Với mục tiêu tăng cường xây dựng TCCS Đảng trên địa bàn dân cư ngày càng vững mạnh, Huyện ủy Hòa Vang triển khai mạnh các giải pháp nhằm xóa thôn “trắng” đảng viên (ĐV) và xây dựng chi bộ (CB) độc lập ở 100% số thôn. Để đạt mục tiêu này, vấn đề không phải là con số, mà còn là chất lượng được thể hiện qua việc hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức Đảng và ĐV.
Chất lượng của tổ chức Đảng được đánh giá qua sự phát triển kinh tế-xã hội. TRONG ẢNH: Đời sống của nhân dân thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc) ngày càng được cải thiện. |
Ở cả 8 CB hiện nay, đều có 8 ĐV đương chức làm bí thư. Việc mạnh dạn đưa ĐV về cơ sở đã tạo nên một khí thế mới trong tổ chức xây dựng, củng cố và đẩy mạnh chất lượng hoạt động hệ thống chính trị ở cơ sở, đồng thời qua đó thúc đẩy việc tạo nguồn phát triển ĐV mới. Nhờ thế, cùng với chủ trương phát triển ĐV trong đồng bào có đạo được triển khai, năm 2007, xã Hòa Sơn tiến hành kết nạp Đảng cho 6 quần chúng ưu tú là người Công giáo, trong đó thôn Phú Thượng có ĐV đầu tiên.
Con số ĐV mới là người Công giáo được kết nạp này của năm 2008 trên toàn xã là 5 ĐV. Từ những kết quả ban đầu này, Đảng bộ xã Hòa Sơn đã cơ bản xóa “trắng” ĐV trên địa bàn. Đồng thời, từ con số 2 CB lãnh đạo 10 thôn, đến nay, toàn xã có 8 CB lãnh đạo 10 thôn; trong đó có 2 CB lãnh đạo 4 thôn là: An Ngãi Tây 1, An Ngãi Tây 2, An Ngãi Tây 3 và Tùng Sơn.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Sơn cho biết, từ những giải pháp và kết quả đạt được này, Đảng ủy xã đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2009, các thôn đều có CB độc lập. Theo đó, các chỉ tiêu phát triển ĐV mới cũng được đặt ra; trong đó các CB thôn độc lập phải kết nạp từ 1-2 ĐV, CB sinh hoạt ghép phát triển từ 3-4 ĐV. Với việc xây dựng được đội ngũ quần chúng ưu tú hiện nay, cộng với sự quan tâm dìu dắt, giúp đỡ, động viên tích cực, Đảng ủy xã hy vọng sẽ đạt được các chỉ tiêu này.
Không còn thôn “trắng” ĐV từ năm 2001, kể cả ở các thôn đồng bào dân tộc như Tà Lang và Giàn Bí và các thôn có vấn đề về lịch sử như An Định và Lộc Mỹ, Đảng ủy xã Hòa Bắc lại đặt ra mục tiêu phấn đấu cho mình là xóa thôn “trắng” CB. Mục tiêu này đã được hoàn thành trong năm 2008 cũng là nhờ vào giải pháp đưa ĐV đương chức về tham gia sinh hoạt tại CB.
Thế nhưng, theo ông Phạm Tấn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc, thì vấn đề khó khăn là làm sao duy trì được kết quả này bởi lẽ nguồn phát triển ĐV tại chỗ đang gặp vấn đề về lý lịch chính trị và trình độ học vấn, trong khi số lượng ĐV ở các CB đều rất mỏng. Khó khăn nhất vẫn là ở 4 thôn kể trên. “Chính vì vậy, chúng tôi vẫn phải trông chờ vào lớp trẻ, chủ yếu là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, cán bộ các ngành, đoàn thể đang công tác ở xã hoặc hệ thống chính trị ở thôn” - Ông Phạm Tấn Dũng nhấn mạnh.
Từ thực tế tại hai địa phương trên, có thể thấy rằng, mục tiêu xóa thôn “trắng” ĐV và CB là có thể đạt được ở Hòa Vang. Thế nhưng, nhìn nhận lại tính bền vững thì rõ ràng có nhiều vấn đề phải bàn đến. Ở thôn Phú Thượng (xã Hòa Sơn), do một ĐV phát triển tại chỗ đã chuyển sinh hoạt vì lý do gia đình, thì ở CB này chỉ còn 4 ĐV đều là ĐV đương chức và là người của các thôn khác. Ở thôn An Ngãi Tây 1, có 3 ĐV nhưng có 2 người miễn sinh hoạt và 1 ĐV đương chức. CB An Ngãi Tây 1 và An Ngãi Tây 2 có 5 ĐV nhưng có 2 ĐV đương chức. 8 bí thư CB ở xã Hòa Sơn đều là ĐV đương chức…
Theo bà Nguyễn Thị Huệ, thì ĐV đương chức về tham gia sinh hoạt và nắm giữ chức vụ bí thư CB rõ ràng có lợi thế là họ nắm chủ trương, chính sách kịp thời, chắc chắn nên việc phổ biến, tuyên truyền gặp thuận lợi. Tuy nhiên, thời gian đầu tư cho công tác Đảng ở cơ sở là không nhiều, một số nghiệp vụ công tác Đảng còn hạn chế…, vì thế việc nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng trong Đảng, trong quần chúng nhân dân sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với những ĐV đương chức từ địa bàn khác đến.
Để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn ở cơ quan và công tác Đảng ở CB, rõ ràng những ĐV này phải “căng” sức ra rất nhiều. Vì thế, việc hoàn thành nhiệm vụ ở một mức độ nào đó cũng phải dễ dàng được chấp nhận. Điều đó có phần nào ảnh hưởng đến chất lượng tổ chức Đảng và ĐV.
Thực trạng này đặt ra vấn đề, không phải là con số mà quan trọng là đã đến lúc cần phải tập trung tìm ra các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng trên địa bàn thôn ở Hòa Vang; trong đó quan trọng nhất vẫn là đầu tư cho công tác phát triển ĐV mới tại chỗ có chất lượng, đáp ứng được việc xây dựng nền tảng vững chắc cho hệ thống chính trị ở cơ sở.
Bài và ảnh: Anh Quân