"Chi bằng học", giá trị nghìn đời

.

“Chi bằng học (chữ Hán là Bất như học) là quan niệm cơ bản của tư tưởng Phan Châu Trinh, là lời gọi thống thiết của Phan Châu Trinh gửi đồng bào Việt Nam. Không phải chỉ có giá trị đương thời, mà còn đến hôm nay vẫn xứng đáng là một danh ngôn, luôn luôn phát huy tác dụng”.

Trao giải thưởng Khuyến tài Huỳnh Thúc Kháng năm 2023 cho học sinh xuất sắc thành phố Đà Nẵng do Công ty IMEXPHARM phối hợp Hội Khuyến học và Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Ảnh: V.T.L
Trao giải thưởng Khuyến tài Huỳnh Thúc Kháng năm 2023 cho học sinh xuất sắc thành phố Đà Nẵng do Công ty IMEXPHARM phối hợp Hội Khuyến học và Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Ảnh: V.T.L

Đó là nhận định của GS Vũ Ngọc Khánh trong bài “Chi bằng học”- tư tưởng chủ đạo của Phan Châu Trinh trong sự nghiệp Duy Tân đất nước đăng trong kỷ yếu tọa đàm 130 năm ngày sinh Phan Châu Trinh- Tam Kỳ, 2002. Tác giả cho biết, sau khi cụ Phan mất, hằng năm trên tờ Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng đều đặn làm lễ tưởng niệm ngày mất của cụ (24-3), đăng ảnh và trích một câu nói của cụ. Báo Tiếng Dân số 613 năm 1933, trong bài nhan đề Hiện trạng Vấn đề (nguyên văn chữ Hán, dịch ra tiếng Việt) có câu: Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là “Chi bằng học”.

Để học sinh nghèo yên tâm đèn sách

Có thể nói, Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng, chủ biên tờ báo Quốc ngữ đầu tiên ở miền Trung, đã chọn đúng câu nói như một danh ngôn của Phó bảng Phan Châu Trinh. Về phần mình, vào năm 1934, cụ Huỳnh đã khai sinh phong trào khuyến học tại Huế nhằm giúp đỡ sinh viên, học sinh các nơi (nhất là học trò xứ Quảng) đến học tập tại đây. Từ đó, tuy phong trào có lúc có nơi bị gián đoạn, nhưng vẫn tồn tại đến trước năm 1975 tại miền Nam.

Từ năm 1970 đến tháng 3-1975, nhà văn- thầy giáo Nguyễn Văn Xuân cùng với nhiều nhân sĩ, trí thức sở tại đã thành lập Hội Khuyến học thị xã Đà Nẵng. Nhà nghiên cứu sử học Võ Văn Dật, một trong 14 thành viên của Ban chấp hành Hội, kể lại hoạt động này trong bài Một thời khuyến học (dưới bút danh Võ Hương An) đăng ở phần phụ lục cuốn Lịch sử Đà Nẵng (1306 - 1975), NXB Nam Việt, CA, 2007.

Theo đó, bấy giờ Hội Khuyến học thị xã Đà Nẵng có một cơ sở khá khang trang nằm ở số 38 Độc Lập, nay là đường Trần Phú. Ngoài các hoạt động thuần túy về khuyến học như cấp học bổng, mở lớp đêm, lập thư viện, tổ chức những cuộc nói chuyện của những nhân vật có tiếng tăm trong một lãnh vực nào đó,... thì việc “khuyến học” thiết thực và hiệu quả nhất hồi đó là mở quán cơm Học sinh.

Đà Nẵng bấy giờ là “đất lành” để học sinh thôn quê ra phố trọ học, phần lớn nhà nghèo, cái ăn là cả một vấn đề. Quán cơm Học sinh ra đời đã giúp cho biết bao học sinh nghèo yên tâm đèn sách. “Chỉ cần đóng 3 đồng bạc mỗi ngày là các em học sinh có được hai bữa cơm trưa- chiều no bụng, dĩ nhiên chẳng cao lương mỹ vị gì, nhưng chắc chắn là đỡ lo cái bao tử hành hạ. Đó là 3 đồng góp thêm vào tiền mua thức ăn, chứ còn mọi thứ khác như gạo tương mắm muối củi lửa chén bát bếp núc thì hội phải lo đài thọ, trong đó lo nhất là chạy gạo,...”, tác giả kể lại trong bài đã dẫn.

TS Huỳnh Văn Hoa, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, người từng theo bạn bè ăn cơm xã hội tại quán cơm Học sinh, nhớ lại: “Quán cơm này do Hội thành lập, một số nhà hảo tâm, các thương gia góp gạo, thực phẩm, mỗi người một tay. Mỗi bữa cơm chừng 30 đồng, sau lên 50 đồng, bảo đảm đủ no để học sinh đến trường”.

Khuyên nhủ, thúc đẩy việc học

Những năm 80 đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, đời sống kinh tế khó khăn. Cái ăn đã khó, cái học càng khó hơn. Nhà giáo ưu tú Phạm Đình Hảo (sinh năm Kỷ Tỵ 1929), lúc còn đương chức Phó Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đã không khỏi xót xa khi thấy nhiều em học rất giỏi nhưng có nguy cơ bỏ học nửa chừng. Nghĩ đến người chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân xưa, ông nghĩ, tại sao mình không vận động thành lập Hội Khuyến học? Mãi đến năm 1991, sau khi Nhà nước “giữ lại” 24 tháng vì thiếu người thay thế, ông mới giũ được áo công chức để toàn tâm toàn ý hoàn thành sở nguyện của mình.

Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chính thức được tái lập theo Quyết định 1730/QĐ-UB do Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Đạm ký ngày 26-10-1991 với 7 thành viên trong ban vận động (đều là các gương mặt có uy tín xã hội lúc đó) gồm các ông Nguyễn Văn Xuân, Phan Khôi, Nguyễn Ngữ, Lê Phú Lộc, Phan Châu Toàn, Hồ Huyễn và ông, Phạm Đình Hảo.

Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố  Đà Nẵng Nguyễn Minh Hùng.
Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng Nguyễn Minh Hùng.

Nhà giáo Phạm Đình Hảo, Chủ tịch đầu tiên của Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (về sau là thành phố Đà Nẵng), nói: “Phong trào khuyến học được xác lập vào thập niên 30 do cụ Huỳnh Thúc Kháng, một chí sĩ yêu nước, một người học rộng, tài cao khởi xướng... Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng được tái lập tại quyết định 1730/QĐ-UB ngày 26-10-1991 của Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng”.

Tài liệu của Hội cho biết, chỉ 5 năm sau khi ra đời, “mạng lưới” khuyến học đã phát triển đến 71% số huyện, thị và 40% xã, phường, kết nạp 1.350 hội viên trên toàn tỉnh. Đại hội Hội Khuyến học tỉnh lần thứ nhất đề ra mục tiêu phấn đấu vận động Quỹ Khuyến học đạt 300 triệu đồng, nhưng thực tế đã đạt 1,9 tỷ đồng (thời điểm trên 30 năm trước). Hằng trăm học sinh hạnh kiểm tốt, học giỏi đã được khen thưởng hằng trăm triệu đồng. Hơn 3.000 học sinh, sinh viên được cấp học bổng, trong đó một số em có nguy cơ bỏ học hoặc không thể tiếp tục học lên vì thiếu điều kiện...

Xây dựng “Thành phố học tập”

Những con số từ trong mơ bước ra chính là những quả ngọt đầu mùa của hạt giống khuyến học trên đất Quảng Nam - Đà Nẵng và là một trong những tiền đề để từ đó tổ chức Hội Khuyến học Việt Nam chính thức chào đời vào ngày 2-10-1996. Mỗi khi nhắc chuyện này, nhiều nhà hoạt động khuyến học lại nói vui: Khuyến học trên đất Quảng Nam - Đà Nẵng so với cả nước thì đúng là sinh con rồi mới sinh cha!

Năm 1997, nếu khi “ra riêng” Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng chỉ mới “phủ sóng” được một số xã, phường, thì hai năm sau đã có 70% địa bàn dân cư có phong trào khuyến học, đến nay Hội đã phát triển khắp 100% xã, phường trên địa bàn. Riêng trong 5 năm qua, các cấp Hội Khuyến học ở Đà Nẵng tiếp tục thực hiện các đề án, chương trình của Nhà nước, Hội Khuyến học Việt Nam và thành phố về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030. Phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành “Thành phố học tập”, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố và đất nước.

“Chi bằng học” không chỉ mang giá trị đương thời của người phát ngôn mà mãi mãi về sau và việc Đà Nẵng xây dựng “Thành phố học tập” là một minh chứng cụ thể của giá trị đó.

“Từ xưa đến nay, Quảng Nam - Đà Nẵng luôn là vùng đất hiếu học; phong trào khuyến học và hội khuyến học bắt đầu từ những con người tiên phong trong việc gìn giữ và phát huy truyền thống của quê hương. Các thế hệ nối tiếp nhau chung tay góp sức cho sự nghiệp chấn hưng và phát triển nền giáo dục một vùng đất lịch sử - văn hóa của đất nước. Từ phong trào khuyến học của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng (1934) đến Hội Khuyến học thị xã Đà Nẵng do nhà văn - thầy giáo Nguyễn Văn Xuân làm Hội trưởng (1970- 1975) rồi Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (1991) và Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng (1997). Những cột mốc ấy khẳng định truyền thống, sự lớn mạnh và đóng góp hữu ích của Hội vào “sự nghiệp trồng người” của thành phố và đất nước trong nhiều thập niên qua”

Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng Nguyễn Minh Hùng

VĂN THÀNH LÊ

;
;
.
.
.
.
.