Báo Xuân 2023

Tết Quảng ở Sài Gòn

06:51, 24/01/2023 (GMT+7)

Nhiều người nói vui rằng cả miền Trung dường như thu bé lại trong ngôi chợ bình dị giữa lòng Sài Gòn. Vui mà đúng. Khi mô cũng rứa, mỗi lần ghé chợ Bà Hoa cứ như đang trở về nhà, về với mâm cơm mẹ nấu, về với tiếng gọi của bà, về với chân tình mộc mạc của xóm làng…

Ảnh: ÁNH HỒNG
Ảnh: ÁNH HỒNG

Một tâm tình, một nỗi nhớ

Một buổi chiều tháng mười hai, tại quầy bánh lọc, bánh gói ở chợ Bà Hoa (quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh), giọng trò chuyện giữa người bán và người mua rổn rảng: “Tết năm ngoái không về rồi. Tết năm ni mi có về không?”

“Nhớ quá rồi, răng cũng phải ráng về dì ạ”. “Rứa buồn hè”. “Vắng bớt người tới ăn, nói chuyện với ta rồi. Rứa vô nhớ có quà cho bà già ni hỉ”… Câu nói đương nửa chừng thì im bặt. Người phụ nữ hơn 70 tuổi bối rối quay mặt đi, che giấu nỗi thương nhớ quê nhà đang thổn thức chực trào nơi khóe mắt. Hơn 40 năm xa quê, bà Võ Thị Tiên thường xuyên trở về quê nhà ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) và quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) để thăm bà con, họ hàng cũng như gom góp hương quê để chắt chiu trong những tháng ngày xa xứ.

Nhưng càng lớn tuổi, những chuyến đi càng xa dần, xa dần rồi ngơi hẳn vài năm trở lại đây. Thế nên, càng gần Tết, niềm mong ngóng cố hương càng xốn xang, day dứt. Chừng như tỏ tường nỗi lòng của bà, mỗi thực khách hôm ấy lại góp dăm câu chuyện. Cứ thế, chuyện nối chuyện, Tết quê, Tết xa xứ theo cảm xúc của những người tha phương được dịp tuôn chảy trong cái ráng chiều bâng khuâng…

Giữa những hồi ức vừa ngọt vừa bùi, bất giác, có tiếng thở dài của ai đó, nghe chênh chao đến dịu vợi: “Cũng may có cái chợ ni, khi mô nhớ quê thì ghé đến để hoài vọng. Rồi chừng Tết xa thì vẫn có thể hít hà chút hương vị, sum vầy chút hình ảnh…”.

Có thể nói, bao năm qua, nơi đây đã “cưu mang” không ít tâm hồn hiu hắt vì nhớ, vì thương, vì tơ vương nơi chôn nhau cắt rốn. Cũng vì thế, vẫn là chợ như bao ngôi chợ khác, nhưng sự gắn kết của ngôi chợ có cái tên “hành chính” là chợ Phường 11 không chỉ dừng lại ở mối quan hệ giữa người bán và người mua, mà hơn cả là cái tình đồng hương thân thương. Những sản vật bình dị trở thành sợi dây kết nối những người tưởng chừng xa lạ thành quen, thành thân, thành nơi gửi trao tâm tình.

Thế nên, dẫu đã ghé chợ nhiều lần trong suốt quãng dài tuổi trẻ phiêu bạt, tôi chưa lần nào chứng kiến cảnh cãi cọ, tranh giành, chèo kéo khách dẫu dãy dọc dài gần 20 gian hàng buôn bán cùng các mặt hàng, từ các loại mắm đến bánh tráng, bánh thuẫn, kẹo mè xửng, bánh in, bánh ít, bánh tổ, bánh rò… Bởi lẽ, nhiều người trong số họ đã gắn bó cả quãng thanh xuân với ngôi chợ này, xem nơi đây như là ngôi nhà thứ hai để yêu và để thương.

Chị Nguyễn Thị Sinh (55 tuổi, quê Điện Phước, Điện Bàn, Quảng Nam) hài hước chia sẻ, mười tám tuổi, chị rời quê vào Sài Gòn lập nghiệp. Đây đó vài nơi, chị bám trụ ở chợ Bà Hoa từ khi chưa có gia đình, đến nay con cái đã trưởng thành, hòm hèm cũng hơn ba mươi năm. Trước đây, chị buôn bán vải nhưng các hộ kinh doanh cùng dãy từ từ chuyển sang mặt hàng đặc sản miền Trung nên chị cũng theo đó mà thay đổi.

Nằng nặng nghĩa tình

Theo chia sẻ của chị Sinh, ngày thường, các gian hàng vốn đã ăm ắp sản vật địa phương, ngày Tết càng thêm nhộn nhịp với bánh tét, bánh chưng, bánh nổ, củ kiệu, bánh tổ, mứt… Những món quen thuộc cũng được khoác thêm các tấm áo mới. Bánh in được gói trong những lớp giấy kiếng đủ màu. Bánh ngũ sắc được xếp thành những chiếc tháp lớn, trang trí đẹp mắt và gắn thêm đèn để cúng bàn Phật hay thờ tổ tiên…

“Theo quan niệm của người miền Trung, cùng với màu vàng ươm đẹp mắt, bánh thuẫn khi nướng nở ra như bông hoa sẽ mang lại điều may mắn. Thế nên, bánh thuẫn thường được dùng làm quà đi đám cúng, đám giỗ, đám cưới, đám hỏi, khai trương hay cúng giao thừa, đầu năm… Đặc biệt, mâm quả bánh đãi khách ngày xuân của người Quảng khi nào cũng có những chiếc bánh thuẫn. Nếu ngày thường, một ngày tôi vừa đổ sấy, đổ tươi 2 ký bột làm bánh thuẫn thì ngày Tết, nhà tôi phải đổ 10 đến 12 ký mới có thể đáp ứng nhu cầu của bà con”, chị Sinh bày tỏ.

Ở quầy bên cạnh, chị Nguyễn Thị Bông (43 tuổi, quê Quảng Ngãi, lấy chồng người Quảng Nam) đang tất bật nướng bánh tráng - món ăn thường xuyên xuất hiện trong mâm cơm, mâm cúng, bàn tiệc của người miền Trung. Chị Bông tâm sự, bình thường, gia đình chị nướng liên tục từ sáng đến tối mấy trăm bánh để vừa bán lẻ vừa giao sỉ, còn ngày cận Tết, số lượng tăng gấp 5 lần. Thế nhưng, các chị cho hay, tiểu thương ở khu chợ luôn bảo đảm giá cả hàng hóa ổn định để đồng hương yên tâm ăn Tết, vui Tết.

Đang lựa mua bánh cho các con, chị Nguyễn Liên Châu (37 tuổi, quê Tam Kỳ (Quảng Nam), hiện cư ngụ quận Tân Bình - khách “ruột” của khu chợ - vui vẻ trao đổi: “Đi đâu rồi cũng không quên được vị quê, thèm chi mà thèm. Mình mua về cho bản thân, rồi các con nhấm nháp thử cũng ghiền. Như bánh in có nguyên liệu chỉ là bột nếp hoặc bột đậu xanh và đường trộn với nhau, rứa mà răng gây nghiện đến lạ hè…”. Cả người bán và người mua bất giác cùng cười vang.

Nghĩa tình quê hương là thứ kỳ lạ, dù đi đến nơi đâu, chốn nào cũng khiến người ta hoài nhớ. Ăn đâu chỉ là ăn, vừa ăn vừa gợi ký ức, vừa ăn vừa kể chuyện cho thế hệ nối tiếp, vừa ăn vừa lưu giữ một nếp nhà, một nền văn hóa. Cho dù rời quê bao lâu, bao xa thì văn hóa quê cha vẫn in sâu trong tiềm thức rồi hiển hiện trong đời sống như một lẽ tự nhiên. Văn hóa xứ Quảng, đặc trưng nhất là tinh thần cộng đồng, đã bộc lộ đậm nét ngay chính tại chợ Bà Hoa, từ sự đùm bọc, quan tâm lẫn nhau giữa các tiểu thương, đến cái “xắn tay áo” chung tay lo mâm cúng tất niên.

Chị Nguyễn Thị Tường Vi (46 tuổi, quê Duy Xuyên, Quảng Nam) cho biết, hơn 20 năm qua, vào 16 tháng Chạp hằng năm, chẳng ai bảo ai, mỗi người mỗi việc đồng lòng chuẩn bị tươm tất cho lễ cúng tất niên. “Miền Trung quê mình là rứa rồi. Cứ nhà nào có đám thì hàng xóm tự động đến phụ giúp, chẳng cần phải nhờ vả chi. Đi xa rồi vẫn giữ được phong tục và chất quê nơi đất khách xứ người, hạnh phúc lắm”, chị Vi xúc động. Cái tình, cái nghĩa của những người con xa xứ cứ thế mà thắm, mà đượm theo năm tháng…

Những ngày này, giữa cái xôn xao chuyển giao của đất trời, đứng trước những hàng quán chất cao những thức quà quen thuộc của quê, đắm chìm trong phương ngữ “răng, tê, mô, rứa” quen thuộc, hòa mình trong không gian dạt dào hồn quê, cứ sướng rơn!

Những năm 1957-1958, những cư dân Quảng Nam đem theo nghề dệt truyền thống vào khu Bảy Hiền (quận Tân Bình) lập nghiệp, hình thành nên làng dệt nức tiếng xa gần cũng như cộng đồng người miền Trung đông nhất ở Sài Gòn. Đến những năm đầu thập niên 1970, một người phụ nữ gốc Bắc đã mua đất, thành lập chợ. Người dân thương nhớ công ơn của bà nên gọi cái tên thân thương là chợ Bà Hoa. Ban đầu, nơi đây chủ yếu bán vật dụng may mặc. Sau này, người xứ Quảng nhớ quê, bắt đầu bày bán những thực phẩm đặc trưng miền Trung rồi dần dà trở thành nét văn hóa ẩm thực thú vị. Hiện chợ nằm trên đường Trần Mai Ninh, được xem là một trong những khu chợ ẩm thực miền Trung nổi tiếng nhất Sài Gòn.

KHA MIÊN

.