Thông tin - Thị trường
Chuyên gia từ Đại học Stanford: 'VinFuture thúc đẩy sự phát triển công bằng của thế giới'
TS. Sadasivan Shankar, chuyên gia hàng đầu về công nghệ bán dẫn tại Đại học Stanford (Mỹ) đánh giá, từ uy tín và năng lực kết nối quốc tế của Giải thưởng Khoa học Công nghệ toàn cầu VinFuture, có thể thấy được vai trò và tiềm năng đóng góp của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự phát triển công bằng của thế giới.
Tiến sĩ Sadasivan Shankar tham gia SC16 Invited Talks - Co-Design 3.0 – Thiết kế Đồng bộ 3.0 – Tích hợp Tính Toán Cực Kỳ Linh Hoạt, Tận Dụng Định Luật Moore Cho Ứng Dụng Thực Tế (Ảnh: SC Conference Series) |
Trước thềm tọa đàm bàn về tương lai ngành bán dẫn do Quỹ VinFuture tổ chức vào ngày 18-12-2023 tại Hà Nội, TS. Sadasivan Shankar - một trong những diễn giả quan trọng tại tọa đàm - đã chỉ ra những thách thức và dự báo hướng phát triển mới trong lĩnh vực bán dẫn. Ông đồng thời đề cao sự hợp tác và chia sẻ kiến thức giữa các tổ chức và giữa các quốc gia, coi đây là chìa khóa để mở ra cánh cửa mới trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Thiết kế vật liệu mới xuất hiện, thời gian ra sản phẩm được rút ngắn
- Ông có thể bật mí một số thông tin trong phần trình bày tại tọa đàm về chủ đề công nghệ bán dẫn do Quỹ VinFuture tổ chức tới đây?
- Bài trình bày của tôi tại tọa đàm có tiêu đề “Tái cấu trúc các thuật toán máy tính cho một tương lai bền vững trong vật liệu bán dẫn mô phỏng”. Vì sao lại là “tái cấu trúc”? Đó là vì trong suốt gần 6 thập kỷ phát triển của điện toán, đã có những tiến bộ rõ ràng khi cứ mỗi hai năm, mật độ bán dẫn lại gia tăng gấp đôi. Đến nay, chúng ta gần như đã đạt tới giới hạn phát triển trong công nghệ và không thể tiếp tục thu nhỏ các thiết bị một cách vô tận khi thiết kế các thế hệ máy tính tiếp theo.
Tiến sĩ Sadasivan Shankar đã tham gia Hội nghị TED Institute với bài diễn thuyết của mình có tựa đề là "Thiết kế vật liệu từng nguyên tử một lần" (Ảnh: TED Institute) |
Bài thuyết trình của tôi tại tọa đàm sẽ đưa ra quan điểm về sự cần thiết để đánh giá lại sự phát triển của những mô hình máy tính trong suốt 6 thập kỷ. Đồng thời, chúng ta sẽ khám phá xem điện toán trong tương lai sẽ khác biệt đáng kể như thế nào so với những gì chúng ta đã quen thuộc trong 60 năm qua.
- Tiến sĩ có dự đoán gì về sự phát triển của công nghệ bán dẫn trong tương lai khi được tích hợp công nghệ mô phỏng, điện toán và kiến trúc thuật toán?
- Khoảng một thập kỷ trước, khi nhận được câu hỏi tương tự, tôi sẽ trả lời rằng cách tiếp cận của chúng tôi có phần phụ thuộc vào các kỹ thuật đòi hỏi nhiều nguồn lực. Khi chúng tôi thiết kế một vật liệu, thực hiện các thử nghiệm, nghiệm thu kết quả, nếu không thành công, chúng tôi sẽ lặp lại cả quy trình.
Tuy nhiên, ngày nay, chúng ta đã có sẵn trí tuệ nhân tạo và phương pháp học máy. Học máy sẽ giúp đơn giản hóa các quy trình và khiến chúng trở nên dễ tiếp cận hơn. Áp dụng các tiến bộ vượt bậc đó, chúng ta có thể giải quyết các vấn đề nhanh chóng mà không cần phải hiểu các nguyên tắc khoa học một cách chi tiết.
Chuỗi tọa đàm “Khoa học và Cuộc sống” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture thường niên quy tụ những chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu thế giới (Ảnh: Quỹ VinFuture) |
Trong tương lai, tôi mong đợi xuất hiện của nhiều hơn nữa những thiết kế vật liệu mới và thời gian để đưa sản phẩm ra thị trường sẽ được rút ngắn, cũng như sẽ có nhiều tiến bộ đáng kể dựa vào những định hướng kể trên.
Việt Nam là ứng viên triển vọng cho ngành công nghiệp bán dẫn
- Tiến sĩ nhìn nhận thế nào về cơ hội của các nước đang phát triển như Việt Nam trong ngành bán dẫn?
- Để thiết lập một cơ sở chế tạo bán dẫn điển hình chi phí rơi vào khoảng 10 tỷ USD. Những nhà máy này cần cập nhật công nghệ mới sau mỗi 2 năm, đòi hỏi họ phải nâng cấp trang thiết bị với cùng tần suất, thêm vào đó là số lượng lớn các nhân viên kỹ thuật lành nghề.
Hiện nay, hầu hết việc sản xuất bán dẫn diễn ra tại Đài Loan (Trung Quốc), tiếp theo là Hoa Kỳ. Nhưng nhiều người đồng tình rằng việc sản xuất không nên dừng lại ở các quốc gia nêu trên, mà cần được phân bổ sang các quốc gia khác có thể đáp ứng các tiêu chí mà tôi đã đề cập.
Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng đáng kể. Một số công nghệ đóng gói chip tiên tiến của Intel đã được thực hiện tại Việt Nam trước đây. Quốc gia của các bạn với nguồn cung cấp năng lượng, lực lượng lao động dồi dào, trình độ cao và năng lực thu hút đầu tư mạnh mẽ, sẽ là một ứng cử viên triển vọng cho ngành công nghiệp bán dẫn. Ấn Độ cũng là một ứng viên nặng ký nhờ sở hữu một lực lượng lao động có trình độ tốt.
- Theo ông, đâu là yếu tố mấu chốt để các nước phát triển và đang phát triển có thể cùng chia sẻ lợi ích từ những thành quả sáng tạo và đổi mới công nghệ đó?
- Khi một số quốc gia phát triển vượt bậc còn số khác tụt lại phía sau thì mối liên kết toàn cầu sẽ đứt gãy, sự phát triển của thế giới sẽ trở nên rời rạc. Bởi thế, sự gắn kết và phát triển đồng đều của các quốc gia có ý nghĩa then chốt để tạo nên một nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ và bền vững.
Việt Nam, với lợi thế riêng có, có thể đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy sự hợp tác này bằng các chương trình, hoạt động về giáo dục và khoa học công nghệ. Giáo dục là trụ cột quan trọng bởi những cá nhân tài năng và có khát vọng, khi được trang bị các kiến thức và kỹ năng phù hợp, có thể đối mặt và giải quyết tốt những thách thức phức tạp không chỉ của quốc gia mà của cả thế giới.
Trong khi đó, những giải thưởng quốc tế như VinFuture đóng vai trò như một mắt xích thiết yếu trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn cầu. Với việc tôn vinh các nghiên cứu, phát kiến đột phá, VinFuture truyền cảm hứng, khích lệ giới khoa học trên toàn thế giới.
Đặc biệt, mạng lưới nghiên cứu quốc tế mà VinFuture đang nỗ lực kiến tạo sẽ giúp tập hợp được sức mạnh tri thức của nhân loại, đồng thời giúp cho ngày càng nhiều quốc gia thụ hưởng được các thành quả mới của khoa học công nghệ. Theo cách đó, VinFuture đang đóng góp đáng kể vào sự phát triển công bằng và bền vững trên toàn cầu.
TS. Sadasivan (Sadas) Shankar là Quản lý Nghiên cứu - Phát triển Công nghệ tại Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia SLAC tại Đại học Stanford (Hoa Kỳ). Ông hiện đang giảng dạy tại nhiều trường đại học hàng đầu thế giới: Đại học Stanford, Đại học Harvard, Đại học Cambridge, Đại học California Los Angeles, Viện Công nghệ Massachusetts và Viện Công nghệ California. Ông là người khởi xướng và lãnh đạo chương trình Thiết kế vật liệu tại Intel từ năm 2006, giúp tối ưu hóa quá trình thiết kế chất bán dẫn và hiệu suất năng lượng. |