Báo Xuân 2024
Một chén trà Xuân
1. Bạn uống trà, bạn có thiện cảm, tôn quý trà hoặc có thể bạn thờ ơ với thứ nước được hàng tỷ người uống mỗi ngày, bất luận sở thích của bạn như thế nào thì trà vẫn là thứ được ưa chuộng nhất trần gian, chỉ sau nước. Trà là nội tâm, là thứ nước không chỉ giải khát mà còn góp phần thuần hóa tâm hồn. Ngày xuân, hãy cùng nhau chậm lại, cùng im lặng bên tách trà, để thấy rằng những điều ta hiện có quý báu dường bao.
Trà được dùng làm thức uống lâu đời nhất. Qua hàng ngàn năm thế sự thăng trầm trà mới định dạng như ngày nay. Sự phát hiện ra trà gắn liền với một truyền thuyết của một nhà sư nổi tiếng là Bồ-đề đạt-ma, người Ấn Độ sang Trung Quốc truyền đạo vào khoảng năm 480, và là người khai sáng dòng thiền tông và môn võ thiếu lâm danh bất hư truyền. Mười năm quay mặt vào tường thiền định (“Thập niên diện bích”), một lần để chống cơn buồn ngủ ông cắt hai mi mắt của mình vứt ra ngoài thất. Kỳ lạ là chỗ đất có hai mi mắt ấy sau đó mọc lên một cây có lá xanh đậm và hoa trắng ngần thơm ngát. Có một tiểu đồng tình cờ hái mấy đọt lá ấy nấu lên và thấy hương vị thật đặc biệt: vị thanh và nhất là làm cho tâm hồn mình lắng đọng, tĩnh thức. Cây mọc lên từ hai mí mắt ấy được gọi là cây trà.
Dĩ nhiên đó chỉ là truyền thuyết, nhưng đó là một câu chuyện thật sâu sắc, muốn đắc đạo, muốn thành công mọi việc ở đời trước hết phải ít ngủ. Thuốc ngủ thì có nhiều nhưng thuốc bớt ngủ đến nay nổi tiếng nhất vẫn là trà. Nói thêm, trà tạo cho ta bớt ngủ nhưng là thứ duy nhất khiến ta tĩnh thức, nhẹ nhàng và thư thái đầy đặn tâm hồn. Cà phê dễ làm ta mất ngủ, còn trà dễ làm ta tĩnh thức trong trạng thái an vui. Có lẽ vì vậy mà ban đầu trà được biết đến như một vị thuốc dùng để trị bịnh đau đầu, sáng mắt và cũng có khi như một gia vị được nấu với rau húng, rau răm.
Gần 300 năm thịnh trị nhà Đường (Trung Quốc), cũng là giai đoạn phát triển rực rỡ của văn chương, cầm kỳ thi họa, cũng là giai đoạn thưởng trà được nâng lên thành nghệ thuật. Riêng Toàn Đường thi có 2.200 nhà thơ và 48.900 bài thơ xứng đáng là châu báu. Trong số hàng ngàn nhà thơ ấy có nhiều người lấy trà làm thú tiêu dao, xem trà như một thức uống làm đẹp tâm hồn, là nghi lễ cho sự trở về nội tâm, là nước quý cho sự thăng hoa. Trà Kinh của Lục Vũ (733-804) là tác phẩm hoàn chỉnh đầu tiên viết về cây trà, nâng việc pha và uống trà thành trà điển, ông chuẩn hóa cách chọn trà, nước, lửa, cách pha, trà cụ và cách uống trà.
Theo Lục Vũ ngon nhất là trà được trồng ở phương Nam và có đủ ánh nắng mặt trời trên đất pha sỏi. Hái trà phải hái lúc hừng sáng đến khi mặt trời lên, nếu hái buổi trưa đứng bóng hoặc buổi chiều đông u ám trà ấy chỉ là cỏ rau. Trà thượng hạng là trà một búp và một lá, khi sấy khô nó nhỏ cong như lưỡi chim sẻ (tước thiệt trà). Vua chúa ngày xưa cầu kỳ, trà của vua và triều đình uống trồng ở vùng đất riêng, trước khi hái trà phải có một viên quan nhất phẩm cáo trời đất trước khi hàng trăm đồng trinh tuổi từ mười bốn đến mười sáu, im lặng và thành tâm dùng móng tay mình hái nhẹ hai lá đầu tiên của cành chính bỏ vào túi lụa đeo trước ngực (không được dùng ngón tay vì nó tiếp xúc trực tiếp vào cơ thể người mất đi sự thanh khiết). Trà ấy phải được sấy khô trong ngày trước khi mặt trời lặn.
Một yếu tố quan trọng của một ấm trà ngon là nước dùng để pha trà. Người xưa cho rằng ngon nhất là nước từ các thạch nhũ trên núi cao, thứ nữa là nước giữa dòng và cuối là nước giếng sâu. Lấy nước thượng nguồn, nước “động” không hãm được chè ngon, nước cuối dòng gần nơi dân cư sinh sống là làm hỏng trà. Lửa phải từ củi lỏi, được phơi khô đủ nắng.
Còn nhiều thứ nữa để có một chén trà ngon như hộp đựng, muỗng lấy trà, ấm, chén… nhưng quan trọng nhất là cách pha, cách uống. Nước trong nồi sủi tăm như mắt cua là sôi vừa, sủi lớn như mắt cá và vỡ thành tiếng reo như sóng là đủ “chín” để pha. Nước sôi chín quá thì không dùng được. Một ấm trà ngon chỉ uống hai nước: nước đầu hai phần ba ấm, nước sau đầy hơn. Được một chén trà ngon là một sự may mắn và hạnh phúc ở đời “Chẳng cầu bất tử, chỉ cầu được chén trà ngon” (Lô Đồng), âu cũng là lời ca ngợi trà như một đỉnh cao của sự tự tại thong dong tâm hồn.
Các nước gần Trung Quốc dường như chỉ có Nhật Bản là nâng việc thưởng trà lên thành một thứ gần như tôn giáo: Trà đạo. Trà thư của Okakura Kakuzo là một quyển sách rất hay nói về trà và trà đạo. Thông qua chén trà để cảm nhận được lễ nghi và trật tự của mỗi người trước tự nhiên và cuộc đời. Với trà đạo thì sau khi tập trung (thường không quá năm người), trà nhân phải cúi đầu trước một cánh cửa thấp để vào trà thất, mọi ồn ào tuyệt đối để lại bên ngoài. Trà nhân quì, hai tay nâng chén để thưởng trà. Một chén trà khi đó là một sự nhìn lại chính mình. “Ai không cảm nhận được sự nhỏ bé trong những điều lớn lao của chính mình thì sẽ khó mà nhận ra được sự lớn lao trong điều nhỏ bé của người khác”.
2. Việt Nam là quê hương của cây trà. Vùng Thái Nguyên, Sơn La, B’lao (Bảo Lộc) là những vùng chè lớn nước ta, nhưng ngon và nổi tiếng phải kể đến vùng quanh núi Fansipan (Hoàng Liên Sơn), nơi có những rừng chè ngàn năm tuổi, mà lá của nó đủ tất cả mười tám vị đầu đẳng để làm nên một chén trà ngon thượng hạng. Có chút ngạc nhiên khi trong “Dư địa chí” (Nguyễn Trãi) thì nơi có chè ngon nhất ngày xưa ở nước ta là vùng Sa Bôi tức Cam Lộ (Quảng Trị) mà ngày nay thất truyền. Dĩ nhiên, người Việt cũng biết thưởng trà từ ngàn năm trước.
“Bình minh nhất trản trà” không chỉ là lời khuyên sâu sắc của danh y Hải Thượng mà còn thể hiện niềm hạnh phúc viên mãn của một người biết uống trà. “Buổi sớm gió mát, buổi chiều trăng trong, với bạn làng thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm trà ngon thưởng thức thì có thể tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục” (Vũ Trung Tùy Bút - Phạm Đình Hổ). “Những chiếc ấm đất” và “Chén trà trong sương sớm” là những truyện hay nhất trong Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, cho ta thấy một phong cách và sự tinh tế uống trà của người xưa. Trà là thế giới của tao nhân mặc khách.
Ngày nay, trà thành món uống phổ thông với nhiều biến tấu: trà bột (Lipton), trà sữa, trà gừng, trà chanh… Đó là theo yêu cầu tiện dụng của thời đại công nghiệp đòi hỏi, trà nhiều khi chỉ là cái cớ để đảm đương cái việc giải khát như trà đá mà nhiều người nói là sáng tạo của nước ta. Phú Thượng (Hòa Vang) xứ mình có chè xanh và chè chín. Chè xanh được cắt cành lấy lá hãm với gừng là thứ nước phổ biến của miền Trung, còn chè chín là chè phơi khô, ngày nay chỉ còn bán ở các chợ nông thôn. Tuy nhiên, trong chiều sâu văn hóa, trong nguồn mạch bất tận của sự lịch lãm, trà vẫn là một thứ lễ nghi làm nên hồn cốt giao tiếp.
Trà ngon hiện không thiếu, có những loại thượng hạng như Long Tĩnh trà, hoặc Chính Sơn nhập khẩu có giá cả trăm triệu đồng một ký, với đa số chỉ cần Shan tuyết, Suối Giàng hay trà đinh Thái Nguyên là đã đủ là một niềm vui lớn. Tiêu chí thì vẫn như xưa, trà được hái và sao đúng cách, trà mới chứ thứ để qua 60 ngày xem như hết mùi. Cũng tùy sở thích mà có người thích trà ướp hương (hoa sói, hoa lài, ngâu hay cầu kỳ là ướp sen), nhưng theo Cao Bá Quát thì một trà nhân đích thực thì trà phải nguyên hương, nguyên vị không được ướp bất cứ loại hương nào khác. Trà ướp là trà dùng cho người không rành uống trà.
Nước trong núi, trên sông và giếng sâu để pha trà giờ khó tìm, thì phải ứng biến cho vừa nỗi mê trà. Nước lọc đóng chai hay nước máy qua thiết bị khử hóa chất mà các gia đình hiện trang bị khá phổ biến. Ấm điện thay cho siêu đất thuở sủi tăm cua, tăm cá. Tuy con đường để có một chén trà ngon khác trước rất nhiều, nhưng yêu cầu người thưởng trà vẫn còn đó những đòi hỏi không khó nhưng cũng không hề đơn giản.
Uống với ai? Câu trà tam tửu tứ hình như chỉ là ước lệ. Chén trà ngon nhất là chén trà uống một mình đầu tiên trong ngày. Sau khi vệ sinh sạch sẽ châu thân tự mình rửa bình lau chén. Tuyệt đối không được dùng xà phòng để rửa ấm. Tùy yêu cầu mà có lượng trà phù hợp, nước sôi đổ nhẹ vào ấm và để ngấm lâu chừng ba hơi thở rồi đổ bỏ, gọi là nước tráng trà hay rửa trà, sau đổ nước sôi vào đầy hai phần ba ấm. Để ngấm chừng ba phút rót ra chén, có thể trung gian qua một chén tống để cho tất cả các ly sau khi rót có chất lượng nước trà đều nhau. Thường là phải tráng chén để vừa bảo đảm sạch nhưng cái chính là khởi động cho chén nóng lên trước khi rót. Nhẹ nhàng nâng lên và uống nhanh để nhận ra vị ngọt đậm và sâu nơi cuống họng. Người xưa uống đến chén thứ bảy là đủ một thời trà, vì khi ấy thấy gió mát ngang vai, thấy trời trong mây trắng, đầu óc sáng suốt, tâm hồn nhẹ nhàng…
Có một chi tiết còn tranh luận: uống nhanh hay nhắp từ từ: “rượu khà trà nhắp”, thực tế do cấu tạo của lưỡi (vùng đầu lưỡi nhận ra vị mặn ngọt, vùng giữa nhận ra vị đắng và phần gốc lưỡi nhận ra vị chua) mà nhiều cao nhân khuyên trà nên hớp nhanh, giữ lại trong miệng tích tắt rồi uống. Chú ý để biết vị ngọt đậm nhờ lưỡi, mùi thơm là phải qua mũi.
Pha trà tiếp khách là việc không giao người khác. Chính chủ phải là người lấy trà, hãm và chiêu khách. Trà ngon không phải uống khi bàn chuyện thành công hay thất bại công danh, hay lúc quá vui của chốn đông người. Không gì đau trà hơn là sau khi say rượu lại được mời trà. Uống trà là uống để thấy đất trời, để biết ý vị một câu thơ, một đàm đạo văn chương, một tri âm tri kỷ. Uống trà có thể với một người (đối ẩm), hoặc ba người nhưng không nên nhiều hơn, bởi khi uống người ta trọng điều nghe hơn điều nói.
Trong mươi năm lại đây ở nước ta xuất hiện trường phái thưởng trà tĩnh thức, cũng có khi gọi là trà thiền. Chất lượng trà và cách pha cùng phải bảo đảm theo quy định chung, nhưng yêu cầu quan trọng nhất là người uống phải im lặng và tuyệt đối kiểm soát ý nghĩ của mình. Rót ra chén, nâng lên miệng, biết được từng giây phút trà hiện hữu với từng hơi thở đang thở của mình. Cảm nhận cái ngon khi nghĩ đến bầu trời của cây đương thở, của mạch ngầm làm ra chén nước, biết gió, biết nội tâm đang nghĩ, đang tự tại với niềm vui im lặng. Biết trà đang thơm trong buổi sớm đầu năm, là món quà quý mà mình nhận được từ đất trời và lòng hiếu thảo cũng như bạn tri âm mang tới. Một chén trà Xuân là một niềm vui im lặng tâm hồn.
MAI ĐỨC LỘC