Chiều 18-11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn trả lời chất vấn Quốc hội về một số vấn đề liên quan đến công tác cán bộ, cải cách thủ tục hành chính, thi đua khen thưởng…
>> “Cần công bằng, khách quan với thủy điện”
>> "Báo chí phát triển nhanh về số lượng và chất lượng"
>> Hỗ trợ lãi suất: giải pháp tối ưu; nhập khẩu vàng: quyết định kịp thời
Thi tuyển công chức sẽ cạnh tranh hơn
Trước mối quan ngại của các đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre), Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) về hiện tượng “chạy chức, chạy quyền, chạy danh hiệu” đang tồn tại trong xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn thẳng thắn thừa nhận vấn nạn chạy chức, chạy quyền trong đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn (Ảnh: TTXVN) |
“Dù đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhưng đâu đó vẫn còn kẽ hở”, Bộ trưởng nhận định về một trong những nguyên nhân của tình trạng này.
Bộ trưởng Trần Văn Tuấn thừa nhận, vấn nạn chạy chức, chạy quyền có xu hướng tăng, nhưng việc xử lý không hề đơn giản, khó ở chỗ "có ai báo với ai đâu mà biết". Ông cho rằng, việc một số nơi, một số người chạy bằng cấp để được đề bạt, còn bản thân không có năng lực, không thể không công nhận bằng cấp của các cơ sở giáo dục. Còn việc chất lượng đào tạo kém, Bộ tiếp thu và sẽ bàn với các ngành liên quan.
“Giải quyết vấn nạn này là một việc làm rất khó, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, cả bộ máy chính trị. Hiện tượng này sẽ giảm bớt nếu quá trình tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện đúng các quy định của Đảng, Nhà nước”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết Việt Nam có đầy đủ các chế định pháp lý để xử lý các hiện tượng “chạy chức, chạy quyền”, mọi hành vi “chạy chức, chạy quyền” khi bị phát hiện sẽ bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Trần Văn Tuấn cũng nhấn mạnh đến vai trò của việc phát huy dân chủ trong việc chống chạy chức chạy quyền: “Cần có sự dân chủ, khách quan, lắng nghe các thông tin từ nhiều mặt để xem xét cán bộ thì tình trạng chạy chức, chạy quyền mới giảm”.
Nhằm khắc phục tình trạng một số cá nhân, tập thể ngay sau khi nhận các danh hiệu khen tặng đã phát hiện có những vi phạm, thậm chí bị truy tố, Hội đồng khen thưởng thi đua Trung ương đã nghiên cứu đổi mới phương pháp làm việc để đảm bảo các danh hiệu khen thưởng chính xác, tiêu biểu hơn.
Trước ý kiến của đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận), Dương Thị Thu Hà (Lào Cai) cho rằng công tác thi tuyển công chức trên thực tế bộc lộ nhiều khiếm khuyết, Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới, việc thi tuyển công chức sẽ được tổ chức theo hình thức mang tính cạnh tranh hơn, với những trên tiêu chuẩn định sẵn rõ ràng hơn.
Cải cách hành chính là khâu đột phá
Trả lời chất vấn của đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội), Nguyễn Hữu Phước (Bến Tre) và một số đại biểu về cơ sở cắt giảm 30% thủ tục hành chính (TTHC), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho hay, cải cách TTHC được Chính phủ xác định là một khâu quan trọng, có tính đột phá trong việc tạo lập môi trường lành mạnh, thông thoáng, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và đời sống.
Theo Bộ trưởng Trần Văn Tuấn, việc cắt giảm 30% TTHC được dựa trên cơ sở khoa học, có tham khảo từ kinh nghiệm thực tế của nhiều nước trên thế giới; các bộ, ngành, địa phương đều khẳng định có thể cắt giảm được ít nhất 30% TTHC.
Việc cắt giảm TTHC luôn đảm bảo nguyên tắc quản lý chặt chẽ; không phải cắt giảm rồi dẫn đến quản lý lỏng lẻo, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn nhấn mạnh.
Thông qua việc rà soát thủ tục hành chính, sẽ tiến hành một bước khá quan trọng là xem xét đánh giá một số thẩm quyền của cơ quan hành chính các cấp theo hướng loại bỏ một số công việc không nhất thiết phải làm, thay đổi các quy định về trình tự, về thời gian giải quyết hoặc phân cấp những công việc đó cho cơ quan cấp dưới giải quyết theo phương châm sát dân và tạo thuận lợi hơn cho nhân dân.
Về lý do lựa chọn giải pháp cắt giảm thủ tục hành chính làm khâu đột phá cải cách thủ tục hành chính mà không chọn khâu đội ngũ bộ máy hành chính, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn giải thích hoạt động cắt giảm thủ tục hành chính không chỉ là cần thiết từ nhu cầu nội bộ mà còn nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập của hoạt động hợp tác quốc tế trong phát triển kinh tế, xã hội. Đây là quyết định được Chính phủ đưa ra sau khi đã bàn bạc kỹ lưỡng của tập thể.
Chinhphu.vn - TTXVN - ĐNĐT