Hình tượng con rồng ở vùng đất Đà Nẵng trước hết gắn với một truyền thuyết dân gian về nguồn gốc của người Việt: Truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên. Để quảng bá truyền thuyết độc đáo này, người Đà Nẵng đã đưa câu chuyện vợ chồng Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh trăm trứng nở trăm con vào giảng dạy trong trường phổ thông cũng như vào nghệ thuật tạo hình - bức tượng đá màu trắng sáng của nhà điêu khắc Lê Công Thành dựng ở Công viên Biển Đông năm 2007 thường được gọi là tượng Mẹ Âu Cơ. Và tượng Mẹ Âu Cơ bên bờ Biển Đông với hình ảnh hai bầu vú no tròn ấp trên một quả trứng to không chỉ gợi nhớ đến truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên mà còn gợi nhớ đến truyền thuyết về nguồn gốc của Ngũ Hành Sơn với hình ảnh trứng rồng và móng rùa...
Để quảng bá truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên và cả truyền thuyết Ngũ Hành Sơn, người Đà Nẵng còn đặt tên Âu Cơ và Lạc Long Quân cho hai đường phố trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc quận Liên Chiểu (cha của Lạc Long Quân là Kinh Dương Vương được đặt tên đường ở quận Liên Chiểu; con của Lạc Long Quân và Âu Cơ là Hùng Vương được đặt tên đường ở hai quận Hải Châu và Thanh Khê).
Hình tượng con rồng ở vùng đất Đà Nẵng không chỉ được thể hiện qua tên đường Lạc Long Quân mà còn được thể hiện qua tên đường Thăng Long trên địa bàn hai quận Hải Châu và Cẩm Lệ gợi nhớ thế nước vươn lên từ một giấc mơ của vua Lý Thái Tổ, hay qua tên đường Thanh Long trong cụm tên đường khởi đầu bằng từ tố Thanh ở phường Thanh Bình quận Hải Châu như Thanh Sơn, Thanh Thủy, Thanh Hải, Thanh Duyên…
Cũng có thể kể thêm một số đường phố mang tên các nhân vật tên Long như Lê Văn Long ở quận Hải Châu, như Phan Xích Long ở quận Thanh Khê, như Vũ Đình Long ở quận Sơn Trà, như Trần Đình Long ở quận Cẩm Lệ, như Trần Quang Long và Nguyễn Thành Long ở quận Liên Chiểu. Về địa danh hành chính, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn từng có xã Hòa Long - cùng với xã Hòa Lân và xã Hòa Phụng - được đặt tên trong mối tương quan tứ linh long-lân-quy-phụng (sau ngày đất nước thống nhất, xã Hòa Long được hợp nhất với xã Hòa Hải thành xã Hòa Hải; xã Hòa Lân được hợp nhất với xã Hòa Phụng thành xã Hòa Quý).
Hình tượng con rồng ở vùng đất Đà Nẵng còn ngời sáng qua hai câu thơ chữ Hán của vua Lê Thánh Tông sáng tác cuối năm 1470 khi neo đậu thuyền rồng ở cửa biển Đà Nẵng: Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt/ Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền - Nguyễn Thiếu Dũng dịch: Đồng Long vằng vặc trăng nằm/ Con thuyền Lộ Hạc canh năm dập dềnh (bài Hải Vân hải môn lữ thứ). Mặc dầu còn có một số nhà nghiên cứu dựa vào việc các bộ sử đời sau như Ô Châu cận lục, Đồng Khánh dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí… không nhắc đến địa danh Đồng Long mang dấu ấn đế vương nên tỏ ý nghi ngờ và cho rằng Đồng Long trong thế giới nghệ thuật Lê Thánh Tông không phải là một địa danh, nhưng đến nay nhiều người vẫn đinh ninh Đồng Long chính là cách Lê Thánh Tông dùng để gọi vịnh Đà Nẵng/vũng Thùng (năm 2015, Hội Nghệ sĩ Múa thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố đã tổ chức biểu diễn chương trình ca múa nhạc Đà Nẵng - đất Đồng Long do Nghệ sĩ nhân dân Lê Huân dàn dựng).
Hình tượng con rồng ở vùng đất Đà Nẵng còn ngời sáng qua tên gọi một số ngôi chùa Phật giáo ở Đà Nẵng như chùa Long Hoa ở ngọn Thổ Sơn của núi Ngũ Hành, như chùa Long Thơ trên đường Trần Phú, hay như chùa Long Thủ trên đường 2 tháng 9. Thật ra tên gọi chùa Long Thủ là một sự nhầm lẫn trong quá trình dịch thuật từ chữ Hán sang chữ Pháp, bởi tên gọi ngôi chùa cổ của làng Nại Hiên Tây này được chạm khắc rất rõ trên tấm bia bằng sa thạch màu xám lập vào năm Đinh Dậu 1657 niên hiệu Thịnh Đức thứ 5 triều vua Lê Thần Tông, trán bia có tiêu đề gồm 6 chữ lớn nằm ngang: Lập Thạch Bi Thủ Long Tự/ Lập văn bia trên đá tại ngôi chùa Thủ Long (văn bia chùa Thủ Long được Toàn quyền Đông Dương liệt hạng là di tích lịch sử theo Nghị định ngày 16 tháng 5 năm 1925 và được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 2 tháng 12 năm 1992). Sau này chùa Thủ Long được đổi tên là chùa An Long - đổi Thủ thành An nhưng vẫn giữ lại hình tượng con rồng nhìn ra sông Hàn lộng gió.
Nằm rất gần chùa An Long có một con rồng bằng sa thạch nhưng không phải của Đại Việt mà là của Champa có nguồn gốc từ Tháp Mẫm ở Bình Định và đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Đó là pho tượng rồng cao khoảng một mét được chế tác vào thế kỷ XII với miệng há rộng để ngậm một hạt ngọc bên trong, cho thấy ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc Đại Việt, do vậy có thể xem đây là sản phẩm của giao lưu văn hoá Đại Việt-Champa (xin nói thêm đương thời các nghệ sĩ điêu khắc Champa đã tạc không phải một mà là một cặp tượng rồng để đặt hai bên cổng của Tháp Mẫm - ngoài pho tượng rồng ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm vừa nêu, pho tượng rồng còn lại đang thuộc sở hữu của Phòng trưng bày điêu khắc Chăm thuộc Bảo tàng Guimet Paris).
Nằm rất gần chùa An Long còn có một con rồng bằng thép tung hoành ở Cầu Rồng bắc qua sông Hàn - đầu rồng do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thiết kế theo mô hình đầu rồng thời Lý. Con rồng có thể vừa phun nước vừa phun lửa này đang trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn của Đà Nẵng, từng được các nhà điện ảnh người Mỹ đưa vào bộ phim hành động The Protégé/ Môn đồ, là phim hành động vừa ra rạp ở Hollywood hồi tháng 8 năm 2021; cũng từng được các nhà điện ảnh người Hàn Quốc đưa vào tập đầu tiên của bộ phim truyền hình Taxi Driver 2/ Tài xế Taxi 2 phát sóng trên Korean Broadcasting System/ KBS hồi tháng 2 năm 2023. Cầu Rồng cũng từng được trao Giải thưởng Diamond Award/ Giải thưởng Kim cương trong cuộc thi Global Best Projet Award/ Những dự án xuất sắc nhất toàn cầu năm 2014 về lĩnh vực kỹ thuật do Engineering News-Record trao tặng và Giải thưởng Lớn/ Grand Award trong Lễ vinh danh các dự án kỹ thuật xuất sắc/ Engineering Exellence Award Gala năm 2014.
Cuối cùng không thể không nhắc tới một con rồng đá cũng được thiết kế theo mô hình đầu rồng thời Lý, cũng có thể phun nước, cũng gắn với truyền thuyết dân gian và với sông Hàn như con rồng của Cầu Rồng: Pho tượng cá chép hóa rồng. Đây cũng là một điểm đến của Đà Nẵng thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài thành phố tới tham quan.
*
Nhân đầu năm Giáp Thìn, nhắc đến chuyện một số con rồng trong truyền thuyết dân gian, trong nghệ thuật tạo hình cổ truyền và đương đại, trong các tên đất tên người… ở vùng đất Đà Nẵng “chưa mưa đà thấm” này nhằm nhấn mạnh sự kết nối về văn hóa và lịch sử giữa Đà Nẵng với cả nước, đồng thời cũng nhằm nhấn mạnh khát vọng vươn cao, vươn xa của người Đà Nẵng trên hành trình phấn đấu “xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á” như yêu cầu của Bộ Chính trị trong Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24 tháng 1 năm 2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
BÙI VĂN TIẾNG