nhà báo phương Tây hỏi: “Bà có ở Đảng Cộng sản không?”. Bà nhanh nhẹn trả lời: “Tôi thuộc Đảng yêu nước”. Trong quá trình đàm phán, bà Bình luôn tâm niệm: “Họ có quyền hỏi, mình có quyền trả lời. Nhưng trả lời thế nào để họ tâm phục khẩu phục, hiểu rõ hơn cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc mình. Đó mới là điều quan trọng”.
Bà Nguyễn Thị Bình vẫn nhớ rõ cảm xúc đặc biệt của thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc - đó là thời khắc đặt bút ký vào Hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Bà kể: “Khi đặt bút ký vào bản hiệp định chiến thắng, nghĩ đến những đồng bào, đồng chí ngã xuống - những người không còn có thể biết được sự kiện trọng đại này, mắt tôi bỗng nhòe ướt. Trong cuộc đời tôi, đây là vinh dự rất lớn vì được thay mặt nhân dân, các chiến sĩ cách mạng để đấu tranh trực diện với kẻ thù xâm lược ngay tại Paris, được đặt bút ký vào bản hiệp định chiến thắng sau 18 năm cả nước tiến hành cuộc chiến đấu chính nghĩa đầy hy sinh gian khổ… Đó có lẽ là kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời ngoại giao của tôi”.
Luôn nặng lòng với quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trong một lần về thăm nhà thờ cụ Phan Châu Trinh (ông ngoại) tại xã Tam Lộc - huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. |
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), bà được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tháng 2-1987, làm Phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại biểu Quốc hội khóa VI, đơn vị Thành phố Hồ Chí Minh, khóa VII, VIII, IX đơn vị Quảng Nam - Đà Nẵng và khóa X đơn vị Quảng Nam. Năm 1992, tại kỳ họp Quốc hội khóa IX, bà được bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và giữ chức vụ này liên tục trong 10 năm đến khi nghỉ hưu (1992-2002).
Bộn bề công việc nhưng bà Nguyễn Thị Bình luôn dành thời gian về thăm và làm việc với Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng. Điều bà xúc động nhất khi về lại quê hương đất Quảng, đó là: “Khi đất nước mới được giải phóng, điều mà tôi nhớ nhất là tỉnh Quảng Nam còn nghèo, cuộc sống của nhân dân rất khó khăn. Lúc đó, với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi về tiếp xúc cử tri ở vùng cát xã Điện Nam, Điện Dương của thị xã Điện Bàn và một số huyện miền núi, ở đâu bà con cũng nghèo lắm. Bà con nói với tôi: “Cô ơi, bây giờ ta làm cái gì, ta trồng cây gì để sống trên đất cát này, làm sao có đường có trường cho con em đi học, có trạm xá để chữa bệnh cho đồng bào?… Tôi rất xúc động”.
Ngoài tích cực tham gia bàn thảo những vấn đề chung của đất nước, bà cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thường xuyên bày tỏ, phản ánh những bất cập, khó khăn, vướng mắc của địa phương mình để tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ từ các bộ, ngành Trung ương nhằm tăng thêm nguồn lực đầu tư cho quê hương, nhất là lo cứu đói, giảm nghèo, đầu tư điện, đường, trường, trạm cho đồng bào các huyện miền núi, nơi căn cứ cách mạng, góp phần vì sự phát triển của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng.
LÊ NĂNG ĐÔNG