.

Khi phụ nữ làm lãnh đạo, quản lý

Theo thống kê của Hội LHPN thành phố, năm 2008, tỷ lệ phụ nữ chiếm 50,75% dân số thành phố Đà Nẵng, trong đó có 63,85% phụ nữ ở độ tuổi lao động. Nhiều người đang đảm nhiệm những chức vụ cao trong bộ máy chính quyền và trong các cấp ủy Đảng. Bằng năng lực chuyên môn, trình độ học vấn cao, phụ nữ đã khẳng định mình trong vai trò lãnh đạo, quản lý.

Đà Nẵng hiện có 22% tỷ lệ nữ là đại biểu HĐND cấp thành phố, 21,33% là đại biểu HĐND cấp quận, huyện và cấp xã, phường là 24,42%. Trong hệ thống chính quyền, phụ nữ có mặt ở nhiều vị trí quan trọng như Phó Chủ tịch UBND thành phố, Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở, Chủ tịch, Phó Chủ tịch các đoàn thể, tổ chức xã hội. Đến nay, có 24,40% phụ nữ đảm nhiệm vị trí trưởng, phó phòng, ban cấp quận, huyện.
 
Tuy nhiên, chỉ có 7,14% đảm nhiệm vị trí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp quận, huyện. Thực tế cho thấy, phụ nữ thành phố đã và đang tham gia ngày càng tích cực vào mọi lĩnh vực của xã hội và khi ở vị trí lãnh đạo, quản lý họ không ngừng thể hiện năng lực của mình và phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Những năm qua, Đảng và chính quyền thành phố Đà Nẵng đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phụ nữ tham gia học tập, bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao trình độ học vấn. Nhờ vậy, lực lượng nữ giới trong các cơ quan Đảng, chính quyền có nhiều cơ hội hơn để đứng vào những vị trí cao trong bộ máy Nhà nước.

Tuy nhiên, điều này phần nào còn phụ thuộc vào việc phân bổ cán bộ, độ tuổi và nhất là trình độ học vấn. Về chuyên môn, những cán bộ nữ làm lãnh đạo, quản lý trên địa bàn thành phố phần lớn đều có trình độ đại học trở lên. Trong số cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, 60% có trình độ đại học, 20% có trình độ thạc sĩ và 20% là tiến sĩ. Ngoài ra, các chị đều có trình độ lý luận chính trị cao cấp hoặc cử nhân chính trị.

Và mặc dù bận rộn với công việc nhưng họ vẫn thường xuyên trau dồi về tin học, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu công việc đề ra. Nếu không có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ tốt, chắc chắn vị trí lãnh đạo, quản lý của người phụ nữ sẽ bị lung lay và trên hết là họ sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bản thân người phụ nữ khi ở cương vị lãnh đạo, quản lý đã tự rèn cho mình những tố chất cần thiết như: tự tin, mạnh dạn, quyết đoán, mềm mỏng, năng động, linh hoạt, sáng tạo.

Thực tế, khi ở vị trí của người lãnh đạo, quản lý, phụ nữ chịu nhiều áp lực hơn nam giới. Bản thân họ phải biết điều phối công việc một cách hiệu quả, đồng thời, tạo điều kiện để phát huy năng lực của các nhân viên cấp dưới, giữ được đoàn kết nội bộ và thúc đẩy công việc tiến triển. So với nam giới, vai trò lãnh đạo, quản lý một cơ quan Đảng, chính quyền đòi hỏi người phụ nữ phải nỗ lực, phải học hỏi thường xuyên và nhất là phải cố gắng nhiều hơn để cân bằng giữa công việc, các quan hệ xã hội và hạnh phúc gia đình.

Khi được hỏi về yếu tố tác động đến vị trí lãnh đạo, quản lý của người phụ nữ, nhiều chị đã trả lời, gia đình là yếu tố quan trọng. Bất kể họ có giữ vị trí cao đến đâu chăng nữa thì bản thân họ cũng không quên vai trò là người vợ, người mẹ trong gia đình. Cho dù xã hội đã tạo cho họ nhiều quyền bình đẳng hơn, nhiều cơ hội hơn để vươn xa, để thoát khỏi sự ràng buộc từ phía gia đình nhưng bản thân cán bộ nữ làm lãnh đạo, quản lý vẫn khẳng định một điều: gia đình là trên hết.

Họ có thể là Giám đốc, là Chủ tịch, Phó Chủ tịch… nhưng họ vẫn cần đảm nhiệm tốt thiên chức làm mẹ, làm vợ. Sẽ là may mắn nếu người phụ nữ khi ở vị trí cao của quyền lực nhận được sự đồng tình, ủng hộ của gia đình, người thân. Nhưng sẽ là lực cản lớn khi họ bị áp đặt quá nhiều với trách nhiệm gia đình và không có được sự cảm thông, chia sẻ, ủng hộ tích cực của những người thân quen.

Ngoài ra, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” và thái độ khắt khe, thiếu tôn trọng vẫn còn xuất hiện ở một số cơ quan, đơn vị mà nữ là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Chính điều này phần nào gây tác động tiêu cực và không ít chị em vì chịu áp lực từ nhiều phía đã tỏ ra an phận, thiếu tự tin trong công việc. Sự đòi hỏi, đánh giá khắt khe tại nơi công tác và trách nhiệm chu toàn thiên chức trong gia đình khiến người phụ nữ hạn chế khả năng phát triển và mất nhiều thời gian, công sức hơn nam giới để khẳng định vị trí của mình.

Bất cứ ở cương vị nào đều có nhiều áp lực, trở ngại đối với cán bộ nữ. Một khi tự tin, quyết đoán, chủ động vượt qua những yêu cầu cao của công việc và sự ràng buộc của các tư tưởng xã hội cũ, người phụ nữ sẽ thêm vững vàng trong vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Hà An

;
.
.
.
.
.