Kỳ tích không tưởng từ tuyến cáp treo đầu tiên lên đỉnh Bà Nà

.

Hơn 10 năm trước, một mẩu tin thông báo tuyển nhân sự làm cáp treo Bà Nà được đăng trên Báo Tuổi Trẻ TP. Hồ Chí Minh. Bằng nhiều con đường khác nhau, cuối năm ấy, 10 gã trai kỹ thuật có mặt ở Bà Nà để tham gia dự án cáp treo khi đó vẫn còn khá xa lạ. Và họ đã đặt những dấu ấn không chỉ cho những bước chân đầu tiên của Tập đoàn Sun Group ở Việt Nam mà còn là dấu ấn chinh phục kỹ thuật và khát vọng vươn xa của những người con nước Việt.

Làm cáp treo Bà Nà như… bị thôi miên

Tháng 7/2007, theo lời mời của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, những kỹ sư và lãnh đạo đầu tiên của Sun Group lên đỉnh Bà Nà.

Nhìn đỉnh Bà Nà khi đó, anh Vũ Huy Thắng, nguyên Giám đốc Bà Nà Hills kể: “Khi chúng tôi lên, thấy âm u quá, khung cảnh buồn, thực sự không có ý định đầu tư. Nhưng trước quyết tâm của Đà Nẵng, anh em quyết tâm phải làm”. Quyết định làm cáp treo lên đỉnh Bà Nà được đưa ra trong vòng… 1 tiếng, và người đứng đầu Sun Group đưa thời hạn hoàn thành là … một năm và yêu cầu đặt ra là phải giữ tối đa rừng Bà Nà, không chặt phá khi thi công.

Chỉ nghe nói tới mốc thời gian một năm đó, đối tác cáp treo từ Áo Doppelmayr đã cho là… “không tưởng”. Họ chưa từng làm tuyến cáp nào trong rừng với thời hạn đó. “Nếu làm trong một năm, thì dưới con mắt của họ, mình đạt thêm 1 kỷ lục nữa”, anh Thắng kể.

Mất 3 tháng để các kỹ sư khảo sát, thiết kế tuyến, đo đạc địa hình, sau đó mới thi công. Những chàng trai thành thị lần đầu tiên ăn rừng, ở rú, tay cầm cuốc, tay cầm rựa, vai mang ba lô, dựng lều dã chiến, đêm mưa nằm che bạt ngủ, lúc thì mắc võng nằm, cứ thế đi xuyên rừng. Thời tiết Bà Nà về mùa mưa không lãng mạn như người ta vẫn nghĩ. Có những đêm mưa gió rít ngoài trời, trong ánh đèn pin leo lét, anh em chỉ kịp hò nhau chạy ra khỏi lán trước khi cây đổ. Có khi gặp sét đánh cháy quần áo. Có khi lạc đường, điện thoại không sóng, hú gọi nhau giữa rừng. Có những ngày mưa rừng triền miên, không thể kết nối với bộ phận cung ứng thức ăn, rau rừng và cá suối cùng với mỳ tôm là thực phẩm để cầm cự…

Kinh nghiệm làm cáp treo không phải ai cũng có, lại là cáp treo qua rừng, lần đầu tiên ở Việt Nam làm. Kỹ sư trắc đạc Trịnh Văn Hà, hiện là Trưởng ban Quản lý dự án Tây Ninh, Công ty TNHH SUNEC, nhớ lại: “Thời điểm ấy, không hiểu trước mặt mình là gì, cũng không hiểu cáp treo làm như thế nào. Chỉ biết qua những bản vẽ, vừa làm vừa tìm tòi. Mà vì biết ít nên làm như bị thôi miên, để chinh phục, để cống hiến và khẳng định là bản thân mình làm được. Và hơn thế, còn vì lòng tự tôn đối với đất nước vì các bạn nước ngoài bảo mình chẳng biết gì cả, chỉ biết chiến tranh và ôm bom thôi chứ không có kỹ thuật, làm cáp treo khó lắm, sang chảnh lắm, không có nền tảng kỹ thuật, không có nhân lực thì không được”. Mà khi những gã kỹ sư “tự ái”, họ có thể làm nên kỳ tích!

Bỡ ngỡ, như mối tình đầu. Nhưng họ đã có những năm tháng đốt cháy mình để sống với đam mê. Có người đang vào độ tuổi lập gia đình hoặc mới kết hôn, có người độc thân, lên Bà Nà vấp ngay cảnh rừng núi âm u, buồn hoang hoải. Anh Hà chia sẻ, cái thời không Facebook, chẳng Zalo,Viber, Skype, cũng chẳng điện, chẳng sóng điện thoại, đêm đêm, nằm võng, nhìn về phía trung tâm thành phố với ánh đèn lung linh sắc màu mà không khỏi khắc khoải, phân tâm. Chỉ duy nhất một cây cầu phía dưới chân núi có sóng di động được những kỹ sư, công nhân gọi là cây cầu tình cảm. Vào dịp rảnh rỗi cuối tuần, họ đi bộ xuống cây cầu dưới chân núi để gọi điện, liên lạc với người thân.

Vượt qua cái khổ của hoàn cảnh, còn phải chinh phục cái khó của công việc. Anh Danh, người phụ trách xây dựng ga Bà Nà hồi tưởng, lúc nào cũng canh cánh độ chính xác của hạng mục, rồi áp lực về tiến độ sát và gấp. Để đáp ứng, anh em làm xuyên đêm, chia ca để làm.

Cũng có người bỏ cuộc vì không chịu nổi sự khắc nghiệt. Giám đốc Vũ Huy Thắng chia sẻ, thời đó anh luôn nhấn mạnh tính chất của dự án đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng và an toàn, không có chỗ cho sai sót, nên hễ sai, để lỗi là anh… cho nghỉ. Đó cũng là một thứ áp lực cho những người muốn ở lại, không phải chỉ vì lương, mà là cam kết, là danh dự, là quyết tâm chinh phục một lãnh địa kỹ thuật, niềm say mê không thể gọi tên.

Kỳ tích “không thể tin được”

Dự án cáp treo Bà Nà đã được thực hiện theo một cách… khác với thế giới. Các thiết bị được lắp đặt trong rừng, không được làm đường công vụ, không được chặt cây. Yêu cầu kỹ thuật là tuyến cáp phải thẳng. Với độ dốc 30%, có những chỗ muốn di chuyển, các kỹ sư và công nhân phải dùng dây, thang bằng thừng để kéo nhau lên. Mưa trên đỉnh Bà Nà kéo dài, nước thường xuyên dâng cao, lúc thì sương mù và lạnh buốt chẳng còn nhìn thấy gì mà làm.

Giải pháp đưa ra là tự chế đường cáp công vụ. Sáng kiến này về sau được áp dụng ở các công trình cáp treo khác. Khi giám sát công trình, đối tác nước ngoài đã vô cùng kinh ngạc trước cách vận chuyển nguyên vật liệu vào tuyến chỉ bằng cáp công vụ và mang vác thủ công. Ở nước khác, mọi thứ được di chuyển bằng trực thăng! Họ đã phải thốt lên: Không thể tin được!

Không thể tin được người Việt Nam có thể làm cáp treo trong những điều kiện gian khó như thế. Không thể tin có cách làm cáp treo thủ công mà sáng tạo đến thế. Và không thể tin được, tuyến cáp băng rừng đầu tiên của người Việt có thể được làm thần tốc, chỉ sau một năm.

Ngày khai trương cáp treo đầu tiên của Bà Nà Hills là ngày ấn tượng khó quên. Quy mô và tầm vóc của công trình khiến hết thảy những người tham dự khai trương tự hào và thán phục. Bà Nà kể từ đó, mỗi năm lại đẹp hơn, quyến rũ hơn, hấp dẫn hơn.

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
Kiến trúc tâm linh Bích Vân Thiền Tự
.
.
.