"Người chép sử" làng Nam Ô

.

Đi mấy bước từ nhà ông ra là đến bãi biển Nam Ô. Biển xanh nhấp nhô từng con sóng đổ vào bờ cát trắng. Xa xa, bán đảo Sơn Trà và một vùng nội thành Đà Nẵng lấp lóa dưới nắng trưa. Ông dừng chân dưới tán cây sứ trước Lăng Ông, giọng khàn khàn tan trong gió biển: Nếu biết nói thì nắng và gió Nam Ô sẽ kể bao nhiêu là chuyện... 

Ông Đặng Dùng tự nhận mình đơn giản chỉ là người kể chuyện làng Nam Ô như tựa cuốn sách của ông. Ảnh: V.T.L
Ông Đặng Dùng tự nhận mình đơn giản chỉ là người kể chuyện làng Nam Ô như tựa cuốn sách của ông. Ảnh: V.T.L

Hơn 10 năm trước, lần đầu tiên tôi đến nhà ông, cuối con hẻm từ chợ Nam Ô ra đến biển, cùng với Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Liên Chiểu khi đó là ông Trần Công Khuê. Chưa vơi chén trà, ông mang ra một tập tài liệu kết tập các bài ông viết về đất và người Nam Ô. Chuyện trò một lát, chủ cảm thấy đồng cảm với khách và vui vẻ tặng khách tập bản thảo những đứa con tinh thần của mình.

1. Ông sinh năm 1950, ngoài bút danh Đặng Dùng theo tên khai sinh, ông còn một bút danh khác là Đặng Phương Trứ. Hỏi vì sao lại lấy bút danh như thế, ông mỉm cười, rằng đó là hai nhân vật lịch sử với hai câu nói để đời. Danh tướng Nguyễn Tri Phương nhịn ăn cho đến chết với câu nói bất hủ: “Làm tướng phải chết và chết ở trận tiền không phải là cái chết nhục nhã”. Thượng thư Nguyễn Công Trứ khi bị vu cáo, bị vua giáng chức làm lính khẳng khái nói: “Lúc làm đại tướng tôi không lấy làm vinh, thì nay làm tên lính tôi cũng không lấy làm nhục”.

Lúc nhỏ ông học trường làng. Phần vì chiến tranh, phần vì nhà nghèo, đường học vấn của ông không rộng mở. Noi theo hai nhân vật mình “thần tượng”, ông không lấy đó làm buồn. Bù lại, ông mê sách như điếu đổ. Ban đầu là các tác phẩm của Thế Lữ, một trong những cây bút kỳ cựu của Tự Lực văn đoàn. Rồi Lê Văn Trương, nhà báo, nhà văn thời tiền chiến có số lượng tác phẩm nhiều nhất. Ông “mê” cả J. Krishnamurti - tác gia và nhà diễn thuyết nổi tiếng người Ấn về các vấn đề triết học và tinh thần, lẫn Phạm Công Thiện - một thi sĩ, nhà văn, triết gia, học giả và cư sĩ Phật giáo... Có được mấy đồng rủng rẻng trong túi, ông lại đạp xe đạp đến các hiệu sách ở nội thành Đà Nẵng lùng mua các tác phẩm của Tự Lực văn đoàn, các tạp chí Phổ thông, Bách khoa, Văn...

Các nhân vật trong sách, các câu chuyện từ cổ chí kim trong các tạp chí đã dẫn dắt ông mon men đến với một lĩnh vực mà sau này người ta gọi ông bằng các danh xưng đầy nể trọng như: “Người chép sử làng Nam Ô”, “Sử gia” làng Nam Ô, “Nhà Nam Ô học”... Ông tự nhìn nhận: “Tôi chỉ là người quan tâm chuyện làng mình quá sớm, rồi vì trót yêu làng mà cắm cúi viết thành bài như trẻ con nắn nót viết những nét chữ đầu tiên trong đời”.

Cát trắng xôn xao cái nắng đầu đông. Nhìn những chiếc ghe nằm nghỉ trên bãi biển, qua lời ông, tôi hình dung ra cậu bé ngày ấy là ông ngồi lọt thỏm giữa những ngư dân ăn sóng nói gió quê mình, há hốc mồm nghe câu chuyện của họ. Ngày lại ngày, chuyện nối chuyện. Cậu bé hóng hớt nghe, rồi nhập tâm lúc nào không hay. Và thế là “bộ nhớ” cậu ngày một đầy hơn và trở thành kho tàng vô giá khi cậu chững chạc bước vào công việc của “người chép sử”.

Ông Đặng Dùng thăm lại giếng Lăng, có niên đại thực chênh lệch 1 năm so với bài viết của mình.  Ảnh: V.T.L
Ông Đặng Dùng thăm lại giếng Lăng, có niên đại thực chênh lệch 1 năm so với bài viết của mình. Ảnh: V.T.L

2. Một trong những điều quan trọng mà người chép sử phải cẩn trọng tuân thủ, đó là sự thật. Trong đời mình, ông đôi lúc cảm thấy không an lòng bởi điều mà mình còn chưa có căn cứ xác quyết.

Từ tập bản thảo ông gởi, tôi chọn bài Giếng cổ làng Nam Ô đăng “mở hàng” trên tờ Đà Nẵng Cuối tuần số ra ngày 4-9-2011 với bút danh Đặng Phương Trứ. Bài viết nói về một giếng cổ hình vuông của người Chăm có tên là giếng Lăng, người địa phương gọi thế vì giếng nằm bên Lăng Ông - một di tích cổ thờ Cá Ông, cách nhà ông chỉ vài chục mét. Lúc đó, ông ghi là giếng được tái tạo vào năm Bảo Đại thứ mười theo lời các cụ cao niên trong làng nhưng cảm thấy vẫn có gì đó chưa ổn...

10 năm sau, khi giếng được trùng tu cùng với Lăng Ông, lớp xi-măng bên trụ giếng bị bong tróc, lộ ra hàng chữ Hán nét khá rõ: “Bảo Đại cửu niên, Lục nguyệt, Nhị thập ngũ nhật, bổn ấp tái tạo” (Bổn ấp tạo lại vào ngày 25 tháng Sáu năm Bảo Đại thứ chín). Hôm đưa tôi ra thăm lại di tích xưa, ông cho biết giếng cổ nổi tiếng này thoạt đầu dùng cho công việc giã vôi khi lập Lăng Ông, sau đó cung cấp nước ngọt cho nửa làng Nam Ô. Các thuyền buôn, ghe bầu của khách thương hồ vãng lai, các ghe nghề chuồn ở Thanh Khê, các ghe giã buồm ở Mỹ Thị đã một thời ghé Nam Ô lấy nước ngọt giếng này dùng cho sinh hoạt dài ngày trên biển. “May mà giữa sự thật và bài nghiên cứu của tôi chỉ lệch có một năm, chứ nhiều hơn nữa thì sẽ mất đi sự chân thật của chuyện ghe thuyền ghé lấy nước ngọt ngày xưa”, ông trầm ngâm bên giếng cổ.

Trong những gì ông đã viết, ông tâm đắc nhất là huyền sử về Công chúa Huyền Trân và mộ Tiền hiền làng. Dưới chân núi Xuân Dương có ngôi miếu cổ thờ vọng nàng công chúa con vua Trần về làm hoàng hậu vua Chiêm. Cách đó không xa là di tích mộ tiền hiền của các chư phái tộc Nam Ô. Tương truyền, đây là mộ của vị tướng quân đã anh dũng hy sinh trong trận đánh chặn quân Chiêm, giải cứu công chúa để các tướng lĩnh và đoàn tùy tùng thoát ra biển quay về cố quốc. Ông bảo, huyền sử này đã “mớm” cho các nhà nghiên cứu, nhà báo tìm về Nam Ô và cho ra đời nhiều tác phẩm...

Am hiểu Hán Nôm là một lợi thế để ông kể chuyện làng một cách sát thực và đầy thuyết phục.  Ảnh: V.T.L
Am hiểu Hán Nôm là một lợi thế để ông kể chuyện làng một cách sát thực và đầy thuyết phục. Ảnh: V.T.L

3. Căn nhà nhỏ nơi cuối hẻm của ông lúc nào cũng đầy giọng đàn, tiếng hát. Hôm đó ông cầm ghi-ta hát Ngày xưa Hoàng Thị của Phạm Duy, tiếng hát đôi lúc chùng xuống, mang mang nỗi nhớ về nàng Hoàng Thị của riêng ông với những buổi đến trường “tóc dài, tà áo vờn bay”. Ông từng vẽ tranh, làm thơ tặng những bóng hồng đi qua đời mình. Ông còn viết kịch và nổi tiếng với kịch thơ Nguyễn Văn Trỗi khi cộng tác với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang năm 1976. Ông thoáng chút mây buồn trong đáy mắt khi nhớ lại chuyện xưa: “Tôi mê kịch, bởi đây là nghệ thuật tổng hợp, bao hàm nhiều bộ môn mà tôi ưa thích như: nhạc, họa, thơ, văn... Có điều, tôi làm gì cũng không tới bờ tới bến”.

Là nói vậy, chứ theo nhận định của báo giới, ông đã thành công với việc “chép sử làng Nam Ô”. Năm 2021, ông tập hợp những bài đã đăng báo, phần lớn ở chuyên mục Chuyện xưa xứ Quảng của tờ Đà Nẵng Cuối tuần, trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng (Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng), Tạp chí Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Ðà Nẵng)... Tất cả hơn 70 bài theo dạng địa phương chí, ông nhờ bạn in trên giấy khổ 14,5 x 20,5cm và đóng thành sách dày trên 400 trang, lấy tựa là Nam Ô và những chuyện kể. Ông cầm cuốn sách “in thử xem đứa con tinh thần của mình hình thể thế nào”, giọng bùi ngùi: “Tôi mong nó chào đời lành lặn trước khi mình nhắm mắt xuôi tay”.

Nói rồi, ông mang ra xấp bản thảo tập sách vừa được NXB Đà Nẵng giao để ông xem lại toàn bộ nội dung, kịp in và phát hành chính thức trong năm 2022. Vậy là sẽ có một kết thúc có hậu đối với người chép chuyện kể làng Nam Ô. Những chuyện kể về quê xứ ấy, ông tự nhận xét: “… có thể chưa hẳn là hồn phách như mong muốn nhưng ít ra cũng là ký ức chân thành về một làng biển cổ hiếm hoi còn sót lại mà mỗi con sóng, hòn đá, rừng cây, giếng nước, đình, lăng, chùa, miếu đều mang chút hồn văn hóa, đang kêu gọi chúng ta đừng lãng quên”.

Làng Nam Ô. Ảnh: HUY LÊ
Làng Nam Ô. Ảnh: HUY LÊ

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.