.

Nghĩ về người nông dân

.

Lịch sử dân tộc với những khúc tráng ca và bi ca có sức lay động mãnh liệt tình cảm của con người Việt Nam mọi thời đại. Trong khi một lịch sử gần hối hả chạy nhanh về với chúng ta để liền mạch với thời cuộc, thì một lịch sử xa xưa lại chạy đến với chúng ta bằng những bước chân chậm rãi, vừa chắc nịch, vừa mông lung, gợi mở.

Rồi đây còn ai muốn làm nông nghiệp? (Ảnh tư liệu)

Gần hay xa, thì trong sâu lắng của tâm tư, người Việt vẫn cảm nhận được những âm vang lịch sử có sức lay động mãnh liệt ấy. Trong những ngày mùa Thu Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 này liệu chúng ta có đang cảm nhận được những âm vang ấy không?

“Nước chúng ta, nước của những người không bao giờ khuất. Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất. Những buổi ngày xưa vọng nói về” (1). Liệu chúng ta có nghe được những tiếng rì rầm “những buổi ngày xưa vọng nói về” của một nước Việt Nam “trong khói lửa, rũ bùn, đứng dậy, sáng lòa”? (1) Chủ lực của sức mạnh làm nên sự kiện lớn lao đó chính là những người nông dân “rũ bùn đứng dậy” ấy.

Cần phải nghe cho thấu bởi lẽ lịch sử là một chất xúc tác diệu kỳ, nó gọi dậy những gì thiêng liêng và cao cả mà cứ ngỡ như đã bị khỏa lấp đi bởi những chuyện cơm, áo, gạo, tiền bề bộn, vặt vãnh hằng ngày trong cuộc mưu sinh. Âm vang lịch sử khác nào nguồn nước mát thanh lọc tâm hồn đang vướng bận với ngổn ngang những sự kiện, những khuôn mặt tốt xấu trong nhịp sống hối hả, bon chen giữa dòng đời. Cảm nhận về lịch sử cũng là cảm nhận về chính mình, về vui buồn và phẫn nộ, về hào hứng và đắng cay... Trong những cảm nhận ấy, xin gợi lên đôi điều về người nông dân, người từng trĩu trên vai mình gánh nặng nhất của sự nghiệp dựng nước và giữ nước, nay đang đối diện với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những người đã ào lên như nước vỡ bờ làm nên Cách mạng Tháng Tám 1945, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để có sự nghiệp đó hôm nay.

Sức nước vỡ bờ ấy, khác nào sức mạnh của dòng sông tuôn về biển lớn. Quyết định tốc độ tuôn trào ấy là sức cuộn chảy từ bên dưới chứ không phải những váng bẩn, bèo bọt nổi lên trên mặt nước. Ở những đoạn sông chảy xiết, nhất là ở những khúc quanh đột ngột mở ra một hướng mới, đưa dòng nước xuôi về biển, váng bẩn sẽ càng nổi lên nhiều. Những đôi mắt cận thị bị những lợi ích vụn vặt trước mắt che lấp tầm nhìn, sẽ chỉ thấy được những bèo bọt, những váng bẩn mà không sao thấy được sức cuộn chảy từ bên dưới. Vậy mà, chính sức cuộn chảy từ bên dưới ấy mới làm nên lịch sử!

Vì lịch sử là một vận động trong thế tương quan giữa nhiều lực tác động nhằm tìm ra một hợp lực, vạch ra con đường đi của nó. Ngay từ đầu, và cho đến bây giờ và mãi mãi, những hợp lực ấy vẫn do các cá nhân hiện thực tạo ra mà vẫn là không phụ thuộc vào cá nhân họ. Phải chăng vì thế mà Hégel cho rằng động cơ của những nhân vật lịch sử, ý nói là những nhân vật xuất chúng đóng một vai trò lịch sử hết sức quan trọng, xuất hiện đúng vào những thời điểm lịch sử quyết định cần phải có họ, ấy vậy mà thật ra, không phải là những nguyên nhân cuối cùng của lịch sử. Mặc dầu, họ là chất xúc tác mà nếu không có, sẽ không thể tạo nên những hợp lực, mà không có hợp lực sẽ không thể đẩy tới những bước quyết định của lịch sử.

Cái hợp lực tạo ra sức mạnh của một dân tộc, viết nên những trang hào hùng của lịch sử dân tộc, chính là quần chúng nhân dân. Nói quần chúng nhân dân, trước hết là nói về người nông dân. Những người theo mệnh lệnh của trái tim đã có mặt đúng lúc, đúng thời điểm cần có họ, những con người thuần phác sống lầm lũi, cam chịu trong lũy tre xanh bỗng vươn mình đứng dậy, viết nên lịch sử!

Những nguyên lý trừu tượng nhắc ở trên được minh họa sống động trong hình ảnh cụ thể về những người nông dân Việt Nam từng làm nên lịch sử đất nước, làm nên Cách mạng Tháng Tám, một cuộc cách mạng xã hội đích thực đầu tiên trong lịch sử của dân tộc ta. Dựa vào những thành tựu khoa học đã đạt được, người ta ngày càng hiểu ra rằng, tiến hóa là một quá trình liên tục làm tăng thêm độ phức tạp toàn thể của hệ thống bằng việc làm nảy sinh thêm nhiều yếu tố mới, nhiều mối tương tác mới, tạo thêm nhiều khả năng xuất hiện những thuộc tính hợp trội mới. Các trật tự do hợp trội mà thành, các thuộc tính do hợp trội mà có, là sản phẩm từ dưới lên, chứ không phải chỉ là do từ trên xuống. Vì vậy vấn đề là làm sao kết hợp được sức mạnh từ dưới lên với nhận thức từ trên xuống bắt kịp được với sự vận động để biết khai thác, phát huy làm bừng nở sức mạnh hợp trội mới đó, tạo ra được cục diện mới, thúc đẩy sự phát triển.

Lịch sử dân tộc ta từng chứng kiến những sức mạnh hợp trội đã tạo nên những kỳ tích ở thế kỷ XIII, ba lần đánh tan các đạo quân xâm lược vốn từng làm mưa làm gió từ Á sang Âu, thế kỷ XV rồi thế kỷ XVIII, đập tan những đạo quân xâm lăng của các đế chế Minh, Thanh luôn muốn khuất phục nước Đại Việt vốn như một cái xương mắc ngang họng không cho họ nuốt trôi các vùng lãnh thổ ở Đông Nam Á. Dưới nhiều dạng vẻ khác nhau, song về nguồn lực cơ bản thì vẫn là vận dụng chính sách “ngụ binh ư nông”, thời bình thì cầm cày, thời chiến thì cầm vũ khí. Trong thế trận “lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều”, ông cha ta đã nhiều lần dám bỏ ngỏ thủ đô cho giặc tràn vào, quay trở về làng, cái nôi của sức mạnh dân tộc, làng còn thì nước sẽ không mất. Từ làng mà tập họp lực lượng, chọn thế đánh, dồn sức quật ngã kẻ thù, giải phóng thủ đô, lấy lại nước. Mà nói làng tức là nói nông dân!

Những Thoát Hoan, Vương Thông, Tôn Sĩ Nghị... hùng hổ vào chiếm Thăng Long để rồi cụp đuôi chạy về nước trong cái thế “ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc áo giáp”. Giữa thế kỷ XX, đạo quân viễn chinh xâm lược Pháp, sau Điện Biên Phủ, tươm tất hơn khi làm lễ cuốn cờ có kèn “bú dích” thổi lên, cũng không che được vẻ bẽ bàng của đám tàn quân thất trận, kéo theo luôn sự sụp đổ cả hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ. Dẫn đầu đoàn quân thắng trận “trùng trùng say trong câu hát, lớp lớp đoàn quân tiến về”(2) tiếp quản thủ đô là một người nông dân mặc áo lính, anh hùng Nguyễn Quốc Trị. Trong đoàn quân chiến thắng ấy, cũng có những chàng trai Hà Nội “bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa” (3) đã trở thành những người cán bộ chỉ huy từng đóng vai trò khá quyết định làm nên chiến thắng, nhưng dù sao thì họ chỉ điểm xuyết trong đội ngũ trùng trùng những người nông dân rời làng quê ra đi chiến đấu. Những người nông dân ấy, sau khi “đạp quân thù xuống đất đen, súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”(1), chỉ một bộ phận nhỏ trong họ ở lại thành phố, số đông rồi sẽ về lại làng quê “côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó”. (4)

Bởi lẽ, những người nông dân mặc áo lính ấy “việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy tay vốn quen làm”(4), vì nước lâm nguy mà phải cầm súng. Bao đời, người nông dân vẫn trĩu trên vai mình gánh nặng nhất của việc dựng nước và giữ nước. Chuyện quá rõ ấy chắc chẳng phải nói thêm. Hãy nói đến chuyện trong vòng hơn hai thập kỷ sau 1975, hai lần nông thôn và nông dân đã cứu nguy cho nền kinh tế đất nước khỏi sụp đổ.

Một là, vào những năm cuối thập niên 80 với sự sụp đổ của Liên Xô và khối XHCN Đông Âu, và hai là, những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, với khủng hoảng ở các nước Đông Nam Á. Cả hai lần, sản xuất công nghiệp, có lần cả dịch vụ đều sa sút, có lúc tăng trưởng âm, chỉ nhờ nông dân kiên cường và nhẫn nại trên mặt trận sản xuất, nông nghiệp phát triển, mới cứu được cho cả nền kinh tế đã đứng bên bờ vực. Thế là “cái truyền thống - nông thôn, nông nghiệp, nông dân” đã cứu cho “cái hiện đại - đô thị, công nghiệp” những “bàn thua trông thấy”, nhưng rồi sau đó, những thành quả của Đổi Mới và thành tựu ban đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì dường như nông thôn chỉ được tí chút, còn đô thị hưởng trọn!

Người nông dân ra phố làm công nhân xây dựng. (ảnh :N.P)
Bao đời, người nông dân vẫn phải gánh trên vai mình gánh nặng nhất của việc dựng nước và giữ nước. Từ chính sách “ngụ binh ư nông” đời Trần cho đến các cuộc chiến tranh chống các thế lực xâm lược đến từ mọi hướng trong thời đại Hồ Chí Minh, nông dân vẫn là quân chủ lực. Nhưng khi đối diện với công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước thì xem ra vấn đề nông dân lại chưa được nhìn nhận một cách thỏa đáng. Họ đang phải chịu đựng những thua thiệt, những bất công.

Chỉ xin gợi lên một chút xíu về chuyện bất công đó: Người thành phố được Nhà nước kéo điện vào tận giường ngủ, bật sáng ngôi nhà với bao tiện nghi cần đến điện: ti-vi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, máy hút bụi, máy lọc không khí..., họ chỉ phải trả tiền điện tính từ công tơ điện lắp trong nhà. Nông dân và nông thôn thì với một hai bóng điện phập phù, song họ phải trả tiền kéo điện từ trạm biến áp về xã, về làng, về xóm, về nhà. Hãy chỉ làm một con tính về số tiền phải rút ra từ chiếc hầu bao lép kẹp của người “nhà quê” trả cho việc kéo điện đó, để thấy sự bất công bày ra thật trần trụi. Còn to chuyện ra nữa, sẽ thấy sự trần trụi đó in đậm dấu ấn rất lộ liễu trong việc “quy hoạch” về chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Chỉ cần mở lại bộ Luật Hồng Đức đời Lê hay bộ Luật Gia Long đời Nguyễn, cũng thấy ra được những quy định thật nghiêm cẩn và chặt chẽ trong việc chuyển quyền sở hữu ruộng đất và sự tùy tiện trong việc nhân danh “sở hữu toàn dân” để vi phạm quyền sử dụng đất của người nông dân hiện nay.

Làng quê bây giờ đã biến dạng, cái mà một thế kỷ trước đây Tú Xương đã đặt câu hỏi “Ai khéo xoay ra phố cả làng”. Chuyện ấy nay đang diễn ra dữ dội hơn nhiều. Bởi lẽ, chuyện “đô thị hóa” thời Tú Xương cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX “Trời kia khiến vậy, sông nên bãi/ Ai khéo xoay ra phố cả làng” (5) diễn ra trong bối cảnh rối ren của buổi giao thời thực dân Pháp vừa đặt ách đô hộ lên nước ta, một thứ “đô thị hóa cưỡng bức”, lòng người hoang mang: “Văn minh Đông Á trời thu sạch/ Này lúc luân thường đảo ngược ru ” (6), “Lỡ duyên búi tóc củ hành/ Trường thi Nam Định biến thành trường bay”(7). Nhưng cho dù không cưỡng bức, thì đô thị hóa bao giờ cũng gây nên những phản ứng trong cảm thức của con người. Vì đây không chỉ là sự thay đổi của cảnh quan bên ngoài, mà là sự thay đổi lối sống, tác động mạnh đến tâm trạng con người.

Ấy vậy mà những biến động trong buổi giao thời cuối thế kỷ XIX khác xa với những gì mà nông thôn và nông dân ta đang đối diện hôm nay: quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa song hành với toàn cầu hóa và thị trường hóa. Những gì các nước Âu Mỹ vượt qua trong hàng trăm năm, các nền kinh tế Đông Á đi qua hàng chục năm, thì nay Việt Nam đang nếm trải gần như cùng một lúc. Phải chăng, người nông dân ta chưa được chuẩn bị kỹ để đón nhận những biến động dữ dội ấy? Nên nhớ rằng, “không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển vẫn chưa phát triển”, cảnh báo đó là của C.Mác. Chẳng những thế, liệu có cần xem xét đến một điều mà Max Weber đã từng lưu ý khi phân tích chủ nghĩa tư bản và xã hội nông thôn ở Đức thế kỷ XIX: “Hai nghìn năm quá khứ vẫn không huấn luyện cho người nông dân sản xuất ra để kiếm lợi nhuận”. Liệu người nông dân Việt Nam đã được huấn luyện để làm điều ấy như thế nào trong quá khứ và hiện nay? Có thể một bộ phận nông dân Nam Bộ nói riêng và miền Nam nói chung trước đây đã sớm tiếp xúc với kinh tế thị trường hơn nông dân miền Bắc, song nhìn chung thì việc “huấn luyện” để đón nhận tiến trình công nghiệp hóa song hành với toàn cầu hóa xem ra cũng chưa được bao nhiêu!

Kinh tế tăng trưởng 16 năm liên tiếp ở mức cao nhất thế giới, tỷ trọng GDP nông nghiệp giảm liên tục 4%/năm, nhưng thu nhập bình quân vẫn dưới 800 USD, đa số dân cư sống ở nông thôn và số lao động tuyệt đối trong nông nghiệp vẫn tăng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất nhóm nông-lâm-ngư mấy năm nay có xu hướng giảm dần, trong đó nông nghiệp còn giảm mạnh hơn cả. Sản lượng lương thực bình quân đầu người cũng đang giảm dần. Có thể nói, nông nghiệp và nông thôn không còn đủ mạnh để tự phát triển, môi trường và tài nguyên tự nhiên không còn bền vững để tự tái tạo, đa số dân cư còn ở nông thôn nhưng thế và lực quá yếu, đời sống kém quá xa so với đô thị về cả vật chất và nhất là về đời sống văn hóa. Thu nhập và chi tiêu cho đời sống bình quân đầu người một tháng ở khu vực đô thị là 220.000 đồng, còn nông thôn là 95.600 đồng.

Nạn mất đất nông nghiệp đang là một thực trạng đáng báo động và là sự tiềm ẩn những nguy cơ mất ổn định xã hội. Mất đất do tham nhũng, “quốc gia công thổ” trở thành miếng mồi béo bở cho những người có quyền lực biến thành sở hữu riêng “trống làng ai đánh thì thùng, của chung ai khéo vẫy vùng làm riêng” (ca dao), chưa bao giờ mà sự cảnh báo dân gian ấy lại nặng nề và trắng trợn như hiện nay. Mất đất còn do sự quản lý, quy hoạch yếu kém và quá tùy tiện, sâu xa hơn, đó là do thiếu một định hướng đúng đắn về đường lối công nghiệp hóa và đô thị hóa trong khi Việt Nam có quy mô đất canh tác/người vào loại thấp nhất thế giới. Các năm 2000-2005, có 366.000 ha đất nông nghiệp bị thu hồi, khoảng 73.000 ha/năm. Xin gợi lên một ví dụ: Ở Bắc Ninh, sau khi bị thu hồi đất, chỉ 5-6% lao động có việc làm! Theo Bộ TN&MT, từ 2005-2007 cả nước đã mất trắng gần 35.000 ha trồng lúa. Trong lúc đó, vốn đầu tư vào địa bàn nông thôn chỉ bằng 1/10 so với khu vực đô thị. Cùng với chuyện mất đất nông nghiệp, bức xúc nhất là vấn nạn ô nhiễm môi trường mà nông thôn là nơi gánh chịu nặng nề.

Có nhà khoa học đưa ra nhận định rằng nông thôn đang chịu cảnh ngộ là bãi rác của đô thị, nạn ô nhiễm môi trường còn nặng nề hơn đô thị. Lại xin chỉ gợi lên vài hình ảnh: Lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy với mật độ dân số 874 người/km2, gấp đôi lưu vực sông Cầu, bị nước thải đô thị xối thẳng trực tiếp làm đen ngòm nước sông đang bốc mùi. Mỗi ngày sông Nhuệ và sông Đáy tiếp nhận khoảng 800.000m3 nước thải sinh hoạt. Riêng sông Nhuệ tiếp nhận từ sông Kim Ngưu, Tô Lịch, sông Lù, sông Sét từ Hà Nội thải ra 400.000m3 chưa được xử lý qua đập Thanh Liệt. Con sông Đáy thơ mộng với nước trong vắt, “soi tóc những hàng tre” (8) thân quen của những vùng đầy ắp những danh lam thắng cảnh, chùa chiền, miếu mạo, đền thờ, di tích lịch sử cùng với những con sông Châu Giang, sông Tích, sông Hoàng Long, sông Đào từng tắm mát tâm hồn bao thế hệ cư dân Hà Nội, Hà Tây, Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình, Ninh Bình thì nay đang chuyển màu, khô kiệt và hôi thối. Không khéo đến “ngựa đá” trong “lưỡng hồi lao thạch mã” từ bài thơ của ông vua anh hùng thời Trần lao ra, cũng đến chết chìm trong dòng sông ô nhiễm thời hiện đại đang lượn sát vùng đất thiêng Tức Mạc, nơi phát tích của khí phách Đông A.

Cả hệ thống những con sông trong lưu vực sông Đồng Nai đang chịu tác động cùng lúc từ nhiều nguồn, phần hạ lưu đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, có những đoạn đã chết và đang chết. Nước sông Đồng Nai, đoạn từ Nhà máy nước Thiện Tân đến Long Đại có hàm lượng chì rất cao. Còn chất hữu cơ với dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng thì đang xối vào hủy hoại hệ thống sông Sài Gòn. Riêng sông Thị Vải đã có đoạn bị chết kéo dài từ sau khu vực hợp lưu suối Cả-Đồng Nai đến khu công nghiệp Mỹ Xuân. Công nghiệp, làng nghề, nuôi trồng thủy sản, càng được đẩy tới bao nhiêu thì chất thải từ đó càng đầu độc những dòng sông bấy nhiêu.

Nhưng, có cái đáng suy nghĩ nhiều hơn chính là nền văn hóa làng, cái nôi nuôi dưỡng tâm hồn Việt Nam, hun đúc nên bản sắc văn hóa dân tộc được vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm, không có cái gốc đó, không thể có bề dày văn hóa hôm nay. Văn hóa làng đang bị mai một, nhiều nơi đang bị hủy hoại. Có nhà văn đã cay đắng viết trên Vietnamnet ngày 20-3-2008: “Những nền tảng của văn hóa truyền thống ở các làng quê đã biến dạng và bị phá vỡ. Cái quan hệ hàng xóm láng giềng có được trong truyền thống tốt đẹp lâu đời của văn hóa làng Việt Nam mỗi ngày một mất đi những vẻ đẹp và tính nhân văn của nó. Làng quê Việt Nam bây giờ “ông chẳng ra ông, thằng chẳng ra thằng”. Phố cũng không phải phố mà làng cũng không phải là làng”. Cũng trên trang báo ấy, tiếng gọi hồn cất lên: “Khi văn hóa không còn thì chúng còn gì nữa đâu. Hỡi hồn vía làng quê ở đâu hãy về! Bạn có nghe lời này bao giờ chưa? Đó chính là tiếng gọi hồn. Theo phong tục ở các miền quê Việt Nam thì khi một người có nguy cơ sắp mất, người thân ôm chiếc áo của người đó đã mặc chạy ra đầu ngõ mà gọi hồn người đó trở về nhập vào xác cho người đó sống lại”!

Ấy vậy nên, càng đi vào hiện đại, càng tiến sâu vào quá trình hội nhập quốc tế, càng phải biết gìn giữ, vun đắp cho cái gốc ấy. Đã mất gốc thì làm sao phát triển, và cho dù kinh tế có tăng trưởng bao nhiêu mà văn hóa lại lai căng, mất gốc thì sự tăng trưởng đó chẳng có được bao nhiêu ý nghĩa. Đấy là chưa nói đến chuyện, vào những thập kỷ cuối thế kỷ XX bước sang thế kỷ XXI, thế giới ngày càng nhận thức rõ chính văn hóa mới là động lực và sức mạnh của phát triển. Trong quá trình toàn cầu hóa về kinh tế, mỗi quốc gia lại phải lo gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa của mình, đó chính là điểm tựa cho sự phát triển trong một thế giới đa cực và đa dạng.

Trong sự phát hiện mới về vai trò của nông nghiệp và nông thôn, người ta đã nhận thức rõ hơn nông thôn rồi sẽ chiếm lĩnh một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa của con người. Làng quê Việt Nam hiện đại trong viễn cảnh cần phải có, sẽ là nơi nuôi dưỡng tinh thần và làm phong phú đời sống tâm hồn người Việt Hiểu điều này mới thấy ra sự nguy hại của nền văn hóa làng đang bị băng hoại để có những quyết sách cứu vãn, thanh lọc và phục hưng.

Trong một Hội thảo khoa học vừa qua, báo cáo của một Viện nghiên cứu đưa ra một kịch bản không lấy gì làm sáng sủa để đánh động suy tư của các nhà khoa học và những người hoạch định chính sách: “Nông thôn sẽ là nơi không ai muốn ở, thanh niên, người có học vấn chuyển ra sống và làm việc ở thành phố để có điều kiện phát triển, nông nghiệp sẽ là ngành không ai muốn đầu tư, nông dân muốn thoát khỏi quê hương nghèo khổ. Các thế hệ tương lai sẽ bỏ rơi nông thôn”.

Chuyện nông dân vốn là chuyện dài xuyên suốt lịch sử dân tộc, từ trong truyền thuyết lên núi xuống biển mở nước, rồi trường kỳ giữ nước trong cái thế kẹt địa - chính trị “trứng nằm dưới đá”. Xét đến cùng, giải quyết tốt vấn đề nông dân chính là tạo ra cái nền cơ bản “sâu rễ bền gốc” (Trần Hưng Đạo) cho mọi triều đại, mọi chế độ chính trị, nói theo ngôn ngữ hiện đại là sự phát triển bền vững. Muốn có cái đó thì không chỉ là “khoan thư sức dân” (Trần Hưng Đạo) mà còn là “sao cho thôn cùng xóm vắng không có tiếng oán giận sầu than” (Nguyễn Trãi) trên nhận thức sâu sắc rằng “quyền hành và lực lượng đều nơi dân” (Hồ Chí Minh).

Nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, xin gợi lên đôi điều thô thiển về sức cuộn chảy từ bên dưới vốn quyết định tốc độ của dòng sông lịch sử, về người nông dân từng làm nên lịch sử. Gợi lên để làm tiền đề cho một kiến nghị: Hãy thực sự quan tâm đến nông dân bằng những quyết sách cụ thể và bằng một tấm lòng trân trọng biết ơn nông dân, chia sẻ với nông dân.

TƯƠNG LAI
.......................................
(1) Thơ Nguyễn Đình Thi
(2) Ca từ trong nhạc của Văn Cao
(3) Thơ Chính Hữu
(4) Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu
(5) Thơ Tú Xương
(6) Thơ Tản Đà
(7) Thơ Nguyễn Bính
(8) Thơ Tế Hanh

;
.
.
.
.
.