Sum vầy bên mâm cơm ngày Tết

.

Hăm chín ba má làm mâm cơm tất niên rồi rước ông bà luôn con nghe! Khi mẹ tôi gọi điện nhắc chừng như vậy, tức là nhà bắt đầu vào kỳ cúng kiếng liên tục cho đến ngày đưa ông bà, thường vào mồng 4 Tết.

Hồi chị em tôi còn nhỏ, chúng tôi phụ mẹ những việc bếp núc lặt vặt như bóc hành tỏi, tỉa su hào, cà rốt, cuốn ram… Dù đứng trên chảo bếp nóng nực liên tục xào nấu, mẹ tôi vẫn tranh thủ dạy 3 cô con gái: “Lúc cuốn ram, tụi con đừng cuốn quá chặt tay, cũng không thả lỏng tay khiến cuốn ram bị lỏng lẻo. Nếu ram quá chặt thì khi chiên, nhưn sẽ chín và nở ra, bánh tráng dễ bị bong, rách, làm rơi nhưn ra ngoài, còn nếu cuốn quá lỏng lẻo thì sau khi cho ram vào chảo, bánh tráng cũng dễ bong ra”.

Những lời dặn dò này hầu như chúng tôi đã thuộc lòng, việc cuốn ram cũng đã làm đi làm lại quá nhiều lần, nhưng cứ đến Tết là mẹ lại... nhắc bên tai. Em gái tôi làu bàu: “Ngày thường ở nhà nấu ăn cũng cuốn ram sao không nghe mẹ dặn, cứ đến lúc nấu mâm cơm Tết là mẹ lại “làm quá” lên, kỹ ơi là kỹ”.

Em tôi nói không sai. Mẹ tôi rất kỹ cơ trong chuẩn bị, bày biện mâm cơm cúng. Bà phải chọn đồ tươi ngon nhất, tính toán kỹ lưỡng mâm cơm mỗi ngày đều đủ đầy các món truyền thống ngày Tết. Ví như hôm nay thịt gà, thì mai thịt heo, ngày kia thịt bò, rồi món hầm, món kho, món xào xen kẽ… Lúc nhỏ thấy mẹ nấu một bữa nhiều món quá, chị em tôi cứ thắc mắc. Sau này lớn lên, lấy chồng, ra riêng, tôi mới thấu hiểu tấm lòng của mẹ. Sở dĩ, bà nấu nhiều món như vậy là để thỏa mãn nhu cầu của các lứa tuổi khác nhau trong gia đình. Ông sẽ ăn những món được hầm trên bếp thật lâu như canh măng giò heo, canh khổ qua độn thịt, ba thích ăn cơm trắng với thịt kho tàu, chị em tôi thích các món chua chua như nem thịt Quế Sơn, tré trộn…

Mẹ tôi quan niệm: “Mâm cơm cúng nào cũng phải đầy đặn và phong phú, bởi “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết””. Không riêng mẹ tôi, theo phong tục cổ truyền của người Việt, nấu mâm cơm ngày Tết, trước là để dâng cúng tổ tiên, sau là cả nhà sum vầy chung hưởng, việc này vô cùng hệ trọng và thiêng liêng. Đó chính là hàm ý đoàn viên mà chỉ có ở mâm cơm gia đình ngày Tết.

Chia sẻ về mâm cơm ngày Tết, anh Phạm Minh Hải (SN 1986, phường Thạch Thang, quận Hải Châu), bày tỏ: “Gia đình tôi bắt đầu làm mâm cơm cúng Tết từ ngày 28 tháng Chạp, đây cũng là ngày rước ông bà truyền thống của gia đình, duy trì từ những năm 90 đến nay. Ba tôi nói rằng, ông chọn một ngày cố định chứ không thay đổi ngày tốt/xấu qua mỗi năm nhằm tạo nếp nhà: Con cháu dù có làm ăn xa ở đâu thì nhớ ngày 28 Tết về sum họp gia đình”.

Thật sự chỉ khi Tết đến, xuân về, nhiều gia đình mới có dịp tề tựu đông đủ, sum vầy bên nhau. Chẳng có gì hạnh phúc bằng Tết đoàn viên, chẳng có gì an yên bằng mùa sum họp. Và nhắc đến Tết, mọi người sẽ nghĩ ngay đến mâm cơm tất niên, bữa cơm cúng tổ tiên và những bữa cơm ấm áp, quây quần bên ông bà, cha mẹ.

“Những biến thiên thời cuộc sẽ làm nhiều giá trị văn hóa truyền thống bị biến đổi, đối với tôi và gia đình, mâm cơm ngày Tết là lúc mình thể hiện lòng hiếu thuận đối với ông bà, cha mẹ. Anh chị em, cô, dì, chú, bác quây quần bên nhau và trò chuyện về cuộc sống, về tình cảm, công việc của mình. Cảm giác nguồn cội, có nơi ta thuộc về, lan tỏa từ lúc các bà, các mẹ xôn xao dưới bếp gọi các thanh niên bưng đồ cúng lên ban thờ, rồi lúc cả dòng họ cùng im lặng trước nén hương trầm, nghe ông thầm thì báo cáo tổ tiên. Nên với tôi, Tết là dịp để chúng ta nhìn nhận, trân trọng lấy gia đình, quê hương, gốc gác”, anh Hải chia sẻ thêm.

Theo PGS. TS Lê Đức Luận (Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng), người có nhiều nghiên cứu về cơ sở văn hóa Việt Nam, phong tục và lễ hội Việt, bữa cơm ngày Tết là nét văn hóa không thể thiếu để làm nên mùa xuân hạnh phúc, đoàn viên. Dù mâm cơm ngày Tết ở mỗi nơi có điểm khác biệt từ cách chế biến, bài trí nhưng tựu trung vẫn hướng về những giá trị văn hóa truyền thống được ông cha gìn giữ và lưu truyền bao đời nay.

“Thực tế, cùng dòng chảy của xã hội hiện đại, việc nấu những mâm cơm Tết cũng khác nhiều so với trước đây. Xưa, đồ ăn thức uống thiếu thốn, mọi người chỉ mong đến Tết để được ăn gà luộc, giò heo, nem, chả… thì nay ăn đủ chất quanh năm, chẳng thèm món gì cả. Dù vậy, ngày Tết cổ truyền vẫn có vị trí đặc biệt quan trọng trong văn hóa người Việt. Các món ăn được lựa chọn trong ngày đầu xuân bao giờ cũng chứa đựng những gì tinh túy, đặc trưng nhất, phản ánh rõ nét nhất cái tài đảm đang, khéo léo của người làm ra chúng. Ví như trong mâm cơm cúng giao thừa, nhà ai cúng gà thì phải là gà trống choai, có tiếng gáy dõng dạc và chưa hề đạp mái, nhằm cầu xin một sự khởi đầu mới với những điều tốt lành, suôn sẻ sẽ đến trong cả năm”, PGS. TS Lê Đức Luận chia sẻ.

Mâm cơm Tết ngày nay không cần đủ 6 hay 8 món như xưa, các lễ cúng kiếng cũng không nhất thiết kéo dài. Mỗi nhà, tùy theo hoàn cảnh, điều kiện kinh tế để bày tỏ với tổ tiên theo cách khác nhau. Dù vậy, từ thời xa xưa, trong những ngày Tết, gia đình nào cũng trông mong con cháu tề tựu về một nơi để thờ cúng, để cùng nhau thăm hỏi, chúc tụng sức khỏe. Mâm cơm ngày Tết vì thế thêm thiêng liêng, là biểu tượng của sự sung túc, đủ đầy chào đón mùa xuân mới. Đây là truyền thống tốt đẹp mà thế hệ đi sau nên gìn giữ.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.