Sáng ngày 19-2, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố có buổi nói chuyện với các cán bộ lãnh đạo trẻ (CBLĐT) là Phó Giám đốc cấp sở dưới 40 tuổi, trưởng phó phòng và tương đương.
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh nói chuyện với cán bộ lãnh đạo trẻ. Ảnh: S.TRUNG |
Trong buổi nói chuyện, đồng chí Nguyễn Bá Thanh trao đổi với CBLĐT nhiều vấn đề về mục tiêu, lý tưởng phấn đấu, rèn luyện bản lĩnh và kỹ năng lãnh đạo, kinh nghiệm xử lý tình huống. Các cán bộ trẻ cũng trao đổi thẳng thắn với đồng chí Nguyễn Bá Thanh về kinh nghiệm ứng xử trong các mối quan hệ với cấp trên, cấp dưới, đồng cấp, quan hệ xã hội và những băn khoăn về cách đánh giá cán bộ hiện nay.
Biết chấp nhận thiệt thòi và bồi dưỡng niềm tin
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh ghi nhận các CBLĐT đã có một quá trình phấn đấu và được thừa nhận nhưng đến đây chưa phải là điểm dừng. CBLĐT vẫn phải giữ ngọn lửa đam mê, nỗ lực phấn đấu theo đúng định hướng mình xác định. Trong cuộc sống hiện nay, CBLĐT chịu tác động nhiều mặt, từ cám dỗ vật chất đến danh vọng, nhưng đã xác định con đường phấn đấu thì phải biết chấp nhận thiệt thòi, chấp nhận hy sinh.
Càng khó khăn, gập ghềnh, trắc trở càng là môi trường khẳng định bản lĩnh của người lãnh đạo. Làm lãnh đạo phải biết nhận thức đúng, sai, đâu là chân lý, đừng nói theo. Làm lãnh đạo mà không quyết đoán thì đừng làm lãnh đạo. Ngược lại, đòi hỏi lãnh đạo phải quyết đoán nhưng phải chính xác, nếu không sẽ phải trả giá. Quyết đoán không phải là tố chất của lãnh đạo mà phải học hỏi, rèn luyện, không tự thỏa mãn, biết phát huy thế mạnh của mình, hạn chế sở đoản mới quyết đoán chính xác. Bản lĩnh của người lãnh đạo cũng thể hiện ở chỗ biết thừa nhận cái sai và sửa sai. CBLĐT phải có niềm tin. Tin tưởng vào đường lối của Đảng, Nhà nước, tin vào sự phát triển của thành phố, tin vào sự nỗ lực phấn đấu của bản thân mình. Đừng vì một lần mắc khuyết điểm, bị phê bình mà lung lay niềm tin. Đừng vì phấn đấu ở nơi không thuận lợi mà nản lòng. CBLĐT phải xem môi trường đó là môi trường để thử thách, phấn đấu vượt qua.
|
Các mối quan hệ hài hòa nhưng không cầu toàn
Đồng chí Bí thư Thành ủy đề cập vấn đề có tính quyết định trong sự phấn đấu và thành công của CBLĐT là xây dựng các mối quan hệ hài hòa. Ở đây, CBLĐT có 4 mối quan hệ: Với cấp trên, với đồng cấp, với cấp dưới, với bên ngoài xã hội. Đồng chí căn dặn CBLĐT phải xử lý tốt tất cả các mối quan hệ này. Không cầu toàn 100% nhưng phải làm sao để 70% trở lên trong tập thể đơn vị ủng hộ mình. Bộ phận thiểu số không tán thành mình là chuyện rất bình thường.
Đồng chí Bí thư Thành ủy chỉ ra những căn bệnh cán bộ trẻ dễ mắc phải cần phải tránh để không làm ảnh hưởng đến các mối quan hệ của mình: Tự ti, tư lợi, hiếu thắng, tự cao, háo danh, giả dối, cơ hội, xu thời, bệnh thành tích, hình thức. Một CBLĐT đặt câu hỏi làm sao xử lý tốt mối quan hệ với cấp trên mà không bị mất việc, với ngang cấp và cấp dưới để không “mất phiếu”? Đồng chí Bí thư Thành ủy trả lời: Góp ý với cấp trên mà bị mất việc là do mình kém. Văn hóa ta khác với văn hóa Tây, xử lý mối quan hệ với cấp trên phải khéo léo, có tính thuyết phục.
Nếu phải “đụng chạm” nhưng vì lợi ích chung, vì sự phát triển của đơn vị, của thành phố thì cũng cần thiết. Đụng chạm nhưng đừng đả kích vì động cơ cá nhân, đừng nói cho hả giận. Với người đồng cấp, mình cần có thái độ hợp tác, hỗ trợ nhau chân thành, đừng đóng kịch. Va chạm là không tránh khỏi nhưng để công việc trôi chảy, có hiệu quả thì không nên né tránh. Với cấp dưới, phải có uy tín trong công việc, trong quan hệ với tập thể. Xử lý làm sao không để xảy ra xung đột với cấp dưới. Phải xác định mục đích đấu tranh, va chạm để hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau vì sự phát triển của đơn vị chứ không phải đào hố ngăn cách với nhau.
Trao đổi với CBLĐT, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đồng ý với ý kiến về phương pháp đánh giá cán bộ hiện nay để đề bạt, bổ nhiệm vẫn còn bất cập. Vì vậy, trách nhiệm người đứng đầu trong việc này rất quan trọng. Người lãnh đạo phải nắm được và đánh giá đúng cán bộ trong diện quy hoạch. Một vấn đề quan trọng đối với cán bộ trước khi được đề bạt, bổ nhiệm phải qua thử thách, chứng minh được năng lực, phẩm chất của mình. Quá trình phấn đấu, mỗi cán bộ lãnh đạo phải tạo được dấu ấn cá nhân, “thương hiệu” riêng cho mình.
ĐOÀN SƠN (lược thuật)