Dấu son trên đất La Châu

.

Hòa Vang là vùng đất nghèo nhưng lại đậm đà tinh thần hiếu học. Chuyện xưa truyền lại, ngoài Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh ra, đất Hòa Vang từng có 52 tú tài và 24 cử nhân được vinh danh làm rạng rỡ tông môn. Truyền thống hiếu học ấy như một mã gien di truyền quý giá truyền lại cho thế hệ mai sau. Đó cũng là lý do thôi thúc huyện Hòa Vang phục dựng lại Văn chỉ La Châu trên nền đất cổ xưa vào năm 2015. Bởi không chỉ đơn thuần là lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, mà còn tạo điểm tựa tinh thần vững chắc cho giáo dục truyền thống hiếu học của người dân địa phương.

Hậu duệ của Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh nhắc lại chuyện lập Văn chỉ La Châu năm xưa. Ảnh: N.H
Hậu duệ của Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh nhắc lại chuyện lập Văn chỉ La Châu năm xưa. Ảnh: N.H

Mạch nguồn hiếu học

Chỉ muốn về La Châu, vì một lẽ được ngồi trước thềm Văn chỉ, ngó ra cánh đồng vừa gieo sạ lấm tấm màu mạ non mà nghe bia đá kể chuyện tiền nhân gầy nghiệp học. Cách đó không xa là nhà cụ Đỗ Hữu Ninh, hậu duệ đời thứ 13 của tộc Đỗ làng La Châu. Không biết từ lúc nào chúng tôi bị cuốn vào chuyện kể của cụ già ngót nghét cửu tuần nhưng hãy còn tỏ tường mọi chuyện.

Cụ Ninh cho biết, Văn chỉ La Châu, người ở đây vẫn quen gọi là Văn Thánh, là do cụ Cao tổ (từ đời ông nội kể lên hai đời nữa) của cụ là Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh khởi xướng. “Cụ Cao nhà chúng tôi là tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của huyện Hòa Vang. Thân sinh cụ là Đỗ Như Tùng đỗ liền 2 khoa sinh đồ (tú tài) năm 1819 và 1821 và là tú tài khai khoa của huyện lúc bấy giờ…”, giọng người già sang sảng đầy tự hào vang lên giữa từ đường họ Đỗ làng La Châu.

Chuyện tiến sĩ khai khoa họ Đỗ khởi xướng xây dựng Văn chỉ La Châu là câu chuyện lay động lòng người. Năm Tự Đức thứ 3 (1850), sau khi đỗ tiến sĩ, Đỗ Thúc Tịnh được bổ làm tri phủ Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nhưng chỉ một thời gian ngắn ông phải xin về quê phụng dưỡng mẹ già đang ốm nặng. Gia phả họ Đỗ ghi lại: “Suốt ngày, ông quanh quẩn dưới gối, chẳng muốn xa lìa mẹ một phút”. Không lâu sau, năm 1851, mẹ ông qua đời. Theo lễ giáo phong kiến, ông ở nhà thọ tang mẹ 3 năm.

Điều đáng nói, trong 3 năm cử tang mẹ tại quê nhà, ông đã khởi xướng xây dựng Văn chỉ La Châu hãy còn dấu tích cho đến ngày nay. Chính trong khoảng thời gian này, ông đã gặp gỡ, bàn bạc với các thân hào, nhân sĩ trong Hội tư văn huyện Hòa Vang, nhất là với tri huyện Nguyễn Huy Bính, xúc tiến xây dựng Văn chỉ La Châu - một hình thái Văn miếu cấp phủ, huyện. Công việc tiến hành đến cuối mùa xuân năm Nhâm Tý, Tự Đức thứ 5 (1852) thì hoàn thành, và cũng chính Đỗ Thúc Tịnh là người chấp bút viết bài văn bia dựng trước Văn chỉ.

Dấu cũ tích xưa

Nhìn từ xa, Văn chỉ La Châu như dấu son trên cánh đồng bốn mùa xanh mướt. Mùa này hồ sen đã ngủ đông, chỉ còn lại mấy chiếc lá sen già trầm ngâm suy tư cùng mưa gió. Tôi đứng lặng bên những tấm bia đã mờ dấu khắc ghi theo năm tháng. Nghe nói đây là 5 tấm bia còn sót lại sau hơn 170 năm tạo lập đến nay. Những biến cố, thăng trầm lịch sử khiến Văn chỉ nhiều lần bị đốt phá, đánh bom thiêu rụi.

Giọng ông Đỗ Thanh Trung, em trai cụ Ninh, kéo những người xung quanh vào dòng hồi tưởng: “Lúc còn nhỏ, anh em chúng tôi vẫn thường chạy ra đây chơi. Hồi đó Văn Thánh còn có nhà chuông, nhà trống và dãy bia đá 5 cái uy nghi lắm. Mỗi năm vào rằm tháng 3 cúng bái, tiếng chuông lại ngân vang. Dân làng cho rằng quả chuông này có pha đồng đen nên âm thanh vọng xa khắp mấy cánh đồng.

Đầu năm 1969, Mỹ xáng xuống mấy trái bom, Văn Thánh tan hoang chỉ còn trơ cái móng gạch, nghe nói quả chuông lớn bay xuống hồ sen mất dấu tích. Sau này dân làng nhiều lần mò tìm nhưng không thấy đâu? May mà 5 bia đá tuy có bị vỡ 2 tấm, đứt gãy nhưng đã được phục chế, phục dựng lại. Quý nhất là chữ viết vẫn còn rõ ràng, dễ đọc”.

Trong lặng thầm của thời gian, người ta đọc được ở Văn bia, thời gian trùng tu, việc đóng góp tiền bạc, điền thổ cho Văn chỉ, từ hàng quan lại cấp huyện cho đến các lý trưởng, hào mục, người dân bình dị, chân lấm tay bùn ở nhiều xã, thôn, tổng, huyện khác; từ người địa phương cho đến các huyện khác trong và ngoài tỉnh, từ thời Tự Đức đến Bảo Đại. Những con số biết nói đó cho thấy di tích Văn chỉ La Châu là nơi sinh hoạt văn hóa không chỉ riêng Hòa Vang mà cả tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng (bắc sông Thu Bồn lúc bấy giờ).

Tác giả bên Văn chỉ La Châu. Ảnh: N.H
Tác giả bên Văn chỉ La Châu. Ảnh: N.H

Văn chỉ La Châu là văn chỉ duy nhất còn lại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện nay, là một biểu tượng của truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo nhân dân Hòa Vang. Văn chỉ La Châu  còn là minh chứng vật chất thuyết phục cho truyền thống hiếu học và học giỏi của con người Hòa Vang nói riêng và từ đó, góp phần tạo nên văn mạch đằng đẵng không dứt của vùng đất xứ Quảng nói chung.

Nói một cách khác, Văn chỉ La Châu là một biểu tượng văn hóa mang ý nghĩa kép, vừa ở khía cạnh hiếu học, coi trọng sự học, vừa phản ánh thực tiễn văn tài của địa phương. Đây cũng là địa chỉ mà bất cứ ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu về vị quan Nho học của triều Nguyễn với những công nghiệp to lớn, một kẻ sĩ dấn thân vì sự hưng vong của quốc gia dân tộc - Tiến sĩ Đỗ Thúc Tịnh,  đều ước ao đặt chân đến.

Vọng đến ngàn sau

Ngôi trường THCS mang tên vị Tiến sĩ lừng danh Đỗ Thúc Tịnh nằm cạnh quốc lộ 14B như một minh chứng cho sự kế thừa truyền thống hiếu học của đất quê Hòa Vang. Cổng trường với mô phỏng cách điệu hình chiếc mũ Trạng nguyên như với lời nhắn gửi đến các thế hệ thầy và trò luôn nhớ đến tài đức của tiền nhân khi đi qua cổng trường mang tên vị Tiến sĩ quê nhà.

Cô Lê Thị Vâng, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Biết ơn các bậc tiền nhân khai mở sự học của xứ sở, nhà trường thường xuyên tổ chức các chuyến về nguồn chăm sóc phần mộ cụ Đỗ Thúc Tịnh, tổng dọn vệ sinh và dâng hương tại Văn chỉ. Đây cũng là nơi tổ chức gặp mặt động viên học sinh trước khi lên đường tham gia các kỳ thi quan trọng và báo công sau mỗi kỳ thi. Ngoài ra nhà trường chỉ đạo dạy lồng ghép giới thiệu Văn chỉ trong chương trình lịch sử địa phương. Học tập ngoại khóa với chủ đề “Học trải nghiệm, sống trách nhiệm giúp học sinh biết thêm giá trị của Văn chỉ để có trách nhiệm bảo tồn và phát huy…”.

Tuy chuông xưa giờ không còn nhưng thanh âm hiếu học từ Văn chỉ La Châu vẫn vọng mãi đến ngàn sau. Con cháu họ Đỗ La Châu không chỉ có nhiều người  đỗ đạt, thành danh mà còn giữ vị trí cao ở các cấp. Nhiều quỹ khuyến học, khuyến tài mang tên Đỗ Thúc Tịnh ra đời trên đất Hòa Vang do huyện chủ trì, như một cách khơi lại mạch nguồn hiếu học của con em huyện nhà.

Mạch nguồn ấy chảy qua từng họ tộc làm nên những phù sa tốt tươi để nuôi lớn nhân tài trưởng thành, giúp quê nghèo thịnh vượng. Tộc Nguyễn Văn làng Yến Nê (Hòa Tiến); tộc Trần Văn làng Quá Giáng (Hòa Phước); tộc Đỗ Hữu làng Thái Lai (Hòa Nhơn); tộc Lê Trung làng Cẩm Toại (Hòa Phong)… là những điểm sáng trong phong trào tộc họ khuyến học của thành phố, đã giang đôi tay nâng đỡ, tiếp bước cho học sinh nghèo học giỏi bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Tất cả những việc làm ý nghĩa ấy để từ dấu son giữa cánh đồng La Châu trường tồn mãi với quê hương. 

NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.