Chiến lược phát triển thành phố Đà Nẵng tương lai

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "lượng" sang "chất"

.

Thành phố Đà Nẵng trong nhiều thập niên qua đã và đang là một trong những đô thị phát triển nhanh nhất Việt Nam. Tuy nhiên, thành phố cũng đang đứng trước những thách thức mới để duy trì tốc độ phát triển, bao gồm việc nâng cao vai trò đô thị trung tâm Vùng Đô thị miền Trung trong việc thúc đẩy tăng trưởng cao tương xứng với vị thế và tiềm năng, và việc ứng phó với nhu cầu phát triển trong bối cảnh hạn chế về quỹ đất phát triển và các thử thách mới về kinh tế và môi trường.

Đã đến lúc Đà Nẵng cần phải chuyển đổi định hướng phát triển, từ mô hình tăng trưởng về số lượng sang tăng trưởng về chất lượng. Điều này đòi hỏi sự thay đổi toàn diện trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và môi trường của đô thị và nông thôn, không chỉ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà còn tạo ra một môi trường phát triển bền vững và hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Dưới đây là đề xuất 10 định hướng chiến lược cho Đà Nẵng tương lai trong quá trình chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng từ “lượng” sang “chất”.

Trung tâm thành phố Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN TƯ
Trung tâm thành phố Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN TƯ

Cơ cấu lại quy hoạch sử dụng đất theo hướng ưu tiên chức năng tạo động lực tăng trưởng

Quy hoạch sử dụng đất cần được cơ cấu lại để ưu tiên các chức năng và khu vực có khả năng tạo động lực tăng trưởng kinh tế - xã hội. Điều này bao gồm việc phát triển các khu công nghiệp sạch và tiên tiến, khu công nghệ cao, và các khu vực dịch vụ. Hiện nay, cụm ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông được kỳ vọng tăng trưởng nhanh và chiếm khoảng 10 - 15% GRDP, trở thành một trong các trụ cột chính của nền kinh tế Đà Nẵng. Việc tăng cường đầu tư vào hạ tầng giao thông và các tiện ích công cộng cũng là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế.

Tối ưu hóa quỹ đất phát triển đô thị và nông thôn

Trong bối cảnh khó khăn về đất sạch cần thiết cho việc khai triển các dự án mới, Đà Nẵng cần tập trung vào việc tối ưu hóa quỹ đất để phát triển đô thị và nông thôn. Điều này bao gồm việc thu hồi và tái cơ cấu các khu vực chậm phát triển hoặc kém hiệu quả. Theo số liệu năm 2024, diện tích đất đô thị Đà Nẵng được quy hoạch lại đã tăng 15% so với năm trước, giúp cải thiện hiệu quả sử dụng đất và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án phát triển mới.

Phát triển kinh tế - xã hội theo tư duy kinh tế thị trường và phục vụ dân sinh

Đà Nẵng cần phát triển kinh tế - xã hội theo tư duy kinh tế thị trường, đồng thời đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu dân sinh. Điều này bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, đồng thời bảo đảm các dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục, hạ tầng xã hội được cung cấp đầy đủ và chất lượng.

Theo UBND thành phố Đà Nẵng, toàn thành phố năm 2024 còn khoảng 4.200 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,39% và thành phố phấn đấu đến cuối năm 2025, Đà Nẵng sẽ không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố. Để đảm bảo phát triển bền vững, thành phố cần tiếp tục đầu tư vào các dịch vụ công cộng và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ này.

Cầu vượt ngã ba Huế, một trong những cửa ngõ giao thông quan trọng của thành phố. Ảnh: XUÂN TƯ
Cầu vượt ngã ba Huế, một trong những cửa ngõ giao thông quan trọng của thành phố. Ảnh: XUÂN TƯ

Phát triển công việc thu nhập cao để thu hút lao động nhập cư chất lượng cao

Đà Nẵng cần tập trung vào việc tạo ra các công việc có thu nhập cao để thu hút lao động chất lượng cao từ các khu vực khác. So với cả nước, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp của Đà Nẵng trong thập niên qua thường được xếp hạng cao trong nhóm hàng đầu so với cả nước, nhưng vẫn xảy ra tình trạng cung cầu lao động và việc làm chưa tương xứng. Để cải thiện tình hình này, thành phố cần đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tài chính, và du lịch cao cấp. Các doanh nghiệp cần được khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Việc phát triển đô thị đại học quốc gia và các cơ sở đào tạo nghề nghiệp tại Đà Nẵng cũng cần được đẩy mạnh để giúp tiếp tục nâng cao chất lượng lao động và thu hút lao động nhập cư chất lượng cao .

Nâng cấp trình độ lực lượng quản lý công

Để đảm bảo hiệu quả quản lý và điều hành, Đà Nẵng cần nâng cấp trình độ lực lượng quản lý công. Điều này bao gồm việc tinh gọn biên chế và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ, công chức song song với chế độ ưu đãi trả lương cao và tạo điều kiện làm việc tốt để thu hút và giữ chân nhân tài. Theo số liệu năm 2024, tỷ lệ cán bộ, công chức có trình độ đại học trở lên tại Đà Nẵng đạt khoảng 80%. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển, thành phố vẫn cần tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng quản lý cho lực lượng này.

Phát triển đô thị mật độ cao theo mô hình TOD

Mô hình phát triển đô thị mật độ cao theo hướng TOD (Transit Oriented Development) là một giải pháp hiệu quả để tối ưu hóa sử dụng đất và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Theo mô hình này, các khu vực đô thị sẽ được phát triển xung quanh các trạm giao thông công cộng, giúp giảm thiểu việc sử dụng xe cá nhân và khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Đà Nẵng cần đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng hiện đại, bao gồm xe buýt nhanh (BRT), tàu điện ngầm và xe điện. Việc phát triển các khu đô thị mật độ cao cũng giúp tối ưu hóa sử dụng đất và tạo ra môi trường sống tiện nghi cho người dân.

Tầm nhìn quy hoạch TP. Đà Nẵng tương lai, bao gồm quy hoạch Khu Đô thị Sân bay (Aerotropolis) và quy hoạch hệ thống đô thị gắn kết với tuyến metro theo mô hình TOD (Transit Oriented Development) của đồng Chủ nhiệm Đồ án KTS Kathrin Moore và TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn. (Nguồn: NgoViet Architects & Planners)
Tầm nhìn quy hoạch TP. Đà Nẵng tương lai, bao gồm quy hoạch Khu Đô thị Sân bay (Aerotropolis) và quy hoạch hệ thống đô thị gắn kết với tuyến metro theo mô hình TOD (Transit Oriented Development) của đồng Chủ nhiệm Đồ án KTS Kathrin Moore và TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn. (Nguồn: NgoViet Architects & Planners)

Phát triển khu đô thị sân bay

Một trong những chiến lược quan trọng là phát triển khu đô thị sân bay. Điều này không chỉ giúp Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn cho doanh nhân toàn cầu mà còn tạo điều kiện cho các hội nghị quốc tế, giao lưu văn hóa và kết nối hữu nghị. Tổng lượng hành khách thông qua sân bay Đà Nẵng năm 2024 đạt trên 13,5 triệu lượt khách, bao gồm trên 6,2 triệu lượt khách quốc tế, cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của khu vực này.

Phát triển khu đô thị đường sắt

Đà Nẵng cũng cần lập định hướng quy hoạch phát triển khu đô thị đường sắt, gắn kết với mạng lưới đường sắt tốc độ cao quốc gia và mạng lưới giao thông công cộng của thành phố và vùng đô thị miền Trung. Điều này tạo điều kiện kết nối quốc gia và quốc tế tiện lợi với giá phải chăng cho người dân. Hiện nay, để giúp giảm thời gian di chuyển giữa các thành phố lớn trong nước, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang được Bộ Giao thông vận tải chính thức đệ trình Quốc hội về chủ trương đầu tư, với đường đôi, khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, dự kiến tổng vốn hơn 67 tỷ USD.

Phát triển khu đô thị cảng biển và khu đô thị công nghiệp

Phát triển khu đô thị cảng biển và khu đô thị công nghiệp trong tương quan hợp tác liên kết vùng là một chiến lược quan trọng để đẩy mạnh tăng trưởng GRDP của toàn vùng. Năm 2024, Đà Nẵng tập trung vào các ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn có đóng góp quan trọng, bao gồm phát triển công nghiệp và phát triển hạ tầng trọng điểm, để có giải pháp thúc đẩy, phấn đấu hướng đến mức tăng trưởng GRDP trên 8%, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của khu vực miền Trung.

Sân bay Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ
Sân bay Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN XUÂN TƯ

Phát triển hạ tầng kỹ thuật và tiện ích hạ tầng xã hội

Cuối cùng, Đà Nẵng cần đầu tư mạnh mẽ vào phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội để đảm bảo mức sống cao của người dân. Các tiện ích cung cấp cần tham khảo và hướng đến chất lượng tương đương các tiện ích hạ tầng khu vực trung tâm của Vùng Thủ đô Hà Nội và Vùng Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

*

Chiến lược phát triển Đà Nẵng chuyển từ tăng trưởng về số lượng sang chất lượng đòi hỏi sự thay đổi toàn diện từ tư duy lãnh đạo, cho đến chính sách thực thi, cách tiếp cận và quản lý. Việc phát triển công việc thu nhập cao, cơ cấu lại quy hoạch sử dụng đất, nâng cấp trình độ lực lượng quản lý công, phát triển đô thị mật độ cao theo mô hình TOD, phát triển kinh tế- xã hội theo tư duy kinh tế thị trường và phục vụ dân sinh, phát triển đô thị theo các mô hình tiên tiến của thế kỷ 21 như khu đô thị sân bay và khu đô thị đường sắt… là những yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững và toàn diện cho thành phố Đà Nẵng vươn lên tầm cao mới.

TSKH.KTS. NGÔ VIẾT NAM SƠN

;
;
.
.
.
.