.

Kiến nghị dành ngân sách hỗ trợ người lao động

.

(ĐNĐT) - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố Đà Nẵng vừa hoàn tất báo cáo với UBND thành phố về tình hình lao động mất việc làm thì đã lập tức nhận thêm thông tin doanh nghiệp giải thể do suy thoái kinh tế.

Số liệu vừa thống kê xong đã… cũ!

Hơn 1.200 công nhân Công ty Kim Quốc Bảo chưa biết làm gì khi bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Ngày 17-2, trao đổi với PV, bà Lê Thị Hân, Phó trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm xã hội, Sở LĐ-TB&XH thành phố, thừa nhận chưa bao giờ gặp phải trường hợp vừa thống kê xong số lượng lao động bị mất việc làm thì ngay sau đó đã lại phải cập nhật số liệu mới như hiện nay.

Bà Hân cho hay, theo thống kê của sở này (tính đến ngày 12-2), trên địa bàn có 5 doanh nghiệp (DN) - nhất là các DN FDI hoạt động trên các lĩnh vực xuất nhập khẩu, sản xuất hàng may mặc, lắp ráp linh kiện điện tử - thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động khiến 2.451 lao động bị ảnh hưởng việc làm và thu nhập; trong đó có 1.103 lao động có hộ khẩu tại Đà Nẵng, còn lại là người từ các địa phương khác đến.

Trong 2 DN thu hẹp sản xuất, Chi nhánh Công ty TNHH T.T.T.I. tại Đà Nẵng (100% vốn đầu tư của Nhật Bản) cho 176/279 lao động nghỉ chờ việc, hưởng 70% lương; còn Công ty Khoáng sản Transcend VN (100% vốn đầu tư của Đài Loan) thì chấm dứt luôn hợp đồng đối với 48 lao động.

Trong 3 DN tạm ngừng hoạt động, Công ty Wei Xern Sin Đà Nẵng (100% vốn đầu tư của Đài Loan) đã chấm dứt hợp đồng với toàn bộ 101 lao động, Công ty TNHH Kim Quốc Bảo (100% vốn đầu tư của Đài Loan) chấm dứt hợp đồng với toàn bộ 1.233 lao động, Công ty TNHH Việt Nam Knitwear (100% vốn đầu tư của Trung Quốc) cũng chấm dứt hợp đồng với toàn bộ 893 lao động.

Bà Lê Thị Hân cho biết thêm, số lao động nghỉ chờ việc và nghỉ hưởng trợ cấp thôi việc nói trên đều rơi vào thời điểm cuối năm, nhưng do tình hình tài chính của các DN gặp khó khăn nên chỉ có 1.069/2.471 lao động được DN thưởng cuối năm.

Tuy nhiên, những con số “mới nhất” nêu trên đã nhanh chóng trở thành con số cũ, bởi ngay tại thời điểm bà Hân đang trao đổi với PV thì Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng lại nhận tiếp công văn thông báo giải thể của Công ty TNHH TKR Việt Nam (100% vốn đầu tư của Nhật tại KCN Hoà Khánh, chuyên sản xuất linh kiện điện tử). Như vậy, sẽ có thêm 67 lao động tại công ty này ghi tên vào danh sách mất việc làm.

Ông Akio Umeda, Giám đốc Công ty TNHH TKR Việt Nam cho hay, do suy thoái kinh tế thế giới, tình hình sản xuất của công ty bị giảm sút nghiêm trọng, không có đơn đặt hàng. Do vậy, công ty không thể tiếp tục hoạt động mà phải chấm dứt sản xuất từ giữa tháng 2-2009. Công ty cam kết sẽ thanh toán đầy đủ mọi khoản nợ, giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, các DN thu hẹp sản xuất, tạm ngừng hoạt động nêu trên gặp nhiều khó khăn do thua lỗ kéo dài, không có đơn hàng nên mới đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với người lao động.

Tuy pháp luật lao động không xác định việc thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu là lý do bất khả kháng, song trong thực tế, các DN này thực sự gặp khó khăn. Do đó, theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH, họ được vận dụng lý do bất khả kháng để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn và trả trợ cấp cho người lao động mỗi năm làm việc nửa tháng lương. Tuy nhiên, do người lao động chưa được giải thích đầy đủ nên chưa thông cảm và chia sẻ cùng DN, từ đó dẫn tới một số vụ tranh chấp lao động ở Đà Nẵng vào thời điểm cận Tết Nguyên đán vừa qua.

Kiến nghị dành ngân sách hỗ trợ người lao động

Trước tình hình số lượng lao động mất việc làm đang có dấu hiệu tiếp tục gia tăng, bà Nguyễn Thị Thanh Hưng cho biết, cùng với việc hướng dẫn các DN phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động thực hiện đầy đủ chế độ tiền lương, tiền thưởng (nếu có), trợ cấp mất việc cho người lao động, Sở LĐ-TB&XH cũng giải thích để người lao động hiểu và cảm thông, chia sẻ với DN nhằm hạn chế tối đa các vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công trái luật.

Bên cạnh đó, Sở đang phối hợp với DN có lao động dôi dư giới thiệu số lao động này sang làm việc ở các DN khác có nhu cầu. Đồng thời, thông báo cho các địa phương động viên người lao động bị mất việc làm thường xuyên đăng ký tìm việc tại các trung tâm giới thiệu việc làm, phiên chợ việc làm định kỳ của thành phố. 

Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Thanh Hưng cho biết: “Ngoài các chính sách kích cầu của Chính phủ và các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế của thành phố, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng đang đề xuất lãnh đạo thành phố dành nguồn ngân sách để góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, giữ ổn định sản xuất kinh doanh, hạn chế việc DN chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn và hỗ trợ người lao động thất nghiệp”.

Theo đó, Sở LĐ-TB&XH đề nghị UBND thành phố trích thêm từ nguồn dự phòng của ngân sách thành phố năm 2009 số tiền 1 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ DN tiếp nhận người lao động vào kèm nghề và bố trí việc làm (theo Quyết định 63/2006 của UBND thành phố). Đồng thời, bố trí 10 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kể trên ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho các đối tượng mất việc làm do suy thoái kinh tế vay vốn tự tạo việc làm.

Sở LĐ-TB&XH cũng kiến nghị UBND thành phố có chính sách trợ cấp cho những hộ có hộ khẩu tại Đà Nẵng có 1 lao động chính hoặc 2 lao động trở lên bị DN chấm dứt hợp đồng lao động do tác động của suy thoái kinh tế mà gia đình gặp khó khăn, có nhiều người ăn theo trong hộ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hưng nhấn mạnh: “Chúng tôi kiến nghị UBND thành phố trợ cấp cho mỗi hộ gặp khó khăn bị mất việc làm 1 triệu đồng từ nguồn bảo đảm xã hội của thành phố. Hy vọng các kiến nghị trên sẽ được lãnh đạo thành phố quan tâm xem xét, quyết định sớm để giúp các DN cũng như người lao động có thêm nguồn lực để vượt qua những khó khăn hiện nay”.

Hải Châu

;
.
.
.
.
.