Cũng như rất nhiều công việc khác, khi phỏng vấn vị trí quản lý bạn cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt là tham khảo trước các câu hỏi phỏng vấn thường gặp.
Bạn đã chuẩn bị gì cho vị trí quản lý?
Sẽ là lợi thế nếu như bạn đã trải qua vị trí quản lý trước đó. Bạn sẽ có cơ hội được “khoe” thành tích của mình cũng như kinh nghiệm thực tế mà bạn được đã rèn luyện qua quá trình làm việc, kỹ năng xử lí tình huống và cả quản lí nhân sự… Điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng yên tâm hơn khi giao vị trí quản lý cho người đã có kinh nghiệm dày dặn.
Trong trường hợp bạn là người chưa từng đảm nhận vị trí này thì cũng đừng bi quan. Hãy tự tin đề cập đến năng lực chuyên môn vững vàng và các kỹ năng cần thiết cho vị trí quản lý nhằm chứng tỏ bạn hoàn toàn là người phù hợp.
Bạn làm gì để giúp thành viên trong nhóm tăng năng suất?
Tăng hiệu suất làm việc cho các thành viên nhóm là nhiệm vụ cơ bản và quan trọng của người quản lý. Muốn làm được điều này, bên cạnh việc lấy các tiêu chí lợi ích ra để làm động lực như mức lương, lợi ích ràng buộc đi kèm (thưởng, phạt) thì bạn cũng cần linh hoạt theo tình hình thực tế.
Điều bạn nên làm là giữ thái độ bình tĩnh, tự tin để trả lời câu hỏi phỏng vấn một cách thuyết phục. Ví dụ như: “Ở vai trò quản lý, tôi đã xác định nâng hiệu suất làm việc cho các thành viên nhóm là nhiệm vụ chính và xuyên suốt. Tôi luôn tìm hiểu về năng lực, sở trường và tính cách của họ để giao đúng việc cũng như biết cách tạo động lực cho họ làm việc tốt hơn. Bên cạnh đó tôi cũng kết nối chặt chẽ, sớm phát hiện và giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của từng người và trợ giúp họ khi cần thiết”.
Bạn làm gì để kết nối với nhân viên?
Một người quản lý nhóm sẽ không đánh giá chuẩn xác năng lực của nhân viên nếu không nắm bắt và tương tác với họ thường xuyên. Hiểu nhân viên và kết nối tốt sẽ giúp người quản lý biết được các phản hồi đa chiều giúp ích cho công việc cũng như điều chỉnh cách quản lý nhân sự.
Đó cũng là lý do nhà tuyển dụng đặt ra câu hỏi này nhằm kiểm tra kỹ năng kết nối của bạn. Bạn có thể trả lời theo gợi ý sau “Tôi sẽ không thể quản lý tốt nhân viên nếu như không hiểu và kết nối với họ chặt chẽ. Trò chuyện, chia sẻ là cách tương tác thường xuyên để kết nối hiệu quả. Tôi luôn theo dõi, ngợi khen điểm tốt và chỉ ra điểm hạn chế để họ hiểu rằng tôi quan tâm và ghi nhận năng lực cũng như sự cố gắng của họ mọi lúc trong công việc”.
Nếu nhóm mắc sai lầm, bạn sẽ giải quyết như thế nào?
Khi giữ vai trò quản lý, bạn sẽ chịu trách nhiệm cho mọi vấn đề xảy ra ngay cả khi lỗi không xuất phát từ bạn. Nhà tuyển dụng muốn chắc rằng bạn - với vai trò quản lí có sẵn sàng chịu trách nhiệm và giải quyết vấn đề của nhóm hay không.
Bạn có thể trả lời theo hướng gợi ý, chẳng hạn như “Là một người quản lý tôi là người chịu trách nhiệm chính cho mọi vấn đề liên quan đến nhóm. Tôi luôn cố gắng đưa ra các phương thức làm việc đúng đắn và tốt nhất, hạn chế mắc sai sót. Tuy nhiên trong trường hợp không may vẫn có các vấn đề ngoài ý muốn thì điều quan trọng nhất là nhận trách nhiệm và sau đó là xốc lại tinh thần, tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra cách giải quyết tốt nhất có thể”.
Bạn đã học được gì từ người quản lý của mình?
Với câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn đánh giá thái độ và kỹ năng quan sát, học hỏi của bạn từ những người đi trước. Một người sẽ dễ thành công hơn nếu họ biết ghi nhận điểm tốt của người khác và rút ra cho mình những điểm cần để hoàn thiện bản thân từng ngày.
Bạn có thể tham khảo câu trả lời sau: “Tôi có thói quen luôn quan sát và ngầm đánh giá rất kỹ về những người quản lý trước đây của mình. Hầu như ai cũng có một vài điểm chưa tốt cũng như nhiều ưu điểm thật sự rất tuyệt vời. Sau một thời gian dài, tôi cho rằng muốn quản lý tốt, đầu tiên phải nắm rõ chuyên môn, cần có chính kiến và phải biết “khó tính” đúng lúc, đúng người. Với một nhân viên bình thường, bạn chỉ cần làm tốt công việc mình là được nhưng quản lý thì khác, bạn nên cầu toàn, tỉ mỉ và cực kì chuẩn xác. Có như vậy mới tránh được những sơ suất và đạt được hiệu quả cao nhất”.
Quy trình tuyển dụng ứng viên vị trí quản lý sẽ gắt gao hơn và yêu cầu cũng đặc biệt hơn nhân viên bình thường. Nếu muốn nắm lấy cơ hội để khẳng định bản thân ở vai trò này, bạn cần tự tin, linh hoạt và ứng xử thông minh khi trả lời các câu hỏi phỏng vấn. Bên cạnh đó, tinh thần vì lợi ích chung, thái độ lạc quan, cởi mở và tinh tế trong cư xử, giao tiếp mạch lạc, lập luận chắc chắn rõ ràng… Có như vậy nhà tuyển dụng mới đặt niềm tin vào bạn.
Đặng Hảo