Báo Xuân 2024

Tiên phong chuyển đổi số

18:31, 10/02/2024 (GMT+7)

Đà Nẵng đạt nhiều thành tựu về chuyển đổi số và công nghệ thông tin (CNTT), trong đó có các giải pháp, phần mềm từ sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước để ứng dụng vào công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Phóng viên Báo Đà Nẵng gặp gỡ đầu xuân với hai doanh nghiệp tiêu biểu có nhiều đóng góp để phát triển thành phố thông minh với những sản phẩm số nổi bật, tạo hiệu ứng tích cực.

Đại diện Công ty CP Unitech nhận giải thưởng Top 10 doanh nghiệp cung cấp giải pháp “Chính phủ điện tử Việt Nam năm 2020” do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) bình chọn. Ảnh: M.Q
Đại diện Công ty CP Unitech nhận giải thưởng Top 10 doanh nghiệp cung cấp giải pháp “Chính phủ điện tử Việt Nam năm 2020” do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) bình chọn. Ảnh: M.Q

Đồng hành từ những ngày đầu

Tháng 12-2007, Công ty CP Unitech dù mới ra đời nhưng phải “bắt tay” giải ngay “đề bài” về giải pháp phục vụ tiếp nhận, phát hành văn bản điện tử, chỉ đạo và xử lý văn bản, công việc của lãnh đạo, chuyên viên các cơ quan quản lý Nhà nước. Ông Sử Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Unitech, cho hay trước yêu cầu cấp thiết đặt ra, các kỹ sư công ty tập trung hoàn thiện phần mềm “Quản lý văn bản và điều hành” ra mắt phần mềm đầu năm 2008.

Qua 15 năm, phần mềm đã triển khai cho các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, thành phố, quận, huyện và phường, xã của Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Thuận, Thái Nguyên và Gia Lai. Phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để gợi ý nội dung bút phê, chuyển xử lý dựa trên lịch sử bút phê, đồng thời ứng dụng máy truy tìm dữ liệu (search engine) trong tìm kiếm văn bản.

Trên cơ sở thành công bước đầu, nhiều phần mềm do các kỹ sư của Công ty CP Unitech phát triển tiếp tục ra đời. Cụ thể: Cổng dịch vụ công trực tuyến và phần mềm Một cửa điện tử được thiết kế và phát triển từ năm 2010 để phục vụ cho công dân, doanh nghiệp đăng ký các dịch vụ công trực tuyến và các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp nhận, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính. Phần mềm này đã triển khai tại Đà Nẵng, Cần Thơ và Gia Lai.

Năm 2018, trước hiện trạng dữ liệu của các phòng quản lý Nhà nước cấp huyện nằm rải rác, khó khăn trong việc kế thừa, chia sẻ, báo cáo thống kê phục vụ lãnh đạo, Unitech thiết kế và phát triển phần mềm cơ sở dữ liệu chuyên ngành cấp huyện nhằm tạo một kho dữ liệu chuyên ngành dùng chung cho toàn huyện và hỗ trợ các phòng quản lý Nhà nước xử lý nghiệp vụ chuyên ngành. Unitech đã triển khai cho các quận, huyện thuộc thành phố Đà Nẵng, 13 đơn vị cấp huyện thuộc tỉnh Quảng Ngãi, các huyện thuộc tỉnh Tuyên Quang. Cũng trong năm 2018, phần mềm cơ sở dữ liệu  chuyên ngành cấp tỉnh ra đời để các sở, ban, ngành quản lý chi tiết dữ liệu của ngành.

Các sản phẩm trên mang về cho Unitech các giải thưởng: Top 10 doanh nghiệp cung cấp giải pháp “Chính phủ điện tử Việt Nam năm 2020” do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) bình chọn, giải thưởng “Chuyển đổi số Việt Nam năm 2020” cho sản phẩm Hệ thống cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý Nhà nước chuyên ngành cấp huyện do Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA) trao tặng, giải thưởng “Make in VietNam 2023” lĩnh vực “Sản phẩm số xuất sắc cho Chính phủ số” với Hệ thống thông tin an toàn thực phẩm UniFS do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức. Bản thân Unitech cũng có nhiều bước phát triển sau 16 năm thành lập với 4 công ty thành viên và đội ngũ nhân viên hơn 180 người. Doanh thu trung bình 80 tỷ đồng và mức độ tăng trưởng hằng năm 15-20%.

Công ty CP Công nghệ số Thông Minh (SDT, quận Hải Châu) phát triển nhiều giải pháp phục vụ chính phủ số và đô thị thông minh. Ảnh: M.Q
Công ty CP Công nghệ số Thông Minh (SDT, quận Hải Châu) phát triển nhiều giải pháp phục vụ chính phủ số và đô thị thông minh. Ảnh: M.Q

Các sản phẩm số phục vụ quê hương

Dù mới thành lập hơn 5 năm, nhưng Công ty CP Công nghệ số Thông Minh - SDT  đã nghiên cứu, phát triển nhiều giải pháp về Chính phủ điện tử, Chính phủ số và đô thị thông minh đáp ứng tốt nhu cầu chuyển đổi số cho các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó 10 sản phẩm, giải pháp chính đã có chứng nhận bản quyền. Cụ thể gồm: nền tảng Phát triển Chính phủ điện tử (Danang dGov Development Platform v2.0), nền tảng Công dân số (My Portal), nền tảng tích hợp dữ liệu LGSP, ứng dụng di động thông minh Danang Smart City…

Nhờ đó, công ty đạt nhiều giải thưởng như “Chuyển đổi số Việt Nam 2020” hạng mục “Sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số tiêu biểu Chính phủ điện tử và Đô thị thông minh” với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu - LGSP, Top 200 giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2021, góp phần giúp Đà Nẵng đạt giải thưởng “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc năm 2022” với sản phẩm Nền tảng Công dân số (My Portal), Top doanh nghiệp có sản phẩm số thông minh và giải pháp công nghiệp 4.0 của Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số tại lễ trao giải Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam - I4.0 Awards 2023…

Về các giải pháp do công ty phát triển, có thể thấy nổi bật là ứng dụng Danang Smart City với hơn 1 triệu người dùng, giúp người dân có thể khai báo y tế, tra cứu tiền điện, nước, xem camera trực tuyến một số tuyến đường của thành phố, theo dõi chất lượng không khí, lượng mưa trong ngày… Các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức có thể kịp thời giám sát công việc, phê duyệt hồ sơ, nhắc việc mọi lúc, mọi nơi. Hay một sản phẩm khác là nền tảng công dân số MyPortal có hơn 260.000 người dân có tài khoản.

Song song đó, SDT xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu  công dân Đà Nẵng theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để kết nối và trao đổi dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; chuẩn hóa dữ liệu và chuyển đổi cấu trúc dữ liệu từ các nguồn dữ liệu công dân hiện có của Đà Nẵng được số hóa bao gồm các cơ sở dữ liệu: trên hệ thống chính quyền điện tử thành phố, nhân hộ khẩu, hồ sơ sức khỏe, hộ tịch, giấy phép lái xe, bảo hiểm xã hội…

Ông Trần Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc điều hành Công ty SDT, chia sẻ, công ty có đội ngũ nhân lực nhiều kinh nghiệm và hoài bão cùng chung tay xây dựng các giải pháp chính quyền điện tử, chính quyền số cho các tỉnh, thành phố để hướng tới một nền kinh tế số sử dụng tri thức nhiều hơn, giúp đất nước tăng trưởng nhanh và bền vững. Đặc biệt, công ty đặt nhiều tâm huyết trong phát triển những sản phẩm tốt nhất, thiết thực nhất cho quê hương Đà Nẵng.

Đến nay, công ty có hơn 50 người gồm đội ngũ tư vấn, lập trình, triển khai dự án và đã thành lập 2 chi nhánh tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để đáp ứng nhu cầu phát triển, mở rộng thị trường. Doanh thu trung bình hằng năm của công ty khoảng gần 18 tỷ đồng và đang phấn đấu năm 2024 sẽ tăng gấp đôi con số trên. Công ty xác định mục tiêu phấn đấu nằm trong top 50 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, tập trung mọi nguồn lực và trí tuệ để phát triển những sản phẩm, giải pháp có tính sáng tạo cao, góp phần hình thành và phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số cho Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.

MAI QUẾ

.