Báo Xuân 2023

Lên Sin Suối Hồ xem người Mông làm du lịch

18:05, 23/01/2023 (GMT+7)

Khi chúng tôi đến đây, con đường dẫn lên bản đang sửa chữa nên có nhiều điểm sạt lở và bụi. Tuy nhiên, Phong Thổ đang vào mùa gặt lúa với nhiều ruộng bậc thang chín vàng nằm men theo triền núi tạo thành những tấm thảm xếp tầng uốn lượn kỳ vỹ. Bản Sin Suối Hồ nằm hiền hòa trong sương dưới những rặng cây xanh mướt cùng các loài hoa bản địa khoe sắc.

Cổng vào bản Sin Suối Hồ. Ảnh: Đ.H.L
Cổng vào bản Sin Suối Hồ. Ảnh: Đ.H.L

Từ một bản nghiện thuốc phiện…

Tỉnh Lai Châu có 11 bản du lịch thì bản Sin Suối Hồ là một trong những điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách với lịch sử hình thành cách đây khoảng 300 năm. Trước đây, Sin Suối Hồ là một bản nhỏ khoảng 100 hộ dân người Mông nhưng có đến hơn 80% người nghiện thuốc phiện thì nay đã phát triển thành một điểm du lịch được nhiều du khách ưa thích nhờ cách làm du lịch “có một không hai” của người Mông ở vùng núi Tây Bắc.

Mỗi hộ dân là một homestay hoặc bungalow nhưng vẫn giữ được quang cảnh bản làng truyền thống với nhà trình tường, ruộng lúa bậc thang đặc trưng của đồng bào Mông. Trong bản, vườn tược, cỏ cây hoa lá, chim muông hài hòa với thiên nhiên khiến du khách cảm thấy như được trở về với núi rừng hoang dã giữa miền sơn cước yên bình.

Để hiểu hơn về sự thay đổi kỳ diệu này, chúng tôi tìm đến nhà ông Hảng A Xà, Trưởng ban đại diện hội thánh Tin lành nơi đây. Ông Hảng A Xà cho biết, từ năm 1980-1992, bản có khoảng hơn 80% người nghiện ma túy. Từ năm 1995, bản bắt đầu thực hiện nhổ cây thuốc phiện và đưa người dân đi cai nghiện.

Sau khi bà con đã bỏ được ma túy, từ năm 2005-2010, ông Xà tiếp tục vận động bà con thay đổi tư duy, trong đó tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục như tảo hôn, sinh nhiều con, thách cưới, đám ma kéo dài 5-7 ngày... Đồng thời, động viên, khích lệ bà con dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, không thả rong gia súc, gia cầm... Đặc biệt, bản Sin Suối Hồ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như làm đường bê-tông, xây chợ, trồng hoa cây cảnh..., rồi đưa người dân đi học lái xe, học tiếng Anh, học nấu ăn phục vụ du khách.

Chợ Sin Suối Hồ. Ảnh: Đ.H.L
Chợ Sin Suối Hồ. Ảnh: Đ.H.L

Tuy nhiên, với địa hình núi cao, việc xây dựng cơ sở hạ tầng lại là thử thách cam go đối với người dân bản. Để làm đường bê-tông dài gần 4km và xây 7 cây cầu ra thác Tình yêu, người dân phải đi ra tận con suối lớn cách bản 20km lấy cát, xuống phố hơn 35km mua xi-măng về xây. Bên cạnh đó, trưởng thôn, bản vận động người dân chung tay xây dựng đời sống văn hóa, thành lập chợ. Ban đầu chợ được thành lập cách bản 10km và chia thành các gian hàng trưng bày sản phẩm của người dân. Từ đó, tổ chức diễn kịch, tiểu phẩm về các vấn nạn tảo hôn, thả rong gia súc, gia cầm, say rượu, đi vệ sinh trong rừng... thu hút người dân đến xem càng ngày càng đông.

Sau đó, chợ được chuyển về bản và mở 54 gian hàng trưng bày các trang phục truyền thống của 54 dân tộc anh em và các sản phẩm thổ cẩm, nông sản địa phương. “Mỗi tuần, chợ họp 1 lần vào tối thứ Bảy. Bà con đem đến chợ không chỉ hoa địa lan, hoa đào, hoa mận mà còn nhiều vật dụng khác. Nắm bắt được sở thích của du khách, người dân bản tiếp tục tạo ra sản phẩm lưu niệm, những vật dụng lao động và sinh hoạt để bày bán cho khách khiến chợ ngày càng trở nên đa dạng và phong phú hàng hóa”, ông Hảng A Xà chia sẻ.

Để có một bản du lịch cộng đồng khang trang sạch đẹp như ngày nay phải kể đến công lao to lớn của ông Hảng A Xà. Ngay từ đầu năm 2011, ông Xà đi tiên phong làm du lịch bằng việc mày mò cải tạo ngôi nhà của mình thành homestay. Từ đó, nhiều người bắt đầu học tập làm theo ông. Điều này làm thay đổi không chỉ điều kiện sống mà còn góp phần thay đổi những tập tục, thói quen lạc hậu bao đời của người Mông nơi đây. Chẳng hạn như, người dân sắp xếp lại nhà cửa, xây dựng khu vệ sinh riêng với tiện nghi hiện đại như bắt bình nóng lạnh, xây hố xí tự hoại...

Đến làng du lịch cộng đồng tiêu biểu

Để trải nghiệm cuộc sống và sinh hoạt của đồng bào Mông bản Sin Suối Hồ, chúng tôi chọn homestay Tổ chim của chị Hảng Thị Nú. Khu Tổ chim có 6 tổ, mỗi tổ dài 2,8m và rộng 2,6m. Ở đây, các ngôi nhà làm bằng gỗ trên cây theo mô hình tổ chim nhưng vẫn có đầy đủ các tiện nghi như ở khách sạn với giá 350.000 đồng/ngày đêm.

Mỗi phòng trên cây được đặt tên một loài chim như đại bàng, họa mi... Từ trong phòng tổ chim họa mi, tôi có thể hít thở không khí trong lành và nghe tiếng chim hót, tiếng côn trùng... từ núi rừng xung quanh. Nếu không muốn ở phòng trên cây, khách có thể chọn ở các phòng dưới đất với giá khoảng 100.000 đồng/người. Còn muốn ăn gì thì liên hệ chủ nhà để họ gợi ý thực đơn phù hợp. Đây là dịp để du khách trải nghiệm văn hóa ẩm thực của dân tộc Mông.

Một góc khung cảnh ruộng lúa yên bình ở bản Sin Suối Hồ. Ảnh: Đ.H.L
Một góc khung cảnh ruộng lúa yên bình ở bản Sin Suối Hồ. Ảnh: Đ.H.L

Từ một bản 100% người Mông nghèo khó, đến nay, Sin Suối Hồ đã trở thành một bản du lịch có 147 hộ dân, hơn 700 nhân khẩu, 100% người Mông thực hiện 5 không: không hút thuốc phiện, không thuốc Lào hay thuốc lá, không rượu, không cờ bạc, không xả rác.

Năm 2015, bản Sin Suối Hồ được tỉnh Lai Châu công nhận là bản du lịch cộng đồng và được xem là mô hình thành công nhất trong phát triển du lịch của đồng bào Mông. Sin Suối Hồ đã giúp nhiều người Mông thay đổi tư duy. Họ có thể làm giàu nhờ du lịch thay vì chỉ lao động chân tay nặng nhọc bằng sức người. Năm 2019, bản Sin Suối Hồ là 1 trong 4 làng du lịch cộng đồng được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu năm 2019”.

Từ năm 2020-2025, bản Sin Suối Hồ tiếp tục phấn đấu tạo ra các sản phẩm du lịch dịch vụ chất lượng như nhà hàng, nhà nghỉ và khôi phục nét văn hóa dân tộc Mông như thêu túi, áo và trồng chè cổ thụ, chè dây, táo, mận, lúa, ngô để tận dụng khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ. Nhờ thay đổi tư duy đột phá, Sin Suối Hồ giờ đây đã và đang trở thành một bản du lịch hấp dẫn du khách thập phương.

Vào thời cao điểm Covid-19 chưa xảy ra, mỗi năm, bản Sin Suối Hồ đón gần 30.000 lượt khách trong và ngoài nước. Bản Sin Suối Hồ cũng được tỉnh Lai Châu chọn thực hiện Đề án “Xây dựng đời sống nông thôn mới gắn với du lịch nông thôn tại một số bản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025”. Nhờ thế, đời sống người dân không ngừng được nâng cao, đặc biệt thói quen sống lạc hậu lâu năm của người Mông đã được thay đổi bằng đời sống mới, văn hóa văn minh và hiện đại hơn.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

.