.
Đà Nẵng với vấn đề “tam nông”:

Bài 1: Nông nghiệp Đà Nẵng – còn nhiều việc phải làm

.

Ở Đà Nẵng, nông dân không nhiều, giá trị sản xuất nông nghiệp không lớn, song tác động của nó đến đời sống kinh tế-xã hội, nhất là vùng nông thôn không nhỏ. Những năm gần đây, mặc dù thu hẹp về phạm vi trồng trọt và chăn nuôi, nhưng nông nghiệp Đà Nẵng vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng ổn định, giá trị sản xuất toàn ngành không giảm.

Nông dân Đà Nẵng tuy bị chi phối bởi quá trình đô thị hóa, nhưng họ đã tạo ra nhiều của cải có giá trị trên đồng ruộng, chuồng trại. Đặc biệt, nông thôn Đà Nẵng có bước tiến trên mọi lĩnh vực, không những về kết cấu hạ tầng mà còn cả đời sống vật chất, tinh thần của người dân tại các làng quê được nâng lên rõ rệt. Tuy vậy, nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở Đà Nẵng vẫn còn nhiều vấn đề cần đề cập.

Sản xuất rau tại đồng Hồ Bún, xã Hòa Phong (Hòa Vang).

Hiện tại, nông nghiệp Đà Nẵng nhỏ về quy mô và thấp về giá trị sản xuất. 6 tháng đầu năm 2008, toàn ngành chỉ đạt giá trị tổng sản lượng 332 tỷ đồng, giảm 2,5% so cùng kỳ năm 2007, trong đó giá trị nông-lâm chỉ 140 tỷ đồng, chưa bằng 1/2 giá trị sản xuất cùng ngành của huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Năng suất lúa 50,5 tạ/ha, sản lượng thóc trên 23 nghìn tấn, thấp nhất kể từ trước đến nay. Đây là thu nhập chủ yếu của hàng chục nghìn hộ nông dân trong nửa năm trời. Thế nhưng, bộ máy chỉ đạo, phục vụ sản xuất nông nghiệp không hề nhỏ. Hiện có tới 6 đầu mối với hơn 220 cán bộ, đa số là kỹ sư làm nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Con số này ở huyện Điện Bàn chỉ hơn 50 người.

Về đất canh tác, Đà Nẵng chỉ còn 5.000ha, trong đó đất lúa 4.100ha. Đáng lẽ diện tích canh tác ít, nông nghiệp Đà Nẵng phải khai thác đất đai triệt để cho sản xuất, song đáng tiếc, hiện tại, ngoại trừ cánh đồng rau 17ha ở Khuê Mỹ, khoảng 50ha lúa giống ở HTX 1 Hòa Tiến, sản xuất theo lối thâm canh, hiệu quả kinh tế khá cao, còn lại đều sản xuất cầm chừng, hiệu quả thấp. Mặc dù chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi triển khai nhiều năm nay, nhưng trên đồng ruộng, chuồng trại chưa tạo dấu ấn gì nổi bật. Các mô hình như dưa hấu Hắc mỹ nhân, rau mầm, tre lấy măng, nuôi ếch, cá nước ngọt… chưa trở thành phổ biến.

Ai cũng cho rằng, trồng dưa hấu hiệu quả gấp 5-7 lần so trồng lúa, nhưng diện tích giảm. Hoặc như rau an toàn được đầu tư khá lớn về kinh phí, phấn đấu lắm cũng chỉ đạt 50ha, đa số manh mún, nhỏ lẻ. Vụ hè thu này do bị động về sức kéo, chạy đua với thời vụ, khâu làm đất không chu đáo, đầu tư chưa hợp lý, lúa phát triển kém hơn mọi năm. Cộng với vụ đông xuân thất bát, sản lượng lương thực năm nay khó đạt kế hoạch đề ra. Về chăn nuôi, tổng đàn gia súc, gia cầm thấp nhất kể từ trước đến nay. Không chỉ phạm vi nuôi bị thu hẹp mà khó khăn về con giống, đẩy người nông dân vào tình cảnh chuồng trại trống không kéo dài.

Tổng đàn bò chỉ hơn 18 nghìn con. Đối với kinh tế trang trại, tuy số lượng lớn (hơn 200 trang trại), nhưng giá trị kinh tế không cao. Không ít trang trại chỉ có danh mà không có thực, hiệu quả kinh tế thấp. Nuôi trồng, đánh bắt thủy sản cũng đã giảm đáng kể so với 5-7 năm trước.


Thời điểm này, tìm mô hình tiêu biểu của nông nghiệp Đà Nẵng để so sánh với địa phương khác không dễ. Chỉ một số ít “đại gia” đầu tư hàng chục tỷ đồng như Công ty TNHH Minh Hưng nuôi đà điểu, Công ty TNHH Tân Minh Hoàng nuôi gà công nghiệp, Công ty CP Thái Lan nuôi heo siêu nạc… Hoạt động đáng kể nhất của nông dân Đà Nẵng là nuôi cá nước ngọt, ếch và kinh tế vườn, nhưng số hộ nuôi trồng có hiệu quả cao không nhiều. Đời sống của hộ nông dân SXKD giỏi ở Đà Nẵng thua xa các địa phương khác. Lĩnh vực khởi sắc nhất đó là trồng rừng. Tuy nhiên, lĩnh vực này chậm thu hoạch.

Tại sao nông nghiệp Đà Nẵng không tạo được dấu ấn nổi bật, giá trị thấp? Trước hết, diện tích canh tác giảm 1.900ha trong hơn 10 năm qua, trong đó đất lúa 1.116ha, hơn 300ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị giải tỏa. Do giải tỏa, tâm lý bất an trong nông dân khá rõ. Họ không mạnh dạn đầu tư cho sản xuất, thậm chí chỉ sản xuất cầm chừng theo kiểu giữ đất. Việc dồn điền đổi thửa không triển khai được đã đẩy sản xuất lâm vào tình cảnh manh mún, nhỏ lẻ kéo dài. Tiến bộ khoa học kỹ thuật có triển khai nhưng ít đứng vững trên đồng ruộng, chuồng trại.

Cơ giới hóa chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất. Hơn 10 năm lúa chưa thay giống mới nên hạn chế về năng suất, sản lượng. Hầu hết lao động trẻ quay lưng với đồng ruộng tìm kế mưu sinh ở phố xá, giao phó đồng ruộng cho lao động lớn tuổi, sản xuất theo kiểu được chăng hay chớ. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp liên tiếp đối mặt với rủi ro, thất bát do thiên tai, dịch bệnh, giá vật tư phân bón tăng cao, giá nông sản thấp. Về chủ quan, nông dân Đà Nẵng chưa nhạy bén với cái mới, khát vọng làm giàu không cao.

Cánh đồng Thiên 15 ha ở Hòa Hiệp Bắc bỏ hoang hóa nhiều năm nay.

Trong khi đó, nông nghiệp Đà Nẵng có nhiều thuận lợi. Khí hậu, thời tiết không đến nỗi quá khắc nghiệt. Hệ thống thủy nông tương đối hoàn thiện. Các cơ quan chỉ đạo với đội ngũ cán bộ kỹ thuật hùng hậu, sự đầu tư của thành phố và các quận, huyện kịp thời. Thị trường nông sản phong phú, vận chuyển vật tư, nông sản thuận lợi. Tuy vậy, những thuận lợi nêu trên chưa giúp nông nghiệp Đà Nẵng có bước bứt phá khỏi sự trì trệ hiện nay.

Trao đổi về thực trạng nêu trên, ông Nguyễn Phú Ban, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay: Tác động của đô thị hóa ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Tương lai gần, vựa lúa duy nhất của Đà Nẵng sẽ không còn. Các vùng còn lại thổ nhưỡng kém màu mỡ, không nước tưới, nỗ lực mấy cũng khó có năng suất cao. Lao động trẻ bị đô thị thu hút, việc đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, chuồng trại không dễ.

Hầu hết nông dân sản xuất theo kiểu cầm chừng, giữ đất là chính. Đây là cản trở lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các cánh đồng thu nhập cao của địa phương. Bên cạnh đó, đội ngũ chỉ đạo thì nhiều nhưng ít bám đồng ruộng, không có mô hình mới tạo động lực cho nông dân. Về kinh tế trang trại, nông dân không có vốn đầu tư nên đành chấp nhận làm thuê cho các “đại gia” lên xây dựng các cơ sở sản xuất nông sản quy mô lớn… Tuy vậy, hiện vẫn có một số mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao, góp phần tích cực đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo, làm giàu ở nông thôn.

Sẽ rất khó xây dựng nền công nghiệp theo hướng CNH-HĐH nếu không quy hoạch ổn định lâu dài vùng chuyên sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, nhiều khu vực sản xuất chuyên canh nay đã là khu dân cư. Vấn đề cốt lõi hiện nay là sớm quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp. Tại đó có sự đầu tư cơ bản về cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý vô cùng cần thiết, đòi hỏi người nông dân liên tục tìm tòi sáng tạo, nhạy bén với thị trường. Ví dụ như, một số người dân các tỉnh phía Bắc mua cây lộc vừng của người dân Đà Nẵng về ươm, chăm bón trên các cánh đồng màu mỡ, để rồi ít năm sau chở vào Đà Nẵng bán. Trong lúc ở Đà Nẵng nhiều vùng đất đai màu mỡ bị bỏ hoang hóa thời gian dài. Hiện tại, quá nhiều cơ quan chỉ đạo nông nghiệp với đội ngũ cán bộ đông đảo, cần sáp nhập để tăng tính linh hoạt trong điều hành chỉ đạo và đỡ lãng phí nhân lực, tiền của.

Đẩy nhanh quá trình dồn điền đổi thửa. Phải thực sự đưa nông sản là hàng hóa, xây dựng mạng lưới tiêu thụ gắn kết với sản xuất… Và nữa, yếu tố có tính quyết định để vực dậy nền nông nghiệp ở Đà Nẵng, đó là xây dựng được lực lượng lao động chuyên nghiệp, năng động, nhạy bén, gắn bó với đồng ruộng.
 
Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.