Sống thử không còn là đề tài mới mẻ, nhưng nó đã để lại những hậu quả khôn lường cho các bạn trẻ sinh viên (SV) sống xa nhà. Trong đó, hậu quả lớn nhất đã và đang xảy ra của không ít đôi lứa SV là phải ngắt bỏ đi hoa trái của tình yêu.
Bỏ học hay không bỏ học?
Những khu nhà trọ SV không được sự quản lý tốt của chủ nhà trọ và gia đình là môi trường tốt để nảy sinh tình cảm lứa đôi. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) |
Chúng tôi tìm gặp K. (người Quảng Bình, xin được giấu tên), đang mang thai ngoài ý muốn, ở trọ trên đường Ông Ích Khiêm để cùng chia sẻ với K. những ngày thật khó khăn trong cuộc sống. K. quen M., người Quảng Trị, khi cả hai cùng học tại Trường CĐ Đông Á. Tình yêu bắt đầu lớn dần khi M. chuyển về phòng trọ chung vách với K. K. thực sự nhận ra mình đã làm mẹ gần 4 tháng sau lần vào bệnh viện mà không rõ nguyên nhân đau bệnh gì. Chuyện giải quyết cái thai khiến tâm trí K. đảo lộn: Giữ đứa con lại, tìm nơi sinh nở, khi nào mẹ tròn con vuông sẽ trở lại Đà Nẵng học tiếp hay phá bỏ thai nhi để không ảnh hưởng đến việc học? Càng lần lữa, cái thai càng lớn dần. Khi K. quyết định tới Bệnh viện Đà Nẵng để phá thai thì bác sĩ đã từ chối vì cái thai quá lớn. Hy vọng mong manh, K. tìm đến bác sĩ tư cũng bị từ chối. Cuối cùng, có một bác sĩ nhận phá thai với giá 800 ngàn đồng. Nhưng, giờ thì K. đã dũng cảm đón nhận quyền làm mẹ.
Trường hợp của K. không phải lá cá biệt. Một SV tên là Tr., học Trường CĐ Đức Trí, quê Quảng Trị quen bạn trai cũng là SV quê ở tận Hòa Bình. Sau một thời gian ngắn “về ở với nhau”, Tr. phát hiện ra mình có thai đã hơn 3 tháng. Tr. giấu gia đình và bạn bè để giữ lại cái thai, với một chọn lựa: bỏ học giữa chừng để sinh con.
Hiện nay, một số SV các trường CĐ Đông Á, Phương Đông, Đức Trí... một phần bù đắp sự thiếu thốn tình cảm gia đình, một phần vì một số trường thiếu ký túc xá nên môi trường ở trọ khá tự do đã khiến họ chung sống với nhau khá dễ dàng. Bạn Bích Ng., SV năm 4 Trường ĐH Ngoại ngữ lo ngại: không ít SV dù chủ động quan hệ nhưng không có kiến thức về việc mang thai cũng như phòng tránh thai.
Thầy Mai, cán bộ Văn phòng ĐH Đà Nẵng cho biết, hiện nay nhà trường không nắm rõ con số chính xác về số lượng SV mang thai ngoài ý muốn, cũng như việc phá thai vì đa số trường hợp này lại rơi vào SV ở trọ. SV sống ở ký túc xá do có sự quản lý chặt chẽ của Ban quản lý ký túc xá, nên tránh được những hậu quả đáng tiếc. Tuy nhiên, hằng năm vẫn có một số trường hợp nữ SV ở Trường ĐH Sư phạm, ĐH Bách khoa mang thai ngoài ý muốn.
Cần một lối sống có trách nhiệm
Bác sĩ Lê Thị Phước đang tư vấn cho thanh niên tại Trung tâm tư vấn-dịch vụ KHHGĐ Đà Nẵng. (Ảnh chụp ngày 30-9-2008) |
Hình như các bạn trẻ không biết sợ! - Bác sĩ Phước nhận xét. Hiện nay, đã có phương pháp mới phá thai bằng thuốc không can thiệp vào dịch vụ nhưng bác sĩ Phước cũng cảnh báo rằng, phá thai to có thể gặp nhiều tai biến như: băng huyết, nhiễm trùng, vỡ tử cung, thủng tử cung, dính buồng tử cung... dẫn đến vô sinh, thậm chí nhiễm trùng huyết, băng huyết có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, không thể coi việc phá thai là chuyện bình thường mà đó là việc tối quan trọng và phải hết sức cân nhắc. Phải sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, hợp lý, hết sức tránh việc nạo phá thai gây nhiều hậu quả xấu. Và để bảo đảm an toàn thì cần phải phát hiện thai sớm, sau khi chậm kinh 7 ngày, điều này không chỉ an toàn đến sức khỏe sinh sản cho người mẹ mà còn giải quyết về vấn đề tâm linh.
Qua câu chuyện của K., bác sĩ Phước giới thiệu cho chúng tôi một tổ chức phi chính phủ của Italia có tên “Nâng đỡ những chị em lầm lỡ”. Theo bác sĩ Phước, tổ chức này sẽ giúp những chị em lầm lỡ như K. có điều kiện tiếp tục đi học và nuôi dưỡng con cái nếu gặp khó khăn về tài chính cũng như về mặt tinh thần, bằng cách giới thiệu việc làm, hỗ trợ tài chính... Nếu các chị em muốn được giúp đỡ có thể liên hệ với trung tâm, hoặc qua đường dây nóng (0511)1088 và (0511)1080 vào các giờ hành chính để được tư vấn.
Qua khảo sát một số trường CĐ và ĐH trên địa bàn thành phố Đà Nẵng của chúng tôi, đa số SV đều cho biết, các Đoàn trường hầu như không tổ chức hội thảo, hay các buổi tọa đàm thảo luận về vấn đề này. Trong khi đó, trong năm 2007, Hội KHHGĐ thành phố Đà Nẵng cũng chỉ tổ chức được 1 lần chiến dịch truyền thông tại các trường ĐH và CĐ. Tuy nhiên, với nhiều kênh thông tin như hiện nay, SV - những trí thức trẻ - đổ lỗi cho việc thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản là không thể chấp nhận được. Một lối sống thiếu trách nhiệm với bản thân và xã hội của mỗi SV sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống tương lai, và sẽ khắc lên một vết mờ trong cuộc đời SV đẹp đẽ của mình.
Đoàn Lương