Báo Xuân 2024

Từ cửa Hàn đến sông Hàn

07:31, 12/02/2024 (GMT+7)

Trên hai bờ tấp nập của sông Hàn hôm nay, khó lòng nghe được câu hát hò khoan da diết của người lái đò ngày cũ:

“Ở bên ni Hàn ngó qua bên tê Hà Thân, nước xanh như tàu lá;

Ở bên tê Hà Thân ngó qua bên ni Hàn, phố xá nghênh ngang;

Kể từ ngày Tây lại cửa Hàn, đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bông Miêu…

Ảnh: HUY_BANK
Ảnh: HUY_BANK

Cảnh quan đôi bờ thay đổi, những câu chuyện xưa đã trở thành dĩ vãng, nhưng tên sông, tên phố vẫn vọng mãi một âm sắc thân thương. Dân gian gọi là cửa Hàn, chợ Hàn, sông Hàn, đi xuống Hàn… mặc dù thành phố cũng có những tên khác nghe “bác học” hơn, Đà Nẵng, Tourane.

“Hàn” không có nghĩa là “lạnh” của một từ Hán Việt thường gặp 寒. Trong Hồng Đức Bản Đồ (cuối thế kỷ 15), có ghi “Hàn Môn” (cửa Hàn), tự dạng 翰門. Trong Giáp Ngọ Bình Nam Đồ (giữa thế kỷ 17), có ghi “Hàn Thị” (chợ Hàn), tự dạng 榦巿. Đây là cách mượn chữ Hán để ghi âm một từ địa phương không có nghĩa tương đương trong tiếng Hán. Từ địa phương có âm “Hàn” xuất hiện ít ra đã hơn năm trăm năm trước. Bên cạnh các bản đồ cổ dùng chữ Hán để ghi địa danh, có bản đồ của Alexandre De Rhodes (giữa thế kỷ 17), ghi bằng chữ la tinh là “Cuahan”; và trong tài liệu Voyages et Misions, do Alexandre De Rhodes soạn cùng thời gian với bản đồ, ông dùng chữ “Kean” để chỉ cửa Hàn (port de Kean).

Người Trung Hoa từ khoảng thế kỷ 19 về sau, khi đến cửa Hàn, nghe phát âm của người địa phương, đã tìm các chữ Hán vừa có âm tương tự vừa có ý nghĩa liên quan để ghi tên cảng biển này; đó là 峴 (nghĩa là vách núi) hoặc 蜆 (nghĩa là con hến), người Hoa đọc là Xiàn, hoặc Hành, hoặc Hàn; người Việt đọc là Hiện. Từ đó, thành phố Đà Nẵng được ghi bằng tiếng Trung hiện đại là 峴港 hoặc 蜆港 (âm Hán Việt đọc là Hiện Cảng). Ngoài chức năng ghi âm, danh xưng “Hiện Cảng” phản ánh được nét địa hình của cửa Hàn, đó là một cửa biển được che chắn bởi vách núi (峴) Sơn Chà, nếu nhìn từ xa lại tượng hình một vỏ hến (蜆) nổi trên biển.

Bản đồ Hồng Đức (cuối thế kỷ XV)
Bản đồ Hồng Đức (cuối thế kỷ XV)

Một yếu tố địa hình khác làm nên giá trị của cửa Hàn chính là sự kết nối giữa cửa Hàn và cửa Đại ở biển Hội An, thông qua con sông Hàn nối liền với sông Cổ Cò, thẳng đến gần Hội An, một khu phố thương mại sầm uất từ cuối thế kỷ XVII. Sông Cổ Cò đã bị bồi lấp và đang được khơi thông, và khi nói đến cảng biển của thành phố Hội An, người ta nghĩ ngay đến cửa Đại. Thật ra, cửa Đại trước đây thường bị cát lấp cạn, tàu thuyền vào cửa Hàn, là một cảng sâu, rồi đi tiếp theo đường sông vào Hội An một cách dễ dàng.

Các tài liệu của thương nhân ngoại quốc ghi nhận cửa Hàn và cửa Đại như là hai nhánh của một cửa biển chung; một tấm bản đồ vẽ năm 1787 trong tập Iconographie historique de l’Indochine Francaise, có câu chú thích: “Con sông Faifo [Hội An] cũng có cùng một sự bất tiện..., một bãi bồi chắn ngang sông và trên đó nước ít, chỉ cho phép những thuyền nhỏ đi vào; nhưng vịnh Tourane [Đà Nẵng] có thể tiếp nhận những chiếc tàu buôn lớn nhất và cảng của nó rất chắc chắn”.

Ở thời kỳ xa xưa hơn nữa, tàu thuyền vào cửa Hàn còn có thể đi tiếp theo một nhánh sông nối liền sông Hàn với sông Thu Bồn để vận chuyển hàng hóa lên tận thượng nguồn. Nhánh sông ấy cũng đã bị bồi lấp từ lâu, cho đến năm 1822, vua Minh Mạng mới cho người khơi thông dòng chảy theo dấu bồi lấp cũ, đi qua làng Câu Nhí, gọi là sông Vĩnh Điện, khắc hình tượng và tên sông vào Dụ Đỉnh đặt ở Đại Nội, kinh đô Huế. Sách Đại Nam nhất thống chí, khắc in năm Duy Tân thứ ba (1909) chép về sông Vĩnh Điện như sau:

永 奠 河 在 縣 北 上 流 接 氵于 耶 秋 湓 二 源, 北 至 化 閨 東 社, 合 錦 荔 江 注 于 沱 曩 海 口. 接 此 河 舊 有 水 道 屈 曲 迂 迴, 年 久 塞 堙. 明 命 三 年 命 該 簿 黎 大 棡 因 舊 挑 濬, 自 駒 鴯 社 至 錦 沙 社 凡 八 百 五 十 餘 丈 爲 永 奠 河. [1]

Dịch nghĩa: Sông Vĩnh Điện ở phía bắc huyện, là dòng tiếp nối theo hai nguồn Thu Bồn và Vu Gia, bắc đến xã Hóa Khuê Đông, hợp với sông Cẩm Lệ chảy vào cửa biển Đà Nẵng. Nối với sông này xưa có đường nước khúc khuỷu quanh co, lâu ngày bị bồi lấp. Năm Minh Mạng thứ ba [1822] sai Cai bạ Lê Đại Cương tổ chức đào theo dấu cũ, từ xã Câu Nhí đến xã Cẩm Sa, chừng hơn 850 trượng gọi là sông Vĩnh Điện.

Nhánh sông Câu Nhí lại bị bồi lấp, và tiếp tục được khai thông vào thời Tây lại cửa Hàn, đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bông Miêu… Lần này, không chỉ để vận chuyển vàng từ Bông Miêu mà để vận chuyển than từ mỏ than Nông Sơn ra thẳng cửa Hàn, như có thể nhìn thấy trên một bản đồ năm 1891 ( M.A. Hérou).

Giáp Ngọ Bình Nam Đồ (giữa thế kỷ XVII)
Giáp Ngọ Bình Nam Đồ (giữa thế kỷ XVII)

Lần theo các dấu tích thời kỳ Champa, chúng ta bắt gặp hai bản văn khắc thế kỷ X ở Hóa Quê (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) nhắc đến việc giao dịch của Champa với nước ngoài cùng với việc xây dựng nhiều đền tháp ở bến sông Hóa Quê (Văn khắc C 142, hiện lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Hà Nội và Văn khắc C 211, hiện lưu giữ tạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Đà Nẵng). Đó là những chứng tích phản ánh sự phồn thịnh của vùng đất Đà Nẵng từ hơn ngàn năm trước với vai trò quan trọng của cửa Hàn trong việc kết nối giao thương đường sông và đường biển.

Tính chất cổ xưa của địa danh “Hàn” cũng gợi đến nguồn từ nguyên trong hệ ngôn ngữ Mã lai - Đa Đảo (Malay-polynésien), mà dấu vết ngày nay không chỉ ở danh xưng cửa Hàn, mà còn ở tiếng Chăm hiện đại với từ “hang krong” có nghĩa là “bờ sông” (Bùi Khánh Thế, Tự điển Việt - Chăm, Nxb KHXH 1996), hoặc trong tiếng Mã Lai với từ “labuhan” có nghĩa là “bến cảng, nơi neo đậu tàu thuyền” (John Crawfurd, A Dictionary of the Malay and English Language, London 1852). Qua thời gian, “Hàn” không dừng lại là tên gọi một cảng biển mà trở thành tên gọi của nhánh sông nối với cửa biển, sông Hàn, và một bến chợ ven sông, chợ Hàn.

Cùng với dòng chảy của lịch sử, sông Hàn chứng kiến nhiều biến cố bi hùng và những đổi thay bất tận. Những thập niên gần đây, các chuyến đò ngang mỏng manh nhường chỗ cho những cây cầu vững chãi. Mặt nước sông Hàn không còn soi bóng những gian nhà chồ xiêu vẹo mà trở thành sân khấu trình diễn đêm hội pháo hoa của bè bạn năm châu. Những đổi thay ấy, những sắc màu ấy ẩn chứa năng lượng, khát vọng của bao thế hệ tiền nhân. Và từng mùa xuân qua, mỗi một người Đà Nẵng và khách phương xa đến Đà Nẵng tiếp tục góp một phần hơi thở vào nhịp sống mới mẻ từng ngày của một thành phố lưu giữ những tên gọi cổ xưa, cửa Hàn, sông Hàn, chợ Hàn, Đà Nẵng.

VÕ VĂN THẮNG

.