.

Diệt dây leo bìm bìm, cứu Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà

.

(ĐNĐT) - UBND thành phố Đà Nẵng vừa giao Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố xử lý thí điểm 10ha dây leo bìm bìm đang bao phủ Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà

Dây leo bìm bìm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà

UBND thành phố Đà Nẵng vừa có văn bản đồng ý cho Bộ chỉ huy Quân sự thành phố xử lý thí điểm 10ha dây leo bìm bìm thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (khu vực đất lâm nghiệp chưa giao cho các đơn vị hoạt động du lịch). Bộ chỉ huy Quân sự thành phố tổ chức cuộc họp thống nhất ý kiến với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ trước khi thực hiện. Theo Bộ Chi huy Quân sự thành phố, việc xử lý loại dây leo này sẽ được thực hiện bằng phưng pháp thủ công. Theo đó, 100 cán bộ chiến sĩ sẽ thực hiện phát quang theo 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu, dùng rựa chặt dây, chờ khô tập trung đốt. Giai đoạn hai, dùng dầu nhớt đổ vào gốc bìm bìm đã chặt dây, đào xung quanh gốc bỏ muối xuống cho rễ thối. Giai đoạn ba, kiểm tra lần cuối, nếu phát hiện còn sống thì tiếp tục xử lý cho đến khi chết hẳn.

Trước đây, các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố đã nhiều lần tìm cách xử lý loại dây leo này nhưng không thành công. Tháng 11-2008, UBND thành phố cũng đã quyết định chi 100 triệu đồng để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành xử lý dây bìm bìm trên diện tích 80ha tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Tuy nhiên, đến nay, dây leo bìm bìm vẫn tiếp tục lan rộng, lấn át và che phủ các loại cây khác, làm thay đổi hệ sinh thái và thậm chí gây chết rừng. Từ khoảng 500ha trong tổng số 4.370ha rừng ở bán đảo Sơn Trà bị dây bìm bìm bao phủ vào năm 2008, đến nay con số này đã lên tới gần 1.000ha.

Ngoài bán đảo Sơn Trà, loại dây leo này còn “tấn công” các khu rừng khác tại Đà Nẵng như Hải Vân, Hòa Phú, Hòa Bắc.

Theo tài liệu của Hạt kiểm lâm liên quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn, loại dây leo ở bán đảo Sơn Trà là loài Bìm Bìm Bois, có tên khoa học là Merrenaia boisiana. Đây là loại bản địa ưa sáng, mọc nhanh, có dây leo rất to, đường kính thân 5-8cm; có khả năng tái sinh chồi rất nhanh và mạnh, mọc lấn áp cây rừng và cây trồng khác, chiếm lĩnh tầng tán, che khuất ánh sáng làm cho cây trồng sinh trưởng chậm và có nguy cơ chết dần.

Đ.N

;
.
.
.
.
.