.

Để Đà Nẵng thực sự là một thành phố văn hóa (kỳ 2)

.

        >>> Để Đà Nẵng thực sự là một thành phố văn hóa (kỳ 1)

Đà Nẵng - nhìn từ mối quan hệ giữa du lịch và văn học

Nghiên cứu về du lịch văn hóa ở một số nước trên thế giới, có thể thấy mối quan hệ giữa du lịch và văn học rất được quan tâm chú ý trong quá trình phát triển nền “công nghiệp không khói”. Đà Nẵng không có nhiều lợi thế về du lịch - văn học: không có những thánh đường trứ danh cỡ như Nhà thờ Đức Bà in bóng trên dòng sông Seine cho các du khách từng say đắm cuốn tiểu thuyết Notre-Dame de Paris của nhà văn Pháp Victor Hugo tha hồ nhìn ngắm và liên tưởng tới anh gù kéo chuông nhà thờ người thậm xấu nhưng có một sức khoẻ ghê gớm và một tâm hồn cao thượng, cũng không có những ngôi chùa nổi tiếng cỡ như Hàn San tự ở ngoại thành Cô Tô để các du khách từng yêu thích Đường thi đến chiêm bái trong âm hưởng của “dạ bán chung thanh” bắt nguồn từ thơ Trương Kế, điều đó đã đành; mà còn không có những con sông dài rộng cỡ như sông Hồng hơn bảy mươi năm trước từng khơi dòng thi hứng cho Huy Cận viết bài Tràng giang “không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

Biển Đà Nẵng đẹp, nhưng vẫn còn thiếu những trò chơi giải trí hấp dẫn du khách. Ảnh: QUỐC TÍN


Đà Nẵng cũng không có những tượng đài thiên nhiên thấm đẫm chất nhân văn cỡ như tượng nàng Tô Thị ở Lạng Sơn hàng mấy trăm năm trước từng gợi cảm hứng cho người nghệ sĩ khuyết danh sáng tác thiên cổ tích tuyệt vời về một thiếu phụ đứng lặng im bên vách núi chờ chồng đến hóa đá, càng không có những khoảng-không cực kỳ lãng mạn như khoảng - không, đúng hơn là khoảng-trống-không (và chính nhờ trống-không mà thành thiêng liêng) trên đỉnh Sóc Sơn - nơi cậu bé Gióng của truyền thuyết dân gian vĩnh viễn giã từ mặt đất cùng với ngựa sắt bay thẳng về trời sau khi đánh tan quân thù trong chiến trận… Và về phương diện sử học mà nói thì Cửa Hàn thuộc loại có tên tuổi nhưng về phương diện văn học Cửa Hàn không có cơ duyên như Cửa Đại, bởi dẫu sao Cửa Đại cũng từng vào vai chính trong một tùy bút khá là sáng giá của Nguyễn Tuân. 

Nhưng Đà Nẵng chẳng phải là số-không-tay-trắng, chẳng phải là không-có-gì để có thể tạo nên hấp lực cho du lịch từ cõi vi diệu của văn chương. Đầu tiên phải kể tới Ngũ Hành Sơn - một địa điểm du lịch từ lâu được xem là biểu tượng của thành phố bên bờ sông Hàn. Xét về mặt cảnh quan hang động thì Ngũ Hành Sơn chưa là gì so với Phong Nha, Hạ Long và nhiều danh thắng khác, song Ngũ Hành Sơn có những cái chẳng nơi nào có được, mà trước hết phải kể tới Vọng hải đài.
 
Là con trai cụ Tiến sĩ Phạm Liệu - nhân vật hàng đầu của Ngũ phụng tề phi, Phạm Hầu từng bất tử hóa Vọng hải đài quê mình trong thế giới nghệ thuật thi ca. Bài thơ Vọng hải đài được Hoài Thanh chọn đưa vào cuốn Thi nhân Việt Nam cùng lời bình phẩm rằng lòng Phạm Hầu cũng chính là một Vọng hải đài giữa bao nhiêu là mây chiều gió sớm. Nhiều người mê thơ Phạm Hầu thường men theo đường lên trời để đến với Vọng hải đài, mong tìm lại dấu chân thi sĩ ở đúng nơi ngày xưa người ấy đưa tay vẫy ngoài vô tận. Nên chăng có cách nào đó để những ai đến Ngũ Hành Sơn đều tha thiết tìm lên Vọng hải đài trong mối liên tưởng với không gian thơ Phạm Hầu.

Cũng có thể tạo nên hấp lực cho du lịch bằng việc khai thác truyền thuyết Ngũ Hành Sơn. Mô-típ rồng đẻ ra trứng, trứng nở thành một nàng tiên xinh đẹp trong truyền thuyết này rõ ràng là có quan hệ với mô-típ mẹ Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng, trứng nở thành trăm con trong truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên. Và trên vùng đất chưa hề có bóng dáng con người, hình ảnh ông lão ngư dân bị đắm thuyền từ phương Bắc trôi dạt tới được thần Kim Quy dạy cách bảo vệ  quả trứng rồng cho đến ngày khai nở đã nói lên gốc gác Thanh - Nghệ của những lưu dân Đà Nẵng.
 
Rồi cảnh thần Kim Quy tháo móng chân mình trao cho ông lão cũng gợi nhớ cảnh Rùa Vàng từng tháo móng chân mình trao cho vua Thục làm lẫy nỏ trong truyền thuyết An Dương Vương ngày nào. Như vậy với truyền thuyết Ngũ Hành Sơn, người Đà Nẵng đã biết dựa vào cha ông để sáng tạo cho riêng mình một truyện cổ dân gian rất quen mà rất lạ. Ở đây ông lão ngư dân là lạ, mà vỏ trứng rồng lớn mãi, lớn mãi thành năm ngọn núi Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ kia cũng là lạ. Những cái lạ ấy là đóng góp độc đáo của người Đà Nẵng vào văn học nước nhà và bây giờ là vào sự phát triển của du lịch.

Đi dọc theo chiều dài gần sáu trăm năm sâu thẳm của lịch sử, thành phố bên bờ sông Hàn vốn có nhiều tên gọi khác nhau, nào là Hàn, là Đồng Long, là Hiện Cảng, là Tourane, là Thái Phiên, là Đà Nẵng… Trong các địa danh quen thuộc ấy, tên gọi Đồng Long xuất phát từ hai câu thơ của ông vua - thi sĩ Lê Thánh Tông “Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt - Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạt thuyền” mô tả vịnh Đà Nẵng đương thời như là nơi vào ra hoặc neo đỗ của tàu thuyền nước ngoài.
 
Có thể nói những hoạt động ngoại thương và cảng vụ sầm uất ở vịnh Đà Nẵng - nhà vua gọi là Đồng Long - đầu thập niên 70 của thế kỷ XV cũng góp phần gợi thêm cảm hứng cho Lê Thánh Tông khi ông đặt tên vùng đất vừa mới thuộc về quyền lực của nhà nước Đại Việt là Quảng Nam - mở rộng về phương Nam. Dường như trong tư duy mở nước của vị hoàng đế anh minh này, Quảng Nam không chỉ là mở tới về phía phương-Nam-đất-liền mà còn mở ra về phía phương-Đông-biển-cả. Còn tên gọi Thái Phiên xuất hiện muộn nhất, vì thế mà hiện đại nhất: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 hoàn toàn thắng lợi, thành phố Đà Nẵng được mang tên Thái Phiên (tỉnh Quảng Nam mang tên Trần Cao Vân).

Mơ ước khởi nghĩa vũ trang giành lấy chính quyền về tay nhân dân của hai nhà yêu nước tiền bối ngày nào giờ đây mới trở thành hiện thực trên quê hương đất Quảng. Nhưng thời điểm cái tên Thái Phiên trở thành tiếng gọi thân thương nhất đối với người Đà Nẵng là từ tháng 12 năm 1946, khi thực dân Pháp chính thức khởi sự xâm lược nước ta lần thứ hai, nhờ sức lan tỏa của hai câu thơ Tế Hanh tràn đầy khí phách:

“Thành Thái Phiên tắm mình trong khói lửa - Đất anh hùng lần nữa quyết hy sinh”. Điều đáng nói là người Đà Nẵng rất gắn bó với cái tên dân dã ngắn gọn vốn được dùng để gọi con sông diễm lệ chảy giữa lòng thành phố, cái tên mà nghĩa từ vựng đích thực của nó cho tới ngày nay vẫn còn là một ẩn số: Hàn - bằng chứng là nhiều nhà thơ Đà Nẵng đương đại đã đưa sông Hàn vào thơ, chẳng hạn chỉ qua một tuyển tập thơ như là Thành phố Năm ngọn núi cũng có thể thấy thấp thoáng ở từng trang thơ hình ảnh con sông Hàn thân thuộc: “Thơ cho bạn từ sông Hàn” (Bùi Công Minh), “Đêm trăng qua sông Hàn” (Hoàng Thanh Thụy), “Sử thi sông Hàn” (Nguyễn Nhã Tiên), “Vời vợi sông Hàn” (Nguyễn Thành Văn), “Sông Hàn” (Nguyễn Xuân Tư), “Đêm Hàn giang” (Nguyễn Kim Huy)...

Sản phẩm văn hóa made in Đà Nẵng

Du lịch Đà Nẵng khó phát triển nếu không gắn với phát triển thương mại, trước hết là với phát triển dịch vụ mua sắm. Muốn phát triển dịch vụ mua sắm, có lẽ cần nhấn mạnh tính chất đặc trưng, đặc sản. Tính chất đặc trưng, đặc sản trong quà ẩm thực Đà Nẵng còn quá khiêm nhường so với nhiều địa phương (bánh đậu xanh Hải Dương, bánh cáy Thái Bình, bánh phồng tôm Sa Đéc, kẹo cu-đơ Hà Tĩnh, mè xửng Huế, đường phổi/đường phèn Quảng Ngãi, bưởi Biên Hòa...).

Đà Nẵng có bánh khô mè nhưng chất lượng chưa cao. Cái yếu này có thể khắc phục được không? Và khắc phục bằng cách nào? Cũng có thể biến yếu thành mạnh, làm cho du khách chỉ cần đi Đà Nẵng vẫn có thể mua quà ẩm thực của nhiều địa phương (hàng nguyên gốc chứ không phải hàng nhái) với giá cả, chất lượng không thua gì nơi sản xuất. Phải xem đấy cũng là một bộ phận dịch vụ mua sắm phục vụ du lịch. Mặt khác không du khách nào mua mì Quảng hoặc cao lầu Hội An về làm quà, nhưng có thể tổ chức bán cho hành khách đi máy bay (vì chỉ phù hợp với điều kiện vận chuyển bằng đường hàng không nội địa) mua làm quà một số đặc sản ẩm thực như thịt bò tái cầu Mống hay tré là những thức ăn sử dụng nội nhật thì rất ngon.

Tính chất đặc trưng, đặc sản trong quà lưu niệm văn hóa cũng chưa rõ. Đi thăm đảo núi lửa Jeju ở Hàn Quốc về, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cảm nhận rằng ở đâu - ven đường, bãi biển, trong những cửa hàng bán đồ lưu niệm… - cũng đều thấy những bức tượng thần Hareubang “miệng cười bí hiểm, mắt to, mũi to, hai tay đặt trước bụng, an nhiên và trông rất hiền hậu - sự hiền hậu toát ra từ đường nét đục đẽo giản dị, từ cái màu trầm mặc của đá”(1). Cũng là tượng Di Lặc, tượng Tam Đa hay tượng 12 con giáp bằng đá hoặc bằng gỗ nhưng phải làm sao để du khách nhận ra dấu vân tay của nghệ nhân Đà Nẵng, chẳng hạn nụ cười của tượng Di Lặc Đà Nẵng có thể hóm hỉnh hơn hoặc vừa hóm hỉnh vừa pha chút trầm tư thế sự... 

Đáng nói là chưa có mẫu mã gì đặc trưng đặc sản của thành phố. Tượng Chàm các loại có thể là một thế mạnh của riêng Đà Nẵng nhưng lâu nay chưa được khai thác đúng mức. Làm thế nào để du khách có cảm giác đến Đà Nẵng mà không mua tượng Chàm sa thạch thì không thể mua ở đâu khác được. Biểu tượng Đà Nẵng được thể hiện dưới dạng huy hiệu đeo ngực áo như hiện nay và một số dạng khác nữa; rồi bản đồ du lịch Đà Nẵng in đẹp vừa để du khách sử dụng như một bản đồ vừa như một quà lưu niệm... cũng là những gợi ý nhằm đa dạng hóa sản phẩm mua sắm. Điều quan trọng nhất để phát triển dịch vụ mua sắm là phải tạo được một công nghệ hàng lưu niệm khép kín từ sản xuất đến kinh doanh.

Nhưng có thể nói sản phẩm văn hóa đà-nẵng nhất trong các sản phẩm văn hóa made in Đà Nẵng chính là nụ cười của người Đà Nẵng. Đến một đất nước hay một địa phương, du khách phương xa chờ mong nụ cười vừa có văn hóa vừa có tính chuyên nghiệp của hướng dẫn viên du lịch nói riêng và của những người làm việc ở “mặt tiền” nói chung - điều đó đã đành - nhưng chỉ ngần ấy thôi thì vẫn chưa thể tạo cho khách thập phương sự cảm nhận về thương hiệu “nụ cười”. Muốn cho khách thập phương cảm nhận được thương hiệu “nụ cười”, từng địa phương/đất nước cần có những nụ cười có văn hóa tương tự trong giao tiếp ứng xử giữa người bản địa với nhau.

Trong con mắt của du khách phương xa, nụ cười vừa có văn hóa vừa có tính chuyên nghiệp của hướng dẫn viên du lịch nói riêng và của những người làm việc ở “mặt tiền” nói chung chỉ chứng tỏ ở nơi đây đang và sẽ có nhiều nụ cười dành cho họ, còn nụ cười có văn hóa tương tự mà người bản địa dành cho nhau mới đủ sức khẳng định ở nơi đây đã có thương hiệu “nụ cười”.

Nếu chỉ vì một va quệt nhẹ trong khi cùng tham gia giao thông mà đã sẵn sàng sửng cồ nổi dóa, ­­thậm chí sẵn sàng gây gổ đánh nhau thì làm sao có thể góp phần xây dựng thương hiệu “nụ cười”, nhất là khi cảnh tượng thiếu vắng nụ cười ấy lại diễn ra trong nhãn quan của những khách thập phương tinh tế và lịch lãm. Liệu người Đà Nẵng đã sẵn sàng quảng bá cho thương hiệu “nụ cười” của thành phố mình chưa?   

Giải trí biển - hấp lực văn hóa của biển Đà Nẵng

Có người nhận xét rất đúng rằng trong ba đầu mối giao thông lớn nhất đất nước là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng thì chỉ Đà Nẵng là có biển, thậm chí biển đẹp - bờ biển Đà Nẵng từng được tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là một trong sáu bờ biển đẹp và quyến rũ nhất hành tinh. Nhưng có thể nói hiện nay cái đẹp của biển Đà Nẵng chưa đủ sức níu chân du khách phương xa. Có nhiều cái đẹp khác hấp dẫn hơn đã nhanh chóng kéo chân du khách khỏi biển Đà Nẵng, chẳng hạn như phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, kinh thành Huế, hang động Phong Nha... "

Thành thử nằm giữa các di sản thế giới không chừng là điểm bất lợi của Đà Nẵng, nếu biển Đà Nẵng vẫn không tạo được hấp lực bằng cách kịp thời đáp ứng được nhu cầu giải trí biển - một loại nhu cầu văn hóa - của số đông du khách. Đó là chưa kể phần lớn bãi biển ở duyên hải miền Trung - nhất là ở Đà Nẵng - hầu như không thể thu hút du khách nội địa đến từ các tỉnh lân cận, khác với bãi biển Vũng Tàu thu hút rất đông du khách nội địa đến từ thành phố Hồ Chí Minh, khác với bãi biển Đồ Sơn thu hút rất đông du khách nội địa đến từ Hà Nội.
 
Và ngay duyên hải miền Trung thì bãi biển Sầm Sơn vẫn có khả năng thu hút du khách nội địa từ Hà Nội vào, bãi biển Nha Trang vẫn có khả năng thu hút du khách nội địa từ thành phố Hồ Chí Minh ra, trong khi bãi biển Đà Nẵng thì thậm chí không thể thu hút nổi du khách nội địa đến từ Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam. Lý do đơn giản là nếu chỉ đến để tắm biển thôi thì Đà Nẵng quá xa đối với người Hà Nội và người Sài Gòn không có biển, còn láng giềng gần gũi là Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế ai cũng có biển của riêng mình... Điều này tất nhiên có nguyên nhân về địa lý như vừa nêu - tỉnh nào cũng có biển của riêng mình - nhưng chủ yếu vẫn là do tâm lý tự phân lập cát cứ của người miền Trung.

Muốn tạo ra được những giá trị văn hóa mới, muốn kịp thời đáp ứng được nhu cầu giải trí biển của số đông du khách, trước hết ngành giải trí biển ở Đà Nẵng cần chủ động tạo ra một số hoạt động văn hóa mới gắn liền với biển chẳng hạn như tổ chức thi nặn tượng nghệ thuật bằng cát và trên cát - có thể là chỉ mới với Việt Nam và không chừng chỉ mới với Đà Nẵng.
 
Nặn tượng nghệ thuật bằng cát và trên cát là ưu thế của giải trí biển, giống như nặn tượng nghệ thuật bằng tuyết và trên tuyết là ưu thế của giải trí núi, nhưng nhìn từ quan điểm thực tế thì nặn tượng nghệ thuật bằng cát và trên cát phù hợp hơn với biển Đà Nẵng - vì cát Đà Nẵng rất sẵn chứ tuyết Đà Nẵng du khách chỉ có thể tưởng tượng mà thôi. Hoặc có thể tổ chức những liên hoan nghệ thuật sắp đặt (performance art) với không gian là bãi biển. Bên cạnh đó ngành giải trí biển ở Đà Nẵng cũng có thể tận dụng các hoạt động lễ hội văn hoá truyền thống của cư dân ven biển, chẳng hạn lễ hội cầu ngư với hát bội hay múa bá trạo hoặc hiện đại hơn là thi bơi thuyền thúng..., xem đấy cũng là những loại hình giải trí biển hấp dẫn đối với du khách.

Điều cần chú ý là nếu không nhận thức đúng đắn thì ngay sự tận dụng này cũng rất có khả năng trở thành một thách thức về văn hóa đối với biển Đà Nẵng. Do vậy, không nên đặt nặng thậm chí không nên đặt mục đích trình diễn hát bội hay múa bá trạo hoặc thi bơi thuyền thúng chỉ cho du khách xem, bởi sức hút thẩm mỹ đối với du khách không đơn thuần là bản thân các hoạt động văn nghệ, thể thao ấy mà còn là và chủ yếu là sự tham gia hồn nhiên của đông đảo ngư dân trong lễ hội hết sức thiêng liêng đối với nghề biển hồn treo cột buồm.

Ở đây có vấn đề marketing khi tổ chức các tour sao cho du khách chọn thời điểm du lịch đúng vào mùa lễ hội để có thể trực tiếp hòa mình vào không khí sống động của một lễ hội thật, chứ không phải một lễ hội sân khấu hoá quanh năm suốt tháng. Đều là xem hát bội nhưng nếu thưởng thức hát bội như một nghệ thuật sân khấu cổ truyền độc đáo của người Việt thì du khách có thể tìm đến Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vào bất cứ đêm diễn buổi diễn nào cũng được, còn thưởng thức hát bội như một sinh hoạt văn hóa dân gian, nhất thiết du khách phải chờ tới... lễ hội cầu ngư! 
        
BÙI VĂN TIẾNG

(1) Xem Nguyễn Ngọc Tư: “Sỏi đá buồn tênh”, Báo Đà Nẵng cuối tuần, ngày 8-6-2008

;
.
.
.
.
.