.

“Cảnh sát” KTX

.

Họ là những sinh viên lưu trú tại ký túc xá Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Công việc hằng đêm của họ là tuần tra, kiểm soát, bắt trộm cắp, trấn áp xung đột..., canh giấc ngủ yên bình cho hơn 2 ngàn sinh viên (SV). Chúng tôi gọi họ là “cảnh sát” KTX!

Từ chống trộm...

Ký túc xá sinh viên yên bình hơn khi có đội tuần tra.

Nửa đêm, khi các SV khác chìm trong giấc ngủ, “cảnh sát” KTX lại bắt đầu công việc. Trang bị của họ là đèn pin, batong, băng đeo. Cả đội có 22 SV, chia làm 3 nhóm, luân phiên nhau trực mỗi nhóm một đêm. Đội trưởng Lê Duy Lương cho biết: “Trong đội có tới 11 bạn nữ, chủ yếu để làm công tác tư tưởng với các “đấng mày râu” hay rượu chè, quậy phá KTX. Ngoài ra còn có 6 SV khác, đều được học và đang là thầy dạy ở các CLB võ karatedo”.

Đội được thành lập xuất phát từ việc KTX khá phức tạp về an ninh trật tự, liên tiếp xảy ra những vụ trộm cắp, quấy rối, xung đột có hung khí. Kẻ trộm có thể là SV hoặc người bên ngoài vào KTX, có khi lại là SV cấu kết với người bên ngoài. Nhiều bạn tích góp mãi mới mua được chiếc máy tính phục vụ học tập, nhưng sau một đêm ngủ dậy bỗng thấy vật bất ly thân không cánh mà bay. Ban đầu đội tự quản này hoạt động không được sự cho phép của Ban quản lý KTX. Nhưng sau thấy đội hoạt động hiệu quả, nhà trường đã đồng ý cho lập đội, có quyết định bằng văn bản hẳn hoi. Thấy vậy, anh em trong đội mừng rơn, vì có thể danh chính ngôn thuận tác nghiệp.

Từ khi có sự hoạt động ráo riết của đội, tình trạng trộm cắp ở KTX gần như chấm dứt, hoặc nếu xảy ra cũng chỉ vụn vặt như mất quần áo. Tuy vậy, Lương vẫn nhắc nhở các bạn luôn đề cao cảnh giác. Đặc biệt thời gian gần đây, bọn trộm hay giả dạng SV, thường hành nghề lúc nhập nhoạng tối. Vài hôm trước, Lương đang ngồi nép mình sau đống đồ thì một người mang ba lô đẩy cửa vào, nhìn quanh quất và vờ hỏi: “Có ai ở phòng không?”.
 
Thấy Lương từ góc khuất, người này mới vội vàng nói: “Cho em gặp Thống”. Nhưng trong phòng không có ai tên Thống. Thấy nghi ngờ, Lương cùng anh em trong đội liền theo dõi và phát hiện người này đến một phòng khác trộm máy tính. Lập tức, họ bao vây nhưng kẻ gian đã chạy thoát thân, để lại máy tính và balô. Lục soát trong ba lô có 2 con dao nhọn.

... Đến thập cẩm việc

“Cảnh sát” KTX không chỉ tuần tra, kiểm soát, chống trộm mà còn làm... 1001 việc khác. Lương kể, do thâm nhập vào đời sống SV, các thành viên trong đội biết được 2 nhóm SV Hà Nội và Nghệ An có mâu thuẫn rất sâu sắc, và đêm hôm đó, nhóm Nghệ An sẽ mang cả băng đến phòng nhóm kia dằn mặt. Đội liền cử 2 người vào phòng nhóm Hà Nội chơi, trực suốt buổi tối, để khi nhóm kia lên, các thành viên sẽ khống chế bên trong, còn bên ngoài sẽ do các thành viên khác lo.

Tuy nhiên, sự việc lại xảy ra quá nhanh, khi băng Nghệ An tới trước, nhưng chỉ phái 2 người lên nhóm Hà Nội khiêu chiến, số còn lại đứng dưới lầu 1. Ai ngờ, bên kia gõ cửa, cửa vừa mở thì cả nhóm Hà Nội, đã chuẩn bị sẵn giáo mác, lao ra đâm tới tấp. Kết quả, một người bị chém vào cánh tay, người kia bị đâm xuyên qua sườn. Trần Duy Tín, một thành viên của đội tâm sự: “Dù biết rất nguy hiểm, nhưng tụi em vẫn quyết tâm lên phòng trấn áp. Sự việc lại diễn biến quá nhanh nên không kịp kiểm soát”.

Chưa hết, cựu đội trưởng Phạm Ngọc Thảo nhớ hoài chuyện sau Tết vừa rồi: “2 giờ đêm, tự dưng em nhận được một cuộc điện thoại lạ. Đầu dây bên kia là một bạn gái, bảo rằng mình là SV nội trú trong KTX đi xe từ ngoài quê vào, đến khu vực bên này hầm Hải Vân thì nhà xe cho xuống để đi đường tránh. Nửa đêm, không có xe ôm, hai chị em đang bơ vơ, không biết sao, thì chợt nhớ đến số điện thoại của em”.

Thảo và Lương liền mượn 2 xe máy, 2 mũ bảo hiểm đi... vác tù và hàng tổng. Một lần khác, anh em đang đi tuần tra thì nhận được điện thoại một cặp đang yêu nhau cách KTX vài cây, bị một nhóm thanh niên bao vây, đòi trấn lột. Anh em lại cũng tức tốc phóng xe lên đường. Lương bảo: “Hầu như các bạn SV trong KTX đều biết số điện thoại của đội”. Điều đó chứng tỏ uy tín đội này rất lớn trong mắt các SV.

Thầy Phạm Minh Thắng - Phó BQL KTX cho biết, không chỉ giữ gìn an ninh trật tự, đội còn có vai trò quan trọng trong việc cảm hóa một số SV thường xuyên rượu chè, quấy rối. Trước đây, trong KTX thường có một số SV ra mặt đàn anh, đàn chị lên mặt các SV khác. Như Crozim, Phạm Văn Tuấn (Khoa Xây dựng thuỷ lợi), hay Tô Lịch (Khoa Kinh tế - Xây dựng)... Khi thành lập đội, Lương đề xuất phải đưa những SV trên vào đội, để vừa hạn chế ảnh hưởng xấu của họ, vừa cho họ cơ hội thay đổi. Quả thật, gia nhập đội, họ không chỉ chịu khó tuần tra, giữ an ninh KTX mà còn bỏ rượu chè.

Thậm chí như Crozim nổi tiếng là nóng nảy cũng trở nên nhẫn nhịn, không đánh trả khi có “đàn em” gây gổ, khiêu khích. Hộp thư âm nhạc của KTX cũng là sáng kiến của đội. Những tâm tư nguyện vọng, sẻ chia, giãi bày của các bạn SV đều được phát trên hộp thư này. Lương còn khoe: “Đội đang thực hiện dự án Internet cho KTX. SV Bách khoa rất cần kết nối Internet, vì vậy nếu dự án triển khai sẽ đem lại hiệu quả rất lớn”.

 

Người đội trưởng bản lĩnh

Lê Duy Lương, sinh năm 1981, SV năm thứ 5 Khoa Cơ khí giao thông – ĐH Bách khoa. Trước khi vào giảng đường, Lương đã có 2 năm đi bộ đội, phục vụ tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình. Lương là người đầu tiên khởi xướng thành lập đội tự quản SV, và gắn bó với đội suốt 5 năm qua.

Những nguyên tắc hoạt động chặt chẽ của đội, hộp thư âm nhạc, hệ thống internet, cảm hoá những sinh viên sa đà bằng cách đưa vào đội... đều là sáng kiến của Lương. Đã có những lúc, Lương bị 8 người mang dao, mác bao vây trả thù, nhưng đội trưởng này không hề nao núng. Lương khẳng định: “Tôi sẵn sàng làm tất cả vì sự bình yên của KTX, vì những giấc ngủ yên bình của các bạn SV”.

 

Hải Quỳnh 

;
.
.
.
.
.