Báo Xuân 2023
Nơi dòng sông Cu Đê đi qua
Sông Cu Đê (còn được gọi là sông Trường Định) bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn hùng vĩ; uốn lượn quanh co, luồn lách qua giữa những cánh rừng nam Hải Vân - Bạch Mã với hai chi lưu là sông Bắc và sông Nam, khi chảy đến Cầu Sập, thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) thì hợp lưu với nhau tạo thành. Từ đây, sông chảy theo hướng tây - đông qua xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) rồi đổ ra Biển Đông tại cửa biển Nam Ô, cách chân đèo Hải Vân chừng 5km.
Ảnh: XUÂN TƯ |
Đây cũng chính là dòng sông mà nơi thượng nguồn chia đôi xã Hòa Bắc, một phần xã Hòa Liên và thành hai làng quê yên bình, tạo nên một địa danh du lịch sinh thái cộng đồng với vẻ đẹp hoang sơ hiếm có, làm ngỡ ngàng bất cứ ai đặt chân tới vùng đất này. Sông Cu Đê đang trở thành điểm đến hấp dẫn và mang sắc thái riêng, trầm tư và tĩnh lặng. Sông chảy dài qua những cánh đồng bao la dưới chân núi tạo nên một bức tranh thiên nhiên nên thơ, yên ả, ngày càng mê hoặc du khách đến tham quan.
Bên cạnh đó, sông Cu Đê được xem như phần đệm giữa vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) và Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills (Đà Nẵng) với khí hậu mát mẻ quanh năm. Già làng A Lăng Siêng (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) kể, bên dòng sông Cu Đê thuở trước đã chứng kiến biết bao cặp nam nữ của 2 làng Tà Lang - Giàn Bí nên duyên. Dòng sông bao đời xanh mát, như một chứng nhân ôm lấy từng nét mộc mạc, chân chất của người dân xứ này.
Cộng đồng người Cơ tu sống bên dòng sông Cu Đê giờ đây đã phát triển so với mấy chục năm về trước. Phụ nữ không còn phải đi bộ từ nhà ra chợ vì xe cộ đã có, đường sá khang trang hơn. Người Cơ tu giờ đây còn biết làm du lịch để phát triển kinh tế gia đình ngày càng lớn mạnh. Giữa cuộc sống hiện đại như vậy nhưng đồng bào Cơ tu ở Hòa Bắc vẫn luôn tự hào mỗi khi nhắc lại những giá trị lịch sử, văn hóa của mình.
Theo sách Lịch sử Đảng bộ quận Liên Chiểu (1930-2005) - Nhà xuất bản Đà Nẵng 2005, “Cửa sông Cu Đê một thời trên bến dưới thuyền tấp nập người buôn bán, là điểm giao lưu, nơi kết nối miền biển và miền núi của vùng Tây Bắc huyện Hòa Vang, từ đó hình thành nên thị tứ Nam Ô vang bóng một thời”.
Dòng sông này không những ghi dấu những mốc son lịch sử từ đời xưa mà ở ven sông Cu Đê còn có các địa danh chứng tích một thời như cầu Thủy Tú, cồn Đình, cồn Dâu, hầm Vàng, đá Bà, núi Cấm... Các công trình kiến trúc cổ khá phong phú về loại hình và có giá trị lịch sử, khoa học và nghệ thuật như tháp Chăm (Xuân Dương), giếng vuông (Nam Ô)… mang những nét rêu phong, cổ kính, được xây dựng vào các thế kỷ XVIII - XIX.
Du khách cắm trại bên bờ sông Cu Đê. Ảnh: PHƯƠNG UYÊN |
Với tổng chiều dài hơn 38km và hơn 80% chảy trên địa phận huyện Hòa Vang, sông Cu Đê với hai nhánh sông Bắc xuất phát trên dãy Bạch Mã thuộc huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế), sông Nam xuất phát từ các dãy núi của huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) hợp thành tạo nên nhiều huyền thoại dân gian và chứng tích hào hùng. Du khách có nhiều lựa chọn để có thể ngắm nhìn trọn vẹn bức tranh thủy mặc này như: đi ô-tô hoặc xe máy dọc theo tuyến nội thành lên xã Hòa Bắc để có thể ngắm nhìn sông Cu Đê với độ cao 7-10m hay ngồi thuyền du ngoạn từ hạ lưu ngược dòng lên thăm thượng nguồn để có thể hòa mình vào vẻ đẹp yên ả, chiêm ngưỡng những nét nguyên sơ, hoang dại của thiên nhiên.
Dọc sông có nhiều địa điểm cắm trại được khá nhiều gia đình, hội, nhóm ưa thích. Đây sẽ là một lựa chọn khá hợp lý cho những buổi cắm trại vào cuối tuần, với không gian, khí hậu, cảnh quan tuyệt vời. Trong những chiều hè nắng đẹp, những thôn làng xanh mướt dọc đôi bờ dòng sông Cu Đê hiền hòa như thỏi nam châm hút khách rời thành phố. Từng đoàn khách vượt mấy chục cây số men theo con đường nhựa nhỏ từ cầu Nam Ô ngược dòng Cu Đê tìm về Hòa Bắc.
Theo đường đồi, dòng sông mở ra trước mắt du khách khung cảnh thanh bình, êm đẹp như ký ức quê xa một thuở. Men đôi bờ, những lưới vó chen lẫn ao nuôi tôm cá nối liền đồng mía, ruộng ngô bạt ngàn. Xa xa khói đốt đồng lan theo gió đùn lên giữa bốn bề núi cao xanh thẳm khiến du khách như lạc vào miền quê đầy hoài niệm. Cùng với đó, sắc màu tự nhiên của con sông Cu Đê tuôn chảy dưới cầu Sập hàng trăm năm qua càng quyến rũ giữ chân du khách lui tới nơi này...
Anh Nguyễn Ngọc Danh, một “thổ địa” trên địa bàn xã Hòa Bắc chia sẻ, khi băng qua cầu dây văng, du khách sẽ đến với những hệ sinh thái dọc bờ sông Cu Đê, nghe những câu chuyện về lịch sử, văn hóa, biết thêm về cách làm nông nghiệp truyền thống lâu đời của người dân. Một trong những điểm nhấn độc đáo mà thiên nhiên ban tặng cho Hòa Bắc là phong cảnh đẹp như tranh vẽ, yên bình và thơ mộng.
Nếu du khách chọn sông Bắc, sông Nam làm điểm bắt đầu cho cuộc hành trình thì thiên nhiên sẽ mở ra những khung cảnh hết sức hoang sơ với các cái tên như: Lỗ Cối hạ, Lỗ Cối thượng, Hố Giếng, Đá Bò, Thác Rễ, Khe Mun, Nà Mùn, Côn Đờ Bay, Khe Giao, Vũng Tàu, Bãi Hai, Vườn Mít, Tà Lang...
Sông Cu Đê là điểm nhấn của núi rừng Hòa Bắc, từ Tà Lang, Giàn Bí du khách có thể chèo thuyền, chống bè, ngược nhánh Bắc; đồng thời, du khách cũng có thể ngược Khe Đương lên với những thác, hồ kỳ thú giữa rừng nguyên sinh. Qua Tà Lang, vượt đèo Mũi Trâu, từ đây có thể thấy rõ đỉnh Bạch Mã và cả núi Chúa mây phủ giăng mờ…
Cầu Nam Ô, nơi sông Cu Đê theo về với biển. Ảnh: THANH QUỲNH |
Trong khi đó, nếu di chuyển từ hạ lưu con sông ở phường Hòa Hiệp Bắc ngược dòng lên thượng nguồn, điểm đến đầu tiên chính là khu nhà rường truyền thống nằm ở thôn Phò Nam (gần trụ sở của UBND xã Hòa Bắc). Để đến đây, mọi người có thể đi đường bộ hoặc từ Nam Ô dọc theo đường sông là thấy được ngôi nhà truyền thống này. Điểm dừng chân thứ 2 là Khe Trí, thuộc thôn Nam Mỹ với diện tích rộng lớn lên tới 4000m2.
Ở đây có nhiều dịch vụ như: ao cá, hồ bơi, nhà nghỉ... Còn điểm đến thứ ba là ngôi nhà Gươl của dân tộc Cơ tu nằm ở thôn Tà Lang. Khi tham quan dòng sông, du khách có thể khám phá các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, đền chùa miếu mạo dọc hai bên dòng sông hay tham gia vào các hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng với cư dân địa phương ở hai bên dòng sông hoặc cũng có thể là dừng chân tham gia câu cá bên bờ sông. Khi đến vùng đất này, du khách sẽ được thưởng thức các món ăn được chế biến từ hải sản, đặc biệt là đặc sản nổi tiếng ở vùng đất này như gỏi cá Nam Ô, cá niên nướng mọi, gà đồi, heo bản, mứt biển Nam Ô…
PHƯƠNG UYÊN