.

Cần phủ kín hệ thống phòng cháy, chữa cháy

.

Từ năm 2004, Công an thành phố Đà Nẵng đã trình lãnh đạo thành phố Dự án Trang bị bổ sung phương tiện chữa cháy. Theo dự án, đến năm 2010 sẽ thành lập thêm 3 đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) khu vực, gồm Đội Cảnh sát PCCC Đông Bắc Đà Nẵng (Sơn Trà), Đội Cảnh sát PCCC Hòa Khương và Đội Cảnh sát PCCC sông biển. Nhưng đến nay, ngoài Đội Cảnh sát PCCC trung tâm, Đội Cảnh sát PCCC khu vực Hòa Khánh, chưa có thêm đội Cảnh sát PCCC nào đựơc thành lập.
 

Ven tuyến biển Sơn Trà - Điện Ngọc, các dự án du lịch đã lấp đầy, việc thành lập thêm đội PCCC khu vực là một việc rất cần thiết.

Theo kinh nghiệm PCCC của các nước, phạm vi bảo vệ hiệu quả của PCCC là 10-12 km, mật độ 200-250 người dân sẽ có một đội cảnh sát PCCC. Đà Nẵng có gần 800 nghìn dân cùng với 5 khu công nghiệp (KCN) nhưng chỉ có 2 đơn vị, trong khi đó, quy chuẩn hoạt động của cảnh sát PCCC trung tâm là 5km và PCCC khu vực là 3 km. Thượng tá Nguyễn Phong, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC (Công an thành phố Đà Nẵng) lo ngại: “Hiện nay, khu vực Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà các dự án du lịch gần như đã phủ kín, có 2 KCN và 1 cảng (có đủ cảng dầu, cảng cá, cảng biển) đang hoạt động, bên cạnh đó, rừng quốc gia Sơn Trà vào những tháng hanh khô rất dễ xảy ra hỏa hoạn nên nguy cơ cháy nổ rất cao. Trong khi từ địa điểm đóng quân của Cảnh sát PCCC trung tâm đến đầu khu vực Sơn Trà đã 8km, nếu xảy ra cháy lớn hậu quả rất khó lường. Vì thế, thành phố cần sớm thành lập đội Cảnh sát PCCC ở khu vực này”.

Trong tháng 2 vừa qua, một vụ cháy đã xảy ra ở khu Thủy sản Thọ Quang. Khi nhận tin báo, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC đã “lên ruột” vì 17 phút sau khi xuất phát, xe chữa cháy mới đến được điểm cháy. Một vụ cháy cứu chữa hiệu quả chỉ từ 10-15 phút sau khi phát hỏa. Nếu trễ hơn, nguy cơ cháy lan, cháy lớn là điều không thể tránh khỏi”.

Về phương tiện chữa cháy, Phòng Cảnh sát PCCC hiện có 18 chiếc xe, trong đó, có 10 xe chữa cháy, nhưng chỉ có 2 chiếc xe mới, còn lại là xe đã có từ mấy chục năm về trước, lạc hậu, cũ kỹ. Cơ số sử dụng của trang thiết bị PCCC quá ít. Vì vậy, xé lẻ “rải quân” PCCC quanh khu vực trọng điểm, mỗi đội cần từ 3-4 xe để chữa cháy là giải pháp thích hợp nhất với điều kiện hiện nay của Đà Nẵng. Đội trưởng Tham mưu Nguyễn Huy Phong đề xuất ý tưởng: “Nếu thành phố khó khăn về kinh phí, mặt bằng, khi thành lập Đội Cảnh sát PCCC khu vực Sơn Trà chỉ cần một vị trí có diện tích từ 300-400 m2, đủ chỗ để xe và nơi ăn ở, sinh hoạt cho chiến sĩ. Khi ôn luyện, chúng tôi có thể tập trung ở trung tâm để thao tác nghiệp vụ cần thiết”.

Một khó khăn nữa cho lực lượng Cảnh sát PCCC là hiện nay Đà Nẵng đã mở thêm hàng trăm con đưòng lớn, nhỏ. Riêng chuyện nhớ tên đường và vị trí của từng khu vực đã là một khó khăn cho những chiến sĩ PCCC. Vì thế, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC đã cho anh em kiểm tra trụ nước ở tất cả những khu vực trong thành phố đều đặn 1 đến 2 lần/tuần, vẽ sơ đồ những khu vực mới, con đưòng mới, phối hợp với địa phương tổ chức diễn tập để từng chiến sĩ nhớ rõ từng ngõ ngách của mỗi khu vực nhằm ứng phó kịp thời khi xảy ra cháy. Bên cạnh đó, những tòa nhà cao từ 50 đến 80 mét đã và đang được xây dựng ngày càng nhiều ở Đà Nẵng như Hoàng Anh Gia Lai, Indochina Riverside..., trong khi xe thang chữa cháy chỉ cao khoảng 39-40 mét quả là một thách thức đối với Cảnh sát PCCC.

Thiết nghĩ, việc thành lập các đội Cảnh sát PCCC khu vực là một việc cần thiết, cấp thời mà lãnh đạo thành phố cần sớm quan tâm chỉ đạo thực hiện vì PCCC là một việc không thể chần chừ, lần lửa.

LUÂN QUỲNH

 

;
.
.
.
.
.