.
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TẠI KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XII

Tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về người cao tuổi

.

Chiều ngày 1-6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Người cao tuổi. Đại biểu (ĐB) Nguyễn Bá Thanh, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, chủ trì thảo luận tổ ĐB Quốc hội các tỉnh Bắc Ninh, Đắc Nông, Hòa Bình và thành phố Đà Nẵng.

 


Theo ĐB Huỳnh Nghĩa, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, việc ban hành Luật Người cao tuổi đáp ứng được yêu cầu cấp bách của người cao tuổi về công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi ở Việt Nam trong tình hình mới, tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về người cao tuổi, đáp ứng yêu cầu mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về người cao tuổi của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập... Theo ĐB, cần quy định rõ phạm vi điều chỉnh của luật chỉ với đối tượng người cao tuổi là công dân Việt Nam, không đưa đối tượng người cao tuổi là người nước ngoài vào luật.

Về kỹ thuật lập pháp, ĐB Huỳnh Nghĩa đề nghị cần xây dựng bố cục của luật sao cho hợp lý, ngắn gọn, dễ hiểu, không nên quá dài như dự thảo. ĐB cho rằng, dự thảo luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết quá nhiều vấn đề, mà như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến tính khả thi của luật trong thực tế. ĐB đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu kỹ theo hướng vấn đề gì đưa vào luật được ngay thì nên đưa vào để dễ thực hiện, không nên giao hết cho Chính phủ quy định thì sẽ dẫn đến kéo dài, không kịp thời khi triển khai thực hiện luật trên thực tế. 

ĐB Bùi Thị Bình (Hòa Bình) đề nghị cần quy định thống nhất người cao tuổi bao gồm cả nam, nữ đều từ 60 tuổi trở lên, không nên bao gồm người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam. ĐB đề nghị nên cân nhắc khi giao cho Hội Người cao tuổi nhiệm vụ hoạt động đối ngoại nhân dân, vì các cụ đều đã già yếu.
ĐB Nguyễn Phụ Đông (Bắc Ninh) cho rằng, tất cả những người cao tuổi nhưng đã có chế độ rồi thì thôi, ĐB đề nghị luật nên quan tâm đến đối tượng người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội do Chính phủ quy định.

Mức hỗ trợ nên quy định hằng tháng và không thấp hơn chuẩn nghèo. Về hỗ trợ giảm giá dịch vụ, ĐB cho rằng chỉ nên quy định giảm giá các dịch vụ mà Nhà nước trực tiếp quản lý điều hành, không nên áp đặt các doanh nghiệp cũng phải giảm giá, mà đối với doanh nghiệp chỉ khuyến khích thôi.

Theo ĐB Lương Phan Cừ (Đắc Nông), để dự luật có tính khả thi, đề nghị Ban soạn thảo cần tính toán kỹ khi luật này ra đời thì cần ngân sách là bao nhiêu. Khi quy định vấn đề mừng thọ vào luật thì Nhà nước phải có trách nhiệm.

Đề nghị Chính phủ cần xem xét thêm, tính toán một cách cụ thể các vấn đề như: hình thành 4 cấp thì cần bao nhiêu ngân sách, việc miễn đóng góp các khoản tiền của người cao tuổi lâu nay bao gồm cả các khoản tự nguyện, nay miễn luôn những đóng góp này thì sự tự nguyện của họ thực hiện như thế nào.

HỮU HOA

 

;
.
.
.
.
.