.

“Vọng” ngày về...

.

Nằm trên địa bàn thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), có một “trang trại đặc biệt”. Đặc biệt, bởi nơi đây dành riêng cho những người sắp trở về sau thời gian cai nghiện ma túy tại Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề (GD-DN) 05-06 của thành phố. Đắm mình trong không gian thoáng đãng của núi rừng, những trăn trở trước ngày trở về với cộng đồng vẫn luôn xốn xang trong họ. Bởi, con đường phía trước không phải ít chông gai...

Con đường chông chênh...
Khác với những mường tượng của nhiều người, “trang trại Bầu Bàng” - cái tên “cửa miệng” của cơ sở 2 - Trung tâm GD-DN 05-06 thành phố hiện lên trong màu xanh mát mắt dưới cái nắng của những ngày cuối xuân sau một chặng đường dài vượt sông băng suối. Không còn là những dãy nhà xập xệ, không còn những khoảng trống nham nhở của những ngày mới tái sinh cách đây 4 năm, “trang trại” được phủ lên một màu áo mới xanh xanh giữa đồi đất đỏ, với những vườn keo lai, cam, chanh, đu đủ, chuối,... đủ độ tuổi từ 1 đến 3 năm. Chen vào đó là những khuôn viên cây cảnh, vườn hoa được cắt tỉa gọn gàng, sạch sẽ... như để xua đi những vất vả mà những người muốn đặt chân lên đây phải trải qua chặng hành trình với chông chênh, khó nhọc...

Cán bộ, học viên cơ sở 2, Trung tâm GD-DN 05-06 của thành phố cùng lao động, sản xuất.


Phóng tầm mắt bao quát gần 40ha đang vào mùa thay da đổi thịt, ông Đặng Ca, Phó Giám đốc Trung tâm GD-DN 05-06 không khỏi tự hào trước những thành quả được tạo nên từ sức lao động thực sự của những người đang cai nghiện ma túy của trung tâm, những người được tin tưởng chọn lựa trong số gần 400 trại viên luôn “túc trực” ở trung tâm này. “Không đơn thuần là lao động sản xuất, mà cơ sở này được tái sinh từ năm 2004 và đi vào sản xuất 2 năm sau đó, chính là một trong những “liệu pháp” để ổn định tinh thần, là “liều thuốc thử” đối với quyết tâm trở về của những học viên sắp hòa nhập cộng đồng. Bởi trên hành trình giã từ “cái chết trắng”, thì quyết tâm, nỗ lực của mỗi người nghiện là yếu tố quan trọng nhất!” - Kinh nghiệm gắn bó hơn 20 năm với cái “nghiệp” hồi sinh cho những người nghiện ma túy của thành phố đã cho ông Phó Giám đốc trung tâm này một nhìn nhận như thế.

Vì thế, gắn với cái “nghiệp” này, ông Ca cũng như những cán bộ, nhân viên không khỏi băn khoăn, lo lắng trước thân phận của mỗi học viên chuẩn bị “cán đích” ngày hòa nhập với cộng đồng. Bởi ông biết, dù cố gắng đến đâu, nhưng những học viên không biết vượt qua các lằn ranh thử thách của chính mình, thì rồi cũng có ngày quay trở lại “trang trại” mà trước đó họ đã có những đêm trắng trằn trọc, suy nghĩ “vọng” ngày về.

Vẻ ngoài rất tự tin, bình thản, với gương mặt đẹp trai thư sinh, Bình (*) là một ví dụ như thế. Không còn xa lạ với Trung tâm GD-DN 05-06 của thành phố, bởi Bình đã đến đây cai nghiện “tập hai”. Là con một, được cưng chiều, nhưng những cám dỗ của cuộc sống trước tuổi mới lớn vốn hay “sớm nắng chiều mưa”, Bình đã rơi vào con đường nghiện ma túy trong những ngày tháng lang thang cùng bạn bè. Năm 2004, Bình được trở về hòa nhập cộng đồng sau thời gian cai nghiện tại Trung tâm GD-DN 05-06; nhưng vừa đúng 2 năm sau, Bình lại được đưa về... chốn cũ bởi không cưỡng lại được những cám dỗ của “cái chết trắng”. “Khó nói trước điều gì lắm anh ơi! Bởi em nói thật lòng, hơn 90% người nghiện rồi đều muốn bỏ, nhưng khó dứt lắm. Nên chỉ có đừng dính vào thì chắc ăn hơn!” - Bình tâm sự đầy trăn trở.

Không như nhiều người, chàng trai trẻ vừa tròn 26 tuổi này cũng thẳng thắn nhận lỗi về mình, không đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho xã hội, cho những cám dỗ, cho sự thiếu giáo dục hay không có việc làm... Bình thừa nhận, khi trở về, gia đình, xã hội vẫn đón nhận và đối xử tử tế, không gây nên mặc cảm; khi vào trung tâm cai nghiện lần 2 vẫn được giúp đỡ chu đáo. Thế nên, điều lo lắng nhất trước ngày trở về cộng đồng mà Bình thường đêm phải đối mặt, đó chính là sự dễ dãi đối với bản thân, sống thiếu trách nhiệm với chính mình. “Chỉ cần dễ dãi với mình một giây thôi là phải làm lại, không chỉ vài ba năm cai nghiện đâu mà có khi cả đời!” - Bình thở dài với cái thẫn thờ già nua trước tuổi... Bởi “kinh nghiệm” đã cho Bình và những người lầm lỡ như anh, nhìn thấy trước con đường chông chênh trên lối về. Có mảnh đất nào đón đợi họ, để họ được trồng những mầm cây xanh trở lại trên mảnh đất vừa vỡ hoang của đời mình...

“Đá tung thói quen xấu” - Khẩu hiệu không dễ dàng thực hiện đối với người nghiện ma túy.

Nước mắt người cha trước ngày hội ngộ
Xóm Chùa nằm khuất sâu trong một hẻm nhỏ của đường Ông Ích Khiêm, thuộc phường Hải Châu 2, quận Hải Châu. Gọi xóm Chùa bởi nó nằm sau một ngôi chùa lớn; mà chùa có lớn đến mấy thì vẫn không cứu rỗi hết những linh hồn cư ngụ quanh đó. Nên dường như, vẫn lấp ló những thân phận vướng vào cái vòng vây tội lỗi của ma túy, không chỉ trước ngày giải phóng thành phố. Nằm khuất sâu tận cùng trong một con hẻm nhỏ ở xóm Chùa, là cái nhà trống hoác của gia đình anh Thanh (*). Trống hoác, không chỉ là không có vật dụng gì đáng giá ngoài cái nền lát gạch hoa trơ khấc, nham nhở, mà nó trống đến cả bàn tay chăm sóc của một người vợ và vắng bóng của đứa con trai cả trong nhà.

Lùa vội miếng cơm đạm bạc sau một cuốc xe ôm, anh Thanh châm điếu thuốc. Làn khói mỏng tang của điếu thuốc rẻ tiền không che giấu được khuôn mặt từng trải những khổ đau, mất mát của người đàn ông mới vừa bước qua cái tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”. Mất lớn, không chỉ là cái sự nghiệp được gầy dựng vội vã sau ngày trở về từ quân ngũ, mà cả người vợ vừa bỏ nhà ra đi tìm hạnh phúc khác cùng với đứa con lỡ bước vào con đường nghiện ma túy. “Tui đã nói hết lời, khuyên răn, dạy dỗ nhẹ nhàng, đánh đập đòn roi cũng có, nhưng hắn có nghe mô ! Học hết lớp 9, thi vô lớp 10 không đậu; ở nhà tui đi tìm chỗ học nghề, nhưng không biết răng lại tụ năm tụm bảy rồi nghiện chẳng biết đường ?” - Những giọt nước mắt bất chợt rỉ ra rồi lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo sạm nắng. Trong giọt nước mắt ấy, có cả buồn, đau, tủi, hận và giận cho mình, cho cả đứa con không chịu nghe lời anh.

Lau vội những giọt nước mắt ấy, anh Thanh vụt trở thành con người khác: Nhưng tui cũng cương quyết lắm. Để nó đi cai nghiện lần ni là cho nó gột bỏ những ám ảnh của ma túy trong đầu nó, cũng là để nó thấu hiểu cái khổ cực khi lập thân như thế nào ! Là anh nhớ đến cái lần thằng Nam (*) - con trai anh trốn khỏi “trang trại Bầu Bàng” trong một chiều lộn xộn để về thăm khi nghe anh vừa bị mổ sỏi mật. Anh đã mắng nó tới tấp và gọi người đến đưa ngay lên Trung tâm GD-DN 05-06 để “chuộc lỗi”. Anh nắm chặt vành ghế: “Tui không chấp nhận chuyện trốn tránh đó ! Có trốn cả đời được đâu ? Mà có giỏi thì trốn ma túy, chớ ai lại đi trốn khỏi trung tâm cai nghiện bao giờ ?

Nhưng rồi anh chợt thần người ra, nhìn quanh căn nhà trống hoác của mình và bất chợt thở dài. Không còn bao lâu nữa, anh sẽ đón thằng Nam trở về lại căn nhà này. Về đây, làm cách nào để nó “trốn” khỏi ma túy ?

Câu hỏi ấy cứ ám ảnh trong đầu anh suốt mấy bữa nay, khi chính quyền phường gửi giấy mời anh lên trung tâm cùng chuẩn bị đón con về. Đón con về sum họp một nhà, ai mà chẳng vui; còn anh thì lại bần thần.“Tui biết là khó lắm ! Mấy năm làm đội trưởng dân phòng, truy quét trộm cắp, ma túy ở xóm ni, tui biết giã từ mấy cái thứ “ma” đó là khó lắm. Được cái, chính quyền ở đây cũng quan tâm, chia sẻ nên mình cũng đỡ tủi thân. Tui chỉ mong nó về đây, mình tìm cho nó một chỗ học nghề rồi cho nó trưởng thành dần trở lại !”. Anh lại nhìn quanh căn nhà: “Nhưng nhà cửa, tài sản không có chi, tui thì phải lo chạy ăn từng bữa, làm cách răng quản nó đây không biết ? Chứ hở ra một cái là bay biến luôn đứa con cho mà coi !”.

Câu hỏi ấy, không chỉ dành cho anh, cho thằng Nam của anh. Nó đã trở thành nỗi nhức nhối của thành phố trong suốt những năm qua; nhất là khi Đà Nẵng triển khai thực hiện đề án “Không có người nghiện ma túy trong cộng đồng” trong chương trình “5 không”. Cứ mỗi lần có một người hoàn thành thời gian cai nghiện ma túy trở về, là một lần thắc thỏm. Không phải sợ họ trở về sẽ làm “rối” thêm xã hội, mà chỉ sợ không giữ nổi họ trong vòng tay ôm ấp của mọi người, sợ họ không giữ nổi mình trước sự cám dỗ của ma túy...

Bởi không ai trồng một vườn cây mà muốn ngồi nhìn những chiếc lá tươi non mơn mởn bị rầy sâu tàn phá lạnh lùng...

NGUYỄN THÀNH
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.

 

;
.
.
.
.
.