Chính trị - Xã hội

Không độc thoại...

14:31, 01/04/2008 (GMT+7)

Đã gần 6 năm qua rồi, nhưng anh Hoàng Văn Hội ở tổ 18, phường Thuận Phước, quận Hải Châu vẫn không quên cái buổi đối thoại giữa anh cùng các  đồng nghiệp xích lô, xe thồ với ông Nguyễn Bá Thanh, lúc bấy giờ còn là Chủ tịch UBND thành phố.

    “Quên răng được! Hơn 40 tuổi đời, gắn đôi chân với cái bàn đạp xích lô gần 20 năm, mới được ngồi đối thoại đàng hoàng với một vị lãnh đạo thành phố. Bữa chiều nớ, tui nhớ có nhận cuốc xe mười mấy ngàn, nhưng tui xin lỗi, bỏ ngang. Mười mấy ngàn chớ cả trăm ngàn cũng bỏ, bởi dễ chi gặp được lãnh đạo thành phố!” - Nhấc vội chiếc xích lô lên quảng trường trước Nhà hát Trưng Vương, anh hồ hởi giống như lần đi gặp lãnh đạo thành phố để đối thoại.

 
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh trò chuyện cùng cán bộ thành phố.

Mà không hồ hởi, phấn khích răng được, bởi làm cái nghề bạc mặt (nói như anh), đến cửa công quyền chứng cái đơn, xin con dấu còn run, mà lại được nói chuyện thoải mái với lãnh đạo cấp thành phố, có nằm mơ cả đời cũng không gặp. Không chỉ có anh, gần 1.500 người hành nghề xích lô, xe thồ chiều hôm đó đã nghỉ việc, hoặc tranh thủ chạy cuốc xe sớm để về dự cuộc đối thoại. “Bây chừ nghĩ lại, thấy mình bỏ ra cái buổi đó cũng đáng đồng tiền bát gạo lắm, đáng cả cuộc đời. Nói rứa là không phải gặp xong thì mình đổi nghề hay làm ăn giàu có lên liền, nhưng ít nhứt cũng đổi được cái nếp nghĩ, coi như là “đổi đời” rồi!” - anh Hội thật thà tâm sự.

Anh nghĩ, lãnh đạo thành phố không chỉ lo những việc lớn, mà còn lo đến thân phận, kiếp sống của những người cơ cực, bần hàn trong xã hội, làm cái nghề dãi nắng dầm mưa, bon chen kiếm ăn từng bữa qua ngày như anh. Lúc đó, còn làm xích lô “đen”, cũng ở trong hợp tác xã, nhưng có ai lo giúp cho mình đâu, tự lo, tự nghĩ, tự chạy... Lo ở đây không phải là chỉ chỗ làm ăn, kiếm khách cho mình, mà là lo đỡ cái “tinh thần”, để còn ngửa mặt với thiên hạ. Giọng anh chùng xuống: Nói rứa chớ cái tinh thần đối với tụi tui quý lắm! Từ cái độ gặp gỡ, đối thoại đó, anh em tụi tui cũng được hỗ trợ vài ba trăm ngàn sắm Tết. Thiệt ra, không có thì lâu ni tụi tui vẫn ăn Tết; nhưng có được đồng tiền đó, về khoe với vợ con, hàng xóm là của lãnh đạo thành phố cho đó nghe, rồi đi mua bánh mứt, đặt lên bàn thờ, thắp cây hương vái tổ tiên mà lòng cứ rưng rưng...

Rồi nằm đêm anh nghĩ, lãnh đạo đã quan tâm, lo cho mình đến thế, thì mình cũng phải làm cái chi đó cho xứng đáng. Anh gia nhập cái hội xích lô “đỏ” - là đội xích lô du lịch của thành phố ra đời từ ý tưởng của lãnh đạo trong buổi đối thoại đó. Thành phố đổi mới rồi, cũng phải làm ăn cho “sang” một chút, không xuề xòa, tranh giành, giựt dọc như trước nữa. Phải nghĩ lại lời của lãnh đạo nói, là mỗi người phải làm sao cho khách đến, người ta yêu mến Đà Nẵng, người ta trở lại hoặc quảng bá cho nhiều người cùng đến, thì mình mới có thêm miếng cơm, mà thành phố cũng đẹp hơn lên trong mắt du khách. Làm ăn căn cơ, bài bản hơn, gia đình anh tích cóp sửa cái nhà, mua ti-vi, xe máy, trong lòng phơi phới, nhẹ nhõm. “Nhưng cái được lớn nhứt là vợ chồng tui nuôi thằng con út đi học, chớ không rớt rơi như anh chị nó. Phải cho nó học hành đàng hoàng, rồi mai mốt kiếm việc chi làm tốt hơn, chớ thành phố bây chừ thay đổi quá nhiều rồi!”-Anh hào hứng như thể thấy trước cái tương lai xán lạn của thằng con còn đang học lớp 8...

Cũng không phải chỉ có anh Hội, mà những người gặp gỡ, đối thoại với lãnh đạo từ thành phố đến địa phương đều chuyển trong mình một “nếp nghĩ”. Không chuyển sao được, khi họ nhận được sự quan tâm ân cần, sâu sát và được nói những điều mình muốn nói đến thế. Mọi người như cởi mở lòng mình, nói tiếng nói của lòng mình trước những vận hội, trước những cái chuyển mình lớn lao của thành phố cũng như mỗi thân phận. Từ người đạp xích lô, xe thồ đến những người vừa mới hôm qua bước ra từ vòng lao lý; từ những trí thức như sinh viên, nhà báo, hội viên Câu lạc bộ Cán bộ trẻ đến... “cán bộ già” như hội viên Câu lạc bộ Thái Phiên. Mỗi cuộc đối thoại đều có tính chất, nội dung và hoàn cảnh khác nhau...; những người đối thoại có những vị thế, công việc, nghề nghiệp khác nhau... nhưng đều đi đến một điểm cuối duy nhất là vì sự phát triển của thành phố, vì lợi ích thiết thực và chính đáng nhất của mỗi người dân. Có cuộc đối thoại diễn ra hiền hòa trong bầu không khí trao đổi thẳng thắn, chân tình trên tinh thần “hiểu biết lẫn nhau” và “đôi bên cùng có lợi”; nhưng cũng có những cuộc đối thoại “nảy lửa”.

Đó là những cuộc đối thoại giữa lãnh đạo chính quyền thành phố và các địa phương với đại diện những hộ gia đình trong diện giải tỏa, đền bù, tái định cư. Những đòi hỏi có lúc chính đáng, nhưng cũng có những yêu cầu vượt quá tầm giải quyết của thành phố. Thế là không tìm ra được tiếng nói chung, là mang đơn “hầu kiện” đến tận Trung ương. Thế nhưng, trong 10 năm chỉnh trang đô thị để có một tầm vóc Đà Nẵng hôm nay, giải tỏa hơn 70 nghìn hộ dân, những cuộc đối thoại “nảy lửa” vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, đã là một thành công. Cái thành công ấy đến từ những cuộc đối thoại thẳng thắn, chân tình trước đó để tìm ra cái đích chung giữa quyền lợi của cá nhân với sự phát triển của thành phố.

“Phải nhắm đến cái đích đó, thì mới mong cuộc đối thoại đi đến thành công” - là một trong những “chuyên gia” trực tiếp tham gia hoặc theo dõi các cuộc đối thoại giữa người dân với lãnh đạo thành phố cũng như các cấp, ngành, ông Phạm Ngọc Quỳnh bày tỏ như vậy. Cái căn cớ để ông Quỳnh trở thành “chuyên gia” đối thoại, chính là từ cái án oan sai mà ông mang suốt 30 năm trời cũng như cái kiên định của con người vẫn vẹn một niềm tin. Không mỏi mệt, ông đến với các cuộc đối thoại cũng là để tiếp cận tìm hiểu cách nghĩ, cái nhìn của lãnh đạo hôm nay mà tìm đường “giải oan”.  Trên hành trình ấy, ông nhận ra cái đích đến của những cuộc đối thoại; đó là không phải chỉ nhắm cho riêng mình, nói những chuyện cá nhân nhỏ lẻ của mình, mà phải vì những cái chung. Dĩ nhiên, trong đó có cả thân phận mình!

Thế nên, bị án oan sai 30 năm trời, bị khai trừ khỏi Đảng, có lúc quẫn trí cắn lưỡi tự vẫn, ông vẫn miệt mài theo dõi tình hình, từ đó tham gia các cuộc đối thoại để có cơ hội bày tỏ những suy nghĩ của mình đối với lãnh đạo đương chức một cách có trách nhiệm rõ ràng. “Tôi nghĩ, có đối thoại thì mới xới lên được nhiều vấn đề, mới hiểu rõ được nhiều vấn đề và hiểu nhau hơn, chứ không để trắng đen lẫn lộn, ì xèo trong dư luận. Phải để đối thoại được trở thành thường xuyên hơn, là việc bình thường trong xã hội; vì có qua đối thoại thì người dân mới thấy được trí tuệ, bản lĩnh của người lãnh đạo. Nếu không sâu sát, am hiểu tường tận vấn đề, không có bản lĩnh để đương đầu và giải quyết công việc một cách nhanh nhạy, nhất là những vấn đề nhạy cảm... thì lãnh đạo sẽ không dám đối thoại hoặc đối thoại không mạnh dạn, quyết đoán.

Người đối thoại cũng phải nói thật trung thực, nói trên tinh thần xây dựng chứ không bới móc, châm chọc, mỉa mai... và người nghe thì phải biết lắng nghe trên tinh thần cầu thị, chia sẻ. Như thế thì mới đem lại lợi ích cho cả đôi bên, mới đúng tinh thần của một cuộc đối thoại vì cái chung!” - Ông Phạm Ngọc Quỳnh bày tỏ.

Trên hành trình đối thoại để tìm ra chân lý, để giải tỏa những vấn đề vướng mắc từ cuộc sống và phát triển, người đảng viên 76 tuổi đời, sắp nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng sau gần nửa đời đắng cay, oan ức... cũng là cái hành trình không đơn độc. Ông cho rằng, để có được sự phát triển hơn nữa, thì trên hành trình ấy, từ lãnh đạo cao nhất đến mỗi người dân của thành phố, không có chỗ tồn tại dành cho những người chỉ biết độc thoại và độc hành...

NGUYỄN THÀNH
.