Dù vị thế của du lịch Việt Nam đã được nâng tầm trên trường quốc tế, nhưng điều đáng buồn là câu chuyện văn minh du lịch vẫn là vấn đề nhức nhối ngay tại các điểm đến nổi tiếng trong nước.
Mới đây nhất, vụ nữ du khách hồn nhiên tụt xuống khu vực bàn tay phía dưới Cầu Vàng tại khu du lịch Sun World Ba Na Hills để… chụp ảnh một lần nữa đã gióng hồi chuông cảnh báo về văn minh du lịch tại Việt Nam.
Du lịch Việt Nam: Vị thế thăng hạng, ý thức du khách vẫn… “còi”
Vài năm trở lại đây, du lịch Việt Nam được đánh giá là ngày càng thăng hạng trên bản đồ du lịch thế giới, với việc liên tiếp giành được những giải thưởng quốc tế uy tín và danh giá như Word Travel Awards, World Luxury Hotel Awards...
Tuy nhiên, điều đáng buồn là dù vị thế ngày càng được đánh giá cao, thì văn minh du lịch vẫn là vấn đề nhức nhối. Không ít hành vi phản cảm do chính du khách người Việt gây ra tại những điểm đến nổi tiếng trong thời gian gần đây đã cho thấy ý thức đi du lịch của du khách vẫn trong tình trạng đáng báo động. Mới đây nhất, tại Cầu Vàng – cây cầu nổi tiếng thế giới nằm trong Khu du lịch Sun World Ba Na Hills (Đà Nẵng) - nơi vừa được WTA vinh danh là Công viên chủ đề hàng đầu châu Á 2020, một nữ du khách đã hồn nhiên trèo xuống khu vực bàn tay phía dưới Cầu Vàng để…chụp ảnh. Đáng nói là, Cầu Vàng được bảo vệ bởi 2 lớp hàng rào sắt và có bố trí rất nhiều biển, bảng cảnh báo nguy hiểm, cấm leo trèo, tuy nhiên, nữ du khách vẫn bất chấp, cố tình vượt qua 2 lớp hàng rào kiên cố để đạt được mục đích… sống ảo.
Đây không phải là lần đầu dư luận xã hội chứng kiến những hành vi du lịch thiếu ý thức như vậy diễn ra ở cây Cầu Vàng. Để có những tấm ảnh đẹp chụp tại cây cầu nổi tiếng thế giới, nhiều du khách đã bất chấp nguy hiểm, giẫm đạp lên cỏ, chui qua khe hở của những thanh chắn, luồn người ra ngoài để tạo dáng chụp. Thậm chí, trước đó, tháng 4-2019, đã có một nam du khách dùng bút xóa màu trắng viết lên bàn tay nâng đỡ cây Cầu Vàng. Vụ việc đã khiến khu du lịch Sun World Ba Na Hills tốn kém nhiều ngày để có thể khắc phục, phục hồi nguyên trạng hình ảnh rêu phong trên khu vực bàn tay bị du khách viết lên.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Lâm An – Giám đốc Sun World Ba Na Hills nói: “Sun World Ba Na Hills nhiều năm qua đã không ngừng nỗ lực xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, văn minh và giàu bản sắc. Chúng tôi đào tạo đội ngũ nhân viên ứng xử chuyên nghiệp, thân thiện, đồng thời có các hình thức hướng dẫn du khách hành xử văn minh như xếp hàng, không vứt rác bừa bãi, không leo trèo vào khu vực vườn hoa, tượng đài... Tuy nhiên, thực tế là chúng tôi vẫn thường xuyên phải đối mặt với thực trạng du khách thiếu ý thức, gây ra những sự cố vô cùng phản cảm như vẽ bậy, leo xuống bàn tay, trèo qua lan can cầu, chưa kể là đi vệ sinh ngay tại các khu vực không được phép... Mặc dù đây chỉ là những trường hợp cá biệt, song những hành vi này không chỉ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh văn minh và chuyên nghiệp mà khu du lịch đã nỗ lực gây dựng, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế”.
Làm sao để “nâng tầm” ý thức du khách
Từ năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Các địa phương trọng điểm về du lịch cũng đã đưa ra những thông điệp và bộ quy định về văn minh du lịch riêng, nhằm nâng cao nhận thức về ứng xử trong môi trường du lịch. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành những văn bản pháp luật quy định mức xử phạt đối với những hành vi phản cảm, phá hoại di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật... của du khách khi đi du lịch...
Chế tài, quy định đã có đủ. Các khu du lịch, điểm đến đều đã có các hình thức khuyến cáo, hướng dẫn cụ thể tới du khách về những hành vi không được làm. Tuy nhiên, đáng tiếc là những hành vi phản cảm, vô ý thức của du khách khi đi du lịch vẫn tiếp diễn, năm này qua năm khác.
Theo các chuyên gia du lịch, những bộ quy tắc ứng xử do Bộ VHTTDL và các địa phương ban hành dù sao cũng chỉ mang tính khuyến cáo, định hướng, không bắt buộc phải thực hiện. Vì thế, để nâng cao tính răn đe, một số hành vi phản cảm hay mang tính chất phá hoại, gây ảnh hưởng đến tài sản, uy tín và thương hiệu của điểm đến cần được cụ thể hóa bằng các văn bản luật với chế tài xử lý nghiêm minh, rõ ràng. Đây cũng là cách làm một số nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore... đã áp dụng và mang lại hiệu quả khá tích cực.
Chia sẻ về giải pháp cho vấn đề này, một chuyên gia du lịch cho rằng, các chế tài, quy định xử phạt nghiêm khắc là rất cần thiết để nâng cao ý thức của du khách. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là cần nâng cao ý thức chủ động và tự giác của du khách, trong việc bảo vệ vẻ đẹp và thương hiệu của điểm đến, xa hơn là hình ảnh của du lịch Việt Nam. Do vậy, cần đưa vấn đề nâng cao nhận thức trong ứng xử du lịch vào đào tạo trong các bậc học, từ tiểu học đến đại học, để hình thành nhận thức cho các thế hệ học sinh, sinh viên từ trên ghế nhà trường.
Trong bối cảnh du lịch ngày càng hội nhập mạnh mẽ và tên tuổi Việt Nam ngày càng thăng hạng trên bản đồ du lịch thế giới, vấn đề văn minh du lịch càng trở nên quan trọng. Bên cạnh việc thiết lập các bộ quy tắc, chế tài, thiết nghĩ điều quan trọng hơn cả là cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về ứng xử văn minh khi đi du lịch cho du khách.