.
Đối thoại một mình

Kính chào bác Hai Lúa

.

Người cày nước mình chiếm 80% dân số. Trong chiến tranh, người người lớp lớp nông dân làm nên các trung đoàn, đại đoàn. Những đôi vai, những chiếc xe thồ của nông dân kìn kìn chở gạo ra tiền tuyến, phục vụ các chiến dịch từ nhỏ đến lớn.Vậy thì làm sao nông dân lại không là quân chủ lực.

Nhưng suy nghĩ này có lẽ đã xưa lắm rồi chăng. Dường như nó chỉ ra đời trong những năm chiến tranh, khi cần đến sức người, sức của. Hết chiến tranh là hết chủ lực. Thời đại mới, đòi hỏi tri thức học cao, biết rộng. Mấy ông nông dân lớp ba lớp bốn chưa qua, lấy gì mà bàn chuyện sáng chế. Ấy vậy mà gần đây mấy vị nông dân nổi hứng nhảy ngay vào trò chơi sáng chế. Có lẽ trời xui thế nào, khá nhiều trong số đó lại thành công. Có thể có khá nhiều tên họ, ở nhiều vùng miền khác nhau nhưng người ta cứ thích gộp tất vào cái danh chung gọi nôm là kỹ sư “Hai Lúa”.

Có mấy anh chị nhà báo gian nan đi tìm ông kỹ sư dệt chiếu ở Bến Tre. Gặp được rồi, nhà “sáng chế” cười:

- Tên tui là Nguyễn Văn Long thì cứ tên Long mà hỏi, cớ chi là kỹ sư, ai biết.

Ấy là anh khiêm nhường mà nói vậy, chứ cả cái làng dệt chiếu quanh năm này thì ai cũng nhắc đến tên anh như một sự tôn vinh đặc biệt. Có bác Hai cao niên trong làng nói, nhà tui mấy đời dệt chiếu bằng tay, nào ai nói chi đến máy với móc. Vậy mà cha Long lại làm ra cái máy, ngon thiệt. Bác tính: Làm thủ công mỗi người trung bình chỉ dệt được 2 chiếc chiếu trong ngày là nhiều. Cái máy của chả làm được trên mười chiếc/ngày. Ác ôn thiệt. Mà lại đẹp, đều tăm tắp nữa chớ.

Tận miền cói Nga Sơn Thanh Hóa, vùng cói nổi tiếng miền Bắc cũng lại xuất hiện hai anh “Hai Lúa” nữa. Ấy là hai “kỹ sư” Đặng Văn Nguyên và Trần Văn Phong. Hai anh không được nhiều đồn đại, tung hô như anh Hai Bến Tre. Nhưng mấy anh “Hai Lúa” này chờ đợi đâu phải là cái tiếng mà là hiệu quả. Vừa mau lẹ hơn, lại tốn ít sức lực cho bà con lao động là quý lắm rồi. Có anh “Hai Lúa” tỉnh Bình Định thương đôi tay phồng rộp của vợ quá mà nghĩ ra cái “cối” bốc đậu phụng. Làm được cái “cối” ấy rồi là anh bàn giao cho vợ, ra đồng chăn bò, nào màng công danh với bằng sáng chế. Anh sẵn sàng truyền kinh nghiệm cho tất cả mọi người, nhưng chỉ truyền miệng thôi, còn viết ra, vẽ ra thì anh không sành. Đùng một cái, được tỉnh giới thiệu ra Thủ đô báo cáo thành tích, anh cứ ngỡ ngàng!

Làng Hồ Xá (Quảng Trị) trồng tiêu, có anh Hai Lúa Phạm Văn Lệ mày mò chế ra máy truốt tiêu. Làng trồng bắp, đã có anh Hai Lúa Nguyễn Văn Quynh chế ra máy tách bắp. Máy móc coi đơn giản lắm nhưng năng suất tách gấp mười người tách bằng tay. Vậy là được lắm rồi, nào có ước vọng cao xa gì đâu.

An Giang cần gặt lúa nhanh, đã có hai anh em Nguyễn Đức Hoàng, nghĩ ra cái máy gặt đập kết hợp... Xem ra Hai Lúa đang nở rộ, có mặt ở nhiều nơi và máy móc của họ hoàn thiện là đưa ngay vào sử dụng, không có nhà kho, không quảng cáo rùm beng, ồn ả. Nhưng tiếng đồn truyền miệng mà đi rất xa, đến nỗi không ít người tận đâu đâu khăn gói về làng tìm “kỹ sư”để mày mò, học hỏi. Cũng có anh Hai Lúa khá là lãng mạn, tỷ như hai anh Lê Văn Danh, Trần Quốc Hải ở tỉnh Tây Ninh lại lăm le cưỡi lên cái trực thăng tự tạo để bay lên trời với ước vọng vi vu ngắm nhìn trời mây và rải phân, thăm đồng...

Riêng ông Nguyễn Cẩm Lũy thì được gọi là ông Thần Đèn. Nhưng xét theo tiêu chí, thành phần xuất thân, trình độ học vấn, thành tích sáng chế và cả... máu liều nữa, thì ông Lũy cũng ở trong ngạch bậc Hai Lúa. Ông vốn sinh ra ở làng quê lúa Lục Tỉnh, học vấn lớp bốn lớp năm nhì nhằng gì đó, gia đình cả mấy đời đánh vật với đất mà sống. Vậy rồi trời phú cho ông cái máu... liều, như người ta vẫn nghi nghi hoặc hoặc mà nói vậy. Nhưng từ khi bước vào nghề dịch chuyển nhà cửa, cầu cống, trên 200 công trình đã qua tay ông mà chưa hề có một lần thất bại.

Trộm nghĩ, công trình nào ông cũng thành công thì khó mà nói ông liều lắm lắm. Vừa qua, Thần Đèn của chúng ta đã lên đường đi Philippines để thực hiện một công việc khá quy mô: Dịch chuyển một tòa biệt thự 2 tầng, rộng 500 mét vuông trong một khuôn viên rộng 4.000 mét vuông của vợ chồng ông Frank C.Cuaso, tọa lạc tại FSC Compound, khu Bagunbong Road, TP Caloocon. Vậy là tiếng đồn Thần Đèn đã vượt đại dương rồi đấy.

HIẾU DÂN

;
.
.
.
.
.